An cư, tiếng Phạn: Vàrwika hoặc varwa, Pàli: Vassa. Dịch ý là vũ kỳ (thời kỳ mưa). Còn gọi là Hạ an cư, Vũ an cư, Tọa hạ, Hạ tọa, Kiết hạ, Tọa lạp, Nhất hạ cửu tuần, Cửu tuần cấm túc, Kết chế an cư, Kết chế. Thời kỳ mưa ở Ấn Độ kéo dài suốt ba tháng mùa hạ. Trong ba tháng này, người xuất gia không được đi ra ngoài mà phải tập trung ở yên một chỗ, dốc sức tu hành, gọi là An cư. Trong thời kỳ mưa nhiều, đi ra ngoài, sợ giẫm đạp các loại côn trùng và mầm non của cây cỏ trên mặt đất, khiến người đời chê cười, vì thế phải ở yên một chỗ để tu hành, tránh không ra ngoài. Tứ Phần Luật San Bổ Tùy Cơ Yết Ma Sớ (quyển 4), giải thích chữ An cư như sau: Thu nhiếp thân tâm yên tĩnh là An, ở trong một thời kỳ bắt buộc gọi là Cư.
Nguyên nhân đức Phật chế định pháp An cư được ghi lại trong Tứ Phần Luật như sau: Bấy giờ, đức Phật ở tại nước Xá Vệ, trong vườn cây ông Cấp Cô Độc. Lúc đó, hàng lục quần Tỳ-kheo, tất cả thời xuân hạ đều du hành trong nhân gian, nhằm lúc mùa hạ tháng mưa, nước dâng cao, trôi mất y bát, tọa cụ, ống kim, giẫm lên các loài côn trùng, thảo mộc…. Hàng cư sĩ thấy thế, cùng nhau chê cười hiềm tỵ, mỉa mai rằng: “Sa môn Thích tử không biết tàm quý, giẫm đạp lên các loài côn trùng cỏ cây; bên ngoài thì tự xưng rằng: Tôi biết như chánh pháp, như thế nào là có chánh pháp?…. nhưng lại giẫm đạp lên các loài sinh vật cỏ cây, đoạn mạng căn của chúng. Pháp An cư tối thượng của ngoại đạo… các loài côn trùng, chim chóc còn có tổ để làm nơi dừng nghỉ tránh mưa nắng, huống hồ hàng Sa môn Thích tử, tất cả thời xuân hạ dạo đi trong nhân gian. Khi trời mưa to, nước dâng cao, trôi mất y bát, tọa cụ, ống đựng kim, giẫm lên các loại côn trùng và cây cỏ, đoạn mạng căn của chúng”. Do nhân duyên này, đức Thế Tôn vân tập chư Tỳ-kheo Tăng, dùng vô số phương tiện quở trách lục quần Tỳ-kheo.1 Đức Phật dạy: “Các ông không được đi dạo trong nhân gian vào các mùa xuân hạ”. Từ nay trở đi chư Tỳ-kheo phải An cư ba tháng mùa mưa.
Chế độ An cư đầu tiên do Bà-la-môn giáo tại Ấn Độ cổ đại thực hành, về sau được Phật giáo áp dụng. Trong Trường A Hàm (quyển 2) kinh Du Hành, kinh Phật Bản Hạnh Tập (quyển 39), có ghi chép các câu chuyện đức Phật và chư đệ tử an cư tu hành. Kinh Tăng-già-la-sát Sở Tập (quyển hạ), có liệt kê tên các nơi mà đức Phật đã tọa hạ trong khoảng 45 năm. Về địa điểm, đức Phật, sau khi thành đạo, và chư đệ tử đã cử hành An cư lần đầu tiên. Các kinh điển ghi chép khác nhau, tuy nhiên, phần lớn đều lấy vườn Lộc Dã làm nơi An cư lần đầu tiên. Theo Thiện kiến Luật Tỳ-bà-sa (quyển 3) ghi rằng: “Con trai của vua A Dục là La-ma-hi-đà và các Tỳ-kheo ở Tích Lan (nay là Sri Lanka) đã tọa hạ ba tháng tại Ca Na Ca Thất, trên núi Chi Đế Da. Đến nay, Tích Lan và các nước Phật giáo phương Nam vẫn chiếu theo luật đã qui định mà cử hành An cư.
