Sau hơn một năm đón nhận cờ luân lưu và biểu tượng tổ chức Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo và chư Tôn đức Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam, vừa qua Phân ban Ni giới (PBNG) TP. Cần Thơ đã long trọng tổ chức Đại lễ tại Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam và chùa Phước Khánh (tại xã Mỹ Khánh, H. Phong Điền, TP. Cần Thơ).
Đại lễ Tưởng niệm được diễn ra trong 3 ngày (12-14/4/2024, nhằm ngày 4-6/3/Giáp Thìn) với nhiều chương trình và hoạt động vô cùng ý nghĩa như: cung nghinh di ảnh NT. TN. Diệu Kim từ chùa Bảo An về tôn trí tại chùa Phước Khánh; cung tuyên hành trạng và dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, chư Ni tiền bối hữu công PGVN, chư vị anh hùng liệt sĩ; triển lãm văn hóa – nghệ thuật với chủ đề “Vạn dặm yêu thương”; thắp nến tưởng niệm; văn nghệ “Tri ân người khai sáng Ni giới”; tọa đàm khoa học với chủ đề “Ni giới Phật giáo TP. Cần Thơ: Ni lưu giới đức – Tâm đức – Tuệ đức”; tặng học bổng Đại Ái Đạo; trao biểu tượng và cờ luân lưu cho PBNG Hà Nội tiếp tục đăng cai tổ chức năm 2025.
Sự kiện trọng đại này đã nhận được sự quang lâm chứng minh của HT. Giác Nhường – Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội đồng Chứng minh (HĐCM) GHPGVN; HT. Thích Thiện Nhơn – Phó Pháp chủ HĐCM, Chủ tịch Hội đồng Trị sự (HĐTS) GHPGVN, Trưởng ban Tăng sự Trung ương (TW); HT. Thích Thiện Pháp – Ủy viên Thường trực HĐCM; HT. Thích Giác Hoa – Thành viên HĐCM GHPGVN; HT. Đào Như – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP. Cần Thơ; HT. Thích Thiện Thống – Phó Chủ tịch HĐTS GHPGVN; TT. Thích Phước Nguyên – Phó Tổng Thư ký HĐTS GHPGVN; TT. Thích Minh Nhẫn, TT. Thích Phước Nghiêm – đồng UVTT HĐTS; TT. Thích Bình Tâm – UVTT HĐTS GHPGVN, Phó Trưởng Ban Thường trực BTS GHPGVN TP. Cần Thơ, cùng chư Tôn đức các Ban, Ngành, Viện TW GHPGVN và TP. Cần Thơ.
Về phía chư Tôn đức Ni có sự quang lâm, hiện diện của quý Ni trưởng Ban chứng minh, Ban Cố vấn PBNGTW như NT. TN. Huệ Hương, NT. TN. Như Ngộ, NT. TN. Nhật Khương, NT. TN. Đàm Lan, NT. TN. Như Như, NT. TN. Đàm Thành, NT. TN. Nhe Xuân, NT. TN. Như Minh, NT. TN. Từ Nhẫn, NT. TN. Như Thảo NT. TN. Tịnh Nghiêm, cùng quý Ni trưởng, Ni sư Thường trực PBNGTW, lãnh đạo PBNG các tỉnh thành. Đặc biệt, Đại lễ hân hoan chào đón 1000 Đại biểu đại diện chư Tôn đức Ni đến từ 55 tỉnh thành trên khắp cả nước. Đồng quan tâm, tham sự Đại lễ còn có quý quan khách lãnh đạo chính quyền các cấp, các ban ngành, quý học giả, quý báo đài, quý Mạnh Thường Quân, thiện nam tín nữ xa gần.
