Học viện Phật giáo Việt Nam
Thánh địa phong cảnh chốn thiền già lam
Nơi chắp cánh bao thế hệ Tăng tài
Rũ bỏ tâm ô trược hiện tâm thiền
Nguyện đắp xây chánh niệm lên bờ giác
Hóa độ quần mê thoát nẻo ưu phiền
Soi sáng cảnh phù du sanh tử kiếp
Khai trí tuệ Diệu pháp hướng chân nguyên.
Với những phương pháp giáo dục, đào tạo Phật học của Tăng Ni xuất gia tu học tại Việt Nam trước đây. Phần lớn là tự học hoặc là sự truyền trao kiến thức từ thầy qua trò, từ thế hệ đi trước uốn nắn và giáo dục cho các thế hệ hậu học tại bổn tự, tự viện, cũng đã gặt hái rất nhiều thành công và góp phần rất lớn vào thành tựu chung của Phật giáo Việt Nam duy trì và phát triển suốt hơn 2000 năm qua. Thành tựu đó rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, trong xã hội phát triển toàn cầu hóa trong một thế giới phẳng như ngày nay. Sự nghiệp giáo dục Tăng Ni trong thời đại mới, rất cần sự thay đổi theo hướng bài bản ở tầm hướng vĩ mô. Các bậc chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam hiểu rõ tầm quan trọng và tất yếu đó, chính vì vậy, những ngôi trường giáo dục, đào tạo Phật học có hệ thống, bài bản tại Việt Nam từ Sơ cấp, Trung cấp, Cao đẳng, cho tới Học viện đã ra đời. Nhằm thực hiện trọng trách Đào tạo Tăng Ni có đủ năng lực: có tâm, có tài, có đạo đức… để góp phần vào công cuộc “Hoằng pháp lợi sanh” trong thời đại mới.Trong đó, có Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng chung tay gánh vác trọng trách giáo dục Tăng Tài Việt Nam. Đối với Tăng Ni trẻ nói riêng và Tăng Ni của Phật giáo Việt Nam nói chung, đang rất cần tri thứ, cần môi trường giáo dục tốt. Song, cũng có không ít những thách thức cho nền giáo dục Phật học tại Việt Nam hiện nay. Vì vậy, sứ mạng giáo dục Tăng Ni trẻ trong thời đại hội nhập là nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Cần có những giải pháp căn cơ hơn nữa để nêu cao tinh thần đoàn kết và hợp tác, cũng là một trăn trở và thách thức lớn của nền giáo dục Phật học trong thời hội nhập. Một trong những đường hướng phát triển và giáo dục đó, thì mô hình tu học nội trú của Tăng Ni trẻ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là một thành tựu mới và gặt hái được rất nhiều thành công trong nền giáo dục Phật học hiện đại ngày nay.
Môi trường giáo dục Phật học lý tưởng trong thời đại phát triển
Để có được một môi trường giáo dục Phật học chất lượng, bài bản, quy mô như Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí minh, là một bước tiến dài trong sự phát triển vượt bậc của nền giáo dục Phật học tại Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo tối cao hiện nay là Đức Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đây là môi trường giáo dục Phật học lớn nhất về số lượng Tăng Ni tu học theo mô hình nội trú lớn nhất cả nước (trên 1000 vị), đồng thời chất lượng giáo dục cũng ngày càng được nâng cao ở tầm vĩ mô và tiếp cận nền giáo dục Phật học mang tầm quốc tế trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt là những Tăng Ni tu học nội trú được miễn phí hoàn toàn học phí và sinh hoạt phí trong suốt quá trình theo học hệ cử nhân tại Học viện. Để có được một môi trường lý tưởng cho việc học, thuận lợi cho việc tu thì các bậc Tôn đức lãnh đạo, Hội đồng điều hành luôn xem trọng và lấy giáo dục Tăng Ni là một trong những trọng tâm phát triển. Đời sống tu học nội trú sẽ giúp thế hệ Tăng Ni trẻ thuận tiện hơn rất nhiều so với nhiều thế hệ tiền bối, trong việc học và tu, phù hợp với một thời đại mà Phật giáo phát triển trên nhiều phương diện. Môi trường học tập với rất nhiều giảng viên, giáo thọ sư với nguồn nhân lực dồi dào, phần lớn đều là những vị tốt nghiệp Tiến sĩ nước ngoài, còn có những vị giảng viên là Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học… của thế học giảng dạy. Bên cạnh đó còn có rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị về Phật giáo đã được