Thời Đức Phật tại thế, vai trò và vị thế của người phụ nữ bị đánh giá thấp. Người nữ không được xuất gia để tu tập. Họ cũng không được tham gia các hoạt động cộng đồng, nghi lễ tôn giáo như nam giới. Nữ giới còn bị xem là nguồn gốc của tội lỗi và các ác nghiệp. Những quan điểm và tư tưởng tiêu cực này đã tồn tại, ăn sâu vào tư tưởng của mọi tầng lớp xã hội Ấn Độ cổ đại. Tuy nhiên, Đức Phật đã nói: Người nữ có thể đạt đến mức tiến bộ tuyệt đỉnh, trí tuệ thâm sâu, dẫn tới Niết-bàn. Ngài chế định ra Bát Kỉnh Pháp để người nữ nương theo đó tu tập, đồng thời chấp thuận cho thành lập Ni đoàn. Sự kiện này đã gây chấn động lớn trong giới tôn giáo thời bấy giờ vì nó đối đầu trực tiếp với tín niệm tiêu cực quen thuộc về phụ nữ và là sự đổi mới phi thường, góp phần giải phóng phụ nữ, đặt vị trí của họ ngang hàng với nam giới. Hơn 25 thế kỷ trôi qua, mặc dù nhiều tôn giáo đã phát triển cực thịnh, nhưng vẫn chưa có thêm một tôn giáo nào thành lập giáo hội cho nữ tu sĩ. Và cho đến nay, tinh thần Bát Kỉnh Pháp vẫn tiếp tục hiện hữu, phát triển. Vậy, Bát Kỉnh Pháp ra đời trong hoàn cảnh nào? Có tác động như thế nào đến Ni giới Việt Nam? Ni giới thời nay nên nhận thức và thể hiện tinh thần Bát Kỉnh Pháp như thế nào? Bài viết tập trung tìm lời đáp cho các câu hỏi trên.
1. Sự kiện thành lập Ni đoàn và Bá t Kỉnh Pháp
1.1. Sự kiện thành lập Ni đoàn
Ở Ấn Độ cổ đại, vị trí, vai trò của người phụ nữ bị xem thường. Kinh Vệ-đà cho rằng: ‚Người nữ là nguồn gốc của mọi sự rắc rối cho chính đấng sanh thành tạo ra và họ chỉ là kẻ sinh con cho cha mẹ chồng…‛. Còn Kỳ Na giáo thì quan niệm: “Người phụ nữ là ngọn đèn chiếu sáng con đường dẫn đến cánh cửa địa ngục”1. Theo tục lệ Sati, người vợ phải bị thiêu sống để đi theo người chồng đã chết… Những quan niệm tiêu cực về phụ nữ kể trên đã ăn sâu vào tôn giáo và tư tưởng của mọi người. Tôn giáo và các giáo phái đương thời không đồng tình cho người nữ xuất gia.
Khi Vua Suddhodana (Tịnh Phạn) băng hà, bà Maha Pajapati Gotami (Ma Ha Ba Xà Ba Đề – Kiều Đàm Di) nhàm chán sự giả tạm của kiếp phù du, quyết định xin nương tựa đời sống xuất gia giải thoát. Chuyện kể rằng khi Đức Phật về lại kinh thành Kapilavattu (Ca Tỳ La Vệ) để giảng hòa một cuộc tranh chấp dữ dội và nghiệt ngã về quyền sử dụng nước của dòng sông Rohini giữa hai dân tộc Sakyan và Koliyan, sau khi xong việc, như thường lệ, Đức Phật thuyết giảng giáo pháp, và sau lần thuyết pháp đó, một số đông người Sakyan xin gia nhập giáo hội Tỳ-kheo. Các bà vợ của những vị ấy, do bà Maha Pajapati Gotami dẫn đầu, đến gặp Đức Phật xin được xuất gia: “Bạch Đức Thế Tôn, thật là một đại hạnh cho nữ giới nếu hàng phụ nữ chúng con được chấp nhận gia nhập vào Tăng đoàn để khép mình trong khuôn khổ của giáo pháp và Giới Luật mà Ngài công bố.” Đức Phật không sẵn sàng khích lệ thỉnh nguyện của bà Gotami và trả lời:”Đủ rồi, này Gotami, Như Lai không thể làm vừa lòng bà và chấp nhận như vậy.” Lần thứ hai và thứ ba thỉnh cầu, bà Gotami vẫn bị từ chối. Lần thứ tư, bà Gotami cùng với 500 người nữ dòng họ Xá Di đi bộ 150 dặm đến Vesali (Phệ Xà Ly), mình mẩy lấm lem, bụi bặm, y phục tả tơi, chân sưng vù, đau nhức, tiếp tục thỉnh cầu Đức Thế Tôn. Tại đây, ba lần kiên nhẫn nhờ Tôn giả A-nan tha thiết trình bày nguyện vọng của mình nhưng Đức Phật vẫn một mực chối từ. Cuối cùng, với sự nài nỉ bền bỉ của Tôn giả A-nan, sự biết ơn đối với Di mẫu Gotami và đặc biệt là gợi mở khả năng người nữ có thể đạt đến mức tiến bộ tuyệt đỉnh, thâm sâu dẫn tới Niết-bàn nên Đức Phật đã thuận lòng.
