Ngược dòng thời gian, Phật giáo đã đồng hành cùng dân tộc qua các trang sử. Chư Tôn đức Tăng Ni tiền bối đã tạo nên những nét vàng son. Đặc biệt ở Cần Thơ, Ni trưởng thượng Diệu hạ Kim đã để lại cho hậu bối sự cảm phục về chí nguyện hoằng truyền Phật pháp và tinh thần nhập thế cao cả. Ni trưởng mãi là tấm gương cho hàng hậu học Ni lưu noi theo. Tiếp nối chí nguyện nhập thế, đem đạo vào đời, Ni sư thượng Trí hạ Phát đã “kế vãng khai lai”. Ni sư thực hành hạnh Bồ-tát đạo, cưu mang trẻ em mồ côi. Hạnh nguyện lắng nghe, cứu khổ ban vui của Ni sư đã cứu giúp nhiều mảnh đời bất hạnh lúc bấy giờ. Đọc lại lịch sử, người đọc có thể ôn lại những hạnh nguyện lợi tha của quý Tôn đức Tiền bối, từ đó thắp lên những ngọn lửa hào khí Kiều Đàm Di.
Ni trưởng Diệu Kim
Đầu thế kỷ XX, số lượng nữ tu sĩ dần đông, ảnh hưởng và đóng góp vào sự phát triển của xã hội bấy giờ. Từ năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đất nước bước vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Trong bối cảnh như vậy, Phật giáo cũng có nhiều khởi sắc. Thời kỳ này, những bậc Ni tài xuất hiện ở cả ba miền Bắc – Trung – Nam. Trong không khí sôi nổi của sự nghiệp chấn hưng Phật giáo, các trường hạ, các lớp Phật học gia giáo được Ni giới đẩy mạnh. Trong một thời gian ngắn, Ni giới miền Nam đã thành lập nên hệ thống giáo dục rộng khắp. Đây là nền móng ban đầu để hình thành các cơ sở quy mô lớn trên lĩnh vực giáo dục Ni chúng sau này. Trong số đó, phải kể đến lớp gia giáo tại chùa Bảo An do Sư bà Hồng Tích – Diệu Kim (nguyên Cố vấn Ni bộ Bắc tông) thành lập. Sư bà xuất gia với Hòa thượng Như Hiển – Chí Thiền tại chùa Phi Lai ở Châu Đốc. Hòa thượng đã đặt cho Sư bà pháp tự Hồng Tích, pháp danh Diệu Kim (còn được gọi là Sư bà Bửu Kim). Sau thời gian ươm mầm sự nghiệp giáo dục tại Trường Ni Giác Hoa, Sư bà bắt đầu đi thuyết giảng từ năm 1932, lúc này “Ni sư mới hăm bốn tuổi, như vậy được coi là Ni tài sáng giá1”. Vào năm 1935, tại tuần lễ chay ở huyện Cầu Kè, Sư bà đã được quý Hòa thượng đề cử là một trong bảy vị Pháp sư thuyết giảng trong bảy, ngày nhằm tăng thêm khí thế cho phong trào chấn hưng Phật giáo. Tờ báo Lục Tỉnh Tân Văn xuất bản năm 1935 không tiếc lời khen ngợi: “Sư cô Bửu Kim là nhân tài Phật giáo, từng làm việc xã hội, đội mão hiệp chưởng thuyết pháp2”.
Năm 1937, Sư bà Diệu Kim được Tổ Khánh Anh đề cử Trụ trì chùa Thiên Phước ở Tân An (nay là tỉnh Long An). Ở đây, Sư bà không ngừng giảng Kinh Pháp Hoa với chức vụ Thiền chủ kiêm Pháp sư giảng dạy ba tháng Hạ.
Năm 1938, Sư bà về Trụ trì chùa Giác Hoàng ở Tham Tướng, Cần Thơ. Tại đây, Sư bà mở trường gia giáo giảng dạy cho Ni chúng, Phật tử.
Năm 1939, Sư bà được thỉnh mời về trú trì chùa Quan Âm, Sa Đéc. Với một lòng trùng hưng đạo pháp không ngừng nghỉ, Sư bà trùng kiến ngôi cổ tự rất trang nghiêm. Dường như nơi nào có bước chân vân du của Ngài đặt đến thì nơi ấy sẽ thấm nhuần công hạnh cũng như hạnh nguyện của Ngài, đạo pháp từ đó mà hưng thịnh.
