Cứu người khốn khó – núi hoang cằn cỗi thành thánh địa (救人解困 荒山闢成聖地)
Sau đó, các tín đồ ở Cao Hùng quyết định tìm đất cho tôi xây chùa, có tiền xuất tiền, có sức góp sức, thế là chùa Thọ Sơn nhanh chóng được khánh thành, tiếp theo là Phật Học viện được thành lập trong tự viện. Chẳng bao lâu, tín đồ và các học sinh ngày càng tăng, không gian không đủ sử dụng, nên chúng tôi định xây cất một tự viện khác, trải qua việc thu thập thông tin, nghe ngóng nhiều nơi, chúng tôi tìm thấy một mảnh đất có phong cảnh tuyệt đẹp ven hồ Trừng Thanh, đang lúc chúng tôi quyết tâm đặt tiền cọc, một đệ tử nói:
– Nếu chúng ta xây dựng một ngôi chùa ở đây, khi Tổng thống Tưởng Trung Chánh đến hồ Trừng Thanh, thì có thể thuận đường đến lễ Phật!
Nghe lời nói đó, tôi không cho là đúng, trong lòng suy nghĩ, mục đích kiến lập tự viện, ổn định Tăng Ni, đặc biệt là để mọi người đến chuyên tâm nghe Pháp tu hành, không phải để khách thập phương đi tham quan phong cảnh thuận đường lễ Phật. Tại sao chúng ta không thấm nhuần ánh sáng của Phật mà lại là ánh sáng của hồ nước?
Vì sự thức tỉnh của “Một Niệm” này, tôi đã không ngần ngại từ bỏ dự tính mua, để rồi lỡ mất dịp may với hồ Trừng Thanh. Nhưng đến nay tôi vẫn không hối hận, mà lúc đầu các đệ tử đã thở dài tiếc nuối, giờ đây họ đều khen ngợi về sự quyết đoán và sáng suốt của tôi, bởi vì Phật Quang Sơn mà chúng tôi sở hữu sau này, là một ngọn núi dựa vào sự nỗ lực của tứ chúng Tăng Ni và các tín đồ Phật giáo, Thánh địa Linh Sơn ra đời bởi đôi tay chai sần, đôi chân nứt nẻ của họ. Điều càng không thể tưởng tượng là ngôi tự viện trên núi này cũng được nằm trong “Một Niệm”.
Vào năm 1967, tình cờ nghe tin cả gia đình Hoa kiều họ Chử ở Việt Nam, kinh tế đang rơi vào cảnh ngộ khó khăn, họ chỉ muốn chết. Để giải quyết khó khăn cho ông, ngay lập tức tôi quyết định xoay xở một số tiền mua mảnh đất đồi trọc bỏ hoang của ông sở hữu. Vì “Một Niệm” bi mẫn này, không biết tôi phải kiệt sức, tiêu phí bao nhiêu từ ngữ để ý kiến của mình chiếm thượng phong. Bởi vì, nơi đây đã không có cảnh quan xinh đẹp và cũng không có phương tiện công cộng thuận lợi, nhìn xung quanh, một số chỉ là tre gai khắp núi, cỏ hoang đầy đất.
Dụng tâm ra sức – hoàn thành một niệm đầu tiên (用心出力 完成最初一念)
Không dễ gì thuyết phục được mọi người, tiếp theo là công trình mở núi trăm cay nghìn đắng, tôi và các đệ tử ngày nào cũng làm việc dưới ánh mặt trời nóng như thiêu đốt, đục đá, gánh đất, mồ hôi đổ như mưa. Khi gặp những cơn cuồng phong bão táp dữ dội, chúng tôi phải liều mình khuân vác từng bao cát, lấp vào những nơi sạt lở vì lũ lụt để đề phòng thiên tai. Trải qua quá trình phấn đấu gian nan vất vả, những ngọn núi cằn cỗi và những cánh đồng hoang dã mới lộ ra một khuôn mặt mới của một ngôi tự viện. Ngày nay, Phật Quang Sơn có được cảnh tượng thịnh vượng như vậy, hoàn toàn đều là kết quả của hai mươi tám năm không ngừng nỗ lực, phát huy trí tuệ và sức lao động.
