Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo. Trọn một đời tu hành thanh tịnh, thân giáo trang nghiêm, giữ vững tông phong đạo nhà Di Mẫu: “Bát kỉnh thị y”, Ni trưởng đã hiện thân làm một ngọn liên đăng rạng ngời, làm nơi quy xứ cho những con thuyền còn lênh đênh giữa biển đời đau khổ. Mặc dù tham gia và hộ trì hầu hết các Phật sự về hoằng pháp, giáo dục, kiến thiết tự viện, xây dựng Phật học đường cũng như công tác từ thiện xã hội…, Ni trưởng vẫn giữ hạnh nguyện”Sự thành tất thối” của một hành giả tu pháp Không tâm, tự tại vô ngại. Bài viết này xin thuật lại những giai thoại về cuộc đời học đạo, tu đạo và hành đạo của Ni trưởng với tấm lòng tôn kính vô biên, như một nén trầm thơm của xứ Xuân Kinh Thuận Hóa kính dâng lên cúng dường nhân ngày húy nhật của Thánh Tổ Kiều Đàm Di Mẫu.
1. Bát kỉnh thị y
Chúng con được nghe kể lại rằng, những năm 1960, Ôn Lăng Nghiêm (Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Tôn) thường xuyên đi từ Quảng Ngãi ra Huế để hầu quý Ôn bàn chuyện lãnh đạo phong trào bình đẳng tôn giáo trong Pháp nạn 1963. Trong lúc đi tản bộ trên cầu Trường Tiền, đứng ở giữa cầu, Ôn thấy có hai Sư cô từ dưới dốc đầu cầu đi bộ lên. Mặc dù còn cách xa gần một trăm mét nhưng hai Sư cô đã đứng trang nghiêm, chắp tay cúi đầu. Bước đến gần, Ôn hỏi: “Tại sao còn cách xa như vậy mà hai Sư cô đã đứng chắp tay rồi, sao không lại gần rồi chào cho khỏe?”. Một trong hai Sư cô mỉm cười “tinh nghịch” (theo lời kể của Ôn Lăng Nghiêm) rồi thưa rằng: “Dạ bạch Ôn, tụi con mà không giữ Bát kỉnh như rứa, lỡ đến tai Ôn Giám luật thì tụi con chết ạ!”. Ôn Lăng Nghiêm mới cười và giả giọng xứ Huế mà dạy rằng: “Ui chao, đúng là Bạt kịnh xự Huệ cọ khác hí!”. Ôn Giám luật ở đây là cố Đại lão Hòa thượng Thích Mật Hiển, một trong những vị Luật sư nổi tiếng nghiêm khắc ở miền Trung. Một trong những ngọn liên đăng kỳ vĩ ở miền Trung là cố Sư bà Thích nữ Diệu Không (thường được gọi là Sư bà Tuần). Là con cháu Trúc Lâm Đại Thành, ai cũng biết Sư bà Tuần xuất thân từ một gia đình trâm anh thế phiệt, ái nữ của Khánh Mỹ Quận công, một trong “tứ trụ” ở triều đình Phú Xuân cuối thời Nguyễn. Sư bà có nhân duyên thù thắng với Tam Bảo, từ bé đã quy y với Quốc sư Thanh Đức – Tâm Khoan, được Tổ ban cho pháp danh Trừng Hảo. Năm 27 tuổi, nhân duyên hội đủ, Người phát tâm thọ nhận giới Sa-di-ni từ Tổ sư Trừng Thành – Giác Tiên, nhưng vì phải thường xuyên đại diện cho Hội An Nam Phật học giao tế với người Pháp nên Sư bà được đặc cách để tóc, mang hình tướng của người tại gia. Sau mười hai năm trì giới Sa-di-ni, năm 1944, Sư bà được truyền tam đàn Cụ túc giới tại giới đàn Thuyền Tôn do Đức Đệ Nhị Tăng Thống làm hòa thượng đường đầu. Kể từ đó, Sư bà dấn thân vào Bồ-tát đạo, kiến lập Ni viện, tiếp dẫn Ni lưu, hoằng dương Chánh pháp, lợi lạc nhân quần. Công hạnh của Sư bà, không giấy mực nào bày tỏ cho hết được. Quý Ôn kể lại rằng, khi còn là cư sĩ, Sư bà đã là giáo thọ ở các Phật học đường. Lúc đó, để