Theo luật Thập Tụng (quyển 24), năm chúng xuất gia là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, Thức-xoa-ma ni, Sa-di, Sa-di-ni phải cử hành An cư. Hai chúng tại gia Ưu-bà-tắc và Ưu-bà-di không An cư. Trong năm chúng xuất gia, thì Tỳ-kheo và Sa-di cùng an cư tu hành ở một trú xứ. Tỳ-kheo ni và Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-ni cùng an cư tu hành ở một trú xứ. Trong Luật tạng, Đại Phẩm nhập vũ An cư kiền độ2 (Pàli: Vassupanàyika – kkhandhaka) qui định, nếu Tỳ-kheo không an cư sẽ mắc tội ác tác3 (Pàli: dukkata, đột-cát-la).
Về địa điểm An cư, Luật Tứ phần (quyển 37), An cư kiền độ nêu ra các chỗ như: dưới gốc cây, nhà nhỏ, hang núi, hốc cây, trên thuyền, làng mạc v.v…, hoặc nương nơi những người chăn bò, người ép dầu, người đốn gỗ để an cư. Luật Ngũ Phần (quyển 19) An cư pháp, cấm chỉ không được An cư ở những nơi không có sự cứu hộ, như: giữa bãi tha ma, chỗ không cây cối, nhà lợp bằng da thú (còn có lông), chỗ đất trống v.v… trước khi An cư, phải sửa sang phòng xá, đồng thời, phân phối phòng xá và các vật cần dùng cho đại chúng một cách bình đẳng. Về thời gian, Luật Ma ha tăng kỳ (quyển 27) Sàng Nhục Pháp Điều, ghi: Nếu nơi an cư tương đối gần thì có thể phân phối vào ngày 15 tháng 4; nếu nơi An cư tương đối xa, hoặc số người An cư quá đông mà phải chia bớt đến nơi khác để An cư thì có thể phân phối sớm hơn vào ngày 13 tháng 4.
Trước khi vào An cư, phải đối trước người mình nương tựa (vị Tỳ-kheo có đức hạnh) để bày tỏ ý kiết chế An cư, gọi là đối thú An cư; không có người nương tựa, thì trong tâm tự nói ý kiết chế An cư để vào An cư, gọi là tâm niệm An cư. Trong thời gian An cư, cấm chỉ không được đi dạo bên ngoài, nếu người nào không tuân qui định ấy thì mắc tội ác tác. Tuy nhiên, căn cứ theo luật Tứ phần (quyển 37), nếu người nào có thể trở về ngay trong ngày được phép ra ngoài, hoặc có việc đặc biệt cần thiết, được Tăng đoàn cho phép, có thể ra ngoài trong vòng bảy ngày, mười lăm ngày, phương pháp này gọi là Thất – nhật – pháp, Thụ – nhật – pháp. Ngoài ra, nếu người nào vi phạm qui định này mà ra ngoài, thì đắc tội ác tác, gọi là phá an cư, phá hạ, sẽ mất tư cách tiếp nhận các vật cúng dường an cư được phân phối. Nhưng vì các chướng nạn như: chạy tránh ác thú, rắn độc, hỏa hoạn, nước dâng, vua bắt, giặc đuổi, trúng thực, nữ nhân, thân tộc v.v…, hoặc vì sự hóa giải việc phá Tăng mà rời khỏi nơi An cư, thì không phạm tội.
