Pháp môn niệm Phật quán tưởng
Pháp môn niệm Phật, quán tưởng Phật đã có từ thời Phật giáo nguyên thủy. Trong kinh Tăng Chi I, chương I, phẩm Một pháp (HT.Thích Minh Châu dịch từ Pàli sang Việt, VNCPHVN ấn hành, 1996) còn ghi lại lời Đức Phật dạy như sau: “Có một pháp này, này các Tỳ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Chính là niệm Phật. Chính một pháp này, này các Tỳ- kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến nhất hướng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn”.
Tương tự, kinh Tăng Nhất A Hàm, phẩm Thập niệm số 2 (HT,Thích Thanh Từ dịch từ Hán sang Việt, HT.Thích Thiện Siêu hiệu đính, VNCPHVN ấn hành, 1997) cũng ghi lại lời đức Phật dạy về pháp môn niệm Phật: “Hãy tu hành một pháp, truyền bá rộng rãi một pháp, sẽ thành tựu được thần thông, bỏ các loạn tưởng, đạt quả sa môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Phật. Hãy khéo tu hành, hãy truyền bá rộng rãi, sẽ thành tựu thần thông, bỏ các loạn tưởng, đạt quả sa môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, này các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, truyền bá rộng rãi một pháp. Như thế, này các Tỳ-kheo, nên học điều này”.
Kế tiếp, trong phẩm Quảng Diễn số 3, đức Phật dạy rõ thế nào là niệm Phật: “Hãy tu hành một pháp, hãy truyền bá rộng rãi một pháp. Tu hành và truyền bá rộng rãi một pháp, sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được hưởng vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả sa môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Phật. Thế nào là tu hành niệm Phật sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được hưởng vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả sa môn, tự đến Niết-bàn ? Hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ. Nếu các Tỳ-kheo chính thân, chính ý, ngồi kiết già buộc niệm ở trước, không có một ý tưởng nào khác, một lòng niệm Phật, quán hình tướng Như Lai chưa từng rời mắt, đã chẳng rời mắt, liền niệm công đức của Như Lai”.
“Thể của Như Lai bằng kim cương, đầy đủ Mười lực, Bốn vô sở úy, giữa chúng dũng kiện. Dung mạo Như Lai đoan chính vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu giống như kim cương không thể phá hủy, thanh tịnh không tỳ vết cũng như lưu ly. Tam muội của Như Lai chưa hề sút giảm, dừng lặng vĩnh viễn không có niệm khác; các tình cảm kiêu mạn, quật cường, các tâm ý dục, tưởng sân, ngu hoặc, do dự, buộc kết, đều đã bị trừ sạch. Trí huệ của Như Lai không bờ mé, không bị chướng ngại. Thân của Như Lai do giải thoát thành tựu, không còn sanh lại để phải nói rằng : Ta sẽ đọa vào sanh tử nữa. Thân Như Lai là độ tri kiến thành tựu, biết căn tánh người khác nên độ hay không nên độ, biết họ chết đây sanh kia, qua lại xoay vần bên bờ sanh tử, người có giải thoát, người không giải thoát. Đó là tu hành niệm Phật, sẽ có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều lành đầy đủ, được vị cam lồ, đến được chỗ vô vi, sẽ thành tựu thần thông, trừ các loạn tưởng, đạt được quả sa môn, tự đến Niết-bàn. Thế nên, các Tỳ-kheo thường nên tư duy, chẳng lìa niệm Phật thì sẽ được các công đức lành này. Như vậy, các Tỳ-kheo hãy học điều này”.
Pháp niệm Phật trên chính là quán tưởng niệm Phật. Có điều vị Phật mà các vị tu hành bấy giờ thường quán niệm là đức Phật Thích Ca, một hình tượng rõ ràng, cụ thể. Nhưng sau khi đức Phật Thích Ca nhập Niết-bàn thì Phật giáo Phát triển hình thành, phát huy tư tưởng Tịnh độ (chỉ các cảnh giới Niết-bàn của các bậc thánh, cao nhất là cảnh giới Niết- bàn của chư Phật) và pháp môn niệm Phật, xây dựng thành hệ tư tưởng Tịnh độ.
Dĩ nhiên, Phật giáo Phát triển không xây dựng nền tảng hệ tư tưởng Tịnh độ bằng tư duy không tưởng, hay cụ thể là đức Phật A Di Đà cùng với cảnh giới Cực Lạc không có thật, chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng để làm chỗ nương tựa, vỗ về niềm tin. Qua kinh điển Nguyên thủy, đức Phật Thích Ca đã từng cho biết có các vị Phật quá khứ và Phật tương lai (cụ thể là đức Phật Di Lặc), điều đó cũng có nghĩa là ngoài đức Phật Thích Ca ra còn nhiều vị Phật khác, trong đó có đức Phật A Di Đà đang giáo hóa chúng sinh ở cõi Cực Lạc. Công đức, phước báu, trí tuệ của các vị Phật là như nhau, cho nên tưởng niệm một vị Phật cũng chính là tưởng niệm các vị Phật khác.