tiện cho việc di chuyển giữa các Phật học đường và các chùa để vừa học vừa dạy, Sư bà có sử dụng xe ô-tô. Thấy vậy, Ôn Trúc Lâm mới dạy rằng: “Bà ngồi xe ô-tô mà học, chứ không phải là đi học!” Nghe Ôn dạy vậy, Sư bà liền bỏ xe mà đi bộ, mang tơi cá từ chùa Khải Ân – Châu Ê về Trúc Lâm học Cảnh Sách, rồi về Từ Đàm truyền đạt lại cho đại chúng; buổi tối Sư bà tụng Kinh Hoa Nghiêm chữ Hán, sáng hôm sau lại lên Châu Ê. Giữa núi rừng hoang vu, đường đi khó khăn là thế, Sư bà vẫn giữ chí nguyện cầu đạo mãnh liệt của mình. Trọn một đời hành trì Bát Kỉnh Pháp, chắc có lẽ Sư bà đã tuân phụng theo lời giáo huấn của Đức Quốc sư Thập Tháp (Đại lão Hòa thượng Thích Phước Huệ) rằng: “Trong thời mạt pháp, hãy tìm thiện tri thức nơi người nào không hủy báng Tăng và biết hộ trì Chánh pháp”. Sư bà Trí Hải, đệ tử thượng túc của Sư bà Diệu Không kể lại rằng, suốt 40 năm theo Thầy học đạo, chưa bao giờ người nghe Sư bà nói lỗi của Tăng già nhị bộ. Mỗi khi có ai đó nhắc lỗi hoặc bình phẩm một vị Tăng Ni nào đó, Sư bà liền quở: “Tăng là bất khả tư nghì. Mình chưa biết ai ra răng cả, đừng vội phẩm bình mà mang tội. Cái tâm thị phi là tâm ma. Chị muốn làm ma hay làm Phật?‛.
2. Tôn kính Thầy Tổ
Sư bà có hạnh nguyện tiếp dẫn Ni lưu nên Người nuôi chúng rất đông. Đi đến đâu Sư bà cũng tìm người tu, dẫn về Hồng Ân cho nhập chúng. Chùa Hồng Ân do Sư bà khai kiến, nhưng Sư bà thành tâm cầu thỉnh Sư bà Viên Minh về làm trú trì, để Sư bà có thời gian làm Phật sự và nhiếp chúng tại Kiều Đàm. Từ đó, chúng Hồng Ân có hai vị Thầy, tên gọi thân thương dành cho Sư bà Diệu Không là Sư bà Tuần, và Sư bà Viên Minh là Sư bà Hồng. Mỗi lần nhớ Hồng Ân, Sư bà – là pháp muội của Ôn Trúc Lâm – thường xin quá giang xe của Ôn Trúc Lâm, từ Từ Đàm về trên núi để thăm chùa, thăm chúng. Mỗi lần về chùa, Sư bà không về Hồng Ân ngay mà lưu lại Trúc Lâm nửa ngày để lễ Tổ, hầu sư huynh. Sư bà sai thị giả mang cơm bánh, nước cam từ Hồng Ân sang cúng Tổ ở Trúc Lâm, rồi sau đó thời cơm ngọ thì cùng với Ôn Trúc Lâm dùng trà, đàm đạo, đến giờ công phu chiều mới nhờ thị giả dìu về Hồng Ân. Thân sư tôi hay kể rằng: “Là bậc trượng Ni, Sư bà rất cứng rắn, tâm tánh lưu xuất tính đại hùng đại lực, tâm chí cương trực, nói được làm được nên quý Ôn rất nể vì. Ai khuyên nhủ chi Sư bà cũng không nghe, nhưng Ôn Trúc Lâm dạy chi là Sư bà nghe đó, nhất mực tuân ý, dù Sư bà lớn tuổi hơn Ôn!‛. Khi nhận người xuất gia, Sư bà đều đắp y dẫn đệ tử đi bộ từ Hồng Ân sang Trúc Lâm để cầu Ôn Trúc Lâm thọ ký, ban pháp danh, pháp tự. Cũng ít ai biết rằng Ôn và Sư bà là hai bức bình phong lớn che chở chư Tăng, chư Ni trong Giáo hội Thừa Thiên trước những thăng trầm thế sự và vượt qua bao biến cố của thời cuộc. Ngày Ôn Trúc Lâm viên tịch, Sư bà dù đã tuổi cao sức yếu, vẫn nhờ thị giả dìu từ Hồng Ân sang Trúc Lâm, ngũ thể đầu địa đảnh lễ giác linh Ôn, vì biết rằng chính Sư bà và Giáo hội Thừa Thiên đã mất đi một trụ cột, lâu nay vẫn giữ gìn giềng mối của tòng lâm.