Với trí tuệ nhìn xa, hiểu rộng, Đức Thế Tôn có thể thấy những hiểm họa và khuyết điểm không thể tránh trong việc điều hành song song hai giới Tăng già cùng một lúc. Do đó, Ngài ban hành Bát Kỉnh Pháp2 cho Ni đoàn nhằm giữ gìn và bảo vệ cả hai giới Tăng già. Tôn giả A-nan trao truyền lại tám điều giới pháp ấy cho bà Maha Pajàpati Gotami và Ni đoàn. Bà vui mừng khôn xiết, hoan hỷ lãnh thọ và nguyện kính giữ trọn đời không vi phạm. Từ đây, Ni đoàn chính thức được thành lập dưới sự lãnh đạo của bà Gotami. Sau đó, mọi tầng lớp trong xã hội đến gia nhập Giáo hội. Sự nỗ lực tiến tới mục tiêu giải thoát hoàn toàn của các bà đã để lại trong văn học Phật giáo những trang vẻ vang, chói lọi bằng những Thánh thi của chư Tỳ-kheo-ni3.
1.2. Tại sao cần có Bát Kỉnh Pháp?
Việc thành lập Ni đoàn cùng với sự chế định ra Bát Kỉnh Pháp thể hiện tư tưởng giải phóng phụ nữ và tâm nguyện phát triển Phật pháp của Đức Thế Tôn. Tại sao Ngài lại do dự trước năm lần bảy lượt thỉnh cầu? Tại sao Ngài chấp nhận cho người nữ vào giáo pháp và quyết định thành lập Ni đoàn? Tại sao Ngài lại đưa ra Bát Kỉnh Pháp trước khi cho phép Ni đoàn thành lập? Trước hết, Ngài còn do dự việc cho người nữ vào giáo pháp vì Ngài thấy trước, trên con đường tiến bộ của họ đầy sự hiểm nguy, thách thức và có thể ảnh hưởng đến sự tồn vinh Phật pháp. Nếu người nữ xuất gia, sẽ cần có một đời sống ổn định cho Ni giới và điều đó khiến đời sống vô gia cư, tu tập vốn có của Tăng đoàn thay đổi. Hơn nữa, lúc ấy, Đức Phật vừa phải đối diện với phản ứng của xã hội, vừa phải đối diện với sự phản đối trong chính giá đoàn của Ngài4. Vì Tăng đoàn của Đức Phật có đầy đủ các thành phần trong xã hội; hơn thế nữa, họ là những người thừa hưởng truyền thống kỳ thị phụ nữ của Ấn Độ từ trước. Do vậy, với cái nhìn sâu xa, Đức Thế Tôn đã để thời gian minh chứng cho sự thành tâm cầu đạo xuất gia của nữ giới. Đồng thời, Đức Phật khước từ là để chờ đợi sự chấp nhận của đại đa số người dân trong xã hội và trong giáo đoàn của Ngài chứ không phải như nhiều người nhận định rằng Đức Phật miễn cưỡng cho nữ giới xuất gia, càng không có sự kỳ thị hay bất bình đẳng nào dành cho nữ giới ở đây cả. Tiếp đến, Ngài chấp nhận cho người nữ vào giáo pháp và quyết định thành lập Ni đoàn là vì Ngài có tầm nhìn thông tuệ, phi thường, thấu hiểu tiềm năng sâu ẩn và khả năng hoàn mãn, cao thâm của nữ giới, tạo điều kiện cho họ vượt lên ngang hàng với nam giới, đưa họ từ địa vị thấp kém và nhục nhã nhất trong xã hội lên hàng danh dự này. Đức Thế Tôn chỉ rõ: Tất cả chúng sinh đều có Phật tính và có khả tính giác ngộ. Đây là nền tảng vững chắc về thực tính bình