Như người ở trong mộng thấy núi sông, cảnh vật, đều do nơi tâm mộng mà hiện; nếu tâm không mộng, ắt không có cảnh mộng; cảnh mộng đã không thì tâm mộng cũng không có. Ngoài tâm không có cảnh, ngoài cảnh không có tâm. Toàn cảnh tức tâm, toàn tâm tức cảnh. Nếu như ở trong Nhơn mà rõ được Quả, đây cần xem xét nơi tâm. Ở nơi Quả mà nghiệm được Nhơn, đây cần xem xét nơi cảnh. Cho nên, nói rằng: “Tâm, cảnh xưa nay chưa từng không”. Vì Quả từ nơi Nhơn mà có, Nhơn ắt thành Quả. Người đã rõ được lý Tâm Cảnh, Nhơn Quả, Nhứt Như, Bất Nhị này rồi, mà không niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, ta thật không tin vậy!
Cho nên, cần phải chân thành, vì việc sanh tử mà phát tâm Bồ đề. Tin sâu, Nguyện thiết, thọ trì sáu chữ danh hiệu Phật. Bởi vì Pháp môn niệm Phật này là một Tông cương lớn vậy!
Nếu chẳng cầu thoát ly sanh tử, mà chơn thành phát tâm niệm Phật, thì tất cả những lời khai thị trên đây cũng chỉ là lý luận. Tất cả những nỗi khổ lớn ở thế gian, không khổ nào hơn khổ sanh tử. Chẳng rõ được sanh tử, thì cứ sanh tử, tử sanh, sanh sanh tử tử. Sanh ra từ bào thai này lại chui vào bào thai khác. Bỏ một đãy da này, lại mang một đãy da khác. Khổ đã chẳng kham, huống gì chưa ra khỏi cảnh luân hồi, thì khó tránh khỏi con đường đọa lạc. Vào bào thai heo, bào thai chó, chỗ nào chẳng chui? Mang đãy da lừa, đãy da ngựa, chỗ nào chẳng giữ? Được thân người đã là rất khó, mà đánh mất thân người lại rất là dễ! Sai đi một niệm, liền đọa vào ác thú. Ba đường ác dễ vào mà khó ra, ở trong địa ngục thì dài lâu, lại rất thống khổ.
Bảy Đức Phật xưa nay, nhìn thấy chúng sanh như thấy một con kiến, đã trải qua tám vạn kiếp sau mà chưa khỏi thân bồ câu. Trong đường Súc sanh đã rất dài lâu như vậy, mà đường Ngạ quỷ, Địa ngục lại còn dài lâu gấp bội. Trải qua nhiều kiếp, làm sao hiểu biết? Làm sao thôi dứt? Vạn khổ tranh giành đua nhau nung nấu, không chỗ nương về, không ai cứu được. Nghe qua lời này rất là sợ hãi, nghĩ đến lòng sanh thương xót!
Nhớ cảnh vô thường, sanh, già, bệnh, chết, nên cần phải tinh tấn như cứu lửa cháy đầu. Song, ta ở trong sanh tử, ta cầu ra khỏi sanh tử; tất cả chúng sanh ở trong sanh tử, cũng mong cầu ra khỏi sanh tử. Chúng sanh cùng ta đồng một Thể Tánh, đều là cha mẹ nhiều đời của chúng ta, họ cũng là những vị Phật tương lai.
Nếu chúng ta chẳng nghĩ đến việc tế độ tất cả, chỉ cầu lợi ích cho riêng mình, thì ở trên lý này có phần kém khuyết, trong tâm có chỗ chưa an. Huống gì chẳng phát đại tâm độ tất cả, thời ngoài chẳng hay cảm thông với chư Phật, trong chẳng hay khế hợp với bổn tánh. Trên chẳng thể viên thành Phật đạo, dưới chẳng hay rộng làm lợi ích cho quần sanh, Nghiệp ái từ vô thỉ do đâu được hóa giải? Oan khiên từ vô thỉ do đâu được giải kết? Tội nghiệp chứa nhóm nhiều đời, khó có thể sám trừ được. Thiện căn chứa nhóm nhiều đời khó hay thành thục được. Trên đường tu tập gặp nhiều chướng duyên trở ngại, nếu có chỗ thành tựu cũng lệch về Tiểu Thừa, cho nên, phải xứng tánh mà phát đại Bồ đề tâm.