3. Hạnh nguyện cúng dường
Sư bà Diệu Không có hạnh cung kính và ưa thích cúng dường chư Tăng. Có lần, thấy một chú tiểu ngồi ở gốc cây trong sân Tổ đình Trúc Lâm sau giờ học, Sư bà đã lấy tịnh tài xếp lại cẩn thận rồi mang đến xin cúng dường. Chú tiểu quay mặt đi và nói: “Cúng dường không như pháp nên tôi không nhận!”. Sư bà vội đi lấy một cái đĩa và để tịnh tài lên, thưa bạch rõ ràng. Bấy giờ, chú tiểu mới nhẹ nhàng đặt tay lên đĩa tịnh tài và bảo rằng: “Cúng dường như pháp, tôi xin thọ nhận”. Chú tiểu ấy, không ai khác mà chính là Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu, một bậc tòng lâm mô phạm của Phật giáo Việt Nam sau này. Mẩu chuyện tuy nhỏ, nhưng cho thấy tấm lòng cung kính của Sư bà với chư Tăng, dù chỉ là một chú tiểu còn để chỏm. Còn nhớ, mỗi lần chùa Hồng Ân có thực phẩm rau nấm do quý Phật tử cúng dường, Sư bà lại nói quý Sư nấu cháo nấm và gói bánh nậm cúng dường quý Ôn lớn. Hạnh nguyện tốt đẹp thể hiện tinh thần kính Phật trọng Tăng đó của quý Sư bà, mãi cho đến hiện tại vẫn được quý Sư cô tiếp nối. Đợt nọ, Huế vào mùa nấm tràm, Sư bà sai quý Sư cô nấu cháo, nấm tràm và bánh nậm gói trong lá đon mang sang cúng dường Cố Tây Thiên (Đại lão Hòa thượng Thích Giác Nguyên) – lúc này đã hơn trăm tuổi, tai lãng mắt mờ, được chú Thạnh theo hầu, làm thị giả. Cả cuộc đời Sư bà phụng Phật sự Tăng, từ lúc là cư sĩ tại gia cho đến khi đã trở thành một bậc Trưởng lão Hòa thượng Ni tôn kính. Sư bà cũng là người tham gia can thiệp với Tòa Khâm sứ Pháp, yêu cầu trả tự do cho Ôn Linh Mụ (Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu), khi Ngài bị giặc Pháp giam cầm và bắt tự đào huyệt chôn mình. Sư bà một đời bát kỉnh thị y, cung kính thừa hành Phật sự mà quý Ôn giao phó, không có chuyện chi có lợi cho đạo mà Sư bà từ nan. Khi tuổi đã cao, Sư bà an dưỡng trong liêu nhưng luôn quan tâm đến tiền đồ của Phật Pháp. Khi nghe tin quý Ôn ở Huế phải vào miền Nam giảng dạy tại các trường Phật học, Sư bà còn phát nguyện muốn mua một chiếc máy bay riêng chỉ để cúng dường quý Ôn Giảng sư có phương tiện di chuyển đi đi về về. Một việc làm không thể thực hiện ở thời điểm đó, và kể cả cho đến bây giờ, nhưng đã thể hiện được tâm chí hộ Pháp hộ Tăng dõng mãnh của Sư bà. Trước lúc về Phật hai tháng, Sư bà còn hoan hỷ phát tâm cúng dường chùa Hồng Đức để chư Tăng và Giáo hội sử dụng làm cơ sở đào tạo Tăng tài, mà nay chính là Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế (cơ sở dành cho chư Ni). Với một cuộc đời tu hành thật đẹp và sáng ngời đạo hạnh, Sư bà đã dự tri thời chí, an nhiên thâu thần viên tịch vào mùa thu năm Đinh Sửu (1997).