đẳng và tinh thần bình đẳng của Phật giáo, là kim chỉ nam để Đức Phật cư xử với tất cả chúng sinh nói chung và nữ giới nói riêng. Quyết định này đã gây chấn động trong giới tôn giáo bấy giờ và là sự đổi mới phi thường vì góp phần giải phóng phụ nữ, và là tiền đề cho sự bình đẳng giới hiện nay. Cuối cùng, Đức Thế tôn đưa ra Bát Kỉnh Pháp trước khi cho phép Ni đoàn thành lập là vì Ngài nhận thức rằng: Mỗi loại chúng sinh có căn cơ, tư chất, nghiệp chướng khác nhau, tùy theo những đối tượng khác nhau ấy mà có phương pháp giáo hóa thích hợp, cốt sao lợi ích và hiệu quả nhất trên tiến trình hướng đến giác ngộ và giải thoát. Giới nữ có những đặc điểm riêng, khác với nam giới. Bản tính nhẹ dạ, yếu mềm dễ khiến người nữ rơi vào tội lỗi, bị khuyến dụ đi trên con đường kém đạo đức. Ngài vạch rõ thách thức này nhằm giúp phụ nữ nhận thấy những khó khăn, trở ngại và khuyến khích họ thận trọng canh phòng các cuộc tấn công của khát vọng và cám dỗ. Ngài chỉ ra rằng, sự thành lập giáo hội Ni ở giai đoạn sơ khai cũng tiềm ẩn một vài yếu tố hiểm nguy, và nếu không có phương sách dự phòng, trong tương lai có thể xảy ra những bất trắc khó lường. Vì thế, Ngài ban hành tám điều giới để bảo vệ, giữ chư Ni trong vị trí thích hợp với tâm tính người nữ, phù hợp với điều kiện văn hóa, tư tưởng, phản ứng của xã hội Ấn Độ cũng như ngay trong Tăng đoàn thời bấy giờ. Mục đích cuối cùng là giúp nữ giới tiêu trừ ngã chấp, đạt đến vô ngã và là tiền đề để hình thành, phát triển Ni đoàn, tạo điều kiện phát triển đồng thời cả hai giáo hội Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Hơn nữa, Bát Kỉnh Pháp không chỉ là những điều răn của Đức Phật dành cho Ni mà còn cho cả Tăng nữa. Trong thuyết Duyên khởi, Đức Thế Tôn dạy: “Cái này có thì cái kia có, cái này sinh thì cái kia sinh”. Việc thành lập giáo hội Tỳ-kheo-ni sẽ góp phần củng cố giáo hội Tỳ-kheo. Việc Tỳ-kheo-ni thực hành, đảnh lễ theo Bát Kỉnh Pháp sẽ tạo điều kiện cho Tỳ-kheo tiếp tục tu tập, loại trừ ngã chấp để đạt được vô ngã và Niết-bàn. “Vị nam khất sĩ dù hạ lạp lớn, khi thấy một vị nữ khất sĩ chắp tay chào, cũng chắp tay chào trở lại, dù vị nữ khất sĩ này còn nhỏ tuổi. Vị nữ khất sĩ này tuy nhỏ tuổi nhưng cũng đại diện cho Giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, một đối tác của Giáo đoàn Nam Khất Sĩ trong suốt quá trình lịch sử đạo Bụt từ khởi nguyên cho đến tương lai”5. Cũng chính tám điều giới này đã hỗ trợ trạng thái điều hòa và thuận thảo, đem lại tình giao hảo thích nghi giữa Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Vì vậy, Bát Kỉnh Pháp là linh hồn của Ni đoàn, không thể không bảo trọng.
