Cách đây bảy năm, con suy nghĩ: Chúng ta sinh ra, lớn lên, học tập, làm việc, lập gia đình, sinh con đẻ cái rồi lại già chết đi, hay là… cuộc đời này chỉ có vậy và nó luôn hiện hữu. Thế rồi, con quyết định xuất gia đi tìm ý nghĩa sự sinh ra của chính mình. Con rời gia đình, rời căn phòng thân thuộc, vội vã bước qua một thế giới mà không có hành trang nào đem theo. Điều này không mang ý nghĩa hối hận mà nó cũng giống như bạn quán chiếu về sự chết mỗi ngày, quán chiếu hơi thở mỗi ngày bạn sẽ rõ đường đi của nó rồi bạn đi vào nó như con đường quen lối vậy. Ngược lại, vẫn con đường y như thế nhưng ta đi thật không dễ dàng chút nào. Cho nên, khó khăn chông chênh có mặt chúng đủ mạnh làm con chao đảo. Khi cầm trên tay quyển “Nói với người xuất gia trẻ và viết thêm cho người xuất gia trẻ, ” với lời lẽ chân phương như một người Thầy, người chị đang bảo ban đứa em sơ tâm giúp con vững tâm đi tiếp: “Tôi đã đi ngang qua những chặng đường như thế rồi, nên tôi hiểu họ.” Hôm nay, nghe báo đài đưa tin Thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, con lại mở quyển sách cũ ấy ra đọc để tưởng nhớ về Người.
Bồ-đề tâm kiên cố. Quyết định lớn tiếp theo của con là vào Phật học viện. Nơi đây con có nhiều hơn một vị Thầy để học hỏi, nhưng người Thầy ảnh hưởng con nhiều nhất vẫn là Thiền sư Nhất Hạnh. “Trong suốt 54 năm qua, từ ngày tôi xuất gia, Bồ-đề tâm của tôi chưa bao giờ bị lung lay cả. Vì vậy cho nên, tôi tự cho là một ông thầy tu có hạnh phúc. Hạnh phúc căn bản nằm ở chỗ tâm Bồ-đề chưa bao giờ bị lay chuyển. Tâm Bồ-đề của tôi chưa bao giờ bị lay chuyển, điều đó không có nghĩa là trên con đường học đạo và hành đạo, tôi chưa bao giờ gặp những khó khăn hoặc những sự kiện có thể làm cho mình nản chí, bi quan mà mất đức tin.” Quyết định thứ hai này trở thành nỗi khó khăn mà bản thân con không đủ sức tự đương đầu, thật xấu hổ nhưng sự thật đúng như vậy, nhớ lời dạy của Người con giữ vững tâm Bồ-đề. Dưới sự soi sáng của chư Phật, chư Bồ-tát và kiên định với con đường đã chọn con gặp được những vị thiện tri thức hướng dẫn dìu dắt con vượt qua và đi tiếp. Giờ đây nhìn lại, con nhận ra rằng trong hoàn cảnh nào năng lượng tâm Bồ-đề không được lay chuyển, năng lượng này có mặt thì ta mới có đủ nghị lực. Bởi dù ta có giỏi đến đâu có chuẩn bị kĩ lưỡng thế nào? điều bất như ý vẫn đến và đi như một lẽ tự nhiên và nó cũng chính là điều kiện căn bản của hạnh phúc. Mình có đủ hạnh phúc thì mới lan tỏa ngọn lửa ấm áp này cho mọi người.
“Phải tỉnh thức lại, phải thấy được trúc tím, hoa vàng, trăng trong, mây trắng.” May mắn con tìm được con đường đi cho mình, dù lắm lúc như đứa trẻ chập chững tập đi nghiêng bên phải quẹo bên trái. Vì vậy, trên hành trình dài của riêng mình con vẫn bị phiền não quấy rối làm cho điêu đứng, đây cũng là dấu hiệu cho biết con chưa chuyển hóa hết chúng, chưa nắm rõ cơ chế vận hành của chúng. Lúc này ý thức con khởi lên lời dạy của Người từ tàng thức, không tránh né xua đuổi phiền não mà phải ôm ấp nhìn sâu vào nó như một phần của mình. À, thì ra “phải tỉnh thức” chính là chánh niệm, nhờ chánh niệm có mặt ta mới đủ sức ôm ấp sự quấy rối kia. Do đó, con biết rằng mỗi khi đương đầu với nghịch cảnh là con đang có cơ hội thực hành, giá trị của thực chứng “trúc tím, hoa vàng, trăng trong, mây trắng” là đây. Lúc này con chợt nhớ lại bốn câu thơ:
Con Bướm vàng đã thôi không đậu nhánh mù u
Em đã không lấy chồng để lời ru vui trở lại
Để câu hò bên sông không còn nỗi buồn xa ngái
Để Pháp Phật có Người gìn giữ một tàng kinh.
Dù không có lời nào nói đến vai trò nữ giới trong vấn đề tu tập. Nhưng chính câu thơ cuối như sự gửi gắm, lời khẳng định Ni chúng cũng là người gìn giữ Pháp của Phật. Và không ít lần trong các ấn phẩm của mình Người nhắc đến các Sư chị đã thọ giới lớn tại Làng Mai rất thành công trong việc thực hành nếp sống tỉnh thức. Con lại càng vững tin vào con đường mình đang đi.
Rồi sáng nay 25/01/2022 dự lễ tưởng niệm Người tại Tổ đình Ấn Quang, trong không khí trầm mặc của buổi lễ lời của Ngài quyền Pháp chủ thượng Trí hạ Quảng vang lên “… Thầy chủ trương nếu chúng ta có làm gì cho xã hội thì xã hội mới biết đến đạo Phật, mới quý trọng đạo Phật là đạo của trí tuệ, đạo của giác ngộ cho… Hôm nay Ngài lại trở về quê mẹ và viên tịch ở Tổ đình Từ Hiếu là nơi mà Ngài đã xuất thân tu học, trở thành một người tu sĩ của Phật giáo. Đối với Tổ đình Ấn Quang đối với Tăng Ni miền Nam trong lòng luôn nghĩ tới Thiền sư…”. Đọc lại quyển sách xưa, lắng nghe lời Ngài quyền Pháp chủ, con biết Người vẫn còn đây trong từng trang sách Người viết, trong bước đi “chánh niệm” của Đại chúng, trong pháp hành của riêng con. Trong nỗi niềm thương tưởng, con lại ngân nga bài thơ của Người:
Gió vẫn còn bay con biết không
Khi mưa xa tiếp áng mây gần
Hạt nắng từ cao rơi xuống thấp
Cho lòng đất thấy bầu trời trong
Ta vẫn còn, đến đi thong dong
Có không, còn mất, chẳng băn khoăn
Bước chân con, hãy về thanh thản
Không tròn, không khuyết, một vầng trăng.
Uyển Nhã (ĐSHĐ-101)
Diễn đọc: Sc Huệ Pháp