Mưa bay lất phất, gió mùa đông bắc tràn về làng quê mang theo cái rét lạnh căm. Cây xoan (sầu đông) đầu đường trơ lá cành vươn gầy guộc. Đường chiều lưa thưa bóng người. Mẹ vác cuốc ngoài đồng vội vã đi về.
– Chào mẹ!
– Con mới về đó hả?
– Dạ, hôm nay thi gần hết nên con rảnh hơn tranh thủ chạy về nhà chơi một hôm thôi ạ.
– Xuống bếp nấu cho mẹ nồi nước tắm nghe.
– Dạ!
Nhuốm lửa, bắc nồi nước lên ông táo. Trời lạnh thế này mà vô bếp lửa thì thích thật. Mẹ đến ngồi cạnh tôi bên bếp lửa thơm mùi khói rơm. Mẹ đưa hai tay lên hơ lửa cho ấm. Bàn tay mẹ dầm nước nên trắng bệch, gầy gò nhăn nheo. Những vết chai sần bàn tay đang bong tróc. Lâu rồi tôi mới có dịp ngồi ngắm kỹ bàn tay của mẹ.
– Mẹ! Còn mấy ngày nữa tuốt lá cây mai rồi. Con không biết có về phụ được không.
– Thôi con lo học thi đi, năm nay không tuốt cũng được.
– Chứ mẹ định không đón tết à?
– Ừ, năm nay gia đình mấy anh con đâu có về. Thằng hai, thằng ba công việc cũng khó khăn, vé tàu xe mỗi năm một đắt đỏ nên tụi nó không về. Ở nhà không có ai thôi đơn sơ cũng được.
– Mấy anh đã gọi về nói vậy hả mẹ?
– Ừ, ảnh hưởng dịch bệnh, những người lao động như gia đình các anh con lại càng khổ. Thôi tụi nó ở lại cũng được, đỡ đồng nào hay đồng đó. Về chơi mấy ngày mà tốn nhiều tiền lắm. Không năm này thì năm khác cũng được.
Mẹ nói vậy nhưng tôi biết trong lòng mẹ buồn lắm. Tết năm nào con cháu cũng về đông đủ, dù mẹ vất vả làm những món ăn truyền thống, chăm lo nhà cửa nhưng mẹ vui lắm.
Thương mấy anh kiếm kế sinh nhai nơi đất khách quê người, mẹ thường động viên cố gắng tự lo cho gia đình các anh. Mẹ thầm lặng hi sinh tình cảm thiêng liêng của mình để các con tung bay phương trời xa. Thỉnh thoảng mẹ lại xay thóc gởi gạo, dầu phộng vào cho các gia đình các anh. Mẹ bảo gạo quê mình làm tốt hơn, sạch hơn nên không lo bệnh tật. Nhưng cái chính là hạt gạo tình cảm từ bàn tay mẹ cấy trồng muốn gởi đến cho con cháu. Tình cảm của mẹ cứ chảy hoài như dòng suối không vơi cạn.
Hai mươi tháng chạp tôi được nghỉ học sớm chuẩn bị về nhà. Anh hai gọi điện thoại bảo gia đình các anh chuẩn bị sẽ về quê ăn tết.
– Thật không anh? Gia đình anh ba có về không anh?
– Thật chứ, mấy anh em mua vé hết cả rồi. Sáng 28 mọi người lên xe về đó nghe. Ở Sài Gòn ngày thường thì vui chứ tết buồn lắm. Ai cũng vội vã rời thành phố về quê đón tết. Nhìn mọi người ai cũng hớn hở, tụi anh thấy tủi thân quá nên quyết định về hết. Ba mẹ lớn tuổi rồi đâu có còn mấy mùa xuân với chúng ta. Nếu không về thì mất một mùa xuân bên gia đình. Sau này có khá giả hơn nhưng không còn cha mẹ thì về đón tết có vui đâu. Đời sống vô thường nên không dám hẹn, sống sót vượt qua đại dịch là một điều phước lớn rồi. Xuân là mùa đoàn viên mà ngồi ở xứ người chắc không chịu nổi nên tụi anh quyết định phải về cho bằng được.
– Dạ! Em cũng thật sự xúc động, vài ngày nữa gặp lại các anh rồi. Chắc mẹ vui lắm đấy. Anh gọi báo cho mẹ chưa?
– Anh gọi rồi, mẹ bảo khó khăn quá thì ở lại nhưng tụi anh quyết tâm về hết.
– Dạ chào anh nhé!
– Tư ơi!
– Dạ, có chi không mẹ?
– Mang cái tivi đi sửa gấp cho mẹ, ít bữa mấy anh về có cái mà xem cho vui nhà. Giờ mẹ tranh thủ lo đậu, nếp làm bánh da, bánh tổ, đi chợ mua sắm dần dần một ít đồ dùng.
Những ngày cuối năm mẹ quần quật từ sáng đến tối. Nào lo dọn dẹp, mua sắm, rang ngũ cốc làm bánh,… Dù bận rộn nhưng tôi thấy mẹ phấn khởi vui tươi hơn hẳn.
Mùa xuân của mẹ là trông đàn con trở về đoàn viên trong đêm giao thừa, là tiếng cười của con cháu. Mùa xuân của mẹ là mâm cơm đầy đủ con cháu, là sự quấn quýt vui nói cười, cả nhà đi chùa lạy Phật đầu năm. Mùa xuân của mẹ không phải là áo quần tinh tươm, là các món ăn mà là trông mong con cháu trở về. Do vậy, khi bạn còn cha mẹ là còn cả bầu trời tình thương, là còn cả mùa xuân ấm áp đượm tình không bao giờ phai phôi, cho nên hãy cố gắng về quây quần bên mái nhà cùng đốt lên ngọn lửa yêu thương để mùa xuân đất trời tràn đầy ý nghĩa thiêng liêng.
Sông Trăng (ĐSHĐ-113)
Diễn đọc:Sc Huệ Pháp