Trong Luật Tứ Phần – Tỳ-kheo-ni ghi: “Như vậy đó A-nan! Ta nay đã nói Tám Kỉnh Pháp suốt đời tôn trọng không được trái phạm, nếu người nữ nào thực hà|nh được thì tức là được thọ giới. Cũng ví như có người muốn qua dòng nước lớn, phải bắc cầu mà đi qua”. Không có Bát Kỉnh Pháp thì chắc chắn Ni đoàn không hình thành và cũng không có ai là thật tính Tỳ-kheo-ni6.
2. Sự phát triển của Ni giới Việt Nam
Trong lịch sử Ni giới Việt Nam có nhiều tấm gương sư Ni đã thực hành tốt Bát Kỉnh Pháp, tiến tới giải thoát và Niết-bàn, tạo ra những mốc son chói lọi trên hành trình phát triển Phật giáo nước nhà. Đây chính là minh chứng về năng lực, trí tuệ, khả năng đạt ngộ và chứng quả của các vị Ni Việt Nam ưu tú.
Ngay từ khi được truyền bá vào Việt Nam, Ni giới đã xuất hiện song song với Tăng đoàn. Sau cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng (thập niên 40 sau Công nguyên), một số nữ tướng đã “xuống tóc” đi tu như Công chúa Bát Nàn, Thiều Hoa, Vĩnh Huy và Phương Dung. Qua các triều đại, Ni giới Việt Nam liên tục phát triển; sự ra đời của các Ni viện trong cả nước gắn với tên tuổi của các Ni sư hữu công tiền bối. Điển hình như Ni sư Diệu Nhân (1041-1113) thời Lý, có thể đứng ngang hàng với các thiền sư nổi tiếng thời Đinh, Lê, Lý, Trần. Ni sư đã tu hành đắc pháp, được giới Phật giáo thời bấy giờ tôn kính là bậc Tôn túc kiệt xuất. Ni sư là người nữ đầu tiên ở Việt Nam được tôn vinh là Tổ sư thiền. Trí, đức cao dày của Ni sư Diệu Nhân góp phần tích cực vào phát triển Phật pháp, là tấm gương mãi mãi cho hàng hậu học, nhất là Ni giới. Trong nữ lưu Phật giáo thời Lý, cùng với các vị xuất gia còn có các nữ Phật tử tại gia cũng làm rạng danh Phật giáo và dân tộc, điển hình như Linh Nhân Hoàng Thái hậu (Nguyên phi Ỷ Lan, 1044-1117)7. Đến thời Trần, Ni giới còn phát triển hơn. Điển hình là Ni sư Tuệ Thông, thực hành khổ hạnh, trì giới chuyên cần, thông tuệ, được vua Trần Nghệ Tông (1370-1373) ban hiệu cao quý là “Tuệ Thông Đại Sư‛”. Cũng ở thời Trần, lịch sử Ni giới còn ghi mãi công đức của Ni sư Hương Tràng, tức Huyền Trân Công chúa (1287-1340). Từ một công chúa trở thành Ni sư, Huyền Trân không chỉ tu hành mà còn luôn quan tâm đến nỗi đau nhân thế, đặc biệt là dân nghèo và trẻ thơ. Công đức ấy được dân chúng trong vùng ghi tạc; khi bà mất được nhân dân lập đền thờ, tôn là Thần Mẫu. Ở các thời đại tiếp theo, lịch sử có lúc thăng trầm, nhưng gương của Ni sư về năng lực, trí tuệ, khả năng đạt ngộ và chứng quả thời nào cũng có. Ở thời đại Hồ Chí Minh, tại miền Bắc, các vị Ni sư tích cực tham gia phong trào kháng chiến và xây dựng đất nước. Ở miền Nam, nhiều Ni sư đã đóng góp cho sự hưng khởi phong trào tu tập của Ni giới như Ni sư Diệu Ngọc (1885-1952), Ni sư Diệu Tịnh (1910-1942). Các bậc Trưởng lão của Ni giới Việt Nam do tu hành cẩn trọng, trì giới nghiêm mật, nên xứng đáng là chư Ni gương mẫu. Điển hình là Ni trưởng Đàm Thu, Đàm Soạn, Đàm Hữu, Đàm Tín, Đàm Xương, Ni trưởng Huỳnh Liên, Ni trưởng Bạch Liên, Sư trưởng Như Thanh, Ni trưởng Giác Nhẫn, Ni trưởng Trí Hải. Đặc biệt, Ni trưởng Hải Triều Âm (1920-2013) là bậc hiền