Bà cụ xấp xỉ bát tuần, đứng thập thò trước đại lý vé số kiến thiết Phát Tài đã 3 ngày qua nhưng không dám bước vào bên trong. Đứng mỏi chân, cụ kê đôi dép rách ngồi bệt xuống thềm trông rất thảm. Dòng người ra vào tấp nập nên cũng chẳng mấy ai bận tâm đến sự hiện diện của bà. Sang ngày thứ tư, bà mạnh dạn chậm rãi tiến vào bên trong. Anh Phát, chủ đại lý vé số kiến thiết ân cần hỏi bà cụ:
– Thưa cụ, cụ cần gì ạ? Cụ mua vé hay muốn lấy vé để bán dạo?
Giọng cụ run rẩy, ngập ngừng, đứt quãng như người sắp chết đói:
– Tôi… tôi muốn lấy vé để đi bán dạo. Nhưng mà…
– Sao ạ? – Anh Phát nhìn bà cụ từ đầu đến chân với vẻ tò mò – Cụ lấy bao nhiêu vé để con biết mà tính chiết khấu?
– Cậu ơi, tôi muốn lấy vé nhưng thật tình tôi… không có tiền. Tôi định vào nhờ cậu giúp cho tôi nhận vé bán trước, chiều sẽ gửi lại tiền vốn đầy đủ. Đồng thời tôi sẽ đưa cho cậu giữ giấy tờ tùy thân coi như làm tin. Có được không cậu?
Dường như đã đoán ra được câu chuyện ngay từ trước nên anh Phát đưa mắt nhìn bà cụ kỹ hơn một lần nữa… Thế nhưng anh lại phán một câu cộc lốc:
– Không được ạ! Nguyên tắc đại lý của con là “tiền trao cháo múc”, nên con không thể làm trái quy định. Cụ nhìn đây này, trước đây con cũng thương người già, người khuyết tật, để họ trả tiền sau và giữ cả xấp Căn cước công dân. Nhưng rồi sau đó, họ vẫn lặng lẽ biến mất không trả con xu nào.
Nói xong, anh Phát kéo ngăn tủ cuối cùng đưa một xấp Căn cước công dân cho bà cụ xem. Cạnh đó, những người bán vé số cũng “châm dầu vào lửa”:
– Anh nói đúng đó, giờ không tin ai được. Rất nhiều trường hợp giả nghèo, giả khổ để lợi dụng lòng thương hại của người khác. Giữ giấy tờ họ về quê báo mất làm lại mấy hồi.
Bà cụ tiếp tục van xin:
– Xin cậu đấy, ba ngày nay tôi đến đây nhưng không dám vào vì sợ bị đuổi đi. Nhưng bữa nay vì đói quá nên tôi phải làm liều chứ nào có ý lừa gạt ai. Mong cậu giúp đỡ, tôi mang ơn vô cùng.
Anh Phát kiểm tra lại camera an ninh thì quả đúng như thế. Nhưng anh vẫn cương quyết kêu cụ rời đi để anh buôn bán. Bà cụ thất thểu ra về mà lòng buồn vô tận. Nhưng đi một quãng thì ở phía sau có người gọi lại:
– Cụ ơi! Cụ ơi! Dừng lại giúp cháu với!
Bà cụ uể oải quay lại, gắng mở to đôi mắt già nua, mệt mỏi để xem đó là ai:
– Cháu là người làm ở đại lý vé số Phát Tài. Anh chủ kêu cháu đưa 200 tờ vé số cho bà để bà đi bán kiếm tiền.
