Tất cả các Pháp môn, dùng “Minh Tâm” làm trọng yếu. Tất cả các Hạnh môn, dùng “Tịnh Tâm” làm căn bản. Nhưng điều trọng yếu của sự Minh Tâm không pháp nào như pháp niệm Phật. Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tại, vị lai nhất định thấy Phật, chẳng mượn phương tiện nào khác mà tâm tự được khai ngộ. Như vậy, niệm Phật chẳng phải là điều cần yếu để được Minh Tâm hay sao?
Lại nữa, điều trọng yếu của sự Tịnh Tâm, cũng không pháp nào như pháp niệm Phật. Một niệm tương ưng, một niệm Phật. Niệm niệm tương ưng, niệm niệm Phật. Như hạt minh châu, thể của nó trong sáng, đem bỏ vào trong nước đục, lẽ đâu nước đục không được trở thành trong? Cũng như danh hiệu Phật lọt vào tâm tán loạn, tâm tán loạn lẽ nào không là Phật?
Như vậy, niệm Phật chẳng phải là điều cần yếu để Tịnh tâm là gì?
Thế thì, một câu danh hiệu Phật đã thâu nhiếp đầy đủ hai pháp nói trên.
Người tu theo pháp niệm Phật mà được giác ngộ thì tất nhiên sẽ có được Tín giải.
Khi đã có Tín giải rồi, thì y theo đây tu hành cũng đều được chứng ngộ. Đầy đủ cả hai điều Tín giải và Tu chứng, đó là điều cốt yếu trong tất cả các kinh điển Tiểu thừa và Đại thừa, ngoài ra không cần có gì khác. Như vậy, một câu Di Đà, há chẳng đưa đến chỗ cốt yếu của đạo sao?
Tâm của chúng ta hiện tiền chỉ còn một niệm. Toàn Chơn là Vọng, toàn Vọng thành Chơn. Trọn ngày chẳng biến đổi, trọn ngày tùy theo duyên.
Phàm tâm của chúng sanh, nếu chẳng duyên theo cõi Phật, chẳng niệm đến cõi Phật, liền khởi niệm chín cõi; chẳng niệm Tam thừa, liền niệm Lục phàm; chẳng niệm Nhơn Thiên, liền niệm Tam đồ; chẳng niệm ngạ quỷ, súc sanh, liền niệm địa ngục. Ở nơi tâm của phàm phu, lúc nào cũng có niệm, chẳng khi nào được vô niệm, chỉ riêng có Phật mới chứng được vô niệm.
Từ bậc Đẳng Giác trở xuống, thảy đều còn niệm. Phàm khởi một niệm tức lạc vào mười cõi, trọn không có niệm nào ra ngoài mười cõi vậy! Cứ lộn quanh trong mười cõi, trọn khó vượt ra. Phàm khởi một niệm, tức là duyên theo một cõi để thọ sanh. Người đã biết rõ lý này mà chẳng khởi tâm niệm Phật, thật là chưa có vậy!
Nếu tâm này thường hay bình đẳng, có lòng Đại Từ, Đại Bi, Y Báo, Chánh Báo công đức đầy đủ, đây tức là cùng với vạn đức Hồng Danh tương ưng, cũng tức là niệm Pháp giới Phật vậy.
Nếu hay phát tâm Bồ đề, cùng với Lục độ Vạn hạnh tương ưng, tức niệm Pháp giới Bồ Tát.
Nếu dùng tâm Vô ngã, cùng với mười hai nhân duyên tương ưng, tức niệm Pháp giới Duyên Giác.
Nếu dùng tâm Vô ngã quán sát Tứ Đế, tức niệm Pháp giới Thinh Văn.
Nếu dùng Tứ Thiền Bát Định, cho đến Thập thiện Thượng phẩm tương ưng, tức niệm Pháp giới Thiên.
Nếu dùng Ngũ giới tương ưng, tức niệm Pháp giới Nhơn.
Nếu giữ giới và tu các pháp lành, nhưng lòng còn nhiều sân hận kiêu căng, tức rơi vào Pháp giới A-Tu-La.
Nếu tâm khờ khạo hèn nhát cùng với Thập ác Hạ phẩm tương ưng, tức đọa Pháp giới Súc sanh.
Nếu tâm u mê lại thêm hẹp hòi nóng nảy, cùng với Thập ác Trung phẩm tương ưng, tức đọa Pháp giới Ngạ quỷ.
Nếu tâm ác mạnh mẽ cùng với Thập ác Thượng phẩm tương ưng, tức đọa pháp giới Địa ngục.
Thập ác là: Sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngữ, ỷ ngữ, ác khẩu, lưỡng thiệt, tham lam, sân hận, tà kiến. Đây là mười điều ác, trái lại là mười điều lành.
Hàng ngày, chúng ta phải tự nghiệm xét chỗ dấy khởi của tâm niệm mình cùng với cảnh giới nào tương ưng nhiều, cùng với cảnh giới nào tương ưng mạnh, thì đó là chỗ ngày khác mình an thân lập mạng, chẳng nhọc đi hỏi người khác vậy!
Tất cả các cảnh giới do mê muội mà tạo nghiệp, từ nơi tâm mà hiện ra. Chỗ hiện các cảnh giới, ngay đó là tâm. Ở nơi tâm phàm phu, chẳng thể không có cảnh, chẳng hiện cảnh giới Phật liền hiện cảnh giới của chín cõi, chẳng hiện cảnh giới Tam thừa liền hiện cảnh giới Lục phàm. Chẳng hiện cảnh giới Trời, Người, ngạ quỷ, Súc sanh, liền hiện cảnh giới Địa ngục.
Chỗ hiện cảnh giới của Phật cùng Tam thừa, tuy có cao thấp chẳng đồng, nhưng cốt yếu đều được thọ hưởng những pháp lạc mà thôi.
Chỗ hiện cảnh giới ba cõi của chư Thiên, chỉ thọ dụng niềm vui của Thiền định và Ngũ dục.
Chỗ hiện cảnh giới của loài người, tùy theo nghiệp mà thọ sự khổ vui, nhiều ít chẳng đồng.
Chỗ hiện cảnh giới của ngạ quỷ, súc sanh thì khổ nhiều vui ít.
Chỗ hiện cảnh giới của địa ngục thì hoàn toàn rất là khổ.
(Trích trong quyển Thượng, trang 01)
TKN. Như An (dịch) (ĐSHĐ-115)
Diễn đọc: SC Quảng Hiếu