đức trưởng thượng trong hàng Ni giới đương đại, suốt đời cẩn trọng gìn giữ Bát Kỉnh Pháp không chút lơ là, có công đức không nhỏ trong việc hoằng dương Chính pháp, được cả Tăng, Ni kính quý. Tháng 11/1981, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Tăng, Ni Phật giáo Việt Nam dù theo tông phá, hệ phái nào cũng tập hợp trong một tổ chức thống nhất. Điều này thể hiện sự bình đẳng giữa Tăng và Ni, và là điều kiện để Ni giới vươn lên. Trên cơ sở gia tăng về số lượng và vai trò của Ni giới, theo nguyện vọng của Ni chúng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (nhiệm kỳ VI) đã có Nghị quyết số 362/NQ/HĐTS ngày 22/8/2008 về thành lập Ban Đặc trách Ni giới (nay là Phân ban Ni giới) thuộc Ban Tăng sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các địa phương. Đến nay, cả nước có khoảng 50 phân ban Ni giới. Số lượng chư Ni tăng hơn 25 ngàn người, và có khoảng hơn 5.000 tự viện do chư Ni trụ trì trên cả nước. Kể từ ngày thành lập Ban Đặc trách, hoạt động của Ni giới Việt Nam được triển khai toàn diện và khởi sắc.
Thực hành Bát Kỉnh Pháp, Ni giới Việt Nam đã phát triển vững mạnh cả về lượng và chất, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nói riêng, Phật pháp và xã hội nói chung. Trước hết, Ni giới đã góp phần thực hiện bình đẳng giới theo mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Sự bình đẳng này thể hiện trước tiên với Tăng giới trong Giáo hội. Phân ban Ni giới được thành lập từ Trung ương tới các địa phương. Giáo phẩm chư Ni được công nhận tương đương với giáo phẩm chư Tăng. Các chùa Ni được duy trì và phát triển. Việc tu học của Ni giới hòa chung với các cơ sở, bậc học của Giáo hội Phật giáo Trung ương và địa phương. Ni giới đã tham gia nhiều trọng trách quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội. Nhiều vị Ni trở thành đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố, quận, huyện và xã, phường. Phân ban Ni giới cùng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện tốt các hoạt động đối ngoại như tham gia Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới ở Việt Nam và các nước, góp phần nâng cao vị thế phụ nữ Việt Nam trước bạn bè quốc tế. Các Phân ban Ni giới đã cùng các Ni đoàn, phối hợp chặt chẽ với Hội Phụ nữ các cấp thực hiện tốt các hoạt động bình đẳng giới.
Tiếp đến, Ni giới Việt Nam đã đóng góp tích cực cho sự tiến bộ xã hội nói chung và phát triển phụ nữ nói riêng thông qua các hoạt động thiện nguyện như: nuôi dưỡng trẻ mồ côi, hỗ trợ người già neo đơn, trao tặng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân trong đợt dịch Covid-19, thiên tai bão lũ, hỗ trợ bệnh nhi hiểm nghèo, xây nhà tình thương, trao”quỹ vì người nghèo”, ‚vì biển đảo quê hương‛, và hàng trăm đơn vị máu. Ở thời kỳ dịch bệnh Covid-19 hoành hành (2020-2022), nhiều Ni sư gấp áo cà sa, xông pha vào tuyến dịch tại các bệnh viện dã chiến, coi cứu người là điều quan trọng nhất. Nhiều vị Ni không quản khó khăn, trèo đèo lội suối đến các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai bão lũ để hỗ trợ lương thực – thực phẩm, nhu yếu phẩm cho đồng bào.