Song, đã phát đại tâm thì phải tu đại hạnh, mà ở trong tất cả hạnh môn, chỉ có cầu sanh Tây phương Tịnh độ là Pháp môn rất dễ thành tựu, rất dễ hạ thủ công phu, rất là an ổn, rất là viên đốn. Chỉ cần Tin sâu, Nguyện thiết, chí thành chuyên nhất trì niệm danh hiệu Phật.
Chỗ gọi là Tin sâu, Nguyện thiết, tức là Đức Phật Như Lai dùng tướng và tiếng Phạn âm nói ra, lời này quyết không hư dối. Đức Di Đà Thế Tôn dùng tâm Đại Từ Đại Bi để cứu độ chúng sanh, nguyện này quyết không hư vọng.
Vả lại, dùng nhơn duyên niệm Phật để cầu sanh Tịnh độ, ắt cảm được cái quả vãng sanh thấy Phật. Như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, âm vang theo tiếng, ảnh ắt theo hình. Nhơn không trống rỗng. Quả không hư vọng. Đây có thể chẳng đợi hỏi Phật mà hay tự mình tin tưởng vậy. Huống gì chúng ta, một niệm hiện tiền ở tại tâm tánh, toàn Chơn thành vọng, toàn vọng tức Chơn. Trọn ngày tùy duyên, trọn ngày chẳng đổi, ngang dọc cùng khắp, không ngoài đương thể. Tịnh độ, Di Đà, trọn ở trong đây. Nơi tâm ta có đầy đủ cõi Phật, nơi niệm ta cũng có tâm Phật đầy đủ. Huống gì Phật có đầy đủ nơi tâm ta, mà ta chẳng nên để tâm này đầy đủ nơi Phật sao?
Trong truyện Vãng Sanh có chép rằng: “Khi lâm chung tướng điềm lành hiện ra cùng khắp, ta há lại coi thường sao?”
Như có niềm tin rồi, thì tự nhiên thiết tha nguyện sanh về cõi Cực lạc. Khi về cõi Cực lạc rồi, nhìn lại cảnh khổ cõi Ta bà, tự nhiên rất muốn xa lìa, như xa lìa hầm xí, như ra khỏi lao ngục. Ở cảnh khổ cõi Ta bà, xa thấy cõi Cực lạc kia, tự nhiên thiết tha vui thích muốn sanh về cõi ấy, như về lại cố hương, như gặp được Bảo sở. Giống như khát nghĩ đến uống, như đói nghĩ đến ăn, như bịnh khổ nghĩ đến thầy thuốc giỏi, như con thơ nghĩ đến mẹ hiền, như tránh kẻ oan gia đương cầm dao bức ngặt, như rớt vào vạc nước sôi mà được cứu vớt. Nếu hay khẩn thiết như vậy, thì tất cả các cảnh duyên chẳng thể lôi cuốn được.
Chúng ta nên đem tâm chí thành tin tưởng phát nguyện thọ trì danh hiệu Phật. Trì một tiếng là gieo một chủng tử trong chín phẩm sen vàng. Niệm một câu là chánh nhơn vãng sanh Tịnh độ. Ngay đây, tâm tâm phải liên tục, niệm niệm không sai mất, nhứt cử nhứt động không tạp không ngăn, càng lâu càng bền càng thêm khẩn thiết, trải qua thời gian, tự thành một khối được vào chánh định “Nhứt tâm bất loạn”.
Nếu người thành tựu như vậy mà chẳng được vãng sanh, tức nhiên đức Thích Ca Như Lai liền là nói dối, đức Di Đà Thế Tôn liền là nguyện rỗng. Làm gì có lý này vậy.
TKN. Như An (dịch) (ĐSHĐ-116)