Về thời gian An cư, thông thường phần nhiều lấy một hạ chín tuần (tức ba tháng) làm kì hạn. Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao (quyển thượng) phần 4, lấy ngày 16 tháng 4 là ngày đầu An cư, ngày 15 tháng 7 là ngày cuối cùng, ngày 16 tháng 7 là ngày Tự tứ; luật Ma ha Tăng-kỳ (quyển 27), lấy ngày 15 tháng 7 làm ngày Tự tứ. Đại Đường Tây Vực Ký (quyển 2 và quyển 8), ghi thời kỳ An cư từ ngày 16 tháng 5 đến ngày 15 tháng 8.
Về chủng loại An cư có hai thuyết. Thuyết thứ nhất, An cư có hai cách là tiền An cư và hậu An cư (tiền An cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 5, hậu An cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 6). Thuyết thứ hai, An cư có ba cách là tiền An cư, trung An cư và hậu An cư (tiền An cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 4, trung an cư bắt đầu vào ngày 17 tháng 4 đến ngày 15 tháng 5, hậu an cư bắt đầu vào ngày 16 tháng 5). Ngoài ra, Đại thừa Pháp uyển nghĩa lâm chương (quyển 2) phần đầu, dẫn dụng thuyết trong kinh Niết Bàn, đem chia một ngày kết chế làm năm phần, rồi theo thứ tự, tường thuật hành chỉ của đức Phật trong một ngày, sáng dậy Ngài mặc áo, ra ngoài khất thực hành hóa, cho đến việc nói pháp cho chúng Tỳ-kheo, chư thiên và các thiện thần.
Ngày đầu An cư gọi là kiết hạ, ngày kết thúc viên mãn gọi là giải hạ, quá hạ, hạ kính, hạ mãn, hạ giải, an cư kính. Thời kỳ giữa kiết hạ và giải hạ, gọi là bán hạ. Căn cứ theo Luật Tứ Phần (quyển 43) Ca-hi-na y kiền độ chép, khi kết thúc An cư phải làm bốn việc là: tự tứ, giải giới, kết giới và thụ công đức y. Tức sau khi An cư đã viên mãn, đại chúng phải tự xét những hành vi của mình trong thời gian An cư, nếu có tội thì tự giãi bày để sám hối, gọi là tự tứ; ngày tự tứ gọi là tự tứ nhật, Phật hoan hỉ nhật. Lại khi kết thúc An cư, phải giải trừ cái phạm vi đã được kết giới mà trong thời gian An cư không được ra khỏi, gọi là giải giới. Lại sau khi An cư đã viên mãn, các Tỳ- kheo, Tỳ- kheo ni được thêm một tuổi hạ gọi là Pháp lạp. Pháp lạp cũng gọi là hạ lạp, là tiêu chuẩn qui định thứ bậc lớn, nhỏ của hàng xuất gia. Thông thường phần nhiều cử hành An cư vào mùa hạ, nhưng cũng có kết chế An cư vào mùa đông, gọi là Đông an cư. Tại Trung Quốc, Nhật Bản và các địa phương Tây vực đều có chế độ Đông An cư. Cứ theo Đại Đường Tây Vực Ký (quyển 1) Yết Sương Sa Quốc ghi, lấy ngày 16 tháng 12 là ngày đầu của Đông An cư, ngày 15 tháng 3 năm sau là ngày cuối cùng.
Tại Trung Quốc, chế độ An cư bắt đầu được thực hành vào thời Diêu Tần. Vào thời ấy, các luật Thập Tụng và Quảng Luật đã được truyền dịch và nói rất tường tận về tác pháp An cư, chư tăng Trung Quốc bèn theo đó mà làm lễ kiết hạ. Ngoài ra, như Xuất Tam Tạng Ký Tập (quyển 3) Tân Lập Luật Lai Hán Địa Tứ Bộ Tự Lục, Quảng Hoằng Minh Tập (quyển 24), cũng có ghi lại sự tích chư Tăng Trung Quốc kiết hạ An cư. Chế độ An cư ở Trung Quốc tuy thừa kế truyền thống của Ấn Độ, nhưng vì phong thổ và tập quán có khác, cho nên chưa hẳn hoàn toàn noi theo tác pháp Ấn Độ, mà cũng có chỗ biến thông. Như Đại Tống Tăng Sử Lược (quyển hạ), Tứ Hạ hạp điều có ghi: Giữa đời Đường đến đời Ngũ Đại, có việc không y theo hành nghi An cư mà ban thêm tuổi hạ.
