Đại hội Hoằng pháp toàn quốc tại Phật học viện Nha Trang năm 1962, trước chư Tôn đức Tăng – già nhị bộ và nam nữ cư sĩ Phật tử gần 200 đại biểu, Sư trưởng Như Thanh đã dõng dạc đề nghị: “Ngoài đoàn giảng sư của chư Tăng nên lập một đoàn hoằng pháp lưu động toàn quốc do Ni chúng phụ trách.” Mặc dù Hòa thượng Trí Thủ có ý kiến: “Ni chúng lo việc từ thiện xã hội như Cô nhi, Ký nhi… Còn việc hoằng pháp thì để cho bên Tăng đảm trách”. Vâng lời Hòa thượng, nhưng Sư trưởng xin được phụ trách cả hai với lời đề xuất: “Vị Ni nào có khả năng giảng diễn thì diễn giảng, vị Ni nào có khả năng về từ thiện xã hội thì làm việc từ thiện xã hội.” Và chính bản thân Sư trưởng đã làm được cả hai việc ấy. Có thể nói nhờ khí phách hùng hồn và lập luận vững chắc với lời lẽ hết sức thuyết phục, Sư trưởng đã tạo tiền đề cho Ni giới có được nhiều cơ hội để đi hoằng pháp cũng như công tác thiện nguyện khắp nơi như hiện nay.
Kế vãng khai lai, công tác thiện nguyện luôn được Ni giới xem là công tác trọng tâm, con số thiện nguyện lên đến hàng tỷ đồng, từ phiên chợ không đồng do Phân ban Ni giới các quận huyện nối nhau tổ chức đến chuyến viếng thăm tại 3 tỉnh miền núi Tây Bắc, từ ngày 19/10 đến 24/10/2023 (nhằm ngày 5/9 – 10/9 năm Quý Mão) do Ni trưởng Thích Nữ Nhật Khương – Uỷ viên Thường trực HĐTS, Trưởng PBNG Trung ương làm Trưởng đoàn. Phái đoàn đã đến 2 điểm tại xã Trung Thịnh, huyện Xí Mần, tỉnh Hà Giang thăm và trao tặng 500 phần quà cho hộ nghèo, 180 phần quà cho các em học sinh tại đây gồm đệm ngủ, bánh ngọt và sữa tươi. Tiếp đến đoàn tiếp tục di chuyển đến cột cờ Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai và Ủy ban nhân dân xã Mường Hum, huyện Bát Xát, Lào Cai. Tặng 500 phần quà cho hộ nghèo và 500 phần quà cho học sinh tại Lào Cai gồm tập vở, bánh ngọt và sữa tươi. Bánh xe của đoàn tiếp tục lăn bánh đến Yên Bái, có mặt tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải và xã Lao chải, tỉnh Yên Bái. Trao tặng 500 phần quà cho hộ nghèo, 300 chăn, 500 bánh ngọt cùng 500 lốc sữa tươi cho 500 học sinh tại 2 xã.
Tại mỗi địa điểm NT. Nhật Khương gửi lời thăm hỏi cũng như động viên đến người dân đồng bào 3 tỉnh miền núi Tây Bắc. Trên hết, phái đoàn đã vượt hơn 2.000km từ TP.HCM đến đây, nhằm chia sẻ với bà con về những khó khăn mất mát trên tinh thần người con đất Việt “lá lành đùm lá rách”. Mỗi nơi gom góp một ít tịnh tài tịnh vật để bù đắp phần nào những buồn lo, vất vả của người dân khi trải qua thiên tai. Được biết kinh phí cho tổng giá trị phần quà của cả chuyến đi là 1, 8 tỷ đồng.
Gần đây, chư Ni tỉnh Tiền Giang, do Thượng tọa Thích Quảng Lộc – Ủy viên HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang làm trưởng đoàn đã có chuyến hành hương về nguồn trên đất Ấn. Khi đến đảnh lễ tại Bồ Đề Đạo Tràng, đoàn đã dành thời gian thăm ngôi làng mà năm xưa có người phụ nữ tên Sujata đã dâng cúng bát cháo sữa cho Đức Phật trước khi Ngài thành đạo. Để niệm ân sự cúng dường tối thượng của nàng Sujata đến Đức Thế Tôn, dưới sự hướng dẫn của Thượng tọa Thích Quảng Lộc, đoàn đã tổ chức trao tặng 500 phần quà với tổng trị giá trên 100 triệu đồng (gồm gạo, bột thực phẩm, khoai tây và tiền mặt) đến bà con trong làng Bakrour. Sau đó đoàn đã vào các thôn nhỏ lân cận để nghiệm thu và bàn giao 9 giếng nước (mỗi giếng trị giá 9 triệu đồng).
Tại mỗi điểm bàn giao giếng nước, chư Tôn đức và quý Phật tử trong đoàn cũng dành tặng quà bánh và tiền mặt cho người dân.
Với tinh thần tri ân và báo ân trong đạo Phật nói riêng và tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc nói chung. Các công tác thiện nguyện đã góp phần làm cho cuộc sống càng thêm nhiều ý nghĩa. Tri ân và báo ân luôn là việc làm tốt đẹp trong mọi thời đại. Nhất là trong tiết trời nhân loại hòa ca trước thềm xuân Di Lặc này.
Vu Kiệt (ĐSHĐ- Xuân Giáp Thìn)