tổ chức, diễn ra mang nhiều tầm vóc quốc gia cho đến quốc tế. Bên cạnh đó, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh còn liên kết với rất nhiều trường Phật học cũng như thế học trong nước và quốc tế. Thông qua đó, Tăng Ni trẻ không chỉ được đào tạo bài bản nền tảng giáo dục Phật học rộng, sâu, vững chắc hơn, tinh thông trí tuệ Phật pháp, mà còn mở ra cơ hội trau giồi, học tập về mọi mặt của những nền tư tưởng, văn hóa, triết học, xã hội học và công nghệ thông tin trong thời hiện đại. Đây cũng là một hướng đi mới để Tăng Ni trẻ có nhiều cơ hội hòa nhập và được trải nghiệm những chương trình lớn mang tầm quốc tế, giúp Tăng Ni trẻ Việt Nam tự tin vào bản thân, làm hành trang vững chắc, để thuận lợi hơn trong việc xiển dương chân lý, truyền bá Chánh pháp, lợi lạc nhân thiên trong việc “đem đạo vào đời” ứng dụng Phật học hòa nhập vào cuộc sống thế gian trong tinh thần nhập thế và tiếp dẫn hậu lai…
Những giá trị cao quý và tầm quan trọng khi tu học nội trú tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh
Khi tu học nội trú tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đầu tiên có thể nói đến, đó là cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, các dãy tòa nội trú rất khang trang và đầy đủ tiện nghi. Song song đó, Tăng Ni tu học nội trú trong môi trường hoàn toàn được miễn phí 100% học phí, cũng như sinh hoạt phí. Đồng thời, môi trường tu học nội trú thì Tăng Ni trẻ sẽ không bị vướng bận những chướng duyên của thế tục cũng như không bị lôi cuốn vào những lo toan và sự phân tâm bên ngoài xã hội, chỉ chuyên tâm học và tu. Nhờ môi trường tu học nội trú, mà mỗi ngày trôi qua, Tăng Ni trẻ luôn sống trong thanh quy và quy củ thiền môn luôn được đề cao. Tăng Ni trẻ có điều kiện thuận lợi và thuận duyên, huynh đệ cùng chia sẻ, cùng nhau sách tấn, quan tâm giúp đỡ nhau cùng tu học, trên tinh thần lục hòa cộng trụ như Đức Phật đã dạy.
Đời sống tu học nội trú, giúp Tăng Ni trẻ vô cùng thuận lợi vì chỉ chuyên tâm tập trung vào con đường học hành, không bị lôi cuốn vào những Phật sự, không bị lôi cuốn và vướng bận với các duyên của thế tục ở bên ngoài. Mỗi ngày được hành thiền chánh niệm tỉnh giác, hộ trì các căn, tam nghiệp thiện lành, tứ niệm xứ như: đi kinh hành đi từ Tăng xá – Ni xá tới trai đường xá trước giờ ngọ trai và từ trai đường về Tăng xá – Ni xá sau giờ ngọ trai, đi từ Tăng xá – Ni xá tới chánh điện và ngược lại, từ chánh điện về thực hành thiền, ngồi thiền Tứ Niệm xứ 30 phút trước mỗi thời công phu. Các Tăng xá và Ni xá. Tăng Ni sinh nơi đây, luôn thực hiện đời sống của một vị Tỳ-kheo được sống trong môi trường giáo dục trang nghiêm từ thân tướng, cho đến tăng trưởng đạo hạnh và phát triển đạo tâm. Từ đó thực hiện nếp sống Tăng đoàn luôn đề cao tinh thần lục hòa cộng trụ, giữ tâm an tịnh, nghiêm túc và sinh hoạt trong chánh niệm, oai nghi, đoàn kết hòa hợp… dưới sự lãnh đạo tối cao của Hòa thượng đệ tứ Pháp chủ, cũng như sự chỉ đạo của Hội đồng điều hành và sự tận tâm hướng dẫn của Ban Quản viện. Đời sống tu học nội trú không chỉ là một trú xứ lớn, mà, Tăng Ni sinh còn có phước duyên và may mắn khi được có cơ hội thân cận gần gũi chư Tôn Hòa thượng, Thượng tọa, Giáo thọ sư, không chỉ trên lớp học mà còn diễm phúc cùng an cư kiết hạ cùng quý Ngài, từ đó phát khởi đức tin và từng bước hành Pháp tùy Pháp, như trong Kinh Trí Tuệ Tăng Trưởng, Kinh Tăng Chi Bộ, chương 4 Pháp, Phẩm 25). “Thân cận bậc Chân nhân, Lắng nghe pháp của bậc Chân nhân, Như lý tác ý và hành pháp tùy pháp”. Bên cạnh việc học và tu, Tăng Ni trẻ còn tham gia các phong trào lao động, rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng phát triển thể chất như: trồng rau, trồng nấm, chăm sóc cây cảnh… tích lũy những kinh nghiệm quý báu trong việc sinh hoạt của trú xứ nơi bổn tự.
Chư Tổ thường nhắc nhở đại chúng:
“Tăng ly chúng Tăng tàn
Hổ ly sơn hổ bại.”
