Cụ Quân đã gần 70 tuổi mà tính tình như trẻ con. Trong khi người già tụ họp lại đánh cờ, uống nước trà, tâm sự chuyện đời thì cụ lại theo thằng cháu và đám bạn của nó chơi những trò trẻ con. Cụ là người đầu têu, hay dẫn đầu bọn trẻ làm đủ thứ chuyện nhưng tuyệt nhiên không phá phách mà làm những việc có ích. Vì vậy mà tụi trẻ trong xóm rất quý cụ, thường hay lẽo đẽo theo cụ. Người xa lạ nếu nhìn vào chắc sẽ nghĩ cụ là ông già ham vui, già mất nết. Nhưng nếu là người trong xóm sẽ hiểu và cảm thông cho ông lão này. Sau một trận hỏa hoạn, mọi ký ức trong trí não cụ bị xóa sạch. Giờ cụ giống như một đứa trẻ tiểu học, hồn nhiên cười đùa. Tuy vậy, có những lúc gia đình bắt gặp cụ ngồi bó gối trước hiên nhà buồn bã, thẫn thờ. Ai cũng đoán cụ nhớ được chút xíu về quá khứ.
Ngày trước, gia đình cụ Quân làm nghề đèn lồng thủ công có tiếng ở xóm này. Vẫn là những nguyên vật liệu: tre, giấy dán, keo,… nhưng qua đôi tay khéo léo, đầu óc sáng tạo của cụ, chiếc đèn lồng có hồn thấy rõ. Cụ chưa bao giờ tự nhận mình là nghệ nhân nhưng nhìn cách cụ vẽ lông vũ cho chú gà trống, lớp vảy cho cá chép, trang trí những phụ kiện đính kèm cho ngôi sao… khiến ai cũng trầm trồ. Cụ vẽ khéo, trang trí thẩm mỹ, sáng tạo nhiều con vật mới nên ăn đứt những chiếc đèn lồng ở chợ được nhập từ những nơi khác đến. Vậy mà chỉ một lần sơ ý làm ngã chiếc đèn dầu ở phòng thiết kế mẫu mà trở thành định mệnh. “Bà hỏa” không làm bạn với bất cứ ai. Chiếc đèn oan nghiệt ấy đã thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà, kể cả hàng ngàn chiếc đèn lồng chuẩn bị đến tay các em thiếu nhi nhân dịp Tết Trung Thu. May mắn là người và của đã được cứu kịp thời. Nhưng sau chuyện này, cụ Quân không còn được bình thường vì cú sốc quá lớn. Gia đình cụ cũng bỏ luôn nghề làm đèn lồng vì không ai quản lý.
***
– Ông nội ơi, coi chừng vướng gai vô tay đó.
Thằng Hào cháu cụ Quân tỏ ra lo lắng khi cụ lao vào bụi rậm tìm những cây tre đúng chuẩn để làm đèn lồng. Ông vừa chặt tre vừa nói vọng ra:
– Ông không bị gì nè. Hào và mấy bạn đừng có lo.
Những đứa trẻ đứng bên ngoài nhốn nháo sợ ông bị gai tre đâm vào da thịt. Mất trí thì có chứ bản năng và quán tính của ông thì trên cả tuyệt vời. Dù tuổi cao nhưng cụ vẫn khỏe mạnh, linh hoạt, một loáng đã chặt xong 5 cây tre tươi để làm đèn lồng. Số là trường của Hào tổ chức cuộc thi đèn lồng với phần thưởng cho giải cao nhất là 5 hộp bánh Trung Thu. Số tiền mua quà bánh do hội phụ huynh đóng góp. Được quà bánh, lại được chơi trăng nên những đứa trẻ trong xóm háo hức lắm. Biết cụ Quân từng là nghệ nhân làm đèn lồng nên bọn trẻ nhờ cụ thiết kế một con vật gì đó cho thật hoành tráng. Thằng Hào nói với ông mình:
– Ông ơi, ông thiết kế cho bọn cháu một đèn lồng gì đó vừa to vừa ý nghĩa đi ông.
Cụ Quân lơ ngơ đôi mắt hồn nhiên như trẻ nhỏ, môi chúm lại rồi hỏi:
– Làm như mọi năm à? Dễ mà.
– Không, ông ơi. Năm nay trường con thi thố làm đèn lồng. Ông phải thiết kế sao cho thật đẹp ăn đứt mấy lớp khác để giật giải cao nhất mới được.
Ông gật gù ra chiều suy nghĩ trong giây lát. Chợt thằng Chiến bạn của Hào cho ý kiến:
– A, hay bọn mình làm đèn lồng cá chép đi. Cá chép tượng trưng cho may mắn, sức khỏe và kiên trì vượt khó, rất là ý nghĩa.
– Nhưng cá chép khó làm lắm. Chúng ta chẳng biết tượng hình nó ra sao thì làm sao thiết kế. – Hải góp ý.
