Hoằng pháp là sự nghiệp, là trách nhiệm mà người xuất gia làm tròn, để báo đáp công ơn của Đức Phật. Trải qua chiều dài của lịch sử truyền thừa chư vị Tổ sư đã thay thế Đức Phật hoằng pháp làm sứ mệnh của Như Lai mang chân lý giác ngộ đi vào đời cứu giúp chúng sanh bớt khổ đem lại niềm an vui, hạnh phúc cho nhân sinh.
Hoằng pháp là lý tưởng của một người xuất gia khi làm đệ tử của Đức Phật, là sự nghiệp của mình đi suốt cuộc đời tu sĩ, hạnh nguyện để phụng sự dấn thân vào đời mà không có chút chán nản, mệt mỏi. Ngược lại, là động lực không biết dừng nghỉ của một vị tu sĩ chân chính. Không cho phép chúng ta lười biếng, thanh nhàn ở thân không chịu hy sinh bản thân mà phải xả thân hành đạo cho đến khi hơi thở cuối cùng mà thôi. Chúng ta không được làm lơ đó không phải là trách nhiệm của mình mà khi đã xuất gia thì đó là trách nhiệm của bản thân đối với Phật giáo. Chúng ta thấy chưa làm tròn trách nhiệm của mình khi dự vào hàng Tăng bảo không nỗ lực hết sức vào công việc hoằng pháp lợi sinh mà chỉ chọn sự thanh nhàn của bản thân mà quên đi lý tưởng ban đầu phát tâm xuất gia là gì? Hy sinh hạnh phúc bản thân đi tìm con đường rộng lớn cứu giúp chúng sanh hết khổ, một lý tưởng quá đẹp nhưng do thời gian đã xóa mòn Bồ đề tâm chúng ta không còn dũng mãnh tiến về phía trước trên cầu Phật đạo dưới hóa độ chúng sanh.
Trong những vị đệ tử của Đức Phật, Tôn giả Phú Lâu Na là người đệ nhất về thuyết pháp và khi Ngài biết vùng đất Du Lô Na một đất nước còn lạc hậu, tính tình người dân lại hung bạo, với tinh thần người tiên phong trên con đường hoằng pháp. Cho nên, Ngài xin phép Đức Phật đi đến đất nước Du Lô Na để thuyết pháp giáo hóa người dân ở đây. Nhưng Đức Phật đã ngăn cản đối với Ngài, sợ người dân ở đây hại, vốn người dân nước này còn lạc hậu lại tính tình hung dữ khó mà giáo hóa, ngược lại bị họ hại lại. Đức Phật đã đặt câu hỏi giả định nếu gặp những trường hợp như vậy Ngài ứng xử sao:
– Đức Phật hỏi: Này Phú Lâu Na! Giả sử đến Du Na người ta chửi rủa nhục mạ ông, thì ông nghĩ sao và xử lý bằng cách nào.
– Bạch Đức Thế Tôn! Họ vẫn còn tốt đối với con vì họ chỉ chửi mắng mà không đem gậy gộc để đánh con.
– Nếu họ dùng roi gậy đánh ông thì ông nghĩ sao?
– Con thấy họ vẫn còn tốt, vì họ chỉ mới rượt đuổi mà chưa gây thương tích cho con.
– Nếu họ dùng dao búa gây thương tích cho ông?
– Con vẫn còn cảm ơn vì họ còn lương tri chưa nỡ giết chết con.
– Nếu họ giết ông?
– Con lại cảm ơn họ bội phần, vì họ đã loại bỏ xác thân hư ảo, ô trược, sớm nhập Niết-bàn. Đấy là dịp may hiếm có, chết vì truyền bá chánh pháp, con sẵn sàng đón nhận mà không có gì ân hận1.
Câu chuyện của Đức Phật và Ngài Phú Lâu Na thể hiện tinh thần nhẫn nhục khi đi hoằng pháp có như vậy việc hành đạo của Ngài mới thành công. Hạnh nhẫn nhục một trong sáu lục độ Ba-La-mật của một vị tu Bồ tát đạo để trở thành Phật. Thấy được sự quan trọng đức tính nhẫn nhục, Đức Phật thử Ngài xem sao, nhưng Ngài đã xử lý rất hay thực hành được hạnh nhẫn nhục như chẳng hạn họ đánh ông thì sao? Ngài trả lời họ vẫn chưa giết con với tâm không oán thù mà ngược lại khen họ tốt với con. Như vậy tinh thần nhẫn nhục để truyền đạo chỉ có mình Ngài Phú Lâu Na hy sinh thân mạng cho việc hoằng pháp độ sanh, có chết cũng không đáng tiếc.
Qua câu chuyện này chúng ta rút ra bài học phải có tinh thần nhẫn nhục để hành đạo thì mới thành công. Chúng ta không thể mới gặp khó khăn, thất bại đã chùn chân nản bước. Con đường hoằng pháp vô cùng gian nan thử thách chúng ta phải nhẫn nhục mới thành tựu việc giáo hóa chúng sinh. Có những việc chúng ta chỉ biết nhẫn nhục thì mới thành công, chứ không phải chỉ cần có trình độ kiến thức Phật học là có thể hoằng pháp.
Con đường hoằng pháp phải nói là việc làm vô cùng gian nan, trắc trở gặp nhiều nguy hiểm, thách thức mà một nhà hoằng pháp với sự nhiệt tình, đam mê mong muốn được truyền bá chân lý của Đức Phật đi vào cuộc đời với hạnh nguyện độ sanh mang lại an vui, hạnh phúc cho chư thiên và loài người. “Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác2.”
Tiếp nối hạnh nguyện của Đức Phật, của chư Tổ mang lại an vui, hạnh phúc cho nhân loại, chúng con hàng Tăng Ni trẻ sẽ cố gắng nhiệt tình trên con đường hoằng pháp. Mong sao ánh sáng Phật pháp luôn chiếu soi vào bóng mờ mịt của thế gian đen tối thay vào đó ánh sáng trí tuệ giác ngộ hướng con người đến thế giới an lành, hạnh phúc.
Đức Hiếu
Diễn đọc: SC Huệ Pháp
- HT. Thích Minh Tuệ, Thập Đại Đệ Tử Phật, Nxb. Phương Đông, (2010). ĐTKVN, kinh Tăng Chi tập 1, phẩm người, Nxb. Tôn giáo, 2015
- ĐTKVN, kinh Tăng Chi tập 1, phẩm người, Nxb. Tôn giáo, 2015.