Bà cụ mắt hơi kém tí nhưng tai còn nghe rất chi là rõ. Khỏi phải nói, cụ mừng như trúng số độc đắc. Cầm cọc vé số trên tay, bà cảm ơn cậu chủ rối rít, không quên trao tờ Căn cước công dân cho nhân viên. Thằng bé khoát tay không nhận:
– Cụ giữ để đi đường có giấy tờ tùy thân. Anh chủ nói muốn giúp cụ ngay từ đầu, nhưng sợ là những người khác phân bì này nọ nên mới từ chối khéo. Giờ thì có vé rồi, cụ khẩn trương đi bán để có tiền tiêu xài. À con quên, anh chủ nhờ con mua mở hàng giúp cụ 20 vé, tiền đây nè, chúc cụ bán đắt nhé. Thôi con về làm đây.
Đúng y lời hứa, buổi tối ngày hôm đó, bà cụ hớn hở tìm đến đại lý vé số Phát Tài. May quá, tiệm sắp đóng cửa. Như có sức mạnh vô hình, bà cụ bước một lèo nhanh nhẹn đi thẳng vào bên trong gặp anh Phát không chút ngại ngùng như khi sáng:
– Tôi bán hết vé rồi, nhờ cậu mở hàng đấy! Giờ tôi đến để trả tiền vốn cho cậu, đồng thời lấy thêm 200 vé nữa có được không?
Anh Phát nở nụ cười phúc hậu nhìn cụ:
– Con mừng cho bà! Bán hết cứ đến đây lấy vé, không có gì ngại ạ! Mà giờ này cũng tối rồi, bà không sợ nguy hiểm sao?
– Tôi sẽ không sao đâu, cậu ạ! Còn làm được ngày nào thì phải cố gắng ngày nấy. Với lại tôi chỉ đến những quán nhậu đông người nên sẽ an toàn. Mấy chỗ đó bán khuya được lắm. Người ta thấy bà già tội nghiệp mà mua cả xấp dày cộp.
– Thấy bà đi bán vậy con thương quá! Con cháu đâu mà để bà như vậy?
– Tôi không có con cháu, cậu ơi! Mà cho dù là có, tôi cũng không muốn ăn bám tụi nhỏ đâu. Cái gì do mình làm ra vẫn cảm thấy thoải mái hơn.
Thoáng nhìn lên gương mặt hiền hậu, đáng thương của bà, anh Phát thấy sâu bên trong ấy có điều gì đau đớn, bất ổn. Nhìn hai cánh tay khẳng khiu nhưng bầm tím, mắt sưng húp, chân thì bước thấp bước cao, khiến anh đau lắm. Nhưng bà không muốn nói nên anh cũng chẳng dám tò mò:
– Dạ, vậy con đưa cho bà 300 vé nữa cho bà bán kiếm lời. Cứ bán thoải mái, nếu chậm thì đem về gửi lại con nha. Nhớ là đừng có cố gắng kẻo ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bà cụ định cúi người cảm ơn lần nữa nhưng anh Phát cho rằng tổn thọ nên vội can ngăn. Anh không quên mở hàng 20 vé cho cụ nhanh tay bán hết và về sớm.
***
Sự hợp tác buôn bán giữa anh Phát và bà cụ diễn ra êm đẹp, suôn sẻ. Chẳng những vậy, anh chủ đại lý Phát Tài còn nhận ra rằng từ lúc bà cụ bước chân vào cửa hàng mình đến nay, ngày nào cũng mua may bán đắt, công việc thuận buồm xuôi gió. Vé không phải trả về cho công ty xổ số kiến thiết, mà ngược lại anh còn lấy thêm nhiều hơn. Việc làm ăn trôi chảy, phía các công ty xổ số kiến thiết cũng có chế độ đãi ngộ cho cửa hàng anh nhiều thứ: tặng đồ dùng sinh hoạt, nhu yếu phẩm, thực phẩm, kể cả các phong bao lì xì đỏ thắm trong những ngày sinh nhật công ty, hay dịp lễ lớn. Và tất nhiên, anh không giữ lại những món quà ý nghĩa đó mà đem chia cho các “tay em”, những người ngày đêm dầm mưa dãi nắng lang thang qua từng con phố để giúp anh hoàn thành chỉ tiêu. Đặc biệt hôm nay, ngày thành lập một công ty xổ số kiến thiết, họ lì xì riêng cho anh một số tiền lớn. Anh vội nghĩ ngay đến bà cụ. Định bấm máy gọi cụ đến nhận thì cụ đã gọi tới:
– A-lô, bà bán hết vé rồi nhưng đang ở khá xa, đi bộ về không kịp. Con cho người chạy lại địa chỉ X. để đưa vé cho bà thêm nha. 100 tờ nữa thôi nhé!