4. Sự thành tất thối
Đối với Phật sự kiến thiết tự viện làm nơi tiếp dẫn hậu lai, hay mở trường lớp diễn dương Phật pháp, đào tạo Tăng Ni tài đức, Sư bà đặc biệt quan tâm và một lòng hộ trì trong suốt cuộc đời hành đạo của mình. Xin đơn cử một số Phật sự tiêu biểu sau đây: – Ôn Hương Sơn (Đại lão Hòa thượng Thích Trí Hữu) đã ban cho Sư Quảng Quý và Sư Diệu Trí một mảnh đất để làm tịnh thất tu hành. Khoảng cuối những năm 1950, Sư bà đã vận động Hòa thượng và hai Sư nhường lại mảnh đất này để kiến tạo Phật học Ni viện Từ Nghiêm, làm trụ sở cho Ni bộ miền Nam lúc bấy giờ, đồng thời cũng là nơi đào tạo chư Ni tài đức để ra hoằng pháp độ đời. – Sư bà cùng Ôn Phó Tăng Thống (Đại lão Hòa thượng Thích Thiện Hòa) đã khuyến hóa Cụ bà Nguyễn Hữu Pha hỷ cúng cơ sở để thành lập Phật học Ni viện Dược Sư. Sư bà cùng Ôn Già Lam (Đại lão Hòa thượng Thích Trí Thủ) cùng Ôn Mai Thôn (húy thượng Nhất hạ Hạnh) đã vận động cơ sở và tài chính để xây dựng Trường Thanh niên phụng sự xã hội. – Dưới sự chứng minh của Đức đệ Nhất Tăng thống Tường Vân (Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết), Sư bà đã hộ trì Ôn Vạn Hạnh (Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu) khai kiến Viện Đại học Vạn Hạnh. Sau ngày đất nước giải phóng, Sư bà lại đứng lên vận động tạo mãi mảnh đất ở đường Nguyễn Kiệm để làm cơ sở xây dựng Đại học Vạn Hạnh lần thứ hai, nay là cơ sở 1 của Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. – Sư bà luôn ngoại hộ tài chính cho Tăng Ni tòng học tại các cơ sở Phật học viện. Mãi đến sau này khi Sư bà viên tịch, chư Tăng đến thăm viếng mới chia sẻ lại nhân duyên được Sư bà bảo trợ cho việc học hành. Sư bà tham gia rất nhiều Phật sự trọng đại, tuy nhiên, một điều đặc biệt là khi Phật sự được thành tựu, công việc đã viên mãn, Sư bà lại thoái lui, không dự phần tên tuổi. Mật hạnh này có được là nhờ Sư bà hành trì câu pháp ngữ “Sự thành tất thối” do Bổn sư Hòa thượng thượng Giác hạ Tiên trao cho, là pháp hành tiêu biểu của người tu không tâm trên con đường hành Bồ-tát đạo.