Cả nhóm bạn được giao nhiệm vụ làm đèn lồng nhốn nháo như ong vỡ tổ. Đứa thì bảo làm đèn ông sao, đèn bươm bướm nhưng đứa kia phản bác vì mẫu đèn đó không có gì là mới lạ. Cụ Quân ngồi đưa tay chống cằm suy nghĩ hồi lâu, giờ mới chịu lên tiếng:
– Được, làm được mà. Làm đèn cá chép đi.
Đứa nào cũng thảng thốt vì làm đèn lồng cá chép không đơn giản tí nào. Nhưng ít người biết, đêm xảy ra hỏa hoạn chính ngọn đèn dầu đã thiêu rụi mẫu thiết kế đèn lồng cá chép to mà cụ Quân chuẩn bị làm cho một quán ăn sắp khai trương.
– Ông chắc là thiết kế được chứ ông? – Hào tỏ ra nghi ngại – Cháu biết ông khéo tay và từng là nghệ nhân giỏi trong xóm. Nhưng con cá chép rất khó làm đấy, ông ạ.
– Ông làm được mà. Chắc chắn mà. Hào tin ông đi mà.
– Sao ông chắc chắn thế? Ông chưa từng làm qua mà.
– Ông cũng không biết. Ông nhớ nhớ là ông làm qua rồi. Tin ông đi mà.
– Mày cứ để ông thử, biết đâu làm được. Tao tin tưởng ở ông – Hải chen ngang câu chuyện giữa hai ông cháu.
Không còn nhiều thời gian để suy nghĩ nên cả nhóm quyết định làm đèn lồng cá chép. Mấy đứa tin tưởng, đặt hết niềm tin vào cụ Quân. Phải mất một ngày để cụ ngồi nghĩ ngợi, quơ tay lia lịa, ra vào như một nhà thiết kế thực thụ. Mọi người trong nhà lo cho sức khỏe của cụ Quân nên năn nỉ cụ nghỉ ngơi, dùng cơm nước nhưng cụ lắc đầu:
– Phải làm đèn lồng cho Hào khẩn trương mới được.
Cả nhà biết cụ thương Hào nhất, khó mà lay chuyển ý định gì khi mà cụ đã quyết, nên thôi không can thiệp. Phải mất một ngày cụ mới phác thảo được chú cá chép trên giấy. Cả đám bạn Hào nhìn hình mà trầm trồ:
– Chao ôi, ông nội Hào vẽ đẹp thế! À tao biết rồi, chính vì vậy mà mày thường được điểm cao môn mỹ thuật chứ gì. Mày nhờ ông vẽ đúng không?
Hào lắc đầu khó chịu:
– Nói bậy à! Chính tay tao vẽ đó. Cũng nhờ ông dạy tao vẽ từ nhỏ nên tao mới vẽ đẹp như vậy. Chắc là do di truyền.
Hào phá lên cười. Cụ Quân bênh cháu:
– Đúng rồi, đúng rồi. Hào không có nhờ ông vẽ nha. Hào tự vẽ à.
Đoạn cụ kéo tay mấy đứa ra sau nhà để phân công việc. Tre thì cụ đã chẻ, phơi khô xong rồi. Giờ đến lúc phải làm khung sườn cho kịp. Do nhà trường không cho người lớn làm giúp nên Hào chỉ nhờ ông giúp hướng dẫn cách làm chứ không cho ông trổ tài. Đèn lồng con cá chép dài 2m là cả một vấn đề đối với những đứa trẻ lớp 7. Tuy nhiên, được ông chỉ tận tình nên Hào và các bạn không gặp trở ngại gì. Nhìn đôi tay búp măng của những đứa trẻ buộc kẽm, ông thấy thương chúng làm sao. Những hình ảnh ấy càng gợi cho ông nhớ chút gì đó về quá khứ vàng son.
– Xong rồi ông ơi! Sườn cá chép hai bên đã hoàn thành. Thật không thể ngờ là cháu và các bạn làm được như vậy. Nhờ có ông hết đó. Giờ phải làm gì tiếp theo hả ông?
Cụ Quân đang ra dáng ông lão trầm tư, chợt Hào làm cho ông trở về thực tại:
– À… À… Xong hết à. Rồi rồi, bây giờ tới lúc làm khung nè.
Rồi cụ Quân chỉ bọn trẻ làm khung cho cá chép để gia cố và dán giấy kính. Ông cụ chỉ tận tình khung nào cần quấn dây kẽm cho chặt, khung nào cần buộc dây nhựa để tăng tính thẩm mỹ.
– Mấy đứa cần bao nhiêu cây nến đặt trong bụng con cá chép này nè.
– Mười cây đi ông ơi! – Chiến vọt miệng nói – Mà nến to ông nhé!
– Nhiều quá, sáng quá coi chừng cháy đó….
– Kệ đi ông, như vậy cho nó nổi bật – Hải chêm vào.