Bà cúp máy nhanh lẹ như cách mà cụ chào mời người mua vé số. Anh nhờ nhân viên trông cửa hàng giúp, tự mình chạy xe đến đó để tặng cụ món quà. Nhưng chạy gần tới, anh chứng kiến cảnh tượng thật xót xa. Một gã thanh niên to con, lực điền đang giằng co với bà cụ thứ gì đó. Anh nhanh chân dựng chống xe rồi chạy lại can ngăn:
– Này, này, anh làm gì đó. Muốn ăn cướp tiền của bà cụ hả?
Tay thanh niên trạc tuổi anh, nhìn thấy có người đến can chẳng những không sợ mà còn hất hàm khiêu khích:
– Thì sao? Bà ta là mẹ tao, mày người ngoài chớ mà can thiệp.
– Mẹ? – Anh Phát chưng hửng?
– Đúng đấy thằng kia! Bà ấy là mẹ ruột tao đấy! Giờ tao kẹt tiền, mượn tiền mẹ tao cũng là trái pháp luật à?
– Tôi đang thấy anh bạo hành bà cụ thì có chứ nào có thái độ mượn? Nếu anh không dừng tay lại, tôi sẽ gọi Công an đến làm việc.
Nghe đến Công an, gã đàn ông đó có vẻ sợ nên vội rụt tay lại:
– Thôi được, tao “nể” mày đó. Dù sao tao cũng đã lấy được tiền…
Đoạn gã đàn ông leo lên chiếc xe đạp lao đi vun vút không dám ngoái lại nhìn. Anh Phát dìu bà cụ vào ghế đá bên đường nghỉ ngơi. Bà cụ chỉ buồn mà không khóc. Có lẽ sau bao năm chịu đựng, nước mắt của bà đã cạn queo như sa mạc Sahara. Bà lấy lại bình tĩnh, bảo:
– Nó là con ruột của bà đấy!
– Nhưng… tại sao anh ta lại giật tiền của bà?
– Nó lấy để cờ bạc, để rượu chè. 50 tuổi đầu rồi không nghề ngỗng, không chịu làm ăn mà suốt ngày lao vào tệ nạn, ăn chơi sa đọa.
– Vậy sao bà còn dung túng cho anh ấy? Không để anh ấy tự mà đi kiếm ăn? Có ai một thanh niên khỏe mạnh để mẹ mình 80 tuổi phải đi kiếm từng ngàn nuôi mình?
Thoáng chút bồi hồi, bà cụ thở dài ngao ngán:
– Cũng tại bà thôi! Sau khi chồng bà qua đời, nó vừa lên 2 tuổi. Bà dành hết tình yêu thương cho nó, coi như bù đắp sự thiếu vắng hơi ấm của người cha. Nhưng vì quá nuông chiều, mù quáng, bà đã khiến một thằng nhóc thông minh, ngoan ngoãn trở nên ương bướng, hỗn hào, khó dạy. Rồi cứ thế dần lớn lên, nó sa đà vào cờ bạc, rượu chè, gái gú đến nỗi tài sản trong nhà lần lượt ra đi. Đến căn nhà cuối cùng nó cũng bán nốt để trả nợ cá độ bóng đá. Bà buồn bã, bỏ đi thuê nhà để bán vé số. Không được bao lâu nó lại tìm đến xin tiền, hứa sẽ từ bỏ cờ bạc mà làm ăn lương thiện. Thấy thương con, bà lại lấy số tiền dành dụm bé mọn cho nó nhưng rồi chứng nào tật nấy. Giang hồ tìm đến bà đòi nợ, dọa sẽ phá đám bà buôn bán nếu không trả nợ thay con, nên bà buộc phải gật đầu đồng ý…
Anh Phát nãy giờ nghe bà nói mà nước mắt tuôn trào. Sau ngày ba mẹ mất, có lẽ đây là lần thứ ba anh khóc như mưa:
– Thôi bà đừng đi bán nữa. Về ở với vợ chồng con đi, tụi con hứa sẽ lo cho bà như mẹ ruột. Ai đến làm phiền bà, con sẽ cho họ biết tay ngay!
