Như bao ngôi chùa khác tại miền Tây sông nước. Đây là ngôi chùa nhỏ, nói vùng sâu thì cũng không đúng, vì đây là tỉnh huyện. Ngôi chùa có cũng từ rất lâu, cách đây khoảng 50 năm thì ngôi chùa còn là một cái chồi lá của một Sư cô về đây cất lên để tu tập. Là vùng quê thanh bình, người dân biết đạo, mọi người bảo nhau cùng hùn phước xây chùa cho mọi người lại tụng kinh, cầu nguyện. Cứ như thế, mỗi người hùn xi măng, gạch, đá, cát,… Ai có công thì xắn tay vào xây dựng, ai có vật liệu thì góp vào. Ngôi chùa nhỏ hoàn thành không lâu sau đó từ công sức của bà con vùng sông nước.
Không biết từ bao giờ, ngôi chùa trở thành nơi tụ họp của người dân sau những buổi hoàn mãn khóa tụng kinh Tịnh Độ. Cứ mỗi thời tụng kinh xong, người đem khoai, người đem bắp đến để cùng luộc ăn. Trẻ con có, người lớn có, những cụ lớn tuổi càng đông đủ. Mọi người quây quần bên Sư cô trụ trì để nghe Sư cô kể những câu chuyện cổ Phật giáo sau một ngày làm việc mệt mỏi. Dường như vùng quê trở nên ấm cúng hơn bao giờ hết, tình thầy trò cũng làm người ta cảm thấy gần gũi, mộc mạc với bao niềm tôn kính.
Hôm nay là ngày 23/12 âm lịch, như thường lệ mọi năm. Tiểu Ánh – một cô tiểu nhỏ của chùa đi chợ sắm những vật dụng cần thiết để tối sau khi hoàn mãn thời Tịnh Độ thì Sư phụ sẽ đưa chư Thiên về trời. Hôm nay buổi trưa sẽ dọn thêm bàn cúng vong cho một gia đình Phật tử. Cuối tháng 12, cái lạnh của những cơn gió bấc thổi tới. Tuy mặc áo ấm nhưng tiểu Ánh vẫn thấy lạnh đến trong sương. Trong ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ của một cô tiểu sắp bước vào tuổi 14. Em vừa đi vừa hát “em yêu chú tiểu ngây thơ, biết vì sao chú lại ở chùa… ”, cái lạnh vì thế, cũng bớt đi phần nào với sự năng động, hồn nhiên đó. Bất chợt, một hình ảnh xuất hiện làm tiểu Ánh khựng lại nhìn. Đó là hình ảnh một bé trai trạc tuổi tiểu Ánh, và một bé gái khoảng 8 tuổi. Có lẽ đó là hai anh em – tiểu Ánh suy nghĩ.
Trầm ngâm một hồi với sự quan sát, những hình ảnh chi tiết đập vào mắt em chính là hai anh em với một ổ bánh mì cứng có lẽ đã mấy ngày. Trời lạnh nhưng sao hai anh em lại không mặc áo ấm, ngồi co ro xé từng miếng bánh mì đưa vào miệng nhai một cách ngon lành. Nhưng sự nhăn nhó, co ro vì lạnh làm em thấy cũng chạnh lòng. Em nghĩ thầm:
“Cũng cùng tuổi với mình, như bao bạn khác, nhưng sao hai bạn này lại không được mặc áo ấm, phải ăn bánh mì cứng mà còn phải đi bán vé số trong trời lạnh thế này nữa.” Tiểu Ánh đến gần hỏi:
– Hai bạn lạnh không sao ngồi đây? Hai bạn không có áo ấm mặc hả?
Em bé trai với ánh mắt buồn, vô tư trả lời:
– Tui không có áo ấm mặc, mẹ nói mặc hai cái áo là đỡ lạnh rồi.
Tiểu Ánh bặm môi lại, thở phào một cái:
– Tui mặc áo ấm mà còn lạnh nữa, bạn mặc áo không à chắc lạnh lắm hả?
Bé trai long lanh ánh mắt, với nỗi niềm trong lòng, em im lặng một hồi rồi bật thành tiếng trong sự ngẹn ngào, rưng rưng có chút tủi thân:
– Lạnh chứ, nhưng mẹ không có tiền mua áo mới. Nhà hết gạo rồi nên mẹ để dành tiền mua gạo.
