Trong giới Phật tử Phật giáo Việt Nam ngày nay, nhiều người biết và ngưỡng mộ một Sư cô trẻ đã có nhiều cống hiến tài năng, sức lực của mình vào công tác hoằng pháp nơi xứ Kim chi như là một “hiện tượng”, đó là Sư cô Giác Lệ Hiếu. Với nhiều bài giảng đầy ý nghĩa, xuất sắc, Sư cô đã truyền cảm hứng ứng dụng Phật pháp vào đời sống hàng ngày, tháo gỡ những niềm đau, nỗi khổ trong cuộc sống đời thường trên tiktok như một làn sóng xanh giữa biển đời mênh mông. Nhân chuyến tham dự Sakyadhita lần thứ 18 tại Seoul-Hàn Quốc, đoàn Phân ban Ni giới Việt Nam đã tham dự workshop do Sư cô Giác Lệ Hiếu đảm trách. Hoa Đàm xin giới thiệu đến bạn đọc nội dung bài thuyết trình của Sư cô Giác Lệ Hiếu và khoảnh khắc trân quý gặp gỡ tình người nơi xứ Hàn.
Trong chương trình hội nghị Sakyadhita có rất nhiều workshop để cho thính chúng lựa chọn, workshop nào cũng hay, cũng mang nhiều ý nghĩa và ứng dụng trong cuộc sống người nữ Phật tử, làm cho thính chúng phân vân, không biết phải lựa chọn cho mình workshop nào phù hợp nhất, ưng ý nhất? Nhưng có lẽ vì lòng thương tưởng, ủng hộ Sư cô Giác Lệ Hiếu mà khán phòng 201 chư Tôn đức Ni Việt Nam tham dự rất đông. Đây là sự quan tâm, ưu ái, hạ cố bi mẫn của chư Tôn đức Ni Việt Nam đối với Sư cô Giác Lệ Hiếu, và cũng là tín hiệu thành công của workshop.
Với chất giọng trong trẻo và nụ cười tỏa sáng như đóa sen buổi sớm, Sư cô Giác Lệ Hiếu đã dùng tiếng Hàn và tiếng Việt để trình bày đề tài của mình một cách trôi chảy, lưu loát, dẫn dắt thính chúng đi qua từng cung bậc cảm xúc: chú ý, ghi nhận, cảm tình, hoan hỷ, ngợi khen, tán thán, khâm phục, thích thú… của chư Tôn đức Ni Hàn Quốc và đặc biệt nhận sự quan tâm của Ni đoàn Việt Nam đối với diễn giả.
Sư cô Giác Lệ Hiếu xuất thân trong một gia đình có truyền thống theo đạo Phật. Ngay từ nhỏ, cô đã ấp ủ ước mơ trở thành một tu sĩ Phật giáo. Sau khi tốt nghiệp loại giỏi hệ Cử nhân tài năng chuyên ngành Hàn Quốc học, Trường Đại học KHXH&NV TP. HCM, năm 2010 Cô sang Hàn Quốc du học và tốt nghiệp Thạc sĩ với luận án xuất sắc. Năm 2014, Cô trở về Việt Nam để xuất gia. Sau khi kết thúc chương trình Phật học cơ bản tại Việt Nam, với mong muốn được giảng dạy hệ Đại học chuyên ngành về Phật giáo, một lần nữa Sư cô Giác Lệ Hiếu quay lại Hàn Quốc làm nghiên cứu sinh, trở thành người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ chuyên ngành Phật học tại xứ sở Kim chi.
Trong những năm tháng du học, Sư cô còn là Ủy viên Ban Hoằng pháp Quốc tế; Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo Tông phái Phật giáo Tào Khê. Sư cô cũng đảm nhiệm vai trò thông dịch viên cho các phái đoàn Phật giáo Việt Nam đến thăm Hàn Quốc và ngược lại. Là một tu sĩ nước ngoài tại Seoul, Sư cô đóng vai trò như một chiếc cầu nối các nền văn hóa Phật giáo giữa các nước với nhau, đặc biệt là giữa Việt Nam với Hàn Quốc.
Đối với những đồng bào người Việt đang du học và làm việc tại xứ sở Kim chi, Sư cô luôn dành sự quan tâm đặc biệt và hỗ trợ về tinh thần giúp bà con vững vàng hơn nơi xứ người. Với mong muốn gắn kết, tạo một môi trường tu học tràn đầy năng lượng và an lạc cho cộng đồng Phật tử Việt Nam tại Seoul, được sự ủng hộ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Thầy Bổn sư là TT. Thích Nhật Từ – Trụ trì chùa Giác Ngộ, Chủ tịch Quỹ ĐPNN, người sáng lập đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay tại Việt Nam cùng sự giúp đỡ của Ni giới phái Tào Khê tại Hàn Quốc, tháng 11/2019 Sư cô Giác Lệ Hiếu đã thành lập đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay tại Hàn Quốc trong sự hân hoan của những Phật tử Việt Nam xa xứ tại thủ đô nước Hàn. Tiếp đến năm 2023, sau hơn 1 năm xây dựng, ngôi chánh điện chùa Việt Nam tại thành phố Paju đã trang nghiêm, là ngôi chùa Ni Việt Nam đầu tiên tại đất nước này.