Cho nên, mặc dù “Một Niệm” đã đủ để hình thành một bước ngoặt trong cuộc đời, nhưng điều quan trọng hơn là chính mình cần phải sẵn sàng dụng tâm, sẵn sàng nỗ lực để hoàn thành “Một Niệm” đầu tiên đó.
Hồi tưởng lại cuộc đời của tôi, từ tục gia đến xuất gia, từ Đại Lục đến Đài Loan, từ Nghi Lan đến Cao Hùng, từ chùa Thọ Sơn đến Phật Quang Sơn, cho đến từ quốc nội đến quốc ngoại, tuy tất cả đều là kết quả của “Một Niệm” đã tạo thành, nhưng trong đó bất luận là “Một Niệm” phát xuất từ vô tâm, hay “Một Niệm” của dũng cảm, “Một Niệm” của xúc động, “Một Niệm” của từ bi… tôi đều kiên trì “Một Niệm” đó một cách cam tâm tình nguyện, làm tốt “Một Niệm” đó. Thậm chí vì “Một Niệm” mà cả đời tôi chịu đựng mọi gian nan khổ sở, chịu đựng mọi oan ức, cũng chưa từng hối hận.
Còn nhớ, lần đầu tiên đến Đài Loan, tôi rất đau buồn khi tận mắt chứng kiến sự suy vi của Phật pháp, vì vậy tôi thường suy nghĩ nên bứt phá như thế nào. Một ngày nọ, ý tưởng thành lập phòng triển lãm di tích Văn hóa Phật giáo và Thư viện Phật giáo chợt nảy ra trong đầu tôi. Mặc dù lúc đó cái gì tôi cũng không có, nhưng tôi có sự kiên trì và một quả tim bất diệt. Để thực hiện “Một Niệm” này, mỗi khi trong người có chút tiền dư, tôi lại dùng để mua kinh điển Phật giáo; mỗi khi đi hoằng pháp nơi nào đó, tôi cũng dành thời gian để sưu tầm các di vật văn hóa Phật giáo. Ngày nay, trong các Học viện Phật giáo và các Phân viện khác ở nhiều nơi đều có Thư viện, Viện Bảo tàng, điều này đủ thấy rằng chỉ khi dùng tinh thần kiên trì không biết mệt mỏi làm động lực trợ duyên, mới có thể công viên quả mãn và thành tựu sự nghiệp.
Một niệm khởi lên – đem cả đời để thực hành (一念興起 以一生來實踐)
Tôi đã rất quan tâm đến phương hướng và tiền đồ của Phật giáo từ khi tôi còn là một Tăng sinh trẻ, hơn 30 năm trước, khi tôi nằm sấp trên bàn để cắm cúi sáng tác, niềm cảm xúc tự nhiên trỗi dậy, tôi đã viết nó trong một bài báo “Phật giáo cần gì”: Phật giáo cần xây dựng một ngôi trường Đại học, cần sản xuất một tờ báo, cần bố trí một Đài Phát thanh, cần thành lập một sự nghiệp truyền hình. Mặc dù một khi đã được đề xuất, bị người chế giễu, công kích cho là viển vông, hão huyền, cho là giống như chuyện nghìn lẻ một đêm (天方夜譚). Mặc dù nhiều năm, nhân duyên chưa đủ, chưa thể thuận lợi như nguyện, nhưng “Một Niệm” này chưa từng lùi bước.
Năm 1990, cuối cùng tôi đã thành lập trường Đại học Tây Lai ở Los Angeles, Hoa Kỳ; năm 1993, Bộ Giáo dục Quốc nội cũng phê chuẩn cho Phật Quang Sơn thành lập Đại học Phật Quang ở Nghi Lan; trong tương lai, tôi cũng sẽ mở rộng và xây dựng các trường Đại học ở những nơi khác, lấy quan niệm hành giải bình đẳng, trí bi song vận để giáo dục thanh niên và tạo phúc cho mọi người. Mặc dù vẫn còn nhiều tờ báo, Đài Phát thanh, Đài Truyền hình chưa được thành lập như ý nguyện1, nhưng những kế hoạch này đã ấp ủ trong lòng tôi từ nhiều năm nay, và tôi tin rằng một ngày nào đó chắc chắn chúng sẽ thành hiện thực.