Ngoài ra, tại Trung Quốc cũng có thuyết tùy ý tùy chỗ mà cử hành An cư, tức thừa nhận việc tu hành tùy nơi chỗ mà làm, chứ không giới hạn ở thời kỳ An cư, cho nên, những việc làm trong năm, không coi ba tháng hạ An cư là việc tất yếu. Như trong Bách Trượng Thanh Qui Nguyệt Phân Tu Tri chương, ghi rằng: Các việc làm mỗi tháng mà không thấy có mục An cư. Ngoài ra, căn cứ theo Thích Thị Yếu Lãm (quyển hạ), Giải Hạ điều ghi: Vào ngày tự tứ, các Tỳ-kheo Ấn Độ phải lấy cỏ (tức cỏ cát tường) làm tòa ngồi cho chúng Tăng, tự mình cũng ngồi trên cỏ mà làm Tự tứ. Tập tục này khi được truyền đến Trung Quốc thì có chỗ thay đổi; như chúng Tăng ở các địa phương Giang Nam dưới đời Tống, vào ngày giải hạ, lấy cỏ tặng cho đàn việt (thí chủ).
Tại Nhật Bản, chế độ An cư được thực hành từ lâu, thời gian cùng lúc với hội tắm Phật. Trong thời gian An cư cũng có các thời giảng kinh, gọi là Hạ kinh. Vào thời đại Bình An, trong An cư, ngoài việc giảng kinh, còn tổ chức viết kinh, gọi là Hạ thư. Lại vào ngày giải hạ, thu góp các Hạ thư đem nạp cho các chùa, gọi là Thư nạp, Hạ giải nạp. Lại trong thời gian An cư, Tăng ở ẩn trong các chùa, gọi là Hạ lung; ngôi nhà ở ẩn gọi là Hạ đường. Trong An cư, tu niệm Phật gọi là Hạ niệm Phật; Tăng kiết hạ An cư gọi là Hạ tăng; trong thời gian An cư, tránh những thực vật bất tịnh, gọi là Hạ đoạn.
An cư tại Nhật Bản phần nhiều là chế độ “Nhị kì tịnh hành” (cùng làm hai kỳ một lúc). Về mặt hình thức, xưa nay đã thay đổi không ít, nhưng cho đến nay vẫn còn được cử hành một cách trọng thể. Trong đó, đặc biệt coi trọng việc An cư của Thiền tông, tức hằng năm, từ ngày 15 tháng 4 đến ngày 15 tháng 7 là thời kỳ Hạ an cư, từ ngày 15 tháng 10 đến ngày 15 tháng 1 năm sau là thời kỳ Đông an cư. [xem Trung A Hàm (quyển 19) kinh Thỉnh Thỉnh; kinh Nguyệt Đăng Tam Muội (quyển 5); kinh Chính Pháp Niệm; luật Tứ Phần (quyển 58); Nam Hải Ký Qui Nội Pháp truyện (quyển 1-2); Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (quyển 17) Tào Sơn bản tịch Thiền Sư Chương (phần hạ); Gia Thái Phổ Đăng Lục (quyển 14) Tuyết Đình Nguyên Tịnh Thiền Sư Chương (phần hạ); Thiền Uyển Thanh Qui (quyển 2); luận Hưng Thiền Hộ Quốc (quyển hạ) ].
Nối tiếp truyền thống đó, ngày nay Phật giáo khắp nơi trên thế giới đều tổ chức An cư, thời gian tuy không giống nhau nhưng với mục đích chung là trau dồi đạo nghiệp, thúc liễm thân tâm, giữ gìn tứ oai nghi theo lời Phật dạy. Nhất là phải cột tâm, đừng suy nghĩ những điều bất thiện, không để phiền não sanh khởi.