Ni giới Việt Nam còn thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến đời sống và xã hội. Thấm nhuần lời dạy của Đức Thế Tôn: “Các pháp tùy thuộc vào nhau mà sinh khởi, hủy hoại thiên nhiên đồng nghĩa với hủy hoại môi trường sống của con người”, Ni giới Việt Nam đã truyền bá tư tưởng yêu thương, bảo vệ muôn loài chúng sinh và môi trường cho Phật tử và đại chúng, giáo dục tình yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường cho hàng nghìn học sinh phổ thông tham dự trại hè tại các Ni viện trong cả nước, hỗ trợ hàng tỷ đồng phục hồi môi trường ở các vùng bị thiên tai, lũ lụt.
Hơn nữa, Ni giới Việt Nam còn tham gia đóng góp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc bằng việc xây dựng và phát triển, kết nối cộng đồng theo phương châm hài hòa và bình đẳng, khơi dậy và phát huy tinh thần khoan dung, dân chủ, yêu nước thương nòi, cùng chung tay xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội qua phương châm “sống tốt đời, đẹp đạo”. Ni giới Việt Nam luôn đồng hành cùng chính quyền và nhân dân cả nước, là cầu nối, là nơi hướng về của Ni sư Việt Nam ở nước ngoài, chung tay xây dựng quê hương, đất nước.
Sự phát triển kể trên của Ni giới Việt Nam bắt nguồn từ sự thực hành cẩn trọng theo tinh thần Bát Kỉnh Pháp. Điều này đã xóa nhòa khoảng cách giữa Tăng và Ni. Ni giới Việt Nam tiếp tục dấn thân, thực hành Phật pháp, gắn đạo pháp đồng hành cùng dân tộc vì sự tiến bộ xã hội.
3. Bát Kỉnh Pháp trong thời đại ngày nay
Sự thành công của Ni giới Việt Nam bắt nguồn từ việc chư Ni đã tuân thủ và làm đúng những điều răn dạy của Đức Thế Tôn trong Bát Kỉnh Pháp. Cho đến nay, Bát Kỉnh Pháp vẫn luôn là khuôn vàng thước ngọc cho Ni đoàn.
Tuy nhiên, vẫn có một số ý kiến còn hoài nghi, cho rằng tám điều giới trong Bát Kỉnh Pháp đã lỗi thời, không đáng được cung kính trong thời đại ngày nay. Điều này không đúng!
Chúng ta không thể đứng trên góc nhìn, tiêu chí của xã hội hiện đại mà phê phán Đức Phật không bình đẳng! Cần nhớ rằng, tinh thần cốt yếu của Bát Kỉnh Pháp là không chỉ giúp nữ giới tiêu trừ ngã chấp để đạt đến vô ngã mà còn phát triển đồng thời cả giáo hội Tỳ-kheo và Ni đoàn. Nếu các Tỳ-kheo-ni cùng suy nghĩ rằng, tất cả mọi khổ đau đều do tâm chấp ngã mà ra thì Bát Kỉnh Pháp giúp họ dẹp bỏ cái ngã không thật ấy. Nếu họ chân thật tu hành, hướng tới vô ngã, giác ngộ, giải thoát thì Bát Kỉnh Pháp không phải là trở ngại hay lỗi thời! Đức Thế Tôn đã mở ra cuộc cách mạng cho người nữ thoát khỏi sự áp bức và kỳ thị. Thế nên, không có lý do gì để nghi ngờ hay phân vân về Bát Kỉnh Pháp! Nếu còn hoài nghi thì không khác nào phủ định những gì Đức Phật đã làm vì người nữ; và như thế thì tự chúng ta đã biến mình thành kẻ vong ân. Cả nam và nữ đều có khả năng thành tựu Chính pháp nhưng không phải vì thế mà bỏ qua những khác biệt về tâm lý và thể chất của mỗi giới.