Nếu như một số ý kiến giả thuyết cho rằng đức Phật A Di Đà không phải là đức Phật lịch sử (trong quá khứ), thì ở phương diện khác, với ý nghĩa khác, người tu học Phật cũng có thể xem Ngài là một hình tượng tiêu biểu về một đức Phật. Những đức tính, đức tướng của một vị Phật (phước đức, trí tuệ, hảo tướng quang minh, tâm từ bi và hạnh nguyện lợi tha…) đều có đủ nơi hình tượng đức Phật A Di Đà mà các kinh luận miêu tả. Phật giáo Phát triển đã xây dựng hình tượng đức Phật A Di Đà như hình tượng của đức Phật Thích Ca, và thế giới Cực Lạc hay Tịnh độ của đức Phật A Di Đà không khác gì cảnh giới Niết-bàn thanh tịnh của chư Phật (với đặc tính vô tham, vô sân, vô si; thường, lạc, ngã, tịnh ; bất sinh, bất diệt ; không còn phiền não khổ đau, luân hồi sinh tử). Ý nghĩa của Phật A Di Đà chính là đức tướng, đức tánh của một vị Phật, và cõi Cực Lạc hay cảnh giới bất thối chuyển (không còn trở lui lại trạng thái luân hồi sinh tử) của các thượng thiện nhân sinh về đó chính là cảnh giới Niết-bàn.
10 pháp quán tưởng
Một hình tượng đức Phật A Di Đà cụ thể, rõ ràng, có những đức tánh, đức tướng như những vị Phật khác; một thế giới Cực Lạc cũng cụ thể, rõ ràng, có đặc tính như cảnh giới Niết-bàn của chư Phật, đây chính là hai đối tượng để quán niệm, quán tưởng thích hợp cho mọi thành phần tu tập, dù đó là bậc thượng căn thượng trí hay hạ căn hạ trí, dù là bậc nặng về niềm tin hay lý trí. Bên nhà thiền có bộ Tư duy lược yếu pháp do pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) đời Diêu Tần (384-417) dịch, là bộ kinh hướng dẫn người tu thiền quán ở bước đầu, nội dung gồm 10 pháp quán tưởng mà người tu có thể chọn lựa :
1.Quán Tứ vô lượng tâm (quán bốn tâm vô lượng từ, bi, hỷ, xả, đem lòng từ bi bình đẳng mà xử thế và cứu độ chúng sinh)
2.Bất tịnh quán (quán thân người nhơ nhớp, xấu xa đáng chán để đoạn trừ tham dục, sân nhuế và si mê)
3.Bạch cốt quán (quán thân mình và thân người chỉ toàn là máu thịt và những khúc xương trắng liên kết cấu tạo thành. Quán như thế để đoạn trừ tham dục, chứng Sơ thiền: ly sinh hỷ lạc)
4. Phật tam muội quán (quán hình tượng Phật cho đến khi nhắm mắt cũng như mở mắt đều thấy hình ảnh Phật trước mắt)
5.Sinh thân quán (quán hiện thân của Phật, quá trình tu nhân, thành đạo, thuyết pháp hóa độ chúng sinh)
6.Pháp thân quán (quán những đức tính của Phật như Thập lực, Tứ vô úy…)
7.Thập phương chư Phật quán (quán có các vị Phật ở khắp mười phương đang phóng quang thuyết pháp)
8.Vô Lượng Thọ Phật quán (quán Phật Vô Lượng Thọ thân vàng sáng chói, hào quang rực rỡ, ngồi giữa hư không)
9.Chư pháp thực tướng quán (quán các pháp do duyên sinh, không thật tướng, thật thể)
10. Pháp Hoa tam muội quán (quán đức Phật Thích Ca và Phật Đa Bảo cùng ngồi trong tháp thất bảo, phóng quang hóa hiện các hóa Phật ở khắp mười phương thuyết kinh Pháp Hoa).