5. Những giai thoại về cuộc đời hành đạo của Sư bà
5.1. Tái sinh kỳ diệu
Năm 1978, sau một cơn bệnh, Sư bà đã dứt hơi thở và được chư Tăng vây quanh tiếp dẫn, nhưng khi thời kinh hộ niệm vừa chấm dứt, Sư Bảo Châu không kìm được xúc động đã ôm lấy Sư bà, khóc thét lên. Nhiệm mầu thay, Sư bà đã tỉnh dậy và khỏe mạnh sống thêm mười chín năm nữa. Từ đấy về sau, Sư bà luôn dạy rằng: “Khi đã thấy nước Phật trang nghiêm, tôi xem cõi đời này chỉ là giả hợp”. Trọn vẹn chín mươi ba năm tuổi với năm mươi ba hành trì giới pháp, Sư bà là một bậc kỳ túc Trưởng lão Ni trong rừng Thiền Việt Nam, là bậc Thầy dẫn đầu của Ni bộ Bắc Tông và chư Ni bản tỉnh. Trong cuộc đời hành hóa của mình, Sư bà đã để lại thật nhiều giai thoại cho chốn thiền môn, mà môn phái Trúc Lâm Huế, diễn phái Hồng Ân vẫn còn lưu lại muôn đời, vừa là niềm vui thiền vị chốn không môn, vừa là bài học thân giáo cho những ai đang tìm về nẻo giác.
5.2. Ngã dốc Cầu Lim
Thuở đó, Đạo tràng Tịnh Nghiệp tại Tổ đình Tây Thiên sinh hoạt rất hưng thịnh. Tăng chúng trang nghiêm, thanh tịnh, Phật tử tín kính nhất tâm. Cứ mỗi lần chúng nhập khóa tu, Sư bà được Cố Tây Thiên thỉnh mời về chùa để giảng kinh. Mấy chục năm qua nhưng tiếng thơm vẫn còn, các vị Phật tử lão thành đã ngoại cửu tuần vẫn còn kể lại từng câu Sư bà giảng Kinh Kim Cang với lòng kính mộ sâu sắc. Cũng trong những lần giảng kinh này, Sư bà còn lưu lại một câu chuyện vui, làm nụ cười Di Lặc chốn cửa Thiền. Trong chúng của Sư bà chỉ có điệu Lan là cao nhất, được Sư bà chọn để làm”tài xế‛ đưa đón và hầu Sư bà mỗi khi người đi thuyết giảng tại Tây Thiên. Chiều hôm ấy, khi Sư bà giảng xong thì trời đã nhá nhem, điệu Lan dắt xe lên dốc cầu Lim, Sư bà thong thả bộ hành theo sau. Lên đến đỉnh dốc, Sư bà đưa tay nhẹ vén tà áo dài ngồi lên baga xe, điệu Lan cũng lập cập ngồi trên yên xe để cho xe xổ dốc. Bỗng uỳnh một tiếng, xe bị cất bánh trước, Sư bà ngã lăn trên sườn dốc, điệu Lan thì bị hất văng vào bụi rậm, ngã khóc hu hu. Sư bà quở nhẹ:”Tâm ý đem đi chợ Đông Ba mô rồi mà bất thần cú rứa con ơi!”. Điệu Lan sợ xanh mặt, thế nào về chùa cũng bị các Sư lớn quở và quỳ hương là chắc cú rồi. Đêm hôm đó Sư bà đau nhức, thị giả vào hầu thấy những vết bầm lớn trên người Sư bà bèn bạch hỏi, Sư bà dạy: “Ta bị ngã dưới phòng tắm Kiều Đàm, không can chi mô!‛. Rứa là điệu Lan thoát tội, được Sư bà bênh, nên đêm ấy nhẹ nhàng yên giấc. Nhưng đến kỳ phát lộ sám hối bố-tát giữa tháng, điệu Lan thành tâm sám hối trước chúng và được quý Sư lớn đồng hoan hỷ, tuy hơi ngỡ ngàng. Điệu Lan của ngày xưa đó nay đã là Ni trưởng Thích nữ Tịnh Liên, trú trì một ngôi tịnh thất sát bên cạnh bảo tháp của Sư bà
5.3. Lời nguyện tái sinh nữ thân (Theo lời kể của Trưởng lão Hòa thượng Thích Chơn Thiện)
Một hôm, tại Tịnh thất của Ban In ấn Đại Tạng Kinh Việt Nam, Sư bà thưa với Ôn Chơn Thiện rằng:”Cái thân nữ khổ cực lắm”. Ôn Chơn Thiện đáp lời: “Vậy là Sư bà sẽ không trở lại đời với thân nữ nữa hay răng?” Sư bà bạch: “Với thân nữ chớ!” Ôn lại hỏi: “Sao Sư bà lại muốn đi vào cái khổ cực?” Sư bà nói, thật quả quyết: “Phải đi vào chỗ khổ mà độ họ chớ!” Ôn cười: “Vậy là kiếp khác, tui lại có dịp xin Sư bà hộ trì gạo, tiền cho chư Tăng nữa rồi!” Sư bà chỉ mỉm cười… Ôn mới nghĩ thầm trong bụng rằng: “Ôi! Sư bà từ bi làm sao!”