Nếu có ai còn chút nghi ngờ nào như trên thì hãy nghĩ rằng: Là một Tăng sĩ Phật giáo có học, hiểu và hành pháp, phải ý thức được, công phu của tự thân là chế ngự ngã si, ngã mạn và ngã ái, không nên kiêu hãnh trước sự kính trọng của Ni giới dành cho mà phải coi đó là điều kiện để tu hành và đạt được vô ngã. Dù là Ni sư, Tăng hay Phật tử có học, hiểu và hành pháp, cũng nên ý thức rằng: mình phải biết ơn cuộc đời này, pháp giới này, thiên nhiên cây cỏ này, phải tỏ sự kính trọng đối với tất cả, huống nữa là đối với Tăng già|, đối với các Tăng sĩ trẻ. Đây là điều tốt đẹp cần làm, giống như một phụ nữ cần trang điểm cho vẻ đẹp tự thân, một vẻ đẹp của văn hóa và Phạm hạnh. Nghi ngờ Bát Kỉnh Pháp chỉ là sự rối loạn của tư duy, rồi sẽ dẫn đến sự rối loạn của thái độ sống. Điều này chắc hẳn sẽ không đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông8.
Trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, chư Tổ dạy: “Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan; Ly kinh nhất tự, tức đồng ma thuyết”, có nghĩa là: Nếu y cứ, chấp chặt nơi văn tự thì oan cho ba đời Đức Phật, mà xa rời kinh điển thì ma chướng dẫn đường. Cho nên, lời dạy của Đức Thế Tôn phải được ứng dụng uyển chuyển để phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và xã hội, để đạo pháp luôn sống trong lòng dân tộc và đồng hành cùng với dân tộc. Vì thế, tinh thần Bát Kỉnh Pháp không hoàn toàn bó khung trong câu chữ của tám điều quy định mà lớn hơn là, hàm ý sâu xa và thông tuệ của Đức Thế Tôn về sự bình đẳng, phát triển Ni giới, giải phóng con người và thúc đẩy sự tiến bộ xã hội.
Trước hết, Bát Kỉnh Pháp vẫn là tiền đề quan trọng để tồn tại và phát triển Ni giới và cả Tăng đoàn, Ni đoàn. Không có Bát Kỉnh Pháp thì không có Ni đoàn. Không có Bát Kỉnh Pháp, chắc chắn không có việc người nữ được xuất gia, không có sự thành lập Ni đoàn, và giáo đoàn của Đức Phật cũng không hội đủ bốn bộ chúng: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Sự hình thành Ni đoàn là điều kiện cho Tăng đoàn phát triển.
Kế đến, Bát Kỉnh Pháp tiếp tục là ngọn đuốc sáng dẫn đường về sự bình đẳng, nhất là bình đẳng giới – một mục tiêu của Thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc theo đuổi. Như đã phân tích ở trên, Đức Thế Tôn thấy rõ, tất cả chúng sinh đều có Phật tính và có khả tính giác ngộ. Đây chính là nền tảng vững chắc nhất về thực tính bình đẳng và tinh thần bình đẳng của Phật giáo, là kim chỉ nam để Đức Phật cư xử với tất cả chúng sinh và nữ giới nói riêng. Hơn nữa, tư tưởng này không chỉ giới hạn ở sự bình đẳng nam – nữ mà còn là bình đẳng các giai cấp và muôn loài chúng sinh. Từ đó, có ý thức tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ môi trường. Hơn nữa, tinh thần Bát Kỉnh Pháp ngày nay đòi hỏi chư Ni tiếp tục tu tập đạo pháp, xây dựng hội chúng vững mạnh để tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho đạo pháp và dân tộc, đáp ứng được những đòi hỏi và thách thức trong bối cảnh phát triển mới của xã hội. Ni đoàn chỉ có thể mạnh trên cơ sở có chư Ni nắm vững và thực hành đúng Phật pháp. Để đạt được điều đó, Bát Kỉnh Pháp tiếp tục giúp chư Ni tiêu trừ ngã chấp và đạt đến vô ngã, Niết-bàn.