Mỗi hoạt động diễn ra trong suốt thời gian tổ chức Đại lễ đều chuyển tải một dấu ấn, giá trị riêng, nhưng sâu thẳm vẫn hướng đến bày tỏ lòng tri ân chư Tiền bối. Hành trình tri ân đã bắt đầu với sự tưởng nhớ đến NT. TN. Diệu Kim – một bậc trưởng lão Ni xuất chúng của Ni giới tỉnh nhà. Đó cũng là bậc Thầy lớn, gần gũi, tiêu biểu nhất mà Ni giới Cần Thơ đã cố gắng làm sống lại trang sử đạo hạnh trong những ngày vừa qua. Chính dấu chân, hạnh nguyện của Ni trưởng đã mở đường cho huyết mạch, gia phong Ái Đạo được bừng dậy trên non nước Tây Đô mỹ miều. Để từ đó, tấm gương rạng ngời của Đức Thánh Tổ và chư Ni tiền bối hữu công PGVN lại tiếp tục được lưu danh, được tiếp nối không ngừng qua bao thế hệ Ni lưu trên xứ sở Cần Thơ sông nước.
Đề cao sự chung sức, chung lòng, hòa hợp của Ni giới khắp mọi miền Tổ quốc, triển lãm văn hóa – nghệ thuật với chủ đề “Vạn dặm yêu thương” cũng đã gói ghém nhiều thông điệp kết nối của đoàn thể Ni giới Việt Nam. Khuôn viên Triển lãm có không gian thờ phụng Thánh tượng Tổ Đại Ái Đạo; gương đạo hạnh của Thập Đại Đệ Tử Ni. Bên cạnh đó là chân dung của chư vị Ni trưởng tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ; hình ảnh của chư Ni các quận, huyện trực thuộc Phân ban Ni giới Cần Thơ qua những chặng đường hình thành, ổn định và phát triển với nhiều hoạt động Phật sự nổi bật. Nơi đây còn lưu giữ hình ảnh các tự viện Ni nức tiếng tại TP. Cần Thơ như chùa Thiên Quang, chùa Bảo An, Tịnh xá Ngọc Liên, với kiến trúc, văn hóa nghệ thuật mang dấu ấn đặc thù của miền Tây sông nước.
Bên cạnh những dấu ấn văn hóa tiêu biểu, Ni giới Cần Thơ còn mô phỏng nhiều tác phẩm văn hóa đặc sắc, sinh động như bản đồ đất Việt được làm nên từ 700 chậu lúa tượng trưng cho “Cần Thơ gạo trắng nước trong” và 400 ngôi chùa như chào mừng quý quan khách. Tiếp đến là loạt thắng cảnh thu nhỏ của Cần Thơ mang tên Chợ Nổi Cái Răng, Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, cầu Cần Thơ… để lại nhiều dấu ấn khó quên trong lòng quý quan khách ngoại thành.
Triển lãm văn hóa nghệ thuật là một minh chứng cho đời sống tinh thần, vật chất đa dạng, phong phú của toàn dân Nam bộ nói chung và Ni giới Cần Thơ nói riêng. “Vạn Dặm Yêu Thương”, vì thế đã tạo nên một sắc màu riêng biệt để Phật giáo Nam bộ không chỉ được tiếp cận từ góc độ tôn giáo, lịch sử và khảo cổ học mà còn được khám phá trên cả phương diện nhân học, văn hóa học và dân tộc học. Qua đó, ghi nhận những chặng đường hình thành, phát triển, ảnh hưởng của Phật giáo, của Ni giới đối với đời sống xã hội, văn hóa và tinh thần của các cộng đồng cư dân trên mảnh đất Cần Thơ hiền hòa trong suốt chiều dài lịch sử. Trên tất cả những ý nghĩa đó, Triển lãm một lần nữa trân trọng khắc ghi công hạnh của chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam trong không gian văn hóa miền Tây Nam Bộ. Qua đó, nhắc nhở, tưởng niệm, tri ân những tấm gương đạo hạnh của Ni lưu Đất Việt đã và đang miệt mài soi sáng cho đạo mạch của Ni lưu hậu thế. Ở đó không còn những rào cản về địa lý, khoảng cách về địa vị, chủng tộc mà sự có mặt cho nhau trong tình pháp lữ này là sự trở về với nguồn cội, trở về dưới mái nhà chung của Ni giới Việt Nam.
