Lòng ghen tỵ biểu hiện tính cách trẻ, nhưng cách cư xử của trẻ khi ghen tỵ lại chịu ảnh hưởng khá rõ nét từ cách cư xử của những người lớn.
Khi nào trẻ biết ghen tỵ?
Các nhà tâm lý cho rằng, tính ghen tỵ ở trẻ có thể xuất hiện ngay khi chúng mới 2 tuổi. Đối tượng con trẻ ghen tỵ lại chính là những người thân yêu nhất chung quanh chúng. Thường là anh chị em ruột thịt. Đừng bao giờ tắc lưỡi cho qua. Tính ghen tỵ có thể đầu độc tuổi thơ của con bạn mang lại phiền muộn và những thay đổi tâm lý rất trầm trọng sau này. Rất có thể, chúng bị tổn thương và bắt đầu có thêm những tính xấu khác mà khi bạn phát hiện ra thì đã quá muộn. Tránh cho trẻ tính ghen tỵ, phải bắt đầu ngay từ lứa tuổi này.
Lớn hơn một chút, ở tuổi đến trường, đối tượng để trẻ ghen tỵ lại là bạn bè cùng lớp. “Bạn Minh thuộc thơ nhất lớp nên cô khen”. Nếu bạn không để ý đến câu nói ngây thơ này của trẻ, mà bỏ qua, có thể tính ghen tỵ của chúng bắt đầu nảy sinh rồi đấy. Theo thời gian, khi trẻ lớn lên, sự ghen tỵ được bắt đầu với vô vàn nguyên nhân phong phú và phức tạp hơn, và trở thành phong cách sống.
Ngay cả người lớn chúng ta còn có thể mất hết lý trí, hành động thiếu tự chủ trong trạng thái ghen tức, hoặc ghen tuông, thì việc trẻ trở nên bất trị, hung hăng hoặc làm những việc xấu khác xuất phát từ tính ghen tỵ là điều rất dễ hiểu.
Người lớn có thể làm gì?
Nguyên tắc đầu tiên là không bao giờ mang một đối tượng khác ra để so sánh với trẻ. Óc phân tích của chúng còn quá non nớt để nhận thức, phản ứng đầu tiên sẽ là sự sợ hãi đi kèm với ghen tỵ. Chúng ta rất hay gặp trường hợp này.
Khi một bé gái đã ba, bốn tuổi, nó thường nghe cô dì, chú bác, hoặc hàng xóm dọa: “Mẹ con sẽ sinh một em trai, và con sẽ ra rìa đấy”. Những câu nói tưởng chừng vô thưởng vô phạt này gieo vào lòng trẻ sự sợ hãi, căm ghét. Có trẻ không hề nói ra, cứ ngấm ngầm ghen tỵ với em bé. Chúng nhanh chóng nhận ra rằng từ khi có em bé, mẹ nó ngủ với em, cho em bú, ôm bế em suốt ngày, vị trí trung tâm của gia đình trước đây là nó, giờ chuyển sang em. Cuối cùng, khi bố mẹ biết nó luôn căm ghét em, hết lời giảng giải, chăm sóc nó thì cũng đã muộn. Phải mất một thời gian khá dài, bé mới lấy lại được trạng thái tâm lý bình thường.
Khi trẻ bắt đầu có những biểu hiện của tính ghen tỵ thường là thái độ bực tức hay khó chịu với bạn bè, hãy kiên trì hỏi rõ nguyên nhân và phân tích để chúng tin rằng: “Nếu cố gắng, con cũng hoàn toàn có thể làm được điều đó”. (Nhưng tránh tuyệt đối câu này: “Nó có gì ghê gớm đâu, con không cần phải để ý đến”. Câu này thường không làm giảm đi mà ngược lại, biến cảm xúc ghen tỵ của trẻ trở thành ganh ghét, tức là cấp độ nguy hiểm hơn nhiều).
Nhiều bậc phụ huynh khéo léo và tế nhị giúp con phát triển những điểm mạnh của bản thân, và họ đã có lý khi cho rằng: “Tự tin một cách đúng mức sẽ giúp trẻ hạn chế rất nhiều tính ghen tỵ”. Chúng hiểu rằng không có những ưu điểm của bạn này, bạn khác nhưng chúng vẫn được tin cậy, yêu thương. Cũng nên lưu ý, tự tin quá mức lại gần như không có ranh giới với sự kiêu căng.
Mai Chi (ĐSHĐ-135)