Trong Nam, tên họ nổi như cồn
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ
Hơi gươm thêm rạng vẻ Hoàng Môn
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ
Quả ấn Bình Tây đất vội chôn
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt luỵ
Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.
“Văn tế điếu Trương Định – Nguyễn Đình Chiểu”
Vùng đất Vĩnh Bình- Gò Công từ xưa đã đi vào lịch sử chống Pháp giai đoạn 1959-1964 với những chiến công hiển hách của “Bình Tây Đại Nguyên Soái- Trương Định” Năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ nhất, Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ. Trong những trang sử hào hùng này, chùa Linh Sơn như một điểm son sáng chói vì vào năm 1877, tại phần đất do ông Lê Văn Lắm khai khẩn, Đốc binh Đặng Khánh Tình là một vị tướng của nghĩa quân anh hùng Trương Định đã đứng ra xây dựng chùa Linh Sơn. Ngôi chùa là nơi thờ phượng cho dân chúng tín ngưỡng, lễ bái, cầu nguyện tu hành và cũng là nơi cho nghĩa quân hoạt động kháng chiến chống Pháp lúc bấy giờ.
Thời gian sau, hoạt động nghĩa quân bị bại lộ, ông Đặng Khánh Tình bị thực dân Pháp bắt chặt bêu đầu tại chợ Gò Công (nay là Thị xã Gò Công) để thị uy nhân dân và làm chùn chí chiến đấu của nghĩa quân. Để tưởng nhớ và lưu lại chứng tích của vị anh hùng có công khai phá và sáng lập ngôi chùa ở vùng đất Vĩnh Lợi này nên nhân dân lập Linh vị thờ Ông tại chùa Linh Sơn với dòng chữ “Phụng Vì Chủ Thổ Lập Tự Đốc Binh Đặng Khánh Tình Giác linh”. Hiện nay Linh vị của Ông được tôn thờ và bảo tồn tại Nhà truyền thống thuộc Phòng Văn hóa Thông tin huyện Gò Công Tây để cho các nhà nghiên cứu, nhân dân hiểu biết về cuộc đời của vị anh hùng dân tộc.
Như vậy, chùa Linh Sơn là cơ sở hoạt động của nghĩa quân chống Pháp và sau này cũng là cơ sở hoạt động kháng chiến chống Mỹ giành lại độc lập nước nhà (hiện nay cô Đặng Thị Mươi ngụ tại ấp Đông, thị trấn Vĩnh Bình là nhân chứng sống vì thời điểm đó Cô từng là giao liên cho hoạt động cách mạng).
Linh Sơn Tự là ngôi chùa cổ được truyền thừa qua nhiều thế hệ, Tổ Tổ tương truyền, Sư Sư tương kế gìn giữ và phát huy ánh sáng chánh pháp. Trước kia chùa Linh Sơn thường tổ chức Trường hương, Trường kỳ để tiếp tăng độ chúng tu học. Theo lời Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng – Đệ tứ Pháp chủ GHPGVN kể lại trong chuyến thăm trường hạ chùa Linh Sơn năm 1999: khi đến chùa Linh Sơn Hòa thượng có cảm giác xao xuyến lưu lại trong tâm, vì đây là nơi Ngài được chư Trưởng lão truyền thọ Sa di Giới để bước tiếp vào con đường tu tập giải thoát.
Ngôi chùa tuy trải qua nhiều đời trụ trì, nhưng đáng chú ý vào năm 1986 đến năm 2007 có Sư cô Thích Nữ Diệu Liên đã trùng tu lại ngôi nhà Tổ và sửa chữa lại cổ lầu ngôi Chánh điện vào năm 1995. Nhưng theo định lý Vô thường ngôi chùa không khỏi bị xuống cấp. Với tinh thần trùng hưng Tam bảo để báo Phật ân đức, tiếp dẫn hậu lai, thừa hành Phật sự. Sau khi Sư cô Diệu Liên viên tịch, nhờ sự trợ duyên của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội, sự giúp đỡ của các cấp chánh quyền, sự thỉnh cầu của Phật tử; Ngày 21 tháng 5 năm 2007 Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang ra văn thư chấp thuận đề cử Đại đức Thích Trung Phước về làm Giám tự chùa Linh Sơn và sau đó lập Ban Trụ trì do Thượng tọa Thích Giác Tây – Ủy viên Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang, Trưởng BTS Phật giáo huyện Gò Công Tây, Đại đức Thích Trung Phước – Chánh Thư ký BTS Phật giáo huyện cùng chư Tôn đức trong Thường trực BTS Phật giáo huyện đảm trách. Ngôi chùa cũng được sử dụng làm Văn phòng làm việc của Ban Trị sự Phật giáo huyện Gò Công Tây cho đến ngày nay..
Nhờ hồng ân Tam bảo gia hộ cũng như sự phát tâm thù thắng của thiện tín đàn na, gần ba năm xây dựng, giờ đây ngôi phạm vũ được huy hoàng giữa lòng quê hương Gò Công Tây mến yêu này.
Vân Phàm (theo lịch sử các tự viện Tiền Giang) (ĐSHĐ-116)
Diễn đọc: SC Đức Tạng