1. Địa điểm, tên gọi
Trên một diện tích hơn 3.000m², Hải Ấn Ni Tự tọa lạc tại số 1/21 đường Âu Cơ, phường 14, quận Tân Bình; nay là đường Trần Tấn, số 107 phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Buổi đầu, chùa mang tên Từ Hóa, là ngôi chùa lá, được xây dựng vào cuối năm 1934 trên khu đất thuộc làng Tân Sơn Nhì (Gia Định), do Sư bà Diệu Tịnh cùng mời các Sư bà Diệu Tấn, Diệu Tánh và Diệu Thuận xây cất ngôi chùa Ni đầu tiên trên đất Gia Định. Năm sau, 1935 lại dời chùa sang làng Tân Sơn Nhất, do quan niệm vùng đất cũ có nhiều chướng khí. Từ đó, chùa đổi hiệu thành chùa Hải Ấn. Tên gọi này được Sư bà Diệu Tịnh, người khai sơn chùa giải thích: “Hải Ấn tức là “tâm chơn như bản giác”; cái tánh nhơn ngã thương ghét vui buồn là tự tâm, phiền não bồ đề cũng là tự tâm. Nói tóm lại, không một pháp nào ra ngoài cái tâm chơn như bản giác.
Vậy thì Ni tự này thành lập cũng do cái tâm, nên lấy hai chữ “Hải Ấn” làm tên, là có ý hàm súc cái ý nghĩa chơn tâm ấy.1”
Lễ khánh thành chùa vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch (30/8/1936). Trên báo Từ Bi Âm lúc ấy cũng có nhận xét về ngôi chùa này: “Chùa tuy đơn sơ nhưng chưng dọn trang nghiêm2.”
Đến năm 1945, do nhu cầu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, chùa một lần nữa phải bị di dời về vị trí hiện nay, do hai bà Ôn Xuân và Ôn Châu hiến cúng. Bấy giờ Ni trưởng Diệu Tịnh đã viên tịch nên Sư bà Huyền Cơ, đệ nhị Trụ trì; Sư bà Huyền Đoan, Sư bà Huyền Đức cùng chung tay xây dựng, nên thời ấy chùa còn có tên gọi là chùa Ba Cô.
Cảnh quan buổi đầu của chùa thuộc khu vực Bà Quẹo, trên đất ruộng rẫy, nhà dân thưa thớt, hoàn toàn khác với khu đô thị với nhiều nhà cao tầng san sát như hiện nay.
Như vậy, kể từ ngày thành lập vào những năm 1935 – 1936 đến nay, chùa đã trải qua 3 lần di dời và trải qua 2 lần trùng tu lớn: vào năm 1975 trùng tu giảng đường và năm 1994 đại trùng tu chính điện. Ba thế hệ trụ trì chùa gồm: Sư bà Diệu Tịnh (1909 – 1941); Ni trưởng Huyền Cơ (1919 – 1961); Ni trưởng Huyền Huệ (1924 – 2015). Hiện nay, Hải Ấn Ni tự được Ban Quản trị chùa gồm 10 thành viên tham gia quản lý, dưới sự chủ trì của Trưởng ban là Ni trưởng TN. Như Nghĩa.
2. Kiến trúc chùa
Dù trải qua nhiều đợt di dời, nhưng kiến trúc của Hải Ấn Ni Tự không có sự khác biệt nhiều, vẫn giữ được những đường nét của một ngôi chùa Nam bộ, với 4 lớp mái tạo dáng bánh ít trên nóc.
Buổi đầu, chùa được xây dựng theo hình chữ tam, gồm 3 dãy nhà trệt song song, gian đầu là chính điện có mái dạng bánh ít, là dạng kiến trúc đình chùa phổ biến ở Nam bộ, nhưng chỉ có một cấp mái. Lúc ấy, duy chỉ có “nóc chính điện là bằng ngói, còn bao nhiêu thì bằng lá3.” Về sau xây dựng thêm một cấp mái nữa để tạo dáng thanh thoát hơn cho ngôi chùa.
Mở đầu cho công trình kiến trúc là cổng tam quan. Cửa chùa có ba lối vào, phía trên có bảng ghi: “Hải Ấn Ni Tự”. Phía trên cổng mái lợp ngói âm dương có trang trí hình bánh xe chánh pháp. Mặt sau cổng tam quan cửa giữa có ghi: “Không Vô tướng, Vô tác”, hai cửa hai bên là “Thiền môn” và “Nghiêm tịnh”.