Tự nhiên nói đến cháy cụ Quân cảm thấy mệt người, chóng mặt. Cả nhóm phải dìu ông cụ vào nhà nằm nghỉ. Suốt buổi chiều đó cụ không ăn uống gì, cứ nằm trên ghế bố trước nhà nhìn đăm chiêu ở tận đâu đâu.
Hai ngày sau, bọn trẻ mới bắt tay vào dán đèn lồng, vì còn phải vận động cả lớp hùn tiền mua giấy trang trí cũng như biểu quyết xem khoác áo cho chú cá chép màu gì là phù hợp. Tất nhiên, với sự góp ý của cụ Quân là quan trọng nhất. “Màu vàng đẹp nè”, cụ Quân nói chắc như đinh đóng cột. Thế là sau khi tan học, Hào và đám bạn đạp xe ra chợ mua đồ trang trí theo sự dặn dò của ông nội. Công đoạn dán giấy kính cực kỳ khó khăn bởi cả nhóm phải ướm giấy vào khung rồi mới cắt cho vừa khổ, sau đó quết keo hồ rồi ịn vào, đồng thời kéo căng ra đều không bị chùng. Phải mất một buổi chiều, mọi người mới mặc áo đẹp cho chú cá chép. Bây giờ thì đến lượt Hào trổ tài làm họa sĩ. Theo sự hướng dẫn của ông, Hào cầm cọ vẽ vảy cá từ đầu đến đuôi. Chợt Hào thảng thốt:
– Ông ơi, mình quên râu và vây cá chép rồi! Phải làm sao đây ông?
– Không hề gì, không hề gì nè. Để ông chỉ cho thêm vào.
Ông chỉ thằng Bình dùng hai thanh kẽm uốn éo thành hai chiếc râu cá rồi luồn nhẹ vào phần đầu. Riêng hai chiếc vây được làm từ hai mảnh giấy màu dán thêm vào thân.
***
Ngày thi thố cũng đã đến. Đêm Trung Thu trăng sáng rực rỡ, thời tiết mát dịu làm cho cả xóm nhộn nhịp hẳn lên. Cả nhóm của Hào háo hức đốt nến cho chú cá chép to rồi nhờ một số bạn chung lớp nâng cá lên thẳng tiến đến sân trường, nơi các thầy cô làm giám khảo chấm giải đang chờ đợi. Chao ôi, con cá chép bằng tre khi được đốt đèn lên sáng trưng, đẹp lộng lẫy, thu hút mọi ánh nhìn của cả xóm. Ai cũng trầm trồ về thành quả của ông cháu. Ông xoa đầu từng đứa, cười tươi rói, bảo:
– Ông chúc Hào với các cháu đoạt giải nè. Nhớ mang bánh Trung Thu về cho ông ăn.
Bọn trẻ dạ lia lịa rồi tranh thủ đi. Chú cá chép đi được vài bước thì đột nhiên thằng Bình trượt chân té, nến ngã theo, làm chú cá chép cháy phừng phừng không kịp dập lửa. Bọn trẻ hoảng sợ la to: “Cháy! Cháy! Cháy con cá chép rồi ông ơi!”. Ông ở trong nhà chạy ra, thấy con cá chép cháy trơ khung, đứng nhìn trân trân như bức tượng trong giây lát rồi ngất xỉu. Mọi người dìu ông vào trạm xá gần đó. Hào chạy theo vào giường bệnh ngồi chờ ông tỉnh lại, gương mặt sợ hãi, hai mắt rơi lệ vì sợ chuyện không may đến với ông. Ông thiêm thiếp chừng nửa tiếng rồi mở mắt, cử động. Hào mừng quá, reo to:
– Ông tỉnh rồi ba ơi! Ông ơi, ông khỏe không ạ? Có sao không ông? Sao tự nhiên ông ngất xỉu làm mọi người lo quá!
Cụ Quân từ từ ngồi dậy, nói:
– Ông không sao đâu cháu ạ! Ông khỏe như voi đây này. Ông phải sống để tiếp tục làm nghề đèn lồng thủ công ấy chứ!
– Ơ… Hào thảng thốt – Sao nay ông nói chuyện khác thế? Ông… ông nhớ chuyện cũ rồi sao ông?
– Ừ, ông nhớ ra là mình đã từng là ông chủ đèn lồng thủ công.
Cả nhà vui sướng như ba ngày tết, ôm ông vào lòng khóc trong hạnh phúc. Đêm Trung Thu, mọi người trong nhà và đám bạn của Hào quây quần bên nhau uống trà, ăn bánh dẻo, trò chuyện đến khuya. Dù nhóm của Hào trượt mất giải thưởng nhưng Hào không tiếc mà ngược lại còn vui hơn. Bởi món quà bất ngờ đến với Hào chính là ông đã khỏe hẳn. Nhờ con cá chép bừng cháy mà ông đã nhớ lại tất cả thời quá khứ vàng son, tươi đẹp.
Đặng Trung Thành (ĐSHĐ-132)