Mùa Xuân được xem là một mùa đẹp nhất trong năm. Bởi xuân về là lúc cây trái đâm chồi, nảy lộc. Người người, nhà nhà đua nhau đi chơi Tết trong những trang phục mới, rộn rã tiếng cười. Và đó là một mùa xuân của… nhiều năm trước…
Hòa vào không khí Tết, một ngôi chùa nhỏ ở ngoại thành Sài Gòn, nói Sài Gòn cho oai vậy chứ nhắc đến địa danh này người ta cứ nghĩ tới cái nơi “chó ăn đá, gà ăn sỏi”. Bởi ngôi chùa quê này nằm ngay trong địa phận toàn sỏi đá của Củ Chi, nơi này hứng chịu cái nắng nóng cực độ, cây hoa màu cũng không thể lên mầm khi gieo hạt. Chùa xây dựng cũng đã lâu, nghe đâu cũng thời kháng chiến chống Mỹ.
Như thường lệ, cứ dịp Tết đến thì bà con khu vực xung quanh sẽ đến chùa làm công quả cũng nhiều. Mà vui cái là có sự phân chia rõ rệt. Người lớn tuổi thì tập trung xuống bộ phản gỗ dưới bếp cùng gói bánh tét. Mà bộ phản này coi bộ cũng mấy thế hệ thì phải, bởi rất cũ kỹ. Nhiều người ngồi trên đó làm việc riết mà cái phản bóng hới như xịt sơn bóng vậy. Còn một bộ phận thanh niên thì tập trung lên chánh điện và ngoài khuôn viên vườn trước sân chùa để trang trí tiểu cảnh “trà đạo bên bếp lửa” mùa tết. Nhóm này thì cũng toàn là các thanh thiếu niên trong gia đình Phật tử của chùa. Bộ phận thanh thiếu niên này thì luôn năng nổ, hoạt bát nên nói chuyện, cười đùa rất nhiều.
Thấy vui quá, Tiểu Thanh – một cô tiểu nhỏ năm nay cũng đã 10 tuổi, đứng nép nào khung cửa nghe những người anh, chị nói chuyện, cười đùa.
Tay cầm một chung trà đang gắn keo cho dính vào bàn, chị Phật tử Diệu Nhân ngâm thơ:
“Thanh xuân như một tách trà
Công quả lo giỡn mới là… thanh xuân.”
Cả nhóm phá lên cười một trận. Mặc dù chưa hiểu rõ lắm nhưng Tiểu Thanh vì ham vui đã cười theo híp mắt. Tiếp đó, chị Diệu Tín cũng góp vui với vẻ mặt nghiêm nghị ra dáng người lớn:
– Thanh xuân là những chuyến đi, đi… để trở về…
Ở những cái tuổi 16 – 20 đó, các thanh niên cùng kể nhau nghe về những dự định đi du lịch, khi nào lập gia đình, công việc,…
Với sự hồn nhiên của một đứa trẻ, Tiểu Thanh đã ghi nhớ những câu nói của các anh, chị. Sau đó chạy một mạch đến ôm Sư phụ. Tròn xoe đôi mắt, Tiểu Thanh đã kể cho Sư phụ những gì vừa được nghe. Xong, em hỏi:
– Dạ Sư phụ ơi, thanh xuân là gì mà các anh chị nói đến nhiều vậy, thưa… Sư phụ?