Kết luận
Với Bát Kỉnh Pháp, Đức Thế Tôn đã mở ra cuộc cách mạng về sự bình đẳng, tạo điều kiện để phát triển cả Tăng đoàn và Ni đoàn. Ngài phủ nhận sự bất công và phân biệt giai cấp, lấy sự bình đẳng mà đối đãi, giúp người phụ nữ có quyền sống, quyền làm chủ bản thân, tu tập và giải thoát. Sự giải thoát không liên quan đến thân phận là nam hay nữ. Đây chính là cuộc cách mạng tư tưởng vĩ đại nhất của Đức Thế Tôn, góp phần giải phóng và phát triển phụ nữ. Nhờ có Bát Kỉnh Pháp mà Ni đoàn được hình thành, cả Tăng đoàn và Ni đoàn cùng phát triển. Cho đến nay, Bát Kỉnh Pháp vẫn là khuôn vàng thước ngọc trong Ni đoàn để tồn tại và phát triển. Trong bối cảnh mới, tinh thần Bát Kỉnh Pháp không chỉ bó khung trong câu chữ của tám điều quy định mà lớn hơn là hàm ý sâu xa và thông tuệ của Đức Thế Tôn về sự bình đẳng, phát triển Ni giới, giải phóng con người và thúc đẩy xã hội tiến bộ. Vì vậy, cần hiểu và thực hành Bát Kỉnh Pháp cho đúng trong hoàn cảnh mới hiện nay.
NT. Thích Đàm Lan
- Viên Trí (2009), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.133-134.
- Bát Kỉnh Pháp gồm 8 điều sau đây: 1) Ni đảnh lễ Tăng bất chấp hạ; 2) Ni không được trách nặng lời Tăng bất kể trường hợp nào; 3) Ni không được ngăn Tăng xét tội thuyết giới, tự tứ hay nói lỗi Tăng; 4) Thọ Cụ túc phải thông qua hai bộ Tăng: Tỳ-kheo-ni và Tỳ-kheo; 5) Nếu Tỳ-kheo-ni phạm Tăng tàn, phải đến trước hai bộ thực hành pháp ý hỷ nửa tháng; 6) Nửa tháng phải đến xin Tăng chỉ dạy; 7) An cư nơi có Tỳ-kheo; 8) An cư xong phải đến Tăng cầu ba sự tứ: thấy, nghe và nghi.
- Minh Thông (2009), “Bát kỉnh pháp”,
https://giacngo.vn/bat-kinh-phap-post6935.html, truy cập ngày 5/10/2023 - Bằng chứng là sau khi Đức Phật nhập diệt, trong lần kiết tập Kinh điển đầu tiên, Tôn giả Ca-diếp đã kết tội A-nan phạm Đột-kiết-la. Trong đó, tội thứ năm là xin cho nữ giới xuất gia.
- Thích Nhất Hạnh (2010), “Bát Kỉnh pháp”, https://thuvienhoasen.org/a2817/bat-kinh-phap-thich-nhat-hanh, truy cập ngày 7/10/2023
- Minh Thông (2009), Tlđd.
- Bùi Hữu Dược (2019), “Ni giới Việt Nam cùng Phật giáo trong dòng chảy lịch sử”, https://phatgiao.org.vn/ni-gioi-viet-nam-cung-phat-giao-trong-dong-chay-lich-su-d37923.html.
- Minh Chính (2020), “Sự kiện Ni giới nhận lãnh thêm Bát Kỉnh Pháp”, https://phatgiao.org.vn/su-kien-ni-gioi-nhan-lanh-them-bat-kinh-phap-d41926.html
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Minh Chính (2020), ‚Sự kiện Ni giới nhận lãnh thêm Bát Kỉnh Pháp‛, https://phatgiao.org.vn/su-kien-ni-gioi-nhan-lanh-them-bat-kinh-phap-d41926.html.
2. Bùi Hữu Dược (2019), ‚Ni giới Việt Nam cùng Phật giáo trong dòng chảy lịch sử‛, https://phatgiao.org.vn/ni-gioi-viet-nam-cung-phat-giao-trong-dong-chay-lich-su-d37923.html.
3. Thích Nhất Hạnh (2010), ‚Bát Kỉnh pháp‛, https://thuvienhoasen.org/a2817/bat-kinh-phap-thich-nhat-hanh, truy cập ngày 7/10/2023.
4. Minh Thông (2009), ‚Bát kỉnh pháp‛, https://giacngo.vn/bat-kinh-phap-post6935.html, truy cập ngày 5/10/2023.
5. Viên Trí (2009), Ấn Độ Phật giáo sử luận, Nxb. Phương Đông, Thành phố Hồ Chí Minh.
Phần