Đến năm 1940, sau khi giao lại cho các đệ tử trông coi những ngôi già lam trên, Sư bà được thỉnh mời về Trụ trì chùa Bảo An ở Cần Thơ3. Tại điểm dừng chân cuối cùng này, Sư bà đã thực hiện lợi tha không mệt mỏi. Người đã thế độ xuất gia cho hàng trăm Ni chúng tại đây. Rất nhiều bậc pháp khí của Phật giáo cũng từ đây mà tham gia lãnh đạo trong Giáo hội Ni giới khắp miền Nam như Ni trưởng Trí Thuần (Trụ trì chùa Dược Sư), Ni trưởng Trí Hòa (Giám thị Ni viện Dược Sư, Ủy viên Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh), Ni trưởng Trí Phát (Giám đốc Cô nhi viện Diệu Quang, Ban Giảng huấn Ni viện Từ Nghiêm), Ni trưởng Trí Nguyện (chùa Phổ Đức, Mỹ Tho), Ni trưởng Trí Định (Giáo thọ Ni viện Dược Sư), Ni trưởng Trí Thông (Kiểm soát viên Ni bộ Nam Việt), Ni trưởng Trí Hải (Quản chúng Ni viện Từ Nghiêm4), …
Như vậy, trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Ni trưởng xứng đáng là một danh Ni hoạt động tích cực với tinh thần nhập thế. Ni trưởng đạt được những kết quả đáng trân trọng qua việc phát triển đội ngũ Ni giới tại lớp gia giáo ở chùa Bảo An và đặc biệt hàng đệ tử xuất gia đều là pháp khí thiền môn.
“Năm 1958, Ni trưởng giữ chức Cố vấn tối cao Ni bộ Nam Việt5”. Vào năm 1976, một ngôi sao đã vụt tắt, Ni trưởng xả bỏ báo thân, 68 tuổi đời, 52 tuổi đạo.
Lớp gia giáo chùa Bảo An đã trở thành một trong 12 trường gia giáo, lớp Phật học được mở tại Bổn tự trong thời kỳ khởi nguyên (1920-1956) ở miền Nam. Chùa như chứng tích lịch sử khắc ghi một giai đoạn hoằng đạo của bậc Ni lưu kiệt xuất, vị nữ Pháp sư sớm nhất trong Ni giới Nam Việt. Ni trưởng mãi là tấm gương, là động lực để hàng Ni giới bước ra khỏi hình hài người nữ nhỏ bé để cống hiến sức mình vào sự thịnh suy của đạo Phật.
Ni sư Trí Phát
Các đệ tử của Sư bà Diệu Kim đều có hạnh nguyện, phụng sự cống hiến cho Giáo hội. Đặc biệt trong số đó phải kể đến Ni sư Trí Phát (1922-19866), thế danh Nguyễn Thị Kim Liên, pháp danh Nhật Liên thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41, Tông phong Phi Lai miền Tây Nam Bộ. Ni sư là đệ tử thế phát xuất gia của Ni trưởng Diệu Kim tại chùa Quan Âm, Sa Đéc.
Ni sư sinh năm Nhâm Tuất (1922) tại xã Phú Mỹ, tỉnh Định Tường. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Tấn Mau, thân mẫu là cụ bà Huỳnh Thị Cửu. Nhân duyên với Phật pháp từ nhỏ, Ni sư thường tụng kinh tại chùa Long Hội ở gần nhà. Đến năm 18 tuổi, Ni sư được song thân cho phép xuất gia tu tập tại chùa Quan Âm. Được sự chấp thuận của Bổn sư, Ni sư đã theo học tại Phật học đường Phật Quang, Bang Chang, Trà Ôn năm 1945. Năm 1951, Ni sư thọ giới Tỳ-kheo-ni tại chùa Tăng Già (nay là chùa Kim Liên, quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh7). Với lòng khát ngưỡng giáo pháp, Ni sư đã đến chùa Phổ Đức ở Mỹ Tho và Ni trường Từ Nghiêm ở Sài Gòn để tu học. Sau thời gian này, Ni trưởng đảm trách chức vụ Ban Giảng huấn Ni trường Từ Nghiêm.
Năm 1963, trước pháp nạn Phật giáo, Ni sư đã cùng chư Tôn đức Tăng Ni thời bấy giờ tham gia những hoạt động tranh đấu, bảo vệ Phật giáo và dân tộc. Ni sư đảm trách nhiệm vụ liên lạc truyền tin, sau đó bị tạm giam tại Rạch Cát – quận 8. Sau một tháng, Ni sư được thả tự do và tiếp tục tranh đấu cho Phật giáo nước nhà.
Năm 1964, một cơ duyên và cũng từ đó mở ra trang mới cho hạnh nguyện nhập thế: Ni sư đã xây dựng Ni viện Diệu Quang ở dưới cầu An Lạc, huyện Bình Chánh, gần Chợ Lớn (nay là quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh). Cũng trong năm này, Ni sư đã cùng với đoàn chư Tôn đức Tăng Ni cứu trợ bão lụt miền Trung. Sau khi chứng kiến thiên tai bão lụt, đồng bào đói khổ, trẻ em mồ côi, Ni sư đã dang tay đón một số em trong đợt thiên tai này vào Ni viện nuôi dưỡng. Với lòng từ bi của người con gái Đức Phật, Ni sư cũng đón nhận rất nhiều em bé không nơi nương tựa ở các vùng khác.