Hiện nay, với những tha hóa, những tệ nạn của xã hội đã bắt đầu thâm nhập vào và có ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống, nhân cách phẩm chất, đạo đức trong giới Tăng Ni trẻ. Quan trọng hơn, nếu hạt giống Bồ đề không được nuôi dưỡng và tưới tẩm, để rồi những hạt giống ấy không những không lớn mạnh mà dễ bị thui chột, chết đi hoặc phát triển dị dạng, sai lệch hoàn toàn với bản chất sơ tâm tốt đẹp ban đầu. Đứng trước thực trạng báo động ấy, mới thấy rõ được tầm quan trọng của môi trường tu học nội trú tại các ngôi trường Phật học ở Việt Nam nói chúng và đặc biệt là đời sống tu học nội trú ở Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, dưới sự lãnh đạo tối cao của Đức Trưởng lão Đệ tứ Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn đề cao thực học và thực tu, để làm sao đào tạo những phàm Tăng có thể xứng đáng là những người “Trưởng tử Như Lai”, với mong muốn có khả năng sau này đứng ra gánh vác sứ mạng “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” mà chư Phật, chư Tổ và chư Tôn đức đã dày công tạo dựng, đang tin tưởng và mong đợi sự gánh vác nền Phật giáo của nước nhà mai sau. Với tâm huyết và tận tâm đào tạo những thế hệ Tăng Ni trẻ trở thành những con người mẫu mực, những vị hành Bồ tát đạo, để luôn sẵn sàng giúp người và cứu đời. Đức Trưởng lão Hòa thượng Đệ tứ Pháp chủ có dạy. “… Phật giáo Việt Nam luôn không ngừng nỗ lực tinh tấn, đoàn kết thực hiện lý tưởng giác ngộ, chân lý hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật… ” Người tu sĩ Phật giáo nói chung và Tăng Ni trẻ nói riêng, phải là những tấm gương sống có lý tưởng, có chuẩn mực và có đạo đức, là những pháp khí hữu dụng trong Tăng đoàn và là điểm tựa tinh thần vững chắc cho Phật tử, xứng đáng là những “Sứ giả Như Lai” trong xã hội hiện đại, thì chắc chắn khi trưởng thành, sẽ là những con người có đạo đức, tâm tràn đầy yêu thương nhân loại và môi trường, biết sợ nhân quả, sống hướng thiện. Bởi vì Tăng Ni trẻ còn đang ngồi trên ghế giảng đường hôm nay sẽ đưa Đạo vào Đời bằng tinh thần vô ngã, vị tha, từ bi. Để chung tay xây dựng và kiến tạo một xã hội, trong đó con người sống hòa hợp với nhau, ghét chiến tranh, yêu hòa bình, thật sự an lạc và hạnh phúc.
Kết luận
Đời sống tu học nội trú tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh là môi trường lý tưởng để Tăng Ni trẻ không chỉ có nhiều cơ hội trong học tập, mà còn là môi trường sống để nêu cao tinh thần đoàn kết trong tinh thần lục hòa cộng trụ, nơi rèn luyện bản thân về nhiều mặt và cũng là ngôi trường Phật học sẽ để lại nhiều đấu ấn, nhiều kỷ niệm đẹp trong những năm tháng học tập nơi đây. Tăng Ni trẻ luôn là tiền đồ của Phật pháp. Vì vậy, mỗi tu sĩ trẻ phải luôn trau giồi tam vô lậu học. Đồng thời, trong giáo lý của Đức Phật, thì Giới luật luôn đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển và duy trì Tăng đoàn vững mạnh, nên Tăng Ni thế hệ trẻ rất cần có một đời sống Tăng đoàn. Bởi vì chỉ có đời sống Tăng đoàn trên tinh thần lục hòa cộng trụ mới có thể nuôi dưỡng và nghiêm trì giới luật, tinh thông Kinh điển, áp dụng lời Phật dạy vào đời sống hàng ngày.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, đất nước và dân tộc Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng, thì sự nghiệp giáo dục luôn là quốc sách hàng đầu. Muốn tạo nên sự kết nối, giao lưu và hòa nhập với cộng đồng thế giới, thì bắt buộc tất cả mọi thành phần trong xã hội và mỗi Tăng Ni trẻ rất cần ý thức được trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận của mình. Tất cả cùng một lòng chung tay góp sức vào công cuộc, với trách nhiệm “Hoằng dương chánh pháp, lợi lạc quần sanh, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân Đức. Đó cũng là lý tưởng phụng sự nhân sinh cao đẹp của người tu sĩ:
Phụng sự nhân sinh,
Tốt đời đẹp đạo,
Sáng soi Phật pháp,
Hộ quốc an dân.
(TT. Thích Nhật Từ)
Thích Trung Đức (ĐSHĐ-119)