Năm ba mươi bảy tuổi, khi tham dự hội tranh luận Phật giáo Trung-Thái, tôi thấy hai bên đang thanh minh lẫn nhau về những vấn đề vụn vặt phiền toái. Những vấn đề này chỉ có tăng thêm chấp nhân, chấp ngã, chấp pháp của nhau, tôi không ngăn được tiếng thở dài bùi ngùi xúc động. Cho nên, lúc hội nghị tiến hành khoảng nửa giờ, tôi đã đứng lên phát biểu, chủ trương của Phật giáo nên lấy đoàn kết, thống nhất và động viên làm ưu tiên hàng đầu trong cảnh nước sôi lửa bỏng. Lời nói này, đã gây được tiếng vang với hàng trăm người tham gia hội nghị, và ba đề xuất này đã được chuyển thành chủ đề thảo luận2.
Mặc dù đây chỉ là những cảm nghĩ của “Một Niệm” bất chợt xuất hiện vào thời điểm đó, nhưng về sau từng niệm, từng niệm tôi không bao giờ quên. Mãi cho đến ngày nay, tất cả những gì tôi đã làm đối với Phật giáo, trong thâm tâm luôn nắm vững “Một Niệm” này. Mà “Một Niệm” này tuy nói là đột phát, nhưng tuyệt đối không phải là ngẫu nhiên, bởi vì sự trỗi dậy của “Một Niệm” cũng giống như Thiền sư Hội Thông (會通禪師) nhờ nhặt lông3 mà khai ngộ; Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn (香嚴智閑禪師) do ném sỏi4 mà kiến tánh. Đó là kết quả đem trọn cả thân tâm của mình cống hiến cho Phật pháp, trải qua bao nhiêu ngày tháng đấy ạ!
Tuy tôi cố chấp trong việc lựa chọn những điều tốt, thường xuyên dùng thời gian của một đời để kiên trì thực hành “Nhất Niệm”, nhưng tôi hoàn toàn không cố thủ kiến giải của mình, khăng khăng giữ quan niệm của mình, mà xoay chuyển ý niệm trở về, có thể lắng nghe, dung nạp, tiếp nhận những lời cao nhã, chính xác, có đạo lý.
Xây dựng sự nghiệp – lợi ích chúng sinh hữu tình (施設事業 利濟有情眾生)
Năm 1957, tôi đã từng nhận được giấy báo nhập học chương trình Tiến sĩ của Đại học Taisho, Nhật Bản, trước khi tôi chuẩn bị mang tráp sang Nhật, thì cư sĩ Chu Điện Nguyên đã nói với tôi:
– Thưa Sư phụ! Trong trái tim và tầm mắt của chúng con, Người là Sư phụ, địa vị còn cao quý hơn Tiến sĩ, tại sao Người vẫn muốn có học vị Tiến sĩ?
Ngay sau đó, tôi xấu hổ đến mức toát mồ hôi, tự nghĩ những lời nói này cực kỳ đạo lý, mình đã từ bỏ thế tục đi xuất gia, lấy hoằng dương chân lý, tịnh hóa lòng người làm trách nhiệm của mình, địa vị của mình, sứ mệnh của mình quả thực không phải tầm thường. Tôi lại nghĩ: Con người ta sống không chỉ là tính toán cho bản thân, mà cần phải suy nghĩ đến người khác nhiều hơn, ngày nay tôi đã là Sư phụ của mọi người rồi, lại còn lặn lội đến phương Đông xa xôi, để lấy người Nhật làm thầy, khiến cho các đồ chúng của tôi làm sao chịu đựng sự đả kích này?
Chỉ trong “Một Niệm” này, tôi đã từ bỏ dự tính học chuyên sâu, nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mảy may hối tiếc. Bởi vì tôi cần phải đem tâm lực học hỏi nghiên cứu đặt vào công việc hoằng dương Phật pháp nhiều hơn, xây dựng sự nghiệp Phật giáo nhiều hơn, mang lại lợi ích cho chúng sinh hữu tình nhiều hơn, và nên ý thức đời sống càng phong phú, càng có ý nghĩa nhiều hơn.
