Sư tổ thượng HỒNG hạ THỌ, thế danh là Phạm Đại Thọ, sinh ngày 12/02/1910. Người được sanh trên thuyền trong lúc đi giữa dòng sông Hồng Ngự, phủ Tân Châu, hạt Châu Đốc. Song thân Sư tổ đều theo đạo Thiên Chúa giáo, riêng Sư tổ ươm mầm Bồ đề (Phật pháp) từ nhiều kiếp. Có lẽ vì muốn độ song thân, nên Sư tổ đã hiện sanh vào nhà ngoại đạo.
“Hành vi ngôn luận hẳn siêu quần
Vì cớ sao lại hiện nữ thân!
Trăm kiếp rèn nên gươm trí tuệ
Một tay tháo sổ củi phong trần
Dắt thêm đạo lữ năm ba lớp
Đánh vỡ tà Sư sáu bảy phần
Nào kẻ mê lưu xin ngó thử
Tu my e cũng ớn hồng quần.”
(Trích Tạp chí Từ Bi Âm tặng Sư cô Diệu Tịnh)
Thật vậy năm bảy tuổi bé Đại Thọ đã tự tay khui heo đất lấy tiền và rót nước cúng dường Sư Thầy đi hóa duyên. Từ nhỏ đến năm mười hai tuổi Đại Thọ được song thân cho mặc y phục và cắt tóc đều giả trai. Đến năm mười ba tuổi mới để tóc dài trở thành con gái. Năm 14 tuổi Đại Thọ nhìn thấy cảnh đời quá chán ngán, nên xin song thân đi tu. Cha Mẹ không cho, cô bèn lén đi nhưng bị thân phụ bắt lại. Năm 15 tuổi, Phạm Đại Thọ được thân mẫu, lén dẫn đi và được xuống tóc xuất gia tại chùa Tân Lâm ở vùng Tân Sơn Nhất. Cả chùa ai cũng yêu mến gọi là “Đạo Thọ” (ai cũng tưởng là đạo nam, trừ Thầy Bổn Sư biết là nữ). Năm 16 tuổi theo Thầy về chùa Trường Thạnh, tuy lãnh chùa ấy nhưng Thầy không ở thường, nên Đạo Thọ ở cùng Đạo Viết, Đạo Đại, v.v… Ở Trường Thạnh được một năm. Nhân lúc HT. Long Triều; HT. Giác Hoàng; HT. Thái Bình đến thăm, nước trong bình hết, Đạo Thọ phải đi nấu nước, chờ nước lâu quá Thầy bước xuống, thấy Đạo Viết đứng nói chuyện, thế là Thầy trở cán quạt đánh trên đầu, cho ăn trận đòn nên thân. Năm 17 tuổi, có một gã thanh niên mặc âu phục, tay xách vali, xưng là cháu Hòa thượng, xin bà Chủ chùa ở nhờ mấy hôm, hắn tinh ranh biết Đạo Thọ là gái nên nhởn nhơ ve vân, gã nói: “Cô nên suy nghĩ lại, đời hạnh phúc của cô còn dài, xin cô chớ phụ tình tôi, nếu cô không hạ cố đến tôi thì còn đâu! Tôi thà chết trước mặt cô đây cho đành lòng”. Sợ quá Đạo Thọ trả lời: “Thầy tưởng đến phận tu hành bọt bèo này tôi rất cảm ơn, Thầy cứ yên lòng mà về”. Nói xong Đạo Thọ trở về Liêu (phòng) lạnh cả người, nhưng giữ im lặng không cho ai biết. Sau đó, xin phép bà Chủ chùa, về chùa Tân Lâm ít lâu, công việc xong sẽ trở lại. Trở về Tân Lâm. Lúc này, Đạo Thọ được Thầy ưu đãi hơn, nghỉ công tác chỉ lo học kinh kệ mà thôi. Đạo Thọ mừng quá nhắn Mẹ lên chùa phụ lo công quả, để cô rảnh rỗi học hành. Khi Mẹ Đạo Thọ có mặt ở chùa thì Thầy không vui, Đạo Thọ xin được học kinh Pháp Hoa chữ Nho thì Thầy bảo: “Kinh Pháp Hoa phải thọ Tỳ kheo mới được học, vì là Kinh Đại thừa, nếu muốn thế thì thọ Tam đàn đi rồi học”. (Tam đàn: Sa-di-ni, Thức-xoa và Tỳ-kheo-ni) mà thọ Tỳ-kheo là trên đầu phải đốt liều (tấn hương). Thế là Đạo Thọ 17 tuổi được thọ Tam đàn, tối ngày 14 tháng 7 sám hối xong, đem đồ ra xắt, gọt, rửa, ngâm, đến 2 giờ khuya quá mệt, ngủ quên không lên chùa lễ “Chúc Tán”. Nhân đó Thầy của cô giận cho là làm biếng (đây là cái cớ), ông bảo Đạo Thọ đem phái điệp Quy Y, Thọ giới và kinh đã học được, đốt sạch hết rồi đuổi đi. Mẹ của Đạo Thọ liền ra thưa: “Bạch Thầy, con tôi theo làm đệ tử của Thầy như con của Thầy rồi, nó có lỗi chi thì Thầy trừng phạt nó, đừng giận nó làm gì”. Năm 18 tuổi ở Sóc Trăng có mở trường Gia giáo, nên cô Đạo Thọ nhờ người quen xin giùm cô Chủ chùa là bà Huỳnh Thị Ngó hiệu là Hồng Nga – Diệu Ngọc nhận cho vào ở để học. Trước khi nhập học, Đạo Thọ đảnh lễ quí Thầy, HT. Phi Lai ở Châu Đốc làm chứng minh, người rất từ hòa hay làm việc thi ân bố đức. Học được ít lâu do cảm kính đức độ Hòa thượng, nên Đạo Thọ đảnh lễ Hòa thượng, xin tôn Hòa thượng làm Thầy thế độ, được Hòa thượng đặt cho pháp danh là Hồng Thọ tự là Diệu Tịnh, tên Diệu Tịnh được khai sinh từ Trường Gia Giáo Sóc Trăng.
Đến xứ xa quê lạ không hạp phong thổ, phần Diệu Tịnh yếu đuối mà ráng học hành quá sức nên người không được tráng kiện. Mỗi khi nhớ đến cha mẹ sự nhớ nhung chừng nào thì Diệu Tịnh càng ráng học chừng nấy.
Năm 19 tuổi còn vài tháng nữa mãn trường, cô Chủ chùa bảo: “Ai học kinh Địa Tạng rồi, thì chia nhau tụng một tạng để cầu nguyện cho bá tánh”, mỗi người lãnh một phần, cô Diệu Tịnh cũng phải lãnh một phần, ráng tụng nên kiệt sức. Thiều quang thấm thoắt đã đến ngày mãn trường, các cô sửa soạn về xứ sở, riêng Diệu Tịnh chẳng biết về đâu? (Vì lúc ở chùa Tân Lâm không chiều ý, nên ông Thầy kiếm cớ đuổi đi), đành phải khăn gói trở về nhà. Song thân trông thấy mừng rỡ vô cùng, ở nhà ít lâu Diệu Tịnh kiếm chùa khác để Tu học. Ngày 26/3 Mậu Thìn Sư cô Diệu Tịnh cùng cô Tám đến chùa Phước Tường – Thủ Đức, đảnh lễ xin ở lại tu học. Bắt đầu nghe bộ Đại Phương Tiện Phật Báo Ân, học hai tháng mới xong. Sau HT. Phước Tường dạy, về chùa Hội Sơn cùng cô Tám trông coi Tam Bảo và lo tụng niệm.
