Ngọn đèn trí tuệ sáng tự tâm
Xua tan bóng tối, hiểu sai lầm
Gạn lọc cấu trần vô lượng kiếp
Lời dạy của Ngài quá thậm thâm.
Thật vậy, khi chúng ta mới bước chân vào đạo, nhờ nhân duyên thù thắng gặp được Minh Sư, được Thầy hướng dẫn chúng ta về Tứ oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, đều hợp với Chánh pháp. “Hành như phụng”, nghĩa là đi phải thong thả, thướt tha như chim phụng hoàng, chẳng có gì phải gấp rút. “Lập như tùng”, đứng trang nghiêm lúc nào cũng vững chãi, như thân cây tùng, không nghiêng ngả như thân lau, thân sậy, mọc theo bờ sông hay mé suối, uốn lượn theo mực nước xuống lên hoặc lay động khi làn gió nhẹ thoáng qua. “Ngọa như cung”, nghĩa là nằm day về bên phải, đầu gối lên cánh tay, hai chân chồng lên nhau, thân hơi cong như hình cây cung. “Tọa như chung”, thân ngồi ngay thẳng, mắt nhìn xuống chóp mũi, như hình quả chuông úp.
Nhiệm mầu thay, những bài TỲ NI NHỰT DỤNG là phương pháp cột tâm, cho những người đệ tử mới tu học. Ví như: Sáng sớm thức dậy, hai chân vừa chấm đất liền đọc bài “HẠ ĐƠN”.
Tùng triêu dần đán trực chí mộ.
Nhứt thiết chúng sanh tự hồi hộ.
Nhược ư túc hạ tán kỳ hình.
Nguyện nhữ tức thời sanh tịnh độ.
Nghĩa là: “XUỐNG GIƯỜNG”
Từ sớm mai giờ dần nhẫn đến chiều tối
Tất cả chúng sanh tự giữ lấy mình
Nếu lỡ chân tôi giẫm đạp quí vị
Nguyện cho quí vị liền được sanh về Cực lạc.
Cho đến khi đi vệ sinh, cũng cầu cho chúng sanh lìa bỏ ba độc (tham, sân, si) dứt trừ tội lỗi. Tất cả làm việc gì cũng đều hồi hướng cho chúng sanh, bỏ đường ác, quay về nẻo thiện. Từ trước đến nay, vì say mê nên đã lỡ lầm tạo ra không biết bao nhiêu tội lỗi. Ngày nay nhờ gặp được Minh Sư, nghe Kinh, thấy Phật mà tỉnh ngộ, đã biết tự xét ăn năn, nên đã thành tâm sám hối tội lỗi. Trong những đời đã qua, có lẽ chúng ta cũng tu tạo phước lành, nên kiếp này mới được làm thân người, sáu căn đầy đủ. Trong Kinh Đức Phật dạy: “Nhơn thân nan đắc, Phật pháp nan văn”. Ấy thế, mà hôm nay chúng ta đã được làm thân người, sáu căn đầy đủ, nên mới được dự vào hàng Chúng trung tôn, thật sự được tự do, thật sự được hạnh phúc. Nhờ Đức Thế Tôn ra tay tế độ cho hàng Ni lưu, đưa chúng ta đến chỗ vinh quang, có vị thế trong xã hội, được như thế này, nên chúng ta phải cố gắng tu tập. Một đoạn Kinh khác Đức Phật lại dạy: “Chính ta là kẻ thừa kế hành động của ta, là người phải mang lấy nghiệp của mình đã tạo ra. Như Lai chỉ là người đưa đường, các người phải tự đi đến, không ai có thể thay thế cho ai được. Đạo của Ngài thậm thâm vi diệu, hạnh nguyện của Ngài cao cả vô biên. Ngài từng dạy: “Mỗi chúng sanh đều có hạt ngọc kim cương ẩn tàng trong núi Thái Sơn, viên Minh Châu trầm nơi biển cả”. Nếu không nhờ các Ngài khai thị giáo hóa, thì làm sao chúng ta thấy được bản lai diện mục của chính mình, đó là Chơn tâm thường trú, sẵn có trong mỗi chúng sanh. Trong Kinh có đoạn Đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo sao gọi là tánh mình mà độ lấy mình? Nghĩa là các chúng sanh (tánh xấu) trong tâm đó là: tà kiến, phiền não, ngu si, phải đem Chánh kiến mà hóa độ các tánh xấu ấy. Đã có sẵn Chánh kiến thì phải dùng trí Bát Nhã (Trí huệ) đánh dẹp các chúng sanh ngu si, mê vọng. Mình phải tự độ lấy mình, Tà đến lấy Chánh mà độ, Mê đến lấy Ngộ mà độ, Ngu đến lấy Trí mà độ, thế mới gọi là thiệt độ.
Quy củ của Thiền môn, mỗi ngày chúng ta thọ trai, đều bưng bát cơm lên trán để cúng dường.
Cúng dường thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật. Sao gọi là thanh tịnh pháp thân Phật?
Bổn tánh của chúng sanh vốn trong sạch, muôn pháp đều do nơi bổn tánh mà sanh trí huệ thường sáng, nhưng bởi tâm dính mắc cảnh bên ngoài, rồi bị mây vọng niệm che án tâm tánh, nên trí huệ chẳng sáng tỏ. Nếu gặp Thiện tri thức, Minh Sư, vẹt đám mây mờ vọng niệm, thì tánh muôn pháp hiện ra rõ ràng, người thấy tánh cũng vậy. Ấy gọi là thanh tịnh pháp thân Phật.