6. Thương đệ tử
Sư bà tiếp độ chư Ni rất đông, bên ngoài thì thị hiện tâm thái nghiêm nghị cương trực để nhiếp chúng, nhưng bên trong lại từ bi thương xót, luôn có tâm nguyện nâng đỡ chư vị đệ tử tiến đạo nghiêm thân. Có một lần vào ngày vía Đức Phật A-di-đà, Sư bà lúc này đang tịnh dưỡng, bỗng nói lớn:”Ui chao ơi, Đức Phật A-di-đà đẹp ơi là đẹp. Bạch Ngài, Ngài cho con về Cực lạc đi, ở đây mấy cô này ăn hiếp con quá. Con qua đó nghỉ mệt ít lâu rồi con trở lại, Ngài ạ. Con không trốn luôn đâu. Ngài cho con về!” Ni sư Diệu Ý, lúc bấy giờ là thị giả hầu cận mới thưa rằng: “Bạch Sư bà, Sư bà tố con với Đức A-di-đà như vậy, lỡ mai mốt Ngài không cho con lên Cực lạc thì sao. Sư bà phải thưa lại mới được.” Sư bà bèn bẩm bạch lại: “Dạ bạch Ngài, tuy nói rứa chớ mấy vị nớ cũng dễ thương, biết chịu khó.” Các vị thị giả sung sướng cười vang. Khi đệ tử có bệnh duyên, dù đang còn trong chúng hay đã ra nhận trú trì, Sư bà đều lo thầy lo thuốc để chạy chữa. Sư bà thường ân cần nhắn nhủ: “Bằng mọi cách nói Cô nớ phải lo trị bệnh, nếu cần mổ thì cứ mổ, tốn kém bao nhiêu Sư bà lo…” hay: “Tui thành tâm cầu nguyện Tam Bảo gia hộ cho Cô nớ khỏi bệnh, đừng để Cô nớ chết sớm mà tội. Tui thương Cô nớ có hạnh tu.” Đối với những Ni sư đã xuất chúng đi làm Phật sự hay nhận chùa riêng, vẫn luôn mong ước được về gần gũi để hầu Sư bà thì Người lại dạy rằng: “Mấy chị cố gắng học, cố gắng tu, bất cứ ở đâu mà làm việc cho đại chúng, làm việc lợi ích cho chúng sanh, đó là gần gũi với thầy.
7. Pháp ngữ của Sư bà
– Sư bà hầu như không bao giờ quan tâm đến việc ăn, mặc, ở của đệ tử như một vị Thầy bình thường. Trái lại, Sư bà thường dạy rằng: “Phải tự túc, đừng ỷ lại mà tổn phước. Hãy lo tu đi, mọi sự sẽ có Phật lo đầy đủ, không thiếu chi, dù là một chai dầu gió, Phật cũng lo cho mình. Tôi để là để cái phước đức lâu dài lại cho quý vị, chứ không để tài vật. Ai tu hành xứng đáng, tự khắc hưởng cái phước ấy. Dù đi đâu, ở đâu, ai nghe đệ tử Sư bà Diệu Không, họ cũng thương. Không có gì cả mới khỏe, đi đâu cần gì có nấy. Chứ nếu mấy chị xách theo bốn vali đồ đạc thì ai cúng làm gì”. – Đối với quý Ni sư đệ tử đã nhận chùa riêng và phát nguyện độ chúng, Sư bà căn dặn: “Khi độ chúng phải có tâm từ bi, vì người ngày nay ít nhẫn nhục, bị đối xử nặng là chúng bỏ về tạo nghiệp, tội cho chúng.” – Có người ngoại quốc đến hỏi sao Thầy không ra lãnh đạo tranh đấu cho nữ quyền như ở phương Tây, Thầy đáp: “Ở Á Đông chúng tôi, nữ quyền đã có từ thời Đức Phật. Trong gia đình, vị trí người phụ nữ rất quan trọng trong việc nuôi dạy con cái, nên được gọi là nội tướng. Gia đình là giềng mối của quốc gia xã hội. Các nước phương Tây đã đánh mất cách phân công hợp lý ấy, nên đạo đức suy đồi, cương thường đảo lộn. Văn hóa phong tục Việt Nam rất đẹp nhờ ảnh hưởng đạo Phật. Phương Tây theo cá nhân chủ nghĩa sùng thượng vật chất, nên dù cha mẹ đến nhà con cái mà không nói trước cũng không có cái ăn nơi ở, vì mỗi người có phần ăn riêng, phòng riêng. Nhưng ở Việt Nam, với ngôi nhà ba gian hai chái, ai đến ở lại cũng được. Lúc đang ăn có khách đến, chỉ cần thêm chén đũa.”
