“Quá khứ qua rồi không tưởng nhớ
Tương lai chưa tới há đừng lo
Hiện tại hãy sống trong Chánh niệm
An lạc bây giờ và ở đây.”
Ta phải chăn tâm mình từng giây, từng phút. Như người canh cửa thành, nếu lơ đễnh thì giặc tràn vào thành, chúng sẽ cướp của giết người. Còn ở đây nếu chúng ta không cẩn thận, khi căn tiếp xúc với trần, thì giặc phiền não sẽ cướp mất công đức lành của chúng ta.
Một niệm Thiện khởi lên, đó là chúng ta đang sống trong cảnh giới thiên đường. Vì lúc ấy chúng ta nghĩ đến việc cứu giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời bất hạnh, đang cần sự trợ giúp của tha nhân. Chúng ta đang nghĩ đến họ và tìm phương pháp đem niềm vui đến cho họ, bằng cách giúp đỡ cơm, áo, gạo, tiền, khi cuộc sống của họ đang bị khủng hoảng. Vẫn biết rằng, chúng ta chỉ cứu ngặt chưa phải là cứu nghèo, nhưng khi chúng sanh được vui là mình cảm thấy được an vui, đó là chúng ta đã hành theo hạnh Bồ tát vậy.
Còn khi một niệm ác dấy khởi, đó là cảnh giới ma xuất hiện, chính lúc này là ta đang ở địa ngục. Vì khi mình có tâm muốn trấn lột, cướp của người khác, thì tâm chúng ta phải nghĩ đến mưu kế sao cho vẹn toàn, không bị người ta phát hiện, nhưng lỡ bị phát hiện thì ta phải thủ tiêu đối phương. Suy nghĩ như thế suốt đêm trằn trọc không ngủ, là ta đang ở trong cảnh địa ngục, tâm tư bị giày vò. Nếu thực hiện được phi vụ bất chánh, khi nhà Chức trách vào cuộc, ta sẽ bị tù đày, hoặc tội chung thân, hoặc bị tử hình, đó là ta đang ở chốn lao tù, tức là địa ngục trần gian. Bởi vì chúng ta không làm chủ được tâm tham, tâm sân và tâm si, nên bị ma đưa lối quỷ dẫn đường, lương tâm, lương tri luôn sống trong cảnh giới hắc ám, mới gây nên tội lỗi như thế. Chúng ta phải tỉnh giác trong từng phút, từng giây, có như vậy tâm ta mới được thoải mái tự do. Để có được điều này, thì lúc nào chúng ta cũng nhớ đến Chơn tâm thường trú của chính mình, đừng để Lục trần lôi cuốn chạy theo Tài, Sắc, Danh, Thực, Thùy, mà quên mất Bản lai diện mục của chúng ta. Bản thể chơn như nó vốn không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt, thường hằng bất biến, bất biến mà tùy duyên.
Vua Trần Thái Tông đã viết:
“Lưỡi vướng vị ngon, Tai vướng tiếng
Mắt theo hình sắc, Mũi theo hương
Lênh đênh làm khách phong trần mãi
Ngày hết, quê xa, vạn dặm đường.”
Đức Phật Thích Ca khi thành đạo, đã nhìn thấu suốt và tuyên bố: “Tất cả chúng sanh đều đi theo nghiệp của mình.” Mỗi người trong chúng ta đều tùy theo nghiệp mà đến cõi này, rồi cũng vì nghiệp sai khác mà có số phận riêng của mỗi người. Tâm của chúng ta khởi thế nào, thì nghiệp sẽ theo đó mà hình thành. Hạnh phúc hay đau khổ không phải do tiền bạc, mà do tâm con người quyết định. Chúng ta biết Nghiệp được tạo ra bởi Thân, Khẩu, Ý, trong đó Ý làm chủ, Ý dẫn đầu, Ý là chính. Bởi Tâm có khởi thì miệng mới nói, thân mới thực hành theo mệnh lệnh của tâm. Đức Phật dạy: “Chúng ta phải biết điều phục tâm”, có đoạn Ngài lại dạy: “Tâm chúng ta đi khắp ba cõi sáu đường, tâm tạo thiên đường, tâm cũng tạo địa ngục”.Có mấy vần thơ nói về “Thiểu dục, tri túc” Hòa thượng Hoàn Quan đã dịch:
“Chen chúc lợi danh khắp cõi trần
Sao bằng dưỡng tánh chốn am tranh
Gà lồng, lúa đủ, không toàn mệnh
Hạc nội lương oi được vẹn phần
Phú quý trăm năm không giữ mãi
Luân hồi sáu nẻo dễ xoay vần
Khuyên ai sớm tỉnh đường tu tiến
Kẻo mất thân này khó gặp thân.”