Điểm nổi bật nhất khi bước qua cổng tam quan chùa chính là khoảng đất rộng của vườn chùa với nhiều cây cảnh được sắp xếp có mỹ thuật và tạo dáng trên một khoảnh sân rộng, nổi bật pho tượng Quan Âm Nam Hải trong tư thế đứng. Bên phải, thấp thoáng sau hàng cây là 4 ngọn tháp có chóp nhọn thanh thoát, được thiết kế theo phong cách kiến trúc tháp của người Khmer Nam bộ. Ngọn tháp quan trọng nhất là tháp hình khối vuông, bên trong tôn trí linh cốt của Sư bà Diệu Tịnh, Ni trưởng Huyền Cơ, vị đệ tử của Sư bà Diệu Tịnh và cũng là người thứ hai kế thế trụ trì Hải Ấn Ni Tự, và Đại đức Ni Huyền Đoan, Đại đức Ni Huyền Đức. Cạnh tháp này là ngôi tháp hình khối lục giác, tôn trí linh cốt của Ni trưởng Huyền Huệ. Trong vườn chùa còn lại hai tháp phổ đồng và hai ngôi mộ của Phật tử.
– Chính điện
Chính điện có diện tích tuy nhỏ nhưng gọn gàng, trang nghiêm. Điều tạo ấn tượng nhất chính là kiến trúc của thượng điện. Đó là một mái vòm cong kiểu gô-tíc, được tạo dáng như một hang động, bên trong đặt pho tượng Thích Ca Mâu Ni Phật. Tầng thấp của thượng điện còn đặt thêm tượng Thích Ca sơ sinh và bộ Tây phương tam Thánh có kích thước nhỏ nhắn, như làm nền cảnh cho pho tượng Phật Thích Ca lớn nhất trên thượng điện.
Hai bên thượng điện, bên trái có tượng Phật Thích Ca tư thế đứng, mang phong cách nghệ thuật của các pho tượng thuộc Phật giáo Nam tông, với tư thế vấn y tay ôm bình bát đi khất thực. Tại đây còn đặt thêm pho tượng Bồ tát Quan Thế Âm và Chuẩn Đề. Đối xứng, bên phải thượng điện là tượng Phật Dược Sư và Thích Ca Niết-bàn.
Như vậy, những pho tượng được đặt tại chính điện của chùa cho thấy phảng phất đường nét giao lưu văn hóa với nghệ thuật tạc tượng của Phật giáo Nam tông tại các quốc gia cận kề Việt Nam như Campuchia, Lào, Thái Lan. Được biết Ni trưởng Diệu Tịnh, người khai sơn chùa đã có thời gian sang Campuchia hoằng đạo.
– Nhà Tổ
Theo phong cách kiến trúc của các ngôi chùa cổ ở Nam bộ, “Tiền Phật, hậu Tổ”, nhà Tổ nối liền cùng một gian với chính điện, chỉ ngăn cách một tấm vách. Tổ đường trang nghiêm thanh tịnh với 2 bàn thờ, ngoài nhìn vào là bàn chư Tăng bên trái và chư Ni bên phải. Tại bàn chư Ni, hình ảnh to lớn đặt giữa là Ni trưởng Diệu Tịnh, hai bên có ảnh của Ni trưởng Nhật Nghiêm và Nhật Quang Huyền Cơ. Bàn thờ của Ni trưởng Huyền Huệ được đặt riêng.
– Nhà giảng
Chiếm diện tích khá rộng là nhà giảng, đồng thời cũng là nhà thọ trai. Tại đây có tủ kinh sách và một số hình ảnh sinh hoạt của các thế hệ Ni trưởng trụ trì trong chùa. Trước bàn thọ trai có bàn thờ Phật Chuẩn Đề.
Ngoài các khu vực quan trọng, phía sau chùa Hải Ấn còn có dãy nhà dành cho chư Ni và văn phòng làm việc của Ban Quản trị chùa.
TS. Đặng Hoàng Lan
Diễn đọc: SC Nhuận Anh
- Theo Hải Ấn Ni tự (2015) Tưởng niệm Ni trưởng Thích Nữ Huyền Huệ (1924 – 2015), Tài liệu lưu hành nội bộ, tr.11.
- Theo Hải Ấn Ni tự (2015