Mãn Hòa, đệ tử của tôi, là sinh viên xuất sắc tốt nghiệp Khoa Ngoại văn Trường Đại học Quốc gia Đài Loan. Cách đây vài năm, cô đã thông qua kỳ thi TOEFL và GRE với số điểm rất cao, khi nộp hồ sơ du học thì bất ngờ tỉnh ngộ, đã viết cho tôi một lá thư thật dài, với tiếng nói tự đáy lòng: “… Để trở thành một người xuất gia, bắt đầu từ sự phát tâm và lòng từ bi, mà không phải bắt đầu từ việc học vấn nghiên cứu. Con học Tiến sĩ, vì hy vọng và sự động viên của mọi người, nhưng con đã suy nghĩ rất kỹ, con không cần những thứ này, điều con cần là trở thành người xuất gia… ”
Chỉ trong “Một Niệm” này, cô cũng bỏ qua cơ hội du học. Hiện tại, cô đảm trách sự vụ giáo dục của Trường Đại học Tây Lai, là Tổng Biên tập của “Tây Lai Thông tấn”, mà còn là người đảm nhiệm thông dịch viên tiếng Anh cho tôi, dịch các bài diễn giảng bằng tiếng Anh giúp tôi, mọi công tác đều hoàn thành xuất sắc, pháp hỷ sung mãn. Tôi tin cô cũng giống như tôi, cảm ơn sự chuyển biến của “Một Niệm” này.
Lạc quan tiến thủ – có thể chuyển nguy thành an (樂觀進取 故能轉危為安)
Đan Hà Thiên Nhiên (丹霞天然739-824), Thiền Tăng đời Đường, vốn dĩ muốn tiến Kinh dự thi, bởi vì nghe được một câu: “Chọn quan sao bằng chọn Phật?” Trong “Một Niệm”, Sư đã đem tương lai quan lộc ném sang một bên không màng, sau đó đi đến Hồ Nam, làm môn hạ tham học và ngộ đạo dưới trướng của Thiền sư Thạch Đầu Hy Thiên (石頭希遷700-790) Thiền Tăng đời Đường; Lục Tổ Huệ Năng (六祖惠能638-713), vốn là một tiều phu, với sự khuyến khích và hỗ trợ của An Đạo Thành, trong “Một Niệm”, Sư từ bỏ đời sống trần tục, tìm đến Hoàng Mai, kiến tánh khai ngộ dưới tòa của Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn (五祖弘忍602-.675) Cao Tăng đời Đường.
Tuy tôi không tài giỏi mấy, nhưng trong số các môn đệ cũng có rất nhiều người vì cảm hứng của một vài lời nói ngắn ngủi, mà chỉ trong “Một Niệm” họ đã chọn đúng phương hướng của cuộc đời và có sự cống hiến lớn nhất cho xã hội. Ví dụ: Trương Từ Liên, vì lời khuyên của tôi, trong “Một Niệm”, đã từ bỏ ước mơ làm ca sĩ, trở thành một Phật tử, tham gia vào công tác giáo dục trẻ em, bồi dưỡng ươm mầm Bồ đề, công đức vô lượng; Y Chiếu sau khi nghe lời khai thị của tôi, trong “Một Niệm”, thay đổi ý định ban đầu là học ca hát hí kịch, vào chùa thế phát xuất gia, lần lượt đảm nhiệm chức Điển tòa, Đương gia. Hiện nay, là Trụ trì chùa Phật Quang ở Paris, hóa độ vô số người.
Kinh nói: “Tâm giống như một họa sĩ có thể vẽ cả thế gian”. Thiên đường, địa ngục, niềm vui, nỗi buồn, cho đến sinh, già, bệnh, chết đều nằm trong “Một Niệm” của chúng ta. Những trở ngại và tổn thương tôi gặp phải trong cuộc đời nhiều vô kể, nhưng tất cả chỉ vì tôi luôn kềm giữ suy nghĩ lạc quan và dám nghĩ dám làm, nên tôi mới có thể chuyển nguy thành an, biến khó thành dễ.