Trong kinh Di Giáo, Đức Thế Tôn luôn nhắc nhở đệ tử về Tam vô lậu học, đó là Giới, Định và Huệ. Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ-kheo, sau khi ta diệt độ, các Thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như người mù tối được sáng mắt, người nghèo khổ được của báu, như qua sông gặp ghe thuyền. Phải biết tịnh giới là Thầy của các ông, nếu Như Lai ở đời cũng không khác giới này vậy.”
* Giới: là chính thuận căn bản của sự giải thoát, nên Như Lai mệnh danh là Ba-la-đề-mộc-xoa. Nhờ Giới mà phát sinh Thiền định và Trí huệ, có năng lực trừ diệt các thống khổ.
* Định: Đức Phật dạy rất rõ: “Năm thứ giác quan do tâm chủ động, vậy các Thầy phải chủ động chế ngự tâm mình. Tâm còn đáng sợ hơn cả rắn độc, thú dữ, giặc cướp, v.v… Các Thầy phải hàng phục tâm chớ nên phóng túng, phóng tâm ra thì tan nát các công đức lành. Chế ngự tâm lại một chỗ, thì việc gì lại chẳng thành tựu. Lúc ta thiền định, thì tâm có thể thấu triệt được trạng thái chuyển biến của vũ trụ, vì thế các Thầy phải tinh tấn thực tập thiền định.”
* Huệ: Đức Phật dạy rằng: “Các Thầy Tỳ-kheo, hễ có trí huệ thì vô minh bị đẩy lùi, hãy luôn luôn tự tỉnh thức, không để lầm lỗi xảy ra, Trí huệ là chiếc thuyền chắc nhất vượt qua biển khổ sanh tử, là ao thanh lương tắm gội trừ nhiệt não, là ngọn đèn sáng trừ mọi chỗ tối tăm. Vì thế các Thầy phải thường tư duy, quán chiếu “Văn, Tư, Tu” làm kim chỉ nam, để đi trên con đường giải thoát, đạt đến chỗ an lạc tối thắng.”
Vua Trần Thái Tông diễn tả tâm thanh tịnh qua hai câu thơ:
Ngàn sông có nước, ngàn trăng hiện
Muôn dặm không mây, muôn dặm trời.
Câu 1: Khi tâm lặng trí sáng, ta thấy muôn sự, muôn vật rõ ràng, không có gì làm cho ta lúng túng, lao xao, vạn vật đến, đi tự tại, không ảnh hưởng gì đến tâm của ta.
Câu 2: Không mây là không có phiền não, không có vọng động, khi phiền não lắng xuống, thì tâm thanh tịnh hiển bày, bấy giờ cả bầu trời thênh thang rộng mở. Chỉ còn một tâm không năng, không sở, không người, không ta, không có bốn tướng: tướng nhân, tướng ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả. Trên trời không có vầng mây nào cả, nhất là mây bản ngã, chính nó là vầng mây đáng sợ nhất.
Tâm bình, thế giới an bình
Tâm luôn tự tại, bình minh đẹp trời
Tâm an, thần trí thảnh thơi
Tâm hồn thanh tịnh, nói lời thân thương.
Chăn tâm, điều phục tâm, là việc làm cần thiết của hàng đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Đức Thế Tôn. Trong kinh Hoa Nghiêm Đức Phật đã dạy:
“Nhược nhơn dục liễu tri
Tam thế nhứt thiết Phật
Ưng quán pháp giới tánh
Nhứt thiết duy tâm tạo.”
Nghĩa là:
“Nếu người muốn biết rõ
Tất cả Phật ba đời
Nên quán pháp giới tánh
Tất cả do tâm tạo.”
TKN. Phước Giác