Hạnh phúc thay Đức Phật Giáng sinh
Thật là hạnh phúc biết bao khi các Phật tử có dịp hành hương về xứ Phật. Nơi đã đản sanh một bậc toàn giác, một bậc vĩ nhân xuất thế, một ngọn đuốc trí tuệ được thắp lên để phá tan ngục tù tăm tối, cho chúng sanh trong vô lượng kiếp. Trong chuyến trở về cội nguồn này, tâm tư Phật tử sẽ bàng hoàng xúc động khi đứng trước trụ đá của vua A Dục, nhà vua khắc lại để đánh dấu nơi đản sanh một đấng cứu thế, nhân dân trong vùng được miễn thuế, được hưởng ân đức của Ngài. Bên cạnh ấy là ao nước trong vắt, tương truyền rằng chính nơi này chín rồng phun nước tắm Ngài và chư thiên rải hoa cúng dường. Gần hồ nước có nhiều gốc cây bồ đề cổ thụ, rễ cây chằng chịt, cành lá xanh um, rồi những dây cờ ngũ sắc của các nước hành hương về thánh tích chiêm bái, đã giăng ngang giăng dọc, đánh dấu chuyến về cội nguồn tâm linh của họ. Chính nơi này Thánh mẫu Maya vịn cành cây vô ưu sinh Thái tử Tất Đạt Đa. Vô ưu là loại cây quý hiếm hay vô ưu là không còn ưu sầu, khổ não nữa? Thiết nghĩ rằng Ngài vì thương chúng sanh ở cõi Ta bà ngũ trược ác thế này, mà thị hiện để thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Ngài đã chấp nhận thị hiện mang thân tứ đại nên phải chịu bốn tướng “sanh, lão, bệnh, tử” như chúng sanh.
Ngài vẫn nằm trong thai mẹ, thì đản sanh cũng phải như người thường, làm sao mà sinh ra hông phải được? Có chăng Ngài đã chấp nhận trở lại đời, với hình thức là một Bồ tát giáng trần, các Ngài không bị các ấm ngăn che, nên gọi là ngũ uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Còn chúng sanh bị ngăn che, nên khi sinh ra chẳng biết mình từ đâu đến và khi chết sẽ đi về đâu? Bởi sắc ấm, thọ ấm, tưởng ấm, hành ấm, thức ấm ngăn che, vô minh nghiệp chướng sâu dày. Thánh mẫu Maya mộng ứng điềm lành, thấy voi trắng sáu ngà chui vào hông phải và khi đản sanh cũng từ hông phải mà ra. Voi trắng tượng trưng bạch nghiệp. Sáu ngà tượng trưng cho sáu căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỉ căn, thiệt căn, thân căn và ý căn của Ngài đều thanh tịnh. (Cư trần bất nhiễm trần, như hoa sen ở trong bùn mà không bị bùn làm ô nhiễm). Do đó, nói Ngài đản sanh từ hông phải, phải này là thiện là lành, nên chư Tăng, chư Ni khi đắp y đều che vai trái bày vai phải. Che vai trái là che điều sái quấy, bày bên phải là hiện bày điều hay điều tốt. Khi đi kinh hành niệm Phật hay đi nhiễu tháp, cũng đi hướng tay mặt. “Hữu nhiễu ư tháp, đương nguyện chúng sanh, Sở hành vô nghịch, thành nhất thế trí”. Trong 37 phẩm trợ đạo, Tứ Chánh Cần còn là một trong 7 khoa của 37 phẩm trợ đạo đưa chúng sanh đến chỗ giác ngộ Tứ Chánh Cần là:
Điều ác chưa sanh, đừng cho sanh.
Điều ác đã sanh, phải mau dứt trừ.
Điều thiện chưa sanh, khiến cho sanh khởi.
Điều thiện đã sanh, phải nuôi dưỡng phát huy cho nó tăng trưởng.
Học Phật chúng ta nên hiểu và thực hành những điều đúng, điều hợp với Chánh pháp.
Hạnh phúc thay giáo pháp cao minh
Khi đặt chân đến Lộc Giả Uyển (vườn Nai), nơi Đức Phật lần đầu tiên thuyết pháp độ 5 anh em ông Kiều Trần Như, nơi ấy đánh dấu ngày đầu Đức Phật thành đạo chuyển pháp luân (sau 5 năm tầm đạo và 6 năm tu khổ hạnh ép xác, nhưng không có kết quả. Cuối cùng Ngài tìm ra được con đường trung đạo, nghĩa là muốn tìm thấy đạo không nên hưởng thụ quá nhiều, cũng không nên ép xác thái quá). Giống như cây đàn, nếu lên dây căng quá thì sẽ bị đứt, nếu dây đàn chùng quá, thì sẽ không phát ra âm thanh trong trẻo được. Chính nơi Lộc Giả uyển này, từ ấy đã có ngôi Tam bảo. Phật bảo là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Pháp bảo là pháp Tứ Đế. Tăng bảo là 5 anh em ông Kiều Trần Như. Bánh xe Chánh pháp lưu chuyển gần 3000 năm, trải qua các cuộc thăng trầm của thế sự, mà chơn lý vẫn lưu hành đến ngày nay. Vì là chân lý (là giáo lý chơn chánh) nên Giáo pháp của Ngài trải qua không gian vô cùng và thời gian vô tận, vẫn còn tồn tại và phát triển. Ngài sinh ra đi bảy bước trên 7 hoa sen, con số 7 ấy là chỉ không gian có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, nghĩa là ánh đạo vàng của Ngài sẽ lan tỏa khắp bốn phương và xuyên suốt cả 3 thời quá khứ, hiện tại và vị lai.
Hạnh phúc thay Tăng già hòa hiệp
Nước trăm sông đều chảy về biển cả. Khi còn ở đồng bằng tên gọi mỗi con sông khác nhau, ví dụ sông Hồng, sông Tiền, sông Hậu v.v… nước ngọt, nước lợ khác nhau. Nhưng khi chảy về biển, đồng một vị đó là vị mặn. Cũng vậy, khi chưa tu, mỗi người ở mỗi xứ, mỗi họ khác nhau. Khi xuất gia rồi, thì đều mang một họ đó là họ Thích và cùng một chí nguyện là thoát ly sanh tử, cùng một vị đó là hương vị giải thoát. Tăng đoàn là sự tiếp nối của ba đời chư Phật. Chư Tăng, chư Ni là viên gạch nối giữa Phật và chúng sanh, là người có trách nhiệm đem ánh đạo vàng gieo rắc khắp bốn phương. Đức Thế Tôn đã thị hiện cõi Ta bà cứu vớt chúng sanh thoát khỏi vòng trầm luân sanh tử. Ngài đã từ bỏ lầu son gác tía, từ bỏ vợ đẹp con yêu, để đi tìm ra con đường sáng suốt. Nhưng Ngài không như những đấng giáo chủ khác, Ngài đã từng tuyên bố rằng: “Tin Ta mà không hiểu Ta là phỉ báng Ta”. Hay Ngài lại dạy: “Các ông hãy tự thắp đuốc lên mà đi, hãy thắp lên ngọn đuốc Chánh pháp”. Vĩ đại thay! Lòng từ bi, bình đẳng của Ngài có một không hai trong thế gian này.
Đàm Vũ Tri (ĐSHĐ-116)