Với đề tài “Thực tế và Hình dung Sáng kiến Hoạt động hoằng pháp của chùa Tỳ kheo Ni Việt Nam tại Hàn Quốc”, Sư cô đã mang đến Hội thảo những nội dung chính như sau:
Phần 1. Khó khăn và thuận lợi trong việc hoằng pháp ở Hàn Quốc
• Thuận lợi:
Hiện nay theo số liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc năm 2022, số lượng người Việt nhập cư sinh sống tại Hàn Quốc chỉ đứng sau Trung Quốc. Có khoảng 300.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Hàn. Trong đó, đông dân nhất là những cô dâu lấy chồng Hàn (là quê hương thứ 2, có thể thay đổi quốc tịch và sinh sống lâu dài, sinh con đẻ cái ở đây), thứ hai là lao động VN, thứ 3 chiếm đông nhất là các du học sinh. Trên thực tế, 300.000 người là con số rất lớn, chỉ đứng sau Trung Quốc mà thôi. Cộng đồng Phật tử VN ở Hàn Quốc người trẻ rất đông, vì vậy những người trẻ tiếp xúc sinh hoạt Phật giáo rất nhiều tiến bộ trong tu tập và đóng góp rất lớn trong đạo pháp cũng như các em nhỏ tiếp xúc rất dễ phát nguyện xuất gia.
– Cùng nằm trong khu vực Đông Nam Á nên Hàn Quốc và Việt Nam có nhiều nét tương đồng về văn hóa, phong tục. Đặc biệt, trong mối quan hệ đối tác chiến lược, các lĩnh vực thể thao, kinh tế, ngoại giao phát triển rất mạnh.
• Hạn chế:
– Mặt quan hệ hợp tác, giao lưu Phật giáo còn rất kém. Sự liên kết giữa các trường đại học Phật giáo Hàn Quốc và Việt Nam gần như không có, dẫn đến hạn chế hội thảo, giao lưu, chia sẻ thông tin, tài liệu, sách giáo khoa.
– Tăng Ni rất ít, không quá 15 người, gần như không một ai sử dụng thông thạo tiếng Hàn để hoằng pháp đến với con em người Hàn.
– Vấn đề truyền thông trong gia đình hạn chế, vì mẹ Việt không phong phú vốn tiếng Hàn, nên giữa mẹ và em bé sinh ra tại Hàn khó có sự tâm tình, bày tỏ.
– Phân biệt đối xử với các gia đình đa văn hóa ảnh hưởng đến tâm lý trẻ, thậm chí có trẻ ghét mẹ mình vì mẹ người Việt, tạo nên những bức xúc, phản kháng trong suy nghĩ và hành động các em.
– Kinh tế Hàn Quốc phát triển nhưng đánh rơi sau đó là những giá trị đạo đức, trong đó có Tôn giáo. Từ đó cho thấy Phật giáo có tầm quan trọng đối với sự phát triển của các em. Đó là việc truyền cảm hứng, giúp các em cân bằng cảm xúc, tránh ảnh hưởng tiêu cực từ nạn phân biệt đối xử, cảm nhận được giá trị đạo đức tâm linh, từ bi và trí huệ của đạo Phật
– Xây dựng chùa gặp khó khăn về tài chính, vì Hàn Quốc là đất nước tư bản chủ nghĩa, bất động sản, vật liệu xây dựng đắt đỏ (gấp 20 lần so với VN), việc hoạt động và duy trì cũng khó khăn, chi phí sinh hoạt cao.
– Muốn hoằng pháp quốc tế phải có 2 yếu tố: bản sắc văn hóa Phật giáo đặc trưng và mọi đối tượng đều dễ tiếp cận.
– Hàn Quốc đang trong tình trạng già hóa dân số, dẫn đến người trẻ đi xuất gia là rất hiếm.
– Phật giáo Hàn Quốc có trên 200 tông phái, mỗi tông phái có Chủ tịch và Pháp chủ riêng, cho nên, không có tính thống nhất.
Phần 2: Tình hình hoạt động của chùa Việt Nam tại Hàn Quốc
• Là chùa Ni Việt Nam đầu tiên và duy nhất tại Hàn Quốc đến thời điểm này.
• Được quý Ni trưởng, Ni sư quan tâm giúp đỡ.
• Hàng tuần có khóa tu theo nghi thức Phật giáo Việt Nam vào ngày Chủ nhật, là ngày nghỉ của người lao động.