– Sao gọi là Viên mãn Báo thân Phật?
Ví như một ngôi nhà tối trăm năm chỉ cần một ngọn đèn nhỏ, cũng phá tan được sự tối tăm ấy. Cũng vậy, như người có được chút trí huệ, có thể phá được sự ngu si trong muôn kiếp. Niệm niệm hoàn toàn sáng suốt, điều lành, điều dữ tuy khác nhau, chứ cái Bản tánh chỉ là một (không hai). Cái tánh không hai là Chơn Như. Tánh Chơn Như chẳng nhiễm điều lành, điều dữ. Ấy gọi là Viên mãn Báo thân Phật.
– Sao gọi là Thiên Bá ức Hóa thân Phật?
Nếu chẳng nghĩ đến muôn pháp thì Bổn tánh dường như trống không, một niệm nghĩ suy, tính toán, gọi là biến hóa. Nghĩ tính điều dữ hóa thành địa ngục, nghĩ đến làm việc lành, việc thiện, liền hóa ra thiên đường. Do tâm nghĩ ra sum la vạn tượng, thành ra Thiên bá ức. Pháp thân vốn đầy đủ, niệm niệm tánh mình hiện ra tỏa sáng, ấy là Thiên bá ức Hóa thân Phật.
Cúng Phật xong rồi, trước khi thọ trai, ăn ba miếng cơm lạt.
– Miếng cơm thứ nhất: “Nguyện đoạn nhứt thiết ác.”
Những điều ác là: Những tâm địa xấu xa, độc ác của mình như tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… mình phải ráng sám hối, ráng tinh tấn tu học, để bỏ những điều không hợp với Chánh pháp.
– Miếng cơm thứ hai: “Nguyện tu nhứt thiết thiện.”
Là những điều lành làm lợi ích cho chúng sanh.
“Từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh chi lạc
Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ.”
Từ là lòng yêu thương có thể đem đến cho chúng sanh niềm vui an lạc.
Bi là lòng thương xót có thể giúp chúng sanh thoát khỏi khổ đau…
– Miếng cơm thứ ba: “Thệ độ nhứt thiết chúng sanh.”
Chúng sanh đây là chúng sanh tâm của mình. Như khi lòng tham của mình nổi lên, thì mình dùng tâm bố thí để chuyển hóa chúng. Nếu khi sân giận nổi lên, thì dùng tâm hoan hỷ, buông xả, để độ chúng. Nếu khi si mê nổi lên, dùng trí huệ phán xét sự việc, rồi mới đi đến quyết định. Nguyện độ hết thảy chúng sanh. Chúng sanh là chúng sanh tâm, chứ chúng sanh ở ngoài, làm sao ta có thể độ hết được!
Cũng như trong Kinh có câu:
“Sát sanh lên thiên đường
Phóng sanh xuống địa ngục.”
Mới nghe dường như mâu thuẫn. Vì sao? Vì khi Đức Thế Tôn truyền giới cho người Phật tử tại gia.
– Giới thứ nhất: không được sát sanh. “Trên từ Thánh nhơn Sư Tăng, Phụ Mẫu, dưới cho đến loài bò, bay, cựa động, vi tế côn trùng, ta không được giết hại, chẳng những không được sát sanh, mà còn phải phóng sanh, vì lẽ con người ham sống, vật cũng ham sống”. Ở đây Ngài lại dạy: “Sát sanh lên thiên đường”. Chúng sanh ở đây là chúng sanh tâm, tâm mình buông lung truỵ lạc, khi mình phát hiện, phải cắt ngay tư tưởng xằng bậy ấy, thì nó đâu dẫn cái thân đi tạo tội. Còn “Phóng sanh xuống địa ngục”, ở đời không biết bao nhiêu cảnh, con cái giết Cha Mẹ để tranh giành nhà cửa, tiền bạc. Vì khi chúng sanh tham dấy khởi, mình không dừng lại, thế là nghiệp lực dẫn mình đi tạo tội, sự việc xảy ra, nhà chức trách còng tay cho vào tù, đó là địa ngục trần gian. Còn khi chết, phải đọa vào địa ngục Vô gián, vì phạm tội ngũ nghịch, giết Cha hại Mẹ v.v… Đó là một trường hợp trong bao nhiêu chuyện thương tâm khác, hàng ngày xảy ra. Chúng sanh chỉ cần giữ năm giới của Đức Thế Tôn đã trao truyền, là chúng ta đã đóng góp vào việc bảo vệ một xã hội công bằng, văn minh, trật tự, giảm bớt những tệ nạn xã hội, thì Chính quyền cũng đỡ nhọc công phân xử, truy nã những tội phạm.
Sống vì người hạnh phúc biết bao nhiêu
Hạnh lợi tha Đức Phật đã dạy nhiều
Đời an vui ta đang cần được sống
Lời ngọc vàng, Ngài dạy thật cao siêu.
Đem thân và tâm trở về chung hợp, niệm trước chẳng sanh, nghĩa là không sanh các điều dục vọng, mê muội, niệm niệm không rời thể Chơn Như thanh tịnh. Niệm sau chẳng diệt, Giới, Định, Huệ trang nghiêm. Một Giáo đoàn của Phật hành trì thanh tịnh như thế, thì giúp ích được rất nhiều cho mình và làm lợi lạc quần sanh.
Tkn Phước Giác (ĐSHĐ-102)