– Nghe con nói vậy bà vui lắm! Con là người tốt, rất tử tế. Nhưng đây là nghiệp của bà, để bà trả cho hết… À, đây là số tiền bà dành dụm được hơn tháng nay. Con giữ giúp bà nhé! Khi nào cần bà sẽ lấy. Chứ để trong người, thằng con trời đánh đó vơ vét sạch sẽ thì bà lại khổ.
– Dạ, đưa đây con giữ giúp. Còn đây là phong bao lì xì công ty xổ số tặng con, con tặng lại cho bà, gom chung luôn nhé. Khi nào muốn tiêu xài gì nói con đưa lại cho. Thôi con về. Bà cũng đừng buồn nữa, hãy nghĩ và lo cho bản thân mình nhiều hơn đi.
Qua ngày sau, anh Phát và nhân viên đợi mãi tới 4 giờ chiều vẫn không thấy bà cụ xuất hiện để lấy vé. Một nhân viên nghi ngờ rằng:
– Có khi nào bà cụ ôm tiền bỏ trốn không anh?
Anh Phát bảo im lặng, không được nói linh tinh. Bởi anh đang giữ số tiền của bà nhiều gấp 3 lần phần tiền vé số, nên không thể nào bà làm điều đó. Nhưng cho dù anh không giữ tiền của bà, thì trong thâm tâm anh, bà không phải là người xấu. Trong dạ cảm thấy bồn chồn, anh vội bảo nhân viên trông cửa hàng, anh chạy xe đi tìm bà cụ. Cũng may hôm bữa cụ đã chỉ chỗ ở trọ, nên anh dễ dàng tìm đến con hẻm. Vừa chạy vào đầu hẻm, nhìn thấy người ta treo cờ tang, anh nghĩ ngay đến điềm chẳng lành. Khi vào đến nơi, di ảnh bà đã đặt trên bàn thờ, còn gã con thì quỳ trước quan tài khóc nức nở ra chiều ăn năn, hối lỗi. Không hiểu chuyện gì đã xảy ra, nhưng anh cũng lờ mờ đoán được câu chuyện. Đám tang bà diễn ra sơ sài trên bãi đất bỏ hoang cạnh nhà trọ. Một chiếc bàn tròn được đặt đấy nhưng cũng chẳng ai buồn đến thắp nhang ngoài người chủ nhà và bác tổ trưởng ngồi tiếp trà. Anh kìm nén cảm xúc, thắp cho bà cây nhang và nhìn di ảnh thật lâu. Trước khi rời đi, anh không quên dúi vào tay con bà cụ chiếc ví:
– Đây là số tiền mẹ anh dành dụm lúc còn sống. Bà cụ đã gửi tôi giữ giúp, nay tôi trao lại cho anh, cố gắng thay đổi cách sống để mẹ anh nơi xa không còn đau buồn nữa. Tôi về đây!
Anh Phát dắt xe ra khỏi con hẻm rồi dựng bên vệ đường. Anh ngồi bệt xuống bãi cỏ như kẻ mất hồn. Nghĩ đến bà cụ, anh bật khóc nức nở như đứa trẻ lên ba.
Nguyễn Thanh Vũ (ĐSHĐ-132)