• Hoạt động từ thiện tại chùa:
– Chia sẻ gạo, bánh trái, đồ bảo hộ lao động đến bà con; tư vấn về pháp lý, luật lao động, bảo hiểm; hướng nghiệp cho con em gia đình đa văn hóa; kiểm tra sức khỏe miễn phí;
– Nấu cơm chay thuần Việt từ thiện;
– Hành hương chùa Hàn, tham quan di sản văn hóa nghệ thuật;
– Trà quán phục vụ trà, cà phê, bánh để người chồng, người con có thể thưởng thức trong khi đợi người vợ Việt Nam đi lễ chùa (vì đa phần người dân Hàn Quốc theo đạo Tin Lành), điều này giúp giảm thiểu mâu thuẫn trong gia đình đa văn hóa, hỗ trợ người Phật tử được đến chùa mà vẫn cân bằng với chồng con;
– Dạy tiếng Việt cho người Hàn và dạy tiếng Hàn cho người lao động, người phụ nữ Việt lấy chồng Hàn; dạy thi quốc tịch, hội nhập xã hội…
Phần 3: Giải pháp
• Thành lập pháp nhân từ thiện xã hội An Nhiên, có quy mô, có tính chuyên nghiệp, là cơ sở để có sự tài trợ từ Chính phủ.
• Hình thành đạo tràng Phật tử ở từng vùng miền, có sự kết nối, đoàn kết.
• Kết nối, giao lưu giữa Giáo hội hai quốc gia, trao đổi Tăng Ni sinh, hội thảo.
• Vấn đề tài chính, truyền thông cần được hỗ trợ.
Những khó khăn bao gồm rào cản ngôn ngữ, phân biệt đối xử xã hội và những khó khăn trong đời sống cá nhân, nuôi dạy con cái. Họ cố gắng vượt qua những khó khăn bằng cách tìm lại lối sống mà họ đã sống ở Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến Phật giáo và các ngôi chùa Phật giáo. Sư cô đã cho thấy phụ nữ Việt Nam tại Hàn Quốc dũng cảm đương đầu với các vấn đề gia đình và xã hội nhờ vào Phật giáo như thế nào. Sư cô giới thiệu tổng quan về chùa Việt Nam tại thành phố Saju với hình ảnh chánh điện, các khóa tu, lễ Phật đản, con đường thiền hành dọc bờ suối, hình ảnh gói bánh tét ngày Tết, bánh Trung thu… Qua đó, các đại biểu tham dự, trong đó có cả chư Tôn đức Ni lãnh đạo Ni giới Việt Nam và Hàn Quốc có cái nhìn cảm thông đối với những khó khăn mà chư Ni Việt Nam ở Hàn Quốc gặp phải.
Thay mặt đoàn Việt Nam, Ni trưởng TN. Như Thảo – Phó Trưởng Phân ban Ni giới TW tán dương công đức SC. Giác Lệ Hiếu, đã vượt qua khó khăn trong công tác hoằng pháp và thành tựu Phật sự nơi xứ Hàn. Lời phát biểu của Ni trưởng như một hơi ấm của người mẹ, xoa dịu lòng đứa con xa xứ và là ngọn lửa của bậc Thầy, sáng soi con đường đem đạo vào đời đầy cam go, thử thách. Lời giáo huấn của Ni trưởng đầy chất bi trí, lòng bao dung độ lượng của bậc Tôn túc Ni đối với vị Ni trẻ, lớp người kế thừa sự nghiệp hoằng tuyên giáo pháp của Ni lưu, trở thành một động lực thúc đẩy cho Sư cô Giác Lệ Hiếu vững niềm tin, dõng mãnh tiến về phía trước, như những bước chân của Kiều Đàm Di Đại Ái Đạo thuở xưa. Nhân dịp này, Ni trưởng cũng đã kính lời tri ân và ngợi khen công tác tổ chức chu đáo và hoành tráng của chư Ni Hàn Quốc.
Bà Lee Mi Ran, Trưởng phòng Quan hệ Quốc tế của tông Tào Khê có mặt, lắng nghe buổi thuyết trình, đã cảm ơn những thông tin bổ ích mà bài tham luận đã mang lại và mong mỏi rằng sự hợp tác giữa Ni giới Việt Nam và Hàn Quốc sẽ có nhiều tiến triển hơn trong tương lai.
Ni trưởng Bongak – Trưởng Phân ban Ni giới Tào Khê Tông Hàn Quốc – Trụ trì chùa Hoàng Long – Trụ sở chính của Hội quán Tỳ kheo Ni Toàn Quốc đã thăm và tặng quà lưu niệm cho SC. Giác Lệ Hiếu.
Workshop kết thúc trong vô vàn hỷ lạc, đọng trong tâm hồn mỗi người là bức tranh hai nền văn hóa Việt – Hàn với những nét chấm phá tuyệt mỹ mà chỉ có thể những người con gái đức Phật mới có những cây bút tuyệt kỹ như thế và Phật giáo chính là nhịp cầu nối những bến bờ cảm thông, tin tưởng, yêu thương!
Trung Tịnh Bảo Tích (ĐSHĐ-119)