Nhìn những đứa trẻ núc ních, người ta hay trầm trồ khen các bà mẹ ấy khéo nuôi con. Trong khi những bà mẹ có con gầy nhom luôn phải chịu áp lực con mình chẳng ai thèm quan tâm, bồng bế, nựng nịu. Với tâm lý đó, nhiều phụ huynh đã đem con mình lên bàn cân ganh đua. Từ đó dẫn đến việc trẻ em ăn uống mất kiểm soát đến nỗi béo phì.
Hiện nay, tỉ lệ mắc béo phì ở trẻ em và thiếu niên trên thế giới đang gia tăng ở mức đáng báo động. Số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, năm 2016 có 340 triệu trẻ em và thanh thiếu niên từ 5 – 19 tuổi bị thừa cân, béo phì. Tại Việt Nam, tỉ lệ thừa cân, béo phì có sự gia tăng nhanh, đặc biệt là ở các khu vực đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 10 năm, từ 2010-2020, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em tăng vọt từ 8, 5% lên 19%. Cụ thể, tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi là 7, 4% (9, 8% ở thành thị, 5, 3% ở nông thôn) và 19% ở trẻ em lứa tuổi học sinh. Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNECEF) cũng đã cảnh báo, nếu không có hành động can thiệp, Việt Nam sẽ có khoảng 1, 9 triệu trẻ em béo phì vào năm 2030.
Dù đã được truyền thông, y tế cảnh báo nhưng do các bà mẹ thích nuôi con theo kiểu “mập là tốt” nên không nhận ra điều bất thường đó. Cứ hễ nghe người hàng xóm khen lấy khen để con mình là khoái chí đến tít cả mắt, càng ra sức cho con ăn nhiều hơn. Còn ai đó khen con mình gầy quá hoặc thấy con người khác được khen thì ganh tị, bắt con mình phải ăn bằng mọi giá. Nhiều đứa trẻ bị đánh đến khóc thét, phạt, dọa nạt cũng chỉ vì không chịu ăn hoặc ăn quá ít.
Chỉ vì thích được khen, thích ganh đua mà nhiều phụ huynh đã đẩy con mình vào chỗ khó. Trẻ béo phì luôn mang mặc cảm tự ti rất đáng thương khi chúng lớn dần. Chúng bị bạn bè trêu chọc là thùng phuy, con heo, bánh ú… rồi còn bị bạn bẹo má, vỗ bụng, vỗ mông cười cợt dẫn đến rối loạn tâm lý. Dần dần các em trở nên thụ động, thiếu linh hoạt và cô đơn vì không có bạn. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến chứng trầm cảm. Trong các môn thể dục thể thao có tính vận động, bao giờ những đứa trẻ béo phì cũng đứng chót lớp. Béo phì ở trẻ em cũng làm gia tăng nguy cơ trẻ bị mắc các bệnh như gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, đái tháo đường, đề kháng insulin, rối loạn cơ xương khớp, một số bệnh ung thư…
Nuôi con không dễ, nên các bà mẹ cần tính toán kỹ lưỡng bữa ăn của trẻ sao cho hợp lý. Dù trẻ có gầy một tí nhưng thích vận động, ăn điều độ thì đó không có gì là bất thường. Nếu cần thiết có thể nhờ đến các chuyên gia dinh dưỡng để biết được tình trạng sức khỏe của con và lập trình bữa ăn sao cho khoa học. Theo WHO, béo phì là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, tiểu đường, tim mạch, cơ xương,… Cho nên, đừng vì những lời khen bâng quơ (có khi chỉ là nịnh hót) mà vô tình đẩy con vào những căn bệnh tiềm ẩn trong tương lai.
Trần Thái Học (ĐSHĐ-130)