Nội dung 10 pháp quán niệm, quán tưởng trên gồm có các pháp quán niệm, quán tưởng của thiền quán Nguyên thủy (quán bất tịnh, quán bạch cốt, quán Tứ vô lượng tâm, quán sinh thân Phật) và thiền quán của Phật giáo Phát triển (quán Phật tam muội, quán Thập phương chư Phật, quán Vô Lượng Thọ Phật, quán Pháp Hoa tam muội). Mục đích chính của các pháp quán này là nhằm định tâm, dứt trừ loạn tưởng và các lậu hoặc phần thô, là bước đầu để đi sâu vào các cấp độ thiền quán, dứt trừ lậu hoặc vi tế.
Pháp tu Tịnh độ không chỉ là niệm Phật mà còn phát tâm Bồ-đề, làm các công đức, tin sâu nhân quả, thọ Tam quy, trì Ngũ giới, hành Thập thiện (Xem thêm kinh Quán Vô Lượng Thọ). Chưa kể phát Bồ-đề tâm, trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh; chưa kể công đức niệm Phật, chỉ cần thọ Tam quy, hành Thập thiện trọn vẹn cũng đã gieo nhân làm nền tảng để sau này thành tựu đạo quả Thanh văn, Duyên giác, Bồ-tát, Phật (Xem thêm kinh Thập thiện nghiệp đạo). Luận về niệm Phật, trong Khóa hư lục quyển thượng của Trần Thái Tông Hoàng đế, có viết : “Niệm Phật do tâm khởi. Tâm khởi thiện là thiện niệm. Khởi thiện niệm tất báo thiện nghiệp. Tâm khởi ác là ác niệm. Sinh ác niệm tất ứng ác nghiệp. Như gương hiện ảnh, tựa bóng theo hình” .
Các kinh của Tịnh độ tông không phải là kinh của Phật giáo Trung Quốc như một số người từng nghĩ, mà nó bắt nguồn từ Phật giáo Ấn Độ truyền sang Trung Quốc. Ở Trung Quốc, vào cuối đời Đông Hán (25-220), có đại sư Chi-lâu-ca-sấm, người nước Đại-nhục-chi, dịch các kinh thuộc hệ Bản Duyên, hệ Bát Nhã, hệ Hoa Nghiêm, Bảo Tích từ Phạn sang Hán. Và với hai bản dịch Phật thuyết Ban chu tam muội kinh và Ban chu tam muội kinh, ngài được xem là người đầu tiên phổ biến tư tưởng niệm Phật A Di Đà và thế giới tây phương Cực Lạc, làm cơ sở cho tín ngưỡng Tịnh độ sau này(2).. Đến đời Tào Ngụy (220-265), đại sư Khương Tăng Khải, người nước Khương Cư dịch Vô Lượng Thọ kinh.
Đời Ngô Tôn Quyền (222-280), cư sĩ Chi Khiêm gốc người Đại-nhục-chi, dịch bộ Đại A Di Đà kinh ; đời Hậu Tần (Diêu Tần, 384-417), pháp sư Cưu-ma-la-thập, người nước Khâu Tư, dịch Phật thuyết A Di Đà kinh ; đời Lưu Tống (420-478), đại sư Cương-lương-da-xá, người Tây Vực, dịch Quán Vô Lượng Thọ kinh ; đời Tuyên Võ Đế (499-515), ngài Bồ-đề-lưu-chi dịch Vãng sinh Tịnh độ luận (tức Vô Lượng Thọ kinh luận do ngài Thế Thân trước tác) v.v.. Về sau, ba bộ kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ, Phật thuyết A Di Đà và bộ luận Vãng sinh Tịnh độ được xem là quan trọng nhất của tông Tịnh độ.
Cuối thời Đông Tấn (317-419), lịch sử Phật giáo Trung Quốc xem là thời đại thiền học cực thịnh, và đại sư Huệ Viễn (Sơ tổ của tông Tịnh độ sau này) cũng là bậc cao tăng chuyên nghiên cứu và tu học Giới, Định, Tuệ, lấy thiền định làm trọng tâm(3), nhưng tại sao Ngài lại tổ chức một giáo đoàn sơ khai chuyên tu Tịnh độ gồm cả tăng và tục là Bạch liên xã ở chùa Đông Lâm, biến vùng Lô Sơn thành một trung tâm Phật giáo nổi tiếng thời bấy giờ ? Điều này cho thấy giáo nghĩa Tịnh độ có cơ sở vững chắc và có những điểm đặc sắc, đặc thù, phù hợp với nhiều đối tượng.
Phan Minh Đức (ĐSHĐ-008)
Khóa hư lục, HT.Thích Thanh Kiểm dịch, Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh ấn hành, 1997, tr.47
(2) Theo Phật Quang đại từ điển, 1988, tr.1416B-C
(3) Xem thêm Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, HT.Thích Thanh Kiểm biên soạn, Thành hội Phật giáo TP.Hồ Chí Minh ấn hành, 1991, tr.78-81.