Nói xong, em cầm chặt vé số trên tay với ánh mắt xa xăm về phía cửa hàng trang phục, đồ chơi bên đường. Ánh mắt xa xăm, trầm ngâm trong niềm hy vọng gì đó.
Sực nhớ lại Sư phụ đợi mua đồ về để trưa cúng vong, tiểu Ánh tạm biệt bạn để đi nhanh ra chợ mua đồ về sớm, không thôi Sư phụ trông. Trên quãng đường đi đó, Tiểu không hát hò như trước, mà luôn nghĩ đến hình ảnh hai người bạn vừa gặp.
– Dạ cô Bảy ơi, bán cho con bó bông cúc vàng ạ – tiểu Ánh nói.
Cô Bảy với sự bận rộn những ngày cuối năm bán hoa Tết:
– Tiểu Ánh đi chợ cho Sư phụ hả con, mấy ngày nay bán tới khuya cô không có đi vào chùa tụng kinh được. Về nói với Sư phụ nghe con. Nè con! Cô Bảy gởi Sư phụ vài trái bắp luộc nghe.
Xong cô quay sang Cu Tí nói vọng vào:
– Cu Tí ăn lẹ đi con, ăn gì mà sáng giờ chưa xong nữa, mỗi lần ăn là từ chuối trồng tới chuối trổ, để lạnh ngắt lạnh tanh không hà.
Cu Tí là con trai của cô Bảy, năm nay cũng 13 tuổi, mỗi tối hay được cô Bảy dắt đi chùa chơi. Nhìn Cu Tí vừa ăn tô nui dang dở, ngồi xem ti vi, tay cầm cuốn truyện tranh đọc với tiếng cười giòn giã. Làm tiểu Ánh nhớ đến hai người bạn lúc sáng. Trên đường về, tiểu Ánh vẫn liên tưởng đến hai hình ảnh với hai hoàn cảnh đó, như một nút thắt trong lòng khiến em không tài nào bỏ qua trong tâm trí của một cô Tiểu ngây thơ.
Tới cổng chùa, tiểu Ánh nhìn vào trong sân đã thấy Sư phụ trông về phía cổng, nơi tiểu Ánh đang đi.
– Sao bữa nay đi chợ lâu vậy con, Sư phụ thấy lâu quá trông không biết đi đứng chạy nhảy té giống hôm bữa không nữa.
Câu nói của Sư phụ cũng bình thường và hiển nhiên, bởi mới đây mấy ngày trước, tiểu Ánh còn chạy giỡn với cái Hoa, cái Thanh. Mấy bạn nhỏ sang chùa chơi, rồi chạy nhảy. Tiểu Ánh với cái quần rộng thùng thình do… dãn dây thun nên đang chạy giỡn rồi đạp ống quần té trầy xước hai bên đầu gối với khuỷu tay. Rồi Sư phụ mới xức thuốc cho và la không được chạy giỡn như vậy nữa.
– Dạ thưa Sư phụ hồi nãy con đi chợ con gặp hai người bạn Sư phụ ơi, mà con thấy tội lắm. – Vừa nói tiểu Ánh vừa ôm Sư phụ.
– Chuyện sao con nói Sư phụ nghe nè.
– Dạ con thấy ngoài kia có những đứa trẻ sống đầy đủ, sung túc được cha mẹ nuông chiều, ăn uống đồ ngon, đồ mặc đầy đủ nhưng lại bướng bỉnh không nghe lời, không thấy vui, đòi hỏi những cái tốt đẹp hơn. Có những đứa trẻ thiếu thốn, ngày Tết cận kề phải đi bán vé số, ăn bánh mì cũ, không có áo ấm mặc nhưng lại ngoan, biết phụ giúp mẹ kiếm tiền. Có phải cuộc sống này quá bất công không Sư phụ?
