
Sau các Ban, Viện trực thuộc Trung ương Giáo hội; vừa qua sáng ngày 30/10/2022 (nhằm 6/10 năm Nhâm Dần), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ 2017-2022 và triển khai phương hướng phát triển hoạt động cho nhiệm kỳ mới tại Học viện Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh (cơ sở I – 750 Nguyễn Kiệm, Phú Nhuận).
Từ một Phân viện đặc thù, đề cao tính hàn lâm; Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam có thể nói là một bộ phận có những đóng góp to lớn cho các Ban ngành Giáo hội trong việc nghiên cứu, thẩm định, truyền bá tư tưởng, giáo lý chủ đạo, chân chánh của Phật, Tổ. Ngoài những thành tựu xuyên suốt trong 7 nhiệm kỳ thì 5 năm qua, Viện đã thành lập, 2 phân viện, 11 trung tâm và 2 ban được duy trì với số lượng 450 Tăng Ni, cư sĩ trí thức, các nhà nghiên cứu, học giả trong cả nước.
Ở đó, công tác dịch thuật, ấn hành Đại Tạng kinh Phật giáo Việt Nam được xem là nhiệm vụ mấu chốt và cần tìm “mẫu số chung”. Qua số lượng dịch phẩm của Bộ Thánh điển được ấn hành, cho thấy sự nỗ lực rất lớn từ các Thành viên trong Viện và sự đóng góp tận tâm của Phật tử các giới. Bên cạnh đó, công tác Tọa đàm và Hội thảo khoa học cũng được triển khai sôi nổi trên các diễn đàn thuộc ba miền Bắc, Trung, Nam. Nội dung xoay quanh các chuyên đề lớn thuộc về Triết học, Sử học, Văn hóa Phật giáo. Điều này không chỉ khơi dậy giá trị khoa học của các Hội thảo mà còn đánh thức tiềm năng phát triển của Viện trước bối cảnh hội nhập tri thức trong nước và quốc tế.
Công tác xuất bản, tái bản cũng gặt hái được nhiều thành quả đến từ sự cộng tác của nhiều cá nhân và đoàn thể trong các ấn phẩm sách, báo. Đồng thời các Viện cũng không ngừng đào tạo nhân sự kế thừa; xúc tiến cho dự án niên giám Phật giáo Việt Nam; hiệu đính, dịch mới các tác phẩm tiếp theo và số hóa tư liệu.
Ngoài việc tán dương công đức của các cá nhân và tập thể, Viện đã triển khai phương hướng hoạt động, nhằm thúc đẩy hoàn thiện Đại tạng, luận tạng Theravada; định hình “Tục tạng Tam tạng PGVN”; tiếp tục duy trì, nâng cao hoạt động của Viện cũng như các Trung tâm; số hóa Tam tạng và bảo tồn di sản Phật giáo; đẩy mạnh tổ chức hội thảo giữa Viện và Viện nghiên cứu tôn giáo…
Góp phần kế thừa mạng mạch Phật pháp của nhiều thế hệ Tăng già, Viện không chỉ nỗ lực khắc phục những tồn đọng trong nhiệm kỳ cũ mà còn cố gắng tạo nên sự thành công trong nhiệm kỳ mới. Đó cũng là dấu hiệu tốt để hướng về Hội thảo Kỷ niệm 60 năm Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu cũng như Tổ chức Đại lễ Vesak 2025.
Nhật Hiếu
Diễn đọc: Sc Đức Tạng