Khí hậu miền Trung vào những ngày lập đông, luôn có các cơn mưa nặng hạt kéo dài, đất trời dường như bị phủ lên một lớp màn tối mù mịt, những con nước lên dần làm cho cánh đồng dâng lên màu trắng xóa. Đâu đó, trên không trung từng cánh chim cũng bay vội tìm về tổ ấm, dưới vũng đầm lầy từng cánh cò cũng kiếm chỗ trú thân. Vậy mà, nơi đồng sâu cha vẫn lặng lẽ làm việc mặc cho cái dữ tợn và khắc nghiệt của thiên nhiên luôn rình rập, đeo bám. Đôi chân trần đặt lên lớp bùn nhão của vùng quê như in lại sự mệt nhọc, vất vả của cha trong từng ngày. Thời gian trôi qua, mỗi dấu chân là một dấu ấn về cuộc hành trình tìm kế sinh nhai đầy gian lao của cha nơi mảnh đất khô cằn.
Mưa càng lúc càng lớn, làm cho đất trời khoác lên mình một màu đen ảm đạm, con đường làng chịu biết bao trận bão lụt đi qua, đã bị càn quét hết lớp đất màu mỡ, chỉ còn trơ lại những viên sỏi khô cằn. Nhưng bước của cha hằng ngày vẫn sớm tối đi về trên con đường đó. Đôi dép mòn cũ kỹ vì sử dụng quá lâu đã không còn chịu nổi những viên sỏi đá của mặt đường đâm vào. Cho nên lòng bàn chân của cha càng ngày càng bị chai sần và thô cứng. Có những lúc từng hạt mưa hắt vào mặt thật cay rát và khó chịu, nhưng cha chỉ lấy tay vuốt nhẹ rồi bước đi, những bước chân âm thầm nhưng vững chãi mặc cho dòng đời nhiều chông chênh, trắc trở.
Sinh ra và lớn lên ở vùng duyên hải miền Trung, tuổi thơ của con đi qua thật êm đềm với biết bao kỷ niệm. Nhớ ngày nào đó, cha lặng lẽ cõng con đi học trên con đường làng quen thuộc, có những lúc bước chân ấy đầy vội vàng, hối hả vì cái nắng của mùa hè làm cho bỏng rát, có lúc bước chân ấy trở nên chậm rãi và cẩn thận vì lòng đường quá trơn trợt. Những hơi thở dồn dập, những giọt mồ hôi cứ rơi mặc cho thời tiết có nóng bức hay mưa lạnh. Nhưng trên môi cha vẫn luôn nở nụ cười hạnh phúc; bởi lẽ, cuộc sống đã ban tặng cho cha một món quà vô cùng quý giá, đó chính là đứa trẻ đang nằm ở trên vai.
Năm tháng trôi qua, con càng ngày càng khôn lớn thì cũng là lúc mái tóc cha trở màu điểm bạc. Đã qua rồi một thời cha phải đưa đón con trong những năm tháng của bậc tiểu học. Giờ đây, con được bước chân vào mái trường Phổ thông trung học, nhìn cô nữ sinh e thẹn trong chiếc áo dài vào ngày đầu tựu trường, khuôn mặt người hiện một niềm vui khó tả. Tuy không còn thấy bóng dáng của cha trong những lúc tan trường, nhưng trong tâm con luôn nhận thấy người lúc nào cũng ở bên cạnh. Chiếc xe đạp mà cả gia đình tặng con nhân dịp tựu trường lúc nào cũng sạch sẽ, bóng loáng. Cho nên, mỗi khi đi học cùng lũ bạn, con lúc nào cũng thấy tự hào pha chút kiêu hãnh.
Sống trong sự yêu thương và chăm sóc cẩn thận, con dường như ngây thơ, hững hờ trước cuộc sống. Trong tâm trí con mọi thứ có vẻ đã được sắp đặt sẵn nên chẳng có gì lo toan hay suy nghĩ. Mỗi khi đêm về, khi con đang loay hoay để chuẩn bị bài vở thì cha lại âm thầm kiểm tra từng bộ phận của chiếc xe, rồi lau chùi cẩn thận và cho hơi căng tròn cả hai bánh. Những việc làm nhỏ bé đó nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao. Bởi lẽ, cha muốn con phải dành tất cả thời gian cho việc học, phải tích lũy thật nhiều kiến thức để làm hành trang cho tương lai.
