Bác Hồ của chúng ta sinh ra trong một môi trường văn hóa Nho giáo mà những vị thầy học đầu tiên của Người ở quê nhà thuộc nhóm “Tứ Hổ” Nam Đàn, họ đều là những nhà nho yêu nước, thương dân. Bác trưởng thành trong lòng một dân tộc sớm tiếp thu giáo lý Phật giáo qua nhiều thế hệ, mà Phật giáo có thời kỳ là quốc giáo của đất nước. Bác tiếp nhận tinh hoa văn hóa phương Tây mà nền văn hóa này lại có liên quan chặt chẽ với Thiên chúa giáo và Bác sớm nhận được những điều cốt lõi về Thiên chúa từ sách vở và hiểu nó rất có hệ thống.
Có thể nói trước khi đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Bác hành trang vào đời bằng một lượng kiến thức về tín ngưỡng tôn giáo rất phong phú, để về sau Bác giải quyết hết sức đúng đắn và sáng tạo các vấn đề về tôn giáo trong nước.
Trước hết Bác khẳng định chủ nghĩa Mác-Lênin là chủ nghĩa duy vật, các học thuyết tôn giáo thuộc chủ nghĩa duy tâm và Bác hiểu đúng chủ nghĩa Mác-Lênin không phải vì đối lập thế giới mà dẫn đến đố kỵ và bài xích tôn giáo như một số nhà chính trị khác trên thế giới. Do đó, ngay sau khi nước nhà được độc lập năm 1945 Bác đề nghị Hiến pháp năm 1946 “Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của con người” để xác nhận tình cảm tâm linh của công dân là bất khả xâm phạm, Nhà nước dân chủ nhân dân bảo đảm phần thiêng liêng ấy. Đây là nét độc đáo của Bác, khó mà có một nhà chính trị nào khác có tầm nhìn như vậy.
Bác nhìn thấy trong các tôn giáo những điểm tương đồng về lý tưởng không trái với lý tưởng của CNXH, mà ta đang xây dựng, đó là sự mưu cầu hạnh phúc cho con người, phúc lợi cho xã hội, và Bác cho rằng ta cùng các tôn giáo đi lên CNXH mà không chờ họ bỏ tôn giáo của họ mới cùng đi.
Bác nhìn thấy cái thống nhất, cái chung nhất của tôn giáo ở Việt Nam, mà biểu hiện của họ tương đồng giữa đức tin và lòng yêu nước là không đối lập nhau. Nhận thức này đưa đến một tinh thần hòa hợp, không phân biệt giữa mọi công dân, thực tế có kẻ không yêu nước, song không nhiều. Tư tưởng chủ đạo của Bác ở đây là quy hợp con người, chứ không phải là phân ly. Phân ly vốn là bản chất của thực dân, phong kiến, ta phải trả lại giá trị chân chính của sự đoàn kết toàn dân trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Bác đánh giá rất cao cái chung nhất của các bậc hiền triết: Thích Ca, Jesus… là phấn đấu vì sự hòa hợp của con người. Theo Bác ở đây cái chung là cùng chung xây dựng cuộc sống mới, là yêu nước, là xây dựng đất nước.
Bác tìm thấy trong các tôn giáo những đạo lý, đạo đức không trái với chủ nghĩa xã hội mà còn có tác dụng trong đời sống xã hội. Lòng từ bi, hỷ xả của Phật giáo, tinh thần nhân nghĩa, khuôn phép của Khổng giáo, lòng bác ái nhân hậu của Thiên chúa… các vị ấy dạy phải ngăn chặn điều ác, phải làm nhiều điều thiện. Đạo lý đó quý biết bao. Trong cuộc sống hôm nay còn cần biết bao, rất đáng được kế thừa.
Và Bác hết sức chú trọng đến các khía cạnh nhân văn, văn hóa trong các tôn giáo. Đó là vì con người, muốn giải thoát cho con người, vì nền mỹ thuật độc đáo của loài người ở trong các tôn giáo.
Bác dạy ta phải tôn trọng truyền thống tín ngưỡng dân tộc, nhưng cũng phải kiên quyết chống mê tín dị đoan. Theo Bác, việc thờ phụng tổ tiên cũng như các danh nhân, anh hùng liệt sĩ là thể hiện đạo lý truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Khi đi thăm các đền thờ, các chùa chiền, Bác đều bày tỏ lòng kính trọng bằng nén nhang trước bàn thờ chư liệt vị. Bác quả là mẫu mực của đạo lý truyền thống cha ông.
Tháng 5 nhớ Bác, những năm trước đây cũng như bao người, tôi vô vàn kính yêu Bác vì Bác đã dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân ta chiến thắng các loại kẻ thù xâm lược, hoàn thành sự nghiệp cách mạng vẻ vang và đem lại độc lập tự do cho đất nước, nhân dân ta thoát khỏi kiếp đời nô lệ với ngoại bang để cùng nhau tiến lên con đường XHCN đã chọn. Mấy năm gần đây, có điều kiện nghiên cứu nhiều hơn, tôi cảm nhận được tầm nhìn vượt thời đại của Bác để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta về vấn đề tôn giáo, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước được coi trọng, hàng năm nhân ngày lễ Tết, Giáng sinh, Phật đản, ngày Khai đạo… luôn luôn diễn ra những cuộc gặp mặt giữa chính quyền địa phương và các tôn giáo, đấy không phải là những cuộc gặp mặt, viếng thăm đơn thuần mà là việc biểu hiện tình cảm, tin tưởng của Đảng với đồng bào có đạo. Việc làm đó còn là sự gặp gỡ giữa dân tộc và tôn giáo, giữa đời và đạo, giữa yêu nước và phụng đạo, mà còn là tiềm ẩn của một chủ nghĩa nhân văn đích thực mà Bác Hồ, một danh nhân văn hóa kiệt xuất để lại cho Đảng cộng sản Việt Nam. Ôi! Tự hào biết bao về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Đàm Vũ Tri (ĐSHĐ-104)