Với một xã hội văn minh tiến bộ như ngày nay, tri thức con người đang đạt tới trình độ cao, phương tiện ngày càng hiện đại… một xã hội thật sự đang phát triển về mọi mặt. Đứng trước một thời đại như thế, để hội nhập, người con Phật cần nâng cao tri thức để tiếp nối sự nghiệp của các bậc tiền bối. Quý ngài đã nỗ lực hết mình để đem đạo vào đời, làm cho chánh pháp xương minh đến ngày hôm nay. Những gì chúng ta đang thừa hưởng, chính là thành quả mà các bậc tôn túc khả kính đã gầy dựng lên bằng chính tâm huyết. Quý ngài rất trông mong vào thế hệ Tăng Ni trẻ. Vậy Tăng Ni trẻ chúng ta cần phải làm gì để khỏi cô phụ tấm lòng mong mỏi của quý ngài?
Ngoài trọng trách là sứ giả của Như Lai, Tăng Ni trẻ còn có trách nhiệm chung đối với xã hội, đúng với tinh thần: “Phật pháp bất ly thế gian giác”. Thực tế, đạo Phật trong giai đoạn hiện nay rất cần lực lượng Tăng Ni trẻ có tài đức tham gia công tác Phật sự của Giáo hội, cũng như các công tác chung của xã hội, đem đạo vào đời bằng nhiều phương thức khác nhau.
Điều quan trọng cần bàn ở đây, Tăng Ni trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường cần có sự định hướng để sau này có thể chung tay góp sức trong công cuộc xây dựng ngôi nhà Phật pháp. Nhưng thực tế cho thấy Tăng Ni trẻ ngày nay học mà chưa có định hướng gì, cứ học một cách máy móc cho theo kịp chúng bạn, để chạy theo bằng cấp, rút cuộc bằng cấp thì nhiều nhưng chẳng giúp gì cho đạo pháp. Thậm chí, một số vị tự ti cho rằng mình không có khả năng ra làm Phật sự, những công việc ấy chỉ dành cho các bậc tôn túc, các vị có tài năng lãnh đạo, còn mình thì vô can. Nếu có ai thắc mắc, chúng ta biện bạch rằng: “Không ai cho tôi cơ hội phục vụ: hay chúng tôi không có đất dụng võ”. Thực ra, Tăng Ni trẻ chúng ta ngại khó và không hiểu đúng tinh thần “dấn thân”.
Như trong việc hoằng pháp, chúng ta có thể đem Phật pháp đến cho mọi người qua hình thức thân-khẩu-ý giáo trong cuộc sống hằng ngày. Hoặc chúng ta tổ chức các lớp học Phật pháp cho các thanh thiếu niên trẻ, để các em hiểu đâu là nền tảng căn bản đạo đức qua những lời dạy của đức Phật. Hoặc chúng ta tham gia các công tác từ thiện xã hội. Đặc biệt, ở các vùng sâu vùng xa, người dân không chỉ thiếu cơm ăn, áo mặc, mà đời sống tinh thần cũng thiếu thốn, hay nói rõ hơn là họ “đói pháp”. Họ rất mong muốn có các vị tu sĩ đến hướng dẫn cho họ tu học. Thực sự họ đang rất cần điều đó mà ta chưa đáp ứng được. Một phần trách nhiệm thuộc về lớp Tăng Ni trẻ. Và đây cũng là điều mà chư tôn đức luôn kỳ vọng ở thế hệ trẻ chúng ta. Phải làm cho được những Phật sự này, ta mới phần nào báo đáp thâm ơn của chư Phật, chư Tổ, chư vị tôn túc khả kính. Như đức Phật từng dạy: “Muốn báo ơn Phật, thì ngay trong đời này, phải nỗ lực, tinh tấn tu tập, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức”.
Để chuẩn bị cho con đường hoằng pháp lợi sanh, Tăng Ni trẻ cần trau dồi kiến thức Phật học thật vững chắc. Song bên cạnh đó cũng cần mở rộng kiến thức thế học, dù không phải là cứu cánh nhưng đó cũng là phương tiện cần thiết hỗ trợ con đường hoằng dương chánh pháp trên cơ sở đáp ứng yêu cầu ở mọi căn cơ, trình độ. Và điều quan trọng bậc nhất: chúng ta phải luôn tâm niệm rằng kiến thức thế gian cần nhưng chưa đủ, vì nó không giúp chúng ta giải thoát khổ đau. Chỉ có thực hành theo lời Phật dạy, chuyển hóa giáo lý vào trong thực tiễn cuộc sống tu tập của mình, khi đó ta mới có trí tuệ sáng suốt để phân định được đúng sai.
Trước mắt, chúng ta cần trang bị cho mình một đời sống đạo đức, phạm hạnh. Chúng ta đang sống cách xa giới luật, thích phóng túng, buông lung, chạy theo thời thế, và không ít vị đã đánh mất tư chất phẩm hạnh của một tu sĩ, khiến nhiều người cơ hiềm. Chính điều này làm cho các bậc tôn túc ưu tư trăn trở, phân vân nhiều khi nghĩ về tương lai, những người kế thừa mạng mạch Phật pháp, ngôi nhà Phật pháp trong nay mai… Để những suy tư, lo lắng của quý ngài được nhẹ gánh, hơn bao giờ hết, Tăng Ni trẻ phải tự ý thức, tự điều chỉnh các hoạt động tu học. Học phải đi đôi với hành, bởi trong quan niệm sống, hành vi sống, kinh nghiệm sống, không thể thiếu sự hành trì. Nếu thiếu nó thì sự xuất hiện các hành vi lệch lạc là điều tất yếu. Vì thế, Tăng Ni trẻ cần phải có một cái nhìn đúng về lối sống của mình. Trong đó, giới luật là thước đo để loại trừ những lối sống lệch lạc ấy. Nó là yếu tố quan trọng, là động lực nâng cao giá trị, phẩm chất Tăng Ni. Vì rằng:
“Hương các loài hoa thơm
Không bay theo chiều gió.
Nhưng hương người đức hạnh,
Ngược gió bay muôn phương”.
(Pháp Cú, câu 54)
Một lần nữa, chúng ta cần phải khẳng định rằng trách nhiệm của Tăng Ni trẻ trong thời đại ngày nay, ngoài việc kế thừa và phát huy truyền thống của chư Phật, chư Tổ là “Tác Như Lai xứ; Hành Như Lai sự” chúng ta còn phải giữ gìn giới luật mà đức Phật đã dạy, vì “Giới luật chính là mạng mạch của Tăng già. Giới luật còn thì Phật pháp còn”. Nên hơn ai hết, chúng ta phải nhận thức rõ rằng Phật pháp thịnh hay suy một phần tùy thuộc vào sự hành trì giới luật của thế hệ trẻ. Cho nên, chúng ta phải cố gắng tu tập sao cho xứng đáng với sự tôn xưng “bậc thầy mô phạm”, có đầy đủ giới hạnh đạo đức của một bậc chân tu.
“Tâm thanh mang tấm y vàng
Giới hương nghiêm khắc đáng hàng Sa môn”.
Thích Nữ Minh Toàn (ĐSHĐ-008)
Diễn đọc: Quảng Hiếu