Sư phụ của Tiểu Thanh năm nay cũng đã ngoài 50 tuổi. Sư phụ mỉm cười với ánh mắt từ hòa, ôn tồn nói:
– Thanh xuân là chỉ những người còn trẻ với những khoảnh khắc đẹp nhất của họ đó con. Nhưng Tiểu Thanh à, Sư phụ muốn con hiểu rằng, thanh xuân của con là những ước mơ, những hoài bão, mục tiêu khát vọng mà con hướng đến. Quá trình đó sẽ có nhiều gian truân, khó khăn, biết không con. Một năm có bốn mùa xuân – hạ – thu – đông, mỗi năm mùa xuân đều lặp lại. Con nên nhớ rằng, để thực hiện những hoài bão, lý tưởng của mình thì thanh xuân của con không giới hạn độ tuổi, có thể là 20 tuổi, 30 tuổi, 40, 50, 60,… miễn là con luôn lạc quan, tích cực. Thực hiện những lời Phật dạy vào trong cuộc sống cho tốt, luôn nỗ lực, nhiệt huyết để thực hiện ước mơ của mình cho thành hiện thực. Biết giúp đỡ, yêu thương mọi người. Luôn tiến về phía trước sau những lần vấp ngã. Như thế, mỗi ngày của con đều là thanh xuân, thanh xuân của con luôn hiển hiện và sẽ không trôi qua hay biến mất. Biết không con…
Hồi đó còn nhỏ lắm, nhớ mãi “thanh xuân” của Sư phụ nói ngày nào, giờ vẫn còn văng vẳng bên tai. Năm nay chuẩn bị đón xuân Quý Mão 2023. Tiểu Thanh giờ đây đã là một Ni sinh, đang theo học chương trình cao học Phật học tại Bình Chánh. Trong không khí tiết trời se lạnh, cô nhìn về phía xa xa. Nơi mà sương mù dày đặc, thấp thoáng tàng cây xanh mát, nhiều hoa. Có đàn chim bay lượn trên đầu ríu rít báo hiệu mùa xuân. Trong sự xa xăm đó, cô nghĩ:
– “Thanh xuân Sư phụ dạy ngày xưa thật ý nghĩa, là bài học ngàn vàng để cô vững bước trên con đường của mình. Con đường không trải đầy hoa hồng hay thảm đỏ, hay suôn sẻ như hồi nhỏ cô từng nghĩ. Thế nhưng, qua những thăng trầm của sự vô thường, biến đổi của dòng thời gian. Cô hiểu được thêm rằng, “thanh xuân” còn là “một con đường” mà xung quanh là những ngã rẽ, sỏi đá, có khúc chông chênh, khúc thẳng tắp, có khúc dốc cao làm cô mệt mỏi,… Đó là con đường dẫn đến thành công, và người đi chính là cô. Hành lý mang theo chính là sự tu tập, những lời dạy của các bậc thiện tri thức, đặc biệt là những hoài bão, hạnh nguyện, ước mơ mang đến những lợi ích, niềm vui cho mọi người. Trong cuộc hành trình của thanh xuân đó, buồn cứ khóc, vui cứ cười, mệt thì dừng lại rồi đi tiếp và không cho mình được phép gục ngã, bỏ cuộc. Đi với tư thế vững chãi của cái đầu lạnh, con tim ấm. Không quên những lý tưởng, hạnh nguyện tốt ban đầu của mình cùng những lời dạy của Sư Phụ…”.
Nhưng… một điều đáng buồn đã xảy ra cách đây hai năm, Sư phụ cô đã viên tịch theo luật vô thường tất yếu. Và những lời dạy dỗ ân cần của Sư phụ vẫn còn đó, nụ cười từ hòa, ánh mắt sáng ngời như sao. Người là bậc Ni lưu tài đức, sống trọn vẹn cuộc đời cho đạo pháp, cho dân tộc. Ánh nắng đã bắt đầu làm tan nhiều lớp sương mù, hiện rõ những bông hoa khoe sắc màu tuyệt đẹp, tôn lên vẻ yêu kiều của mùa xuân cùng hình ảnh người Sư phụ khả kính. Một lần nữa nhìn về phía xa xăm hồi lâu, cô đọc thầm bài thơ với sự nghẹn ngào:
Thanh xuân là gì hở Phụ?
Có phải cơn gió heo may
Gió lướt qua khe lá
Lên từng ngọn cỏ cây.
Thanh xuân là gì hở Phụ?
Có phải những ước mơ
Mà con mơ mỗi tối
Dệt nên những vần thơ.
Thanh xuân là gì hở Phụ?
Con nghĩ là ước mong
Là những lý tưởng sống
Để con quyết chí lòng.
Thanh xuân là gì hở Phụ?
Có phải lời truyền trao
Phụ ân cần dạy bảo
Để con hành mai sau.
Thanh xuân là gì hở Phụ…
Huệ Giác(ĐSHĐ-113)
Sc Tn Viên Châu diễn đọc