Quán chiếu phản tỉnh – An trụ trong Phật pháp (觀照反省 安住佛法之中)
Tôi đã trải qua nhiều kiếp nạn và nhiều lần bên bờ vực của cái chết, nhưng tôi chưa bao giờ lo lắng và sợ hãi vì mình sắp chết, cũng chưa từng hân hoan vui sướng vì được tái sinh. Tôi cho rằng sinh tử chỉ ở trong “Một Niệm”. Nếu chúng ta có thể tận dụng tốt thời gian, không gian một cách thỏa đáng hoàn thiện, làm được nhiều điều tốt đẹp hơn khi còn sống, thì tại sao chúng ta lại sợ chết? Nếu chúng ta có thể viết nên trang lịch sử cho chính mình trong cuộc sống hàng ngày, để lại những đóng góp cho xã hội, thì tuy đã chết mà vẫn như đang sống. Ngược lại, nếu chúng ta làm nhiều điều bất chính, làm đủ mọi điều ác, thì dù có trốn trong nhà kín uống tiên đơn, vẫn ôm nỗi sợ hãi kinh hoàng, sống không bằng chết. Nếu chúng ta ăn uống vui chơi, không làm bất cứ việc gì cả, chẳng khác nào tử thi biết đi, cục thịt biết chạy, thì tuy sống nhưng có khác gì là chết phải không?
Đa số các phóng viên và giới truyền thông ở Đài Loan và Hồng Kông, họ thích hỏi quan điểm của tôi về đường lối chính trị và khuynh hướng kinh tế. Thật không may, xưa nay tôi chưa bao giờ nghiên cứu về phương diện chính trị và kinh tế, nhưng tôi hiểu rằng tất cả mọi thứ trên thế gian đều không thể tách rời nhân duyên quả báo, mà những điều này thường quyết định bởi trong “Một Niệm”.
Cái gọi là “Một lần trượt chân để hận nghìn đời, ngoảnh đầu nhìn lại đã quá trăm năm5”; “Một niệm tâm sân khởi lên, thì hàng triệu cửa chướng ngại mở ra”; “Niệm một câu Nam mô Phật, tất cả đều thành tựu Phật đạo”, tham sân, ngu si, tà kiến, ngã mạn, tuy chỉ khởi trong “Một Niệm” nhỏ thôi, cũng đủ để đầu độc tâm linh, gây ra lỗi lầm nghiêm trọng. Nếu chúng ta có thể nhanh chóng đến trước chư Phật, chư Bồ tát chắp tay chí thành sám hối, tự kiểm điểm ăn năn hối lỗi kịp thời, thì trong “Một Niệm” sẽ là một cảnh tượng đầy trăng sáng trời quang.
Phật giáo cho rằng trong “Một Niệm”, hoặc “Ba ngàn tánh tướng đều nằm trong một niệm”, không chỉ ảnh hưởng đến cử chỉ hành vi của bản thân chúng ta, mà còn có mối quan hệ rất lớn đối với toàn xã hội. Cho nên, chúng ta cần phải thận trọng bởi “Một Niệm”, luôn quan sát và suy ngẫm Niệm, Xứ (Niệm: Trí của Năng quán, Xứ: cảnh của Sở quán) nảy sinh trong tâm, ngay lập tức đem từng “Một Niệm” đó an trú trong từ bi, trong trí tuệ, trong đại chúng và trong Phật pháp.
Phật Quang năm thứ 28 tháng 5 năm 1994
Đại Sư Tinh Vân (星雲大師)
Thanh Như dịch {ĐSHĐ-135}
- Năm 1997, Đại sư thành lập Đài Truyền hình Vệ tinh Phật Quang (nay đổi tên thành Truyền hình Vệ tinh Nhân Gian) như ý nguyện. Năm 2000, thành lập “Nhân Gian Phúc Báo” nhật báo đầu tiên của Phật giáo.
- Năm 1964, tổ chức Hiệp hội Nghiên cứu Phật học Trung Quốc ở Thái Lan. Đại sư cho rằng “Phật giáo” có thể được thảo luận, nhưng không được tranh luận. Bởi vì dù Phật giáo đi đến nơi nào, những nguyên tắc nghĩa lý căn bản của nó sẽ không bao giờ có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Vì vậy, ba vấn đề lớn được đề xuất làm trung tâm thảo luận: Phật giáo của ngày nay là “Đoàn kết, Thống nhất và Động viên”. Sau lời phát biểu của Đại sư, Luận sư Nanda phía Thái Lan xúc động nói: “… Tôi không ngờ ở Trung Quốc lại có một vị Tỳ kheo trẻ tuổi này có tầm nhìn xa trông rộng như vậy… thật khiến chúng tôi vô cùng kính trọng và khâm phục… ” Lời nhận xét của Luận sư này, cũng hóa giải được bầu không khí căng thẳng trong buổi hội nghị đầu tiên.
