Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba.
Trải qua mấy ngàn năm lịch sử, câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi sâu vào lòng người dân Việt Nam từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Khắc họa đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, một truyền thống vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam được đúc kết từ ngàn đời nay, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của ông cha ta. Câu ca dao ấy cũng nói lên rằng trong tâm thức mỗi người dân Việt muôn người như một dù đi đâu, làm gì cũng vẫn nhớ về nguồn cội.
Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày mùng 10/3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì (tỉnh Phú Thọ). Lịch sử ngày giỗ Tổ đã được các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây ghi nhận trong nhiều văn bản. Bản ngọc phả viết vào triều Trần năm 1470, đời vua Lê Thánh Tông để tại đền Hùng nói rằng: “… Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa… ”. Đến đời nhà Nguyễn vào năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc đã trình Bộ Lễ định ngày 10/3 âm lịch hàng năm làm ngày quốc lễ (quốc giỗ). Điều này được tấm bia Hùng Vương từ khảo do Tham tri Bùi Ngọc Hoàn, Tuần phủ tỉnh Phú Thọ, lập năm Bảo Đại thứ 15 (1840) đặt ở đền Thượng, xác nhận: “Trước đây, ngày quốc lễ lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ 2 (1917), Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mùng 10/3 hàng năm làm ngày quốc lễ, tức trước ngày giỗ Tổ Hùng Vương đời thứ 18 một ngày. Còn ngày giỗ (11/3) do dân sở tại làm lễ”…
Trong ngày giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng – quyền Chủ tịch nước – đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO thì “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa thế giới. “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Ngày 06/12/2012 UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Vũ Chi (ĐSHĐ-115)