Lăng Già Nguyệt (ĐSHĐ-008)
Diễn đọc: Đức Tạng
Lục quần Tỳ-kheo: (Pàli: Chabbagiyà bhikkhu) cũng gọi Lục chúng bật sô, Lục quần. Sáu vị ác Tỳ-kheo ở thời đại đức Phật. Sáu người này kết thành bè đảng, không giữ luật nghi, làm nhiều việc xấu xa, lí do Phật chế giới phần nhiều là vì 6 Tỳ-kheo này. Tên của 6 người này, các luật đều ghi chép khác nhau. Theo luật Tứ phần quyển 22 thì Lục quần Tỳ-kheo gồm có:
1. Nan-đà (Phạm: Nanda), cũng gọi Nan-đồ.
2. Bạt-nan-đà (Phạm: Upananda), cũng gọi Ô-ba-nan-đà.
3. Ca-lưu-đà-di (Phạm: Kàlodàyin, hoặc Udàyin).
4. Xiển-na (Phạm: Chanda), cũng gọi Xa-nặc.
5. A-thuyết-ca (Phạm: Avaka), cũng gọi A-thấp-ba, Hán dịch: Mã túc, Mã sư.
6. Phất-na-bạt (Phạm: Punavarsu), cũng gọi Phú-na-bà-sa, Bổ-nại-bà-tố-ca, Hán dịch: Mãn túc.
An cư kiền độ. Pàli: Vassupanàyika – khandhaka, là một trong hai mươi kiền độ. Chỉ các loại chế giới liên quan đến việc An cư. Như tư cách của những người tham dự, việc phân phối phòng xá, ngọa cụ, tiền An cư, hậu An cư, nơi chỗ An cư, trong nhà, ra ngoài v.v… những qui định về các việc trên đây, gọi là An cư kiền độ. (xt. Nhị Thập Kiền Độ).
Ác tác: Là một trong các tâm sở (tác dụng phụ thuộc tâm). Đồng nghĩa với “hối”. Là một trong 75 pháp do Thuyết nhất thiết hữu bộ lập ra, thuộc Bất- định – địa – pháp, cũng là một trong bốn Bất định của tông Pháp tướng. Ác, tức chán ghét; tác, tức việc được làm. Nghĩa là chán ghét cái việc đã được thực hiện, tâm hối tiếc sau khi việc ác được làm. Luận Câu Xá (quyển 4), đối với từ “ác tác”, có nêu ra ba cách giải thích. Một là, việc duyên với ác được thực hiện mà hối tiếc, gọi là Ác tác, tức đứng về mặt hối tiếc năng duyên mà đặt tên cảnh sở duyên. Hai là, sự hối tiếc lấy ác tác làm chỗ nương tựa mà sinh, cho nên đứng về mặt hối tiếc năng y mà đặt tên sở y. Ba là, sự hối tiếc là quả của sự làm ác, cho nên đứng về mặt quả hối tiếc mà đặt tên nhân. Trong ba cách giải thích trên đây, chữ “Ác” của ác tác, đều được đọc là “Ố”, nghĩa của nó đều là hối tiếc việc đã làm. Nhưng, tính của ác tác không phải chỉ là bất thiện, mà bất luận thiện hay bất thiện, phàm việc đã được thực hiện một cách không hợp tình hợp lí, thì đều gọi là ác tác. Luận Đại-tỳ-bà-sa (quyển 37), có nêu lên bốn câu ác tác:
1. Hối tiếc ác nghiệp đã làm,
2. Hối tiếc thiện nghiệp đã làm,
3. Hối tiếc thiện nghiệp đã làm chưa đủ,
4. Hối tiếc ác nghiệp đã làm chưa đủ.
Trích dịch từ Thuật luận Tăng đoàn đích An cư Chế độ (乘一, 述論僧團的安居制度)