Vào năm 1968, trong lúc nhân dân còn nhiều khó khăn, Ni sư một lần nữa đã tiếp nhận, giúp đỡ đồng bào tỵ nạn ở các nơi về chùa. Đây chính là tinh thần vô úy, bất khuất, nhập thế tích cực của chư Ni cũng như hàng Nữ giới Phật giáo trong hoàn cảnh rất khó khăn lúc bấy giờ. Có thể nói, ngoài những bổn phận của người xuất gia là nghiên cứu giới luật, dịch kinh sách, tu tập và hành trì theo Chánh pháp, Ni sư còn noi theo gương nhập thế của Bổn sư, tích cực trong công tác từ thiện xã hội. Hạnh nguyện giúp đời đã thúc đẩy Ni sư thành lập Cô nhi viện. Việc Ni sư đặt tên Cô nhi viện là Diệu Quang cũng nhằm gợi nhớ về Ni cô Diệu Quang – người đã vị pháp thiêu thân ở Khánh Hòa, một tấm gương hi sinh anh dũng của nữ tu sĩ Phật giáo. Đồng thời, Cô nhi viện Diệu Quang cũng mang ý nghĩa như ánh sáng từ bi, xoa dịu các em bé thơ ngây cần được cưu mang, đùm bọc.
Ban đầu, Ni viện Diệu Quang do Hòa thượng Thích Thiện Hòa, đại diện Ban Từ thiện Giáo hội Phật giáo Việt Nam đứng tên thành lập vào ngày 6/7/1959. Đến ngày 10/10/1965, Cô nhi viện đặt đá xây dựng. Với tâm huyết cống hiến cho công việc lợi tha này, Ni sư đã lên mô hình thiết kế có rất nhiều phòng ăn, ở và ngủ cho các em, cũng có xưởng hướng nghiệp, niệm Phật đường… với sức chứa gần 1.000 thiếu nhi do kiến trúc sư Mohamed Hamim phát tâm thiết kế. Nhưng giai đoạn này có nhiều biến cố nên đến năm 1971, Cô nhi viện mới chính thức khởi công xây dựng, lúc này có gần 300 em đang ở.
Khi mở rộng tâm tư, hiểu sâu Phật pháp, nữ tu sĩ sẽ hiểu được Bồ-đề quyến thuộc ở xung quanh cuộc sống. Ánh sáng, nụ cười hồn nhiên của các em lại được thắp sáng nhờ vào hạnh nguyện hoằng pháp độ sanh của những người con Phật. Chính những hạnh nguyện của Ni sư đã chứng minh được khả năng phi thường, dũng khí của người nữ trên con đường phụng sự. Chư vị tiền bối phải mang cả bi tâm rộng lớn để dấn thân vào bi nguyện độ tha không mỏi mệt. Trên khuôn mặt hiền từ luôn nở nụ cười hoan hỷ, Ni sư vừa đảm nhận vai trò Bổn sư của các đệ tử xuất gia, vừa làm Thầy hướng đạo của Phật tử, vừa là cha, mẹ của các em mồ côi… Dù rằng, đâu đó vẫn có dư luận này kia, nhưng với tình thương, sự cưu mang những mảnh đời không may mắn, Ni sư luôn tận hiến hết mình.
Kết luận
Trải suốt chiều dài lịch sử, Nữ giới Phật giáo Việt Nam vẫn luôn nêu cao đức tính vị tha, vô ngã để hướng đến động lực nhập thế xiển dương Chánh pháp, đúng như phương châm của đạo Phật là từ bi và trí tuệ. Trên con đường tiến tu, người nữ đã nỗ lực hướng đến giác ngộ, giải thoát và bên cạnh đó hướng đến cứu dân độ thế không ngừng nghỉ. Cuộc đời hành đạo của Sư bà Diệu Kim và Ni sư Trí Phát chính là những tấm gương ngời sáng cho hạnh nguyện nhập thế của Ni giới Việt Nam.
Ni Sư Như Minh (ĐSHĐ-133)
- Trí Không (2012), Vĩnh Long Phật giáo Sử lược, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 569.
- Thích Nữ Từ Thảo (Biên soạn, 2016), Lược sử Ni giới và hành trạng chư Ni Phật giáo Việt Nam, NXB. Văn hóa Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 101.
- Tiểu sử cố Sư trưởng Thích Nữ Diệu Kim Viện chủ Tổ đình Bảo An và Lược sử Tổ đình Bảo An – Cần Thơ (2013), NXB. Hồng Đức Hà Nội, tr. 27.
- Tỳ-kheo-ni Như Đức (Biên soạn, 2009), Lược sử Ni giới Bắc Tông Việt Nam, NXB. Tôn giáo Hà Nội, tr. 67.
- Tỳ-kheo-ni Như Đức (Biên soạn, 2009), Sđd, tr. 66.
- Trí Không (2012), Sđd, tr. 571.
- Ni sư Thích Nữ Trí Phát (2017), https://nigioivietnam.vn/ni-su-thuong-tri-ha-phat1922-1986/.