Với ánh mắt từ bi, dịu dàng, Sư phụ vuốt đầu tiểu Ánh nói:
– Con biết không, những đứa trẻ hiện tại ngoan, biết nghe lời cha mẹ, mặc dù hiện tại cuộc sống sẽ khổ cực, khó khăn. Nhưng nhận biết được sự khó khăn đó mà chịu khó cần cù học tập, lao động, ngoan ngoãn mà sau này các bạn nhỏ đó sẽ thành công. Còn những bạn nhỏ mặc dù được sống trong điều kiện đầy đủ, có sự ăn ngon, mặc đẹp mà không biết trân quý, lại bướng bỉnh không nghe lời cha mẹ thì sau này sẽ không được thành công bằng những đứa trẻ ngoan, biết tự lập. Cái gì cũng có cái nhân rồi đến cái quả biết không con. Tuy khó khăn nhưng mà cần cù siêng năng, vâng lời cha mẹ thì sau này sẽ cho ra quả ngọt là tính tự lập, thành công và hiếu thảo. Còn những đứa trẻ gieo trồng cái nhân ham chơi, không biết trân trọng khi được ăn uống đầy đủ, đồ mặc sung túc, không nghe lời cha mẹ thì sau này sẽ dễ hư, sự học cũng khó thành bởi chỉ lo chơi, có thói quen ỷ lại vào cha mẹ, không biết phụ giúp cha mẹ thì sau này khi xa vòng tay cha mẹ sẽ không biết nương tựa vào đâu, cũng như ỷ lại vào cha mẹ mà không lo tự lập nghiệp. Con thấy đó, hoàn cảnh sẽ thúc đẩy con người, nhưng con người xấu hay tốt, một phần đều do sự dạy dỗ của cha mẹ, do quá nuông chiều. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của những đứa trẻ có biết san sẻ công việc, yêu thương cha mẹ mà biết vâng lời hay không nữa.
Nói đến đây, tiểu Ánh đã hiểu lời Sư phụ, vẻ mặt cô Tiểu tươi hẳn, bớt đi sự trầm tư của lúc vừa đi chợ về. Em chợt hiểu rằng, việc gì cũng có nhân quả của nó, và trong cuộc sống thường ngày, phải biết gieo những cái nhân tốt như: cố gắng học tập, tinh tấn công phu, tu tập theo lời Sư phụ dạy, yêu thương mọi người xung quanh để ngày càng tốt hơn, và đó là những nguyên nhân dẫn đến thành công sau này. Tiểu Ánh thưa Sư phụ:
– Dạ con nhớ lời Sư phụ dạy rồi ạ.
Thưa Sư phụ xong, tiểu Ánh chạy vào phòng ngủ, lại gần chiếc tủ gỗ cũ, nhỏ. Đây là nơi tiểu Ánh để đồ của mình. Những bộ đồ được gấp lại kỹ càng ngăn nắp, chừng đâu cũng 3, 4 bộ đồ cũ. Nhưng trong ngăn kéo nhỏ là hai cái áo khoác bằng len màu nâu và màu lam được gói trong một cái bịch đã cũ nhưng gấp gọn gàng. Đó là hai cái áo khoác của một Sư cô ở trên thành phố về thăm các ngôi chùa quê đã tặng em vào năm ngoái. Vì áo khoác của em chưa rách nên tiểu Ánh chưa đổi áo, vì thế, mà em vẫn còn hai cái chưa mặc tới, được em nâng niu, cất giữ. Tiểu Ánh cầm hai cái áo khoác cùng bịch bánh Oshi ngay đầu giường của mình để vào một cái bịch.
Em chạy ngay đến chỗ lúc sáng, nơi gặp hai người bạn của mình. Với nụ cười hồn nhiên:
– Tặng bạn nè, mùa đông này lạnh lắm, hai bạn mặc cho ấm nha.Dưới ánh nắng ban mai, những tia nắng len lỏi qua tán cây làm nên sự lung linh diệu kỳ của tạo hóa. Hòa với tiếng chim ríu rít gọi mùa xuân. Dưới tán cây của sự yêu thương, san sẻ ấy. Ba con người đã gặp nhau dưới cái lạnh của gió bấc. Thế nhưng, không phải sự ấm áp đến từ ánh nắng, mà đến từ tình người, cái gọi là sự quan tâm, san sẻ và cho đi…
Huệ Giác
Diễn đọc: Sc Huệ Pháp