Bầu không khí Cần Thơ lại tiếp tục nóng lên bên cạnh những ngọn nến lung linh, những câu chuyện hồi tưởng đến ân đức của chư Ni tiền bối. Đâu đó như còn vang vọng dư âm đầy nhiệt huyết của những Trưởng lão Ni dày công khai sơn tạo tự, tiếp độ Ni lưu và phảng phất những ngọn lửa bi hùng của chư Thánh tử đạo quyên sinh giành lại Hiến chương cho Giáo hội (như Sư cô Trí Túc). Hòa vào tinh thần trang trọng của Đại lễ, chương trình văn nghệ “Tri ân người khai sáng Ni giới” một lần nữa khắc ghi qua sự biểu diễn của nhóm nhạc Bước chân Hai Thế Hệ.
Đặc biệt, Tọa đàm khoa học với chủ đề “Ni giới Phật giáo TP. Cần Thơ: Ni lưu giới đức – Tâm đức – Tuệ đức” cũng diễn ra sôi nổi với sự trao đổi của chư Tôn đức Ni, quý học giả, các nhà nghiên cứu trên cả nước. Được chia thành hai phiên với sự trình bày của 15 tác giả, Tọa đàm đã mở ra nhiều góc nhìn cho sự kế thừa, hội nhập và phát triển của Ni giới Việt Nam nói chung và Ni giới TP. Cần Thơ nói riêng. Việc làm này không chỉ khắc ghi, tôn vinh công lao chư Ni tiền bối mà còn tạo nên một di sản để Ni giới Cần Thơ có lịch sử truyền thừa cũng như có cơ sở lưu dấu trên sách sử của đạo pháp, của quê hương.
Trải qua gần 4 tiếng đồng hồ, Tọa đàm đã nhận được nhiều chia sẻ tâm huyết, sâu sắc của chư Tôn đức Ni các tỉnh thành và sự trao đổi tích cực, thẳng thắn, cởi mở, đầy tính học thuật của các nhà nghiên cứu. Có thể thấy, nội dung các tham luận rất phong phú, đề cập đến những vấn đề chung của Ni giới Việt Nam cũng như những vấn đề riêng của Ni giới Cần Thơ trong hành trình không ngừng vươn lên cùng Giới Đức – Tâm Đức – Tuệ Đức. Các tác giả tập trung khám phá, trình bày và đánh giá những đóng góp của chư Ni Cần Thơ và chư Ni Việt Nam trên cả 2 phương diện lý thuyết và thực tiễn… Từ đó làm sáng tỏ và tôn vinh những đóng góp lớn lao mà thầm lặng, ít được biết đến của Ni giới Cần Thơ trong ngôi nhà chung của Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục đưa ra kiến nghị phát huy vai trò của Ni giới Việt Nam và chư Ni Cần Thơ trong thời đại mới.
Ngoài những hoạt động đó, chư Ni Cần Thơ còn ứng dụng thực tiễn hơn khi ngọn lửa tri ân được tiếp tục thắp sáng bằng 120 phần quà khích lệ tinh thần tu học đến chư Tăng sinh học viện Phật giáo Nam tông Khmer, các học sinh, sinh viên vượt khó thuộc 9 quận, huyện, TP. Cần Thơ.
Tại Đại lễ chính thức, TT. Thích Bình Tâm, NS. TN. Như Hương đồng bày tỏ niềm vinh dự khi được tổ chức Đại lễ, được cung đón chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng già Nhị bộ quang lâm. Đại lễ chính là nguồn động lực cho Ni giới TP. Cần Thơ tiếp nối tinh thần “Ẩm thủy tri nguyên”, kế thừa và phát triển Thánh pháp tài của chư Phật.