Thời gian không chờ đợi một ai, thoáng chốc ba năm học cũng trôi qua, một nhân duyên mới lại đến. Cô nữ sinh ngày nào giờ đã trở thành một Tiểu ni đang trong thời kỳ hành điệu. Rời xa quê hương, ra khỏi vòng tay chăm sóc của gia đình, Tiểu như quyết tâm thực hiện một hoài bão lớn. Trải qua bao năm đèn sách, Tiểu nhận thấy được rằng: Kiến thức thế tục là nền tảng của vinh quang và quyền thế. Vì vậy, đã có không ít người sẵn sàng đạp lên những giá trị đạo đức để có được nó. Còn đối với trí tuệ xuất thế gian, tiền tài, địa vị không mua được, bởi đây là kết quả của quá trình tu tập đã đạt đến đỉnh cao của sự thành tựu. Vì vậy, nó đã có công năng cảm hóa mọi nỗi khổ niềm đau, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhân loại.
Cuộc sống chốn thiền môn bên lời kinh tiếng kệ đã xoa dịu và làm cho Tiểu quên đi những ký ức của tuổi thơ một thời. Được hòa mình trong tình thương của huynh đệ và pháp lữ, Tiểu dường như quen dần với đời sống tự lập. Không còn nữa hình bóng cha đứng trước cổng chờ con đi học về, không còn nữa những lời đánh thức khi nó đang say sưa trong giấc ngủ nồng, tất cả chỉ là quá khứ. Tuy cuộc đời xuất gia của người tu sĩ đã có giới luật làm thầy, có các thời khóa cảnh tỉnh và sách tấn, nhưng cha vẫn hằng ngày nhắc nhở con học hành và tu tập. Khi còn ở lứa tuổi học trò đã bao lần mùa vu lan hiếu hạnh đi qua mà con chẳng màng quan tâm hay để ý đến, giờ đây được tắm trong “suối nguồn diệu giác” của nhà Phật, con mới chợt tỉnh ra mình đã thật sự đánh mất những giờ phút thiêng liêng ấy. Bất chợt Tiểu nghe thoảng đâu đó câu thơ của một vị giảng sư nọ:
“Còn cha gót đỏ như son
Một khi cha mất gót con đen sì”
Tiểu giật mình thức tỉnh, thì ra đôi chân chai sạm của cha là sự hy sinh thầm lặng để cho con có được gót đỏ mà hãnh diện với bạn bè đồng trang lứa. Nghĩ về điều đó tiểu cảm thấy hối hận trước sự ngây thơ và dại dột của bản thân mình. Bởi lẽ, Ni chưa một lần lấy khăn lau những giọt mồ hôi trên trán cho cha, chưa bao giờ có can đảm lấy đôi tay nhỏ bé của mình sờ vào những vết chai sần và rạn nứt trên gót chân cha. Sự hy sinh này quá âm thầm, lặng lẽ mà mãi đến khi Ni bước vào ngưỡng cửa của nhà Phật mới hiểu được điều đó.
Được hình thành từ tinh cha, huyết mẹ, Ni luôn cảm thấy ơn sinh thành dưỡng dục của hai đấng song thân thật quá lớn. Nếu Thầy tổ là người khai sáng và truyền trao giới thân huệ mạng cho con thì cha mẹ chính là người tạo nên thân tứ đại này. Mỗi bước chân của cha là vầng mây che mát cho con đi qua mỗi chặng đường. Lưng của người càng còng thêm, bước chân kia cũng yếu dần như báo hiệu cho sự suy giảm của thân thể cha trước định luật vô thường. Thế rồi, cứ mỗi độ đông về, hạt mưa như vô tình in lại bước chân cha nơi mảnh đất quê hương, mưa vô tình nhưng lại làm cho lòng người dâng trào một cảm xúc lớn lao. Đó chính là niềm yêu thương, sự tôn kính và tri ân sâu sắc về hai đấng sanh thành cha và mẹ.
Thọ Nhã