Ngày 21/7 Mậu Thìn, anh cả đến báo là thân Phụ sắp mất, khi Sư cô Diệu Tịnh trở về, thì thân Phụ đã ra người thiên cổ. Năm Diệu Tịnh 20 tuổi, chùa Tân Lâm không còn ai ở, bà Chủ chùa đi kiếm Sư cô Diệu Tịnh về lo nhang khói cho Phật. Sau khi thân Phụ mất, thân Mẫu ngày một yếu dần, Sư cô Diệu Tịnh đưa Mẹ về Chùa Tân Lâm để tiện bề chăm sóc, nhưng ngặt túi lại không tiền. Nghe người ta nói: “Chùa Giác Địa tụng kinh có cúng dường tiền, nên Sư cô Diệu Tịnh đến xin tụng kinh bái sám. Trước tiên bà Chủ chùa cho Sư cô Diệu Tịnh 40 đồng, mỗi tháng cho thêm 15 đồng ăn bánh. Tuy có tiền, nhưng chồng cô Chủ nảy sinh tình ý, cô Chủ nói thẳng với Sư cô Diệu Tịnh là chồng cô muốn Sư cô hoàn tục, để sống cùng ông, thế là Sư cô kiếu về chùa Tân Lâm tìm kế thoát thân.
Năm Sư cô Diệu Tịnh 21 tuổi ở núi Điện Bà – Tây Ninh khai Trường Kỳ, thỉnh HT. Giác Hải về chứng minh. Học khóa Luật xong Sư cô Diệu Tịnh về thọ giáo HT. Giác Hải, và xin ở lại đó Tu học. Ban sơ Hòa thượng dạy về Kinh Luật Giáo điển, sau chỉ điểm về cách tham thiền quán định. Sư cô Diệu Tịnh thường theo hầu Thầy đi thuyết pháp ở các nơi, được Thầy rèn luyện tập đăng đàn thuyết giảng, giữa trăm ngàn người. Đến lúc nhận thấy Sư cô diễn giảng thuần thục, HT. Giác Hải nhận lời cho đi giảng thuyết khắp nơi.
Năm 22 tuổi, Sư cô trở về chùa Tân Lâm, trước khi đi Hòa thượng có dạy: “Con cố gắng làm tròn trọng trách của Thầy giao phó, tức là trả được ơn Thầy.”
Năm Sư cô Diệu Tịnh 23 tuổi, thân Phụ qua đời đã ba năm, sự nghiệp tiêu điều, chị em qua đời, chỉ còn Mẹ già và anh cả. Về chùa Tân Lâm Sư cô khởi xướng trồng rẫy, nhưng thất bại, Chùa thiếu trước hụt sau. Ngày 24/12 Nhâm Thân (1932) Sư cô trở ra chùa Giác Địa xin ở lại tụng kinh, bái sám, có tiền gởi về chùa Tân Lâm phụng dưỡng Mẹ già, (lần này cô Chủ chùa trả lương cao hơn và chồng cô Chủ, dường như được cảm hóa, nên không dám suồng sã như trước) còn dư tiền, Sư cô dịch kinh ấn tống cho bá tánh như: Kinh Phổ Môn, Pháp Bảo Đàn, Phát Bồ-đề tâm và nghi thức niệm Phật.
Năm Sư cô 24 tuổi (1933) viết bài “Một tiếng chuông sắp bể”. Viết bài “Lời than phiền của một Cô vãi”, đăng lên Tạp chí “Từ Bi Âm”. Diễn văn của Cô vãi: “Tiện Ni mong sao các chị em ở xã hội, nào tín nữ, nào Ni lưu, được tề tâm nhứt trí, mà chung lo sự trùng hưng Phật giáo nước nhà, thì lợi ích biết bao!
Nếu hiện nay nữ lưu ta, không nhớ ơn Phật Tổ, không mẫn niệm chúng hậu côn, mà đành tai ngơ mắt lấp, thì thương hại cho Thích Nữ ngày sau, kiếp kiếp, đời đời bị giam hãm trong cái khuôn Quỉ Táo.”