– Đối với Phật tử tại gia, Thầy đã cứu bao nhiêu gia đình tan nát, chỉ cho họ con đường sáng khi gặp bế tắc. Có bà Phật tử đến than phiền chồng theo vợ bé, Thầy dạy: “Về mặc áo rộng lạy cám ơn bà vợ bé ba lạy chứ khó gì. Bà có rước giùm ông chồng chị đi chỗ khác, thì chị mới đến chùa học Phật được chứ. Phải biết lợi dụng cảnh chồng bỏ, con bất hiếu để mà giải thoát chứ. Nếu ân ái theo nhau hoài, hết chồng đến con, hết con đến cháu, chắt, chít… thì đời nào mới ra khỏi biển khổ.”
Kết luận
Hai mươi sáu năm kể từ ngày Sư bà rời chốn Hóa thành trở về Bảo sở, ngọn liên đăng về đạo hạnh trang nghiêm và ơn hóa độ của Sư bà vẫn còn soi sáng giữa miền thùy dương cát trắng miền Trung. Mật hạnh của Sư bà thật bất khả lượng, bất khả thuyết tận, bất khả tư nghì. Chúng con là hàng con cháu của Tổ đình Trúc Lâm Đại Thánh nơi Xuân Kinh, ra đời và biết đến đạo mầu khi Sư bà đã về Phật. Giờ đây, chúng con chỉ biết lần giở từng trang thiền sử thơm đượm trầm hương của núi rừng Thuận Hóa, nghe lại những giai thoại đượm mùi thiền vị về cuộc đời học đạo, tu đạo và hành đạo của Sư bà, lấy đó làm pháp nhũ để nuôi lớn hạt giống Bồ-đề trong tâm tư này. Hôm nay con mạo muội viết ra đây những giai thoại về cuộc đời Sư bà để cúng dường quý Ngài Tăng già nhị bộ, để là một nụ trầm thơm dâng lên Tổ đức cao vời. Con thành tâm nguyện cầu Đức Phật Đương Lai Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến từ bi gia hộ cho Phật pháp được trường tồn nơi thế gian này, con cầu mong Nhị bộ Đại Tăng mãi mãi thường trụ nơi thế gian, mãi mãi là những ngọn liên đăng làm quy xứ cho muôn vạn ức chúng sanh quay về nương tựa tu tập để lìa khổ được vui.
Đồng Hiếu – Nguyễn Trần Trung
Ni sinh Diệu Lâm diễn đọc
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Lê Ngân, Hồ Đắc Hoài (2009), Đường thiền sen nở, Nxb. Lao động, Hà Nội.
2. Nhiều tác giả (2017), Ái Đạo Dư Hương – Tưởng niệm 20 năm Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không viên tịch (1997- 2017), Nxb. Thuận Hóa, Huế.
3. Tỉnh hội Phật giáo Thừa Thiên – Huế (1997), Kỷ yếu tang lễ Ni trưởng Thích Nữ Diệu Không, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.