Trên tinh thần hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm đó, NT. Như Như đại lao chư Tôn đức Ni cung tuyên lược sử Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo. Ni trưởng cũng sơ lược lịch sử thành lập PBNGTW và hoạt động của Phân ban ngang qua 50/63 PBNG tỉnh thành được ra mắt. Bên cạnh đó, nhắc lại truyền thống tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo do quí Trưởng lão Ni trong Ni bộ Bắc tông đề xuất (ngày mồng 8/2 âm lịch hàng năm). Khi PBNGTW đi vào nề nếp, truyền thống này được mở rộng để làm ngày sum họp về nguồn của chư Ni cả nước. Luân lưu Tưởng niệm Kiều Đàm Thánh Tổ và chư Ni tiền bối hữu công PGVN cũng là cơ hội để chư Ni cả nước có dịp thăm hỏi nhau và kết nối chặt chẽ đạo tình Kiều Đàm Di Ni phái. Mặt khác, để chư Ni cùng sách tấn, cùng trao đổi những kinh nghiệm tu tập, hóa đạo và thấy rõ hơn bổn phận, trách nhiệm của người con Phật đối với GHPGVN trong thời kỳ hội nhập.
Trong không khí bồi hồi xác động, NS. TN. Chơn Như đã dâng lên lời tưởng niệm với lòng kính nhớ Thánh Tổ cùng chư Ni tiền bối hữu công để tiếp tục giữ gìn mối Chánh pháp, để Kiều Đàm Di Ni phái mãi trường tồn.
Bên cạnh việc ôn lại hành trạng cao quý và ân đức sâu dày của Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, của chư vị Trưởng lão Ni Phật giáo VN tiền bối hữu công, Ni giới hôm nay đã nhận được nhiều lời đạo từ, sách tấn từ chư Tôn đức Giáo phẩm Tăng Ni. Đại diện chư Tôn đức Giáo phẩm Chứng minh, Cố vấn, Hòa thượng đạo hiệu Thích Thiện Nhơn một lần nữa nhắc lại lịch sử Ni đoàn Ấn Độ và quá trình phát triển đoàn thể Ni giới qua nhiều quốc gia, trong đó có cả Ni đoàn Việt Nam. Hòa thượng cũng nhấn mạnh đến những nhân tố giúp tăng trưởng đời sống tu học của Ni lưu và tinh thần bình đẳng tuyệt đối về mặt tu chứng, giải thoát của chư Ni đã từng hiện diện trong nhiều trang sử. Ni đoàn Việt Nam tại 3 miền đất nước, 3 truyền thống tu học (Nam tông, Bắc tông, Khất sĩ) đã góp sức to lớn vào việc xây dựng PGVN qua các thời đại. Quả thật, Ni giới đã viết nên một trang sử tuyệt vời cho PGVN. Trên tinh thần tri ân và báo ân, NGVN ngày nay nói chung và Ni giới Cần Thơ nói riêng cần tiếp tục tu tập để thành tựu giới định tuệ, thành tựu nguyện giải thoát. Ngài cũng không quên ghi nhận những nỗ lực của Ni giới Việt Nam sau 13 năm, kể từ ngày thành lập Phân ban Đặc trách Ni giới; dựa trên các phương diện giáo dục, văn hóa, từ thiện, an sinh xã hội… Đặc biệt, Ni giới Việt Nam trong việc tham gia sáng lập Hội nghị Sakyadhita. Trong ngôi nhà chung của Giáo hội, Hòa thượng tin tưởng, Ni giới bên cạnh Đại Tăng sẽ góp phần làm cho PGVN ngày càng trang nghiêm, phát triển hơn nữa; đặc biệt nối tiếp được con đường, hạnh nguyện của chư Ni Tiền bối hữu công.
Trong dịp này PBNG TP. Cần Thơ cũng đã nhận được nhiều bằng tuyên dương đến từ lãnh đạo chính quyền và Giáo hội dành cho đoàn thể PBNG Cần Thơ cũng như các cá nhân tiêu biểu như NT. TN. Diệu Ngộ, NS. TN. Như Hương, NS. TN. Chơn Như, NS. TN. Huệ Liên, NS. TN. Như Hải, NS. TN. Từ Tâm, SC. TN. Minh Ngọc.
Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, chư Ni tiền bối hữu công PGVN do Ni giới TP. Cần Thơ đăng cai đã khép lại nhưng sẽ mở ra một bước ngoặt mới cho chư Ni tỉnh nhà. Nhìn lại chặng đường sau 10 năm hoạt động, Ni giới Cần Thơ đã gặt hái được nhiều thành quả đáng kể. Sự kiện Tưởng niệm Đức Thánh Tổ và chư Tiền bối Ni năm 2024 không những cho thấy sự trưởng thành của Ni chúng Cần Thơ mà còn là mô hình mẫu cho chư Ni các tỉnh thành lân cận thuộc khu vực miền Tây Nam Bộ. Đồng thời cũng là nguồn động lực để PBNG Hà Nội tiếp bước đăng cai tổ chức năm 2025.
Chỉ vỏn vẹn 3 ngày nhưng nơi đây đã lưu dấu nhiều ký ức, nhiều kỷ niệm đẹp trong lòng chư Ni các vùng miền cả nước. Trong sự hào hứng để chào đón chư Tôn đức, quý quan khách và chư Ni cả nước; hôm nay thịnh tình ấy đã được đáp lại rất hân hoan, nồng nhiệt. Tất cả đều nhờ tinh thần đoàn kết, chung tay, chung lòng của chư Ni trong hơn một tháng ròng rã để chuẩn bị chu toàn các thủ tục văn kiện, các khâu công tác lưu trú, triển lãm, tọa đàm, từ thiện, cung nghinh, truyền thông, tài chính… phân bổ cho 22 Tiểu ban. Với nỗ lực để làm nên một Đại lễ có tầm cỡ quy mô, trang trọng, chu đáo và thể hiện được tiềm năng của Ni giới Cần Thơ trong việc kế thừa và phát huy sứ mạng, đạo nghiệp của chư Tổ; PBNG Cần Thơ đã nhận được rất nhiều sự quan tâm, đồng lòng hưởng ứng và ủng hộ từ tâm lực, tài lực, trí lực của PBNG TW tất cả chư Ni nội tỉnh và một số tỉnh thành lân cận. Thành công của Đại lễ cũng nhờ sự yểm trợ rất lớn của chư Tăng Ni Thiền phái Trúc Lâm Phương Nam, nhất là TT. Thích Bình Tâm.
Hội tụ tất cả những yếu tố đó càng cho thấy rõ hơn đoàn thể Ni giới Cần Thơ đầy sắc màu, đầy nhiệt huyết, đầy bản lĩnh, trách nhiệm được toát lên từ những đặc thù vốn có ở Ni giới Phật giáo Tây Đô. Theo đó, trang sử của Ni giới Cần Thơ nói riêng và trang sử của Ni giới Việt Nam nói chung ngày càng được điểm tô và tươi mới cùng dòng chảy của Đạo pháp và Dân tộc. Đó là sự tưởng niệm thành kính nhất dâng lên Đức Thánh Tổ Đại Ái Đạo và Ni đoàn Ấn Độ; dâng lên chư Ni tiền bối hữu công Phật giáo Việt Nam nhân dịp lễ giỗ Thánh Tổ Ni năm 2024.
Ni giới với sự cần cầu thành kính, đồng nhất tâm hướng về cội nguồn Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo cùng chư Trưởng lão Ni tiền bối hữu công PGVN xin được nối tiếp con đường và hạnh nguyện xả ly hướng thượng, vươn tới tự tại với sanh tử như chư Tổ đã đi, đã tới. Nguyện Ni lưu hậu bối luôn tiếp nối được nguồn năng lượng đạo hạnh, thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ trong hành trình chuyển mê khai ngộ như quý Ngài đã chuyển vận. Nguyện vun bồi, gìn giữ giềng mối chánh pháp trên tinh thần “Truyền đăng tục diệm”, để Kiều Đàm Di Ni phái mãi trường tồn, Tăng Ni nhị bộ phát triển, hòa hợp trong mái nhà chung trang nghiêm, thanh tịnh của Giáo hội.
Nhật Hiếu (ĐSHĐ-128)