Năm 1934, được 25 tuổi, Sư cô Diệu Tịnh lãnh chùa Thiên Bửu ở Búng, ban đầu Sư cô dạy chữ Quốc ngữ và chữ Nho được bốn năm tháng, kế tiếp mở trường Gia giáo 3 tháng. Sư cô Diệu Tịnh nhận đệ tử xuất gia lấy chữ HUYỀN làm đầu, Cô Huyền Cơ là người đệ tử lớn.
Năm 26 tuổi (1935), Sư cô Diệu Tịnh ra núi Ông Độ – Bà Rịa trị bệnh, chẳng ngờ ông Chủ đất chùa Tân Lâm mất, Cháu ông ta kiện bà Chủ chùa và thắng kiện, nên đòi chùa lại.
Ngày 17/2 năm Ất Hợi, Sư cô mua một cái nhà lá ba căn tại Cây đa ông Bổn ở đỡ, Sư cô tự nghĩ: “Người xuất gia dù ở chòi lá do mình tạo ra, cũng được tự do hơn”. Cũng năm ấy Sư cô Diệu Tấn, Sư cô Diệu Tánh, Sư cô Diệu Thuận, Sư cô Diệu Tịnh cùng xây cất chung một ngôi chùa lấy tên là TỪ HÓA. Bản ý của quý Sư cô lập riêng Ni tự, cốt để tiếp độ phái nữ tu hành. Chùa TỪ HÓA ở đây không yên, vì số người đưa đám ma thường đến đây quấy phá. Cuối cùng quý Sư cô kiếm đất dời chùa và xin chuyển tên TỪ HÓA thành HẢI ẤN NI TỰ.
Năm khánh thành chùa HẢI ẤN, Sư cô Diệu Tịnh được 27 tuổi.
Năm 1937 lãnh chùa Bình Quang – Phan Thiết, giao cho đệ tử Huyền Tông trông coi, còn Sư cô trở về HẢI ẤN.
Năm 1938 chùa Phước Long – Mỹ Tho mở Trường Kỳ, thỉnh Sư cô Diệu Tịnh làm Pháp sư, còn hai người đệ tử Huyền Cơ và Huyền Tông làm Giáo thọ Ni.
Năm 29 và 30 tuổi, Sư cô đi thăm viếng các chùa ở Trung kỳ và Bắc kỳ.
Năm 1939 Phật giáo Bắc kỳ tặng chùa Hải Ấn tấm Hoành phi và Đôi liễn. Chùa Bình Quang được ban sắc tứ.
Năm 1940 Sư cô Diệu Tịnh 31 tuổi, mở trường Gia giáo ở chùa Linh Phước.
Năm 1941 Sư cô 32 tuổi lâm bịnh nặng về chùa Hải Ấn dưỡng bệnh. Trước lời khuyên của Thầy Khánh Thuyên, Sư cô thẳng thắn trả lời: “Tôi đã nguyện hy sinh cùng Phật pháp, trước mặt tôi thấy được nhiều người tiến bộ, thì dầu có thác đi, tôi cũng không hề ân hận.”
Đến ngày 01/7 Nhâm Ngọ (1942), Sư cô Diệu Tịnh đã xả báo an tường. Trụ thế 33 tuổi.
Sư tổ đến, trong bầu trời sanh diệt
Cảnh diệt sinh lòng thương cảm ai hoài!
Độ Ni lưu quyết chí, nhẫn giồi mài
Đặng tiến bước, trên đường tìm ánh đạo
Thân yếu gầy, nhưng khí phách thanh cao
Khêu đèn tuệ mở đường cho Ni giới
Ơn Đức Ngài thật cao siêu vời vợi
Nói sao cùng, viết mãi chẳng thành thơ.
(Pháp điệt đời thứ 3, chúng con đồng khấp bái).
TKN. Như Tri (chùa Từ Ân – Quận 10) (ĐSHĐ-101)
Diễn đọc SC Cát Nhã Liên