- Niêm mao khai ngộ (拈毛開悟): Nhặt lông khai ngộ. Ngôn ngữ Thiền tông. Nghĩa là Phật pháp có mặt khắp nơi, không bám dính vào đâu.
Thiền sư Điểu Khoa Đạo Lâm (鸟窠道林禅师) có một thị giả là Hội Thông, một ngày nọ, đột nhiên muốn từ biệt Thiền sư.
Thiền sư hỏi: “Chú muốn đi đâu?”
Hội Thông trả lời: “Hội Thông vì Pháp xuất gia, Hòa thượng đã không giáo hối. Bây giờ muốn đi phương khác học Phật pháp!”
Thiền sư Đạo Lâm nói: “Nếu là Phật pháp thì ở đây tôi cũng có một ít.”
Hội Thông hỏi: “Phật pháp của Hòa thượng là gì?”
Thiền sư Đạo Lâm nhặt một sợi lông trên mảnh vải trên người thổi một hơi, Hội Thông lập tức lãnh ngộ, nên được người đời gọi là Thị giả Bố Mao. - Hương Nghiêm kích trúc (香严击竹): Thiền sư Hương Nghiêm Trí Nhàn rất thông minh, bụng đầy kinh luận. Sau Sư phụ Bách Trượng Hoài Hải viên tịch, Sư đến tham học với Sư huynh Thiền sư Linh Hựu. Một hôm Thiền sư Linh Hựu hỏi:
– Nghe nói ông ở Tiên Sư Bách Trượng bác học đa văn, hỏi một trả lời mười, bây giờ ta hỏi ông một câu: Trước khi cha mẹ sinh ra ông, thân phận thực sự của ông là gì?
Thiền sư Trí Nhàn lật tung sách vở, cũng không tìm được đáp án, nên nói với Sư huynh:
– Sư huynh từ bi, xin hãy khai thị cho tôi.
– Nếu ta nói cho ông đáp án, đó vẫn là việc của ta, không liên quan gì đến ông. Nếu ta nói cho ông biết, về sau ông sẽ hối hận, thậm chí còn oán trách ta. Thiền sư cự tuyệt lời thỉnh cầu của Sư.
Khi thấy Sư huynh không khai thị, Sư rất đau buồn và đốt hết kinh sách, khóc một cách thương tâm. Sau đó, đến đạo tràng của Quốc sư Tuệ Trung ở Nam Dương cất am tranh, ngày đêm sáu thời nghĩ đến nghi vấn này như một kẻ câm ngậm hòn lửa. Một ngày nọ, Sư đang nhổ cỏ dại, vô tình ném một mảnh gạch vụn va vào cây tre phát ra âm thanh chói tai. Trong sát na, thân tâm chợt tan rã, đột nhiên đại triệt đại ngộ, vội vã tắm rửa thắp hương, hướng về Quy Sơn bái lạy, và nói:
– Hòa thượng, Ngài thật là đại từ bi, còn nhân từ hơn cha mẹ. Nếu lúc đó Ngài nói cho con đáp án, thì làm sao con có được như ngày hôm nay!
Có thể thấy Thiền đòi hỏi chính mình phải tâm lãnh thần hội. - Nhất thất túc thành thiên cổ hận, tái hồi đầu dĩ bách niên thân (一失足成千古恨,再回頭已百年身): Ngạn ngữ. Chỉ cần phạm sai lầm một lần thì sẽ sinh ra sự đáng tiếc vô tận, cho dù có ngoảnh đầu nhìn lại quá khứ, thì bao nhiêu cơ hội tốt đã vụt mất trong vô vọng. Một phút sơ ý đã gây ra lỗi lầm lớn, trở thành nỗi ân hận muôn đời; khi nhớ lại quá khứ và chợt tỉnh ngộ thì cuộc đời này đã trôi qua. Nghĩa là làm người nhất định phải kiểm soát bản thân, nếu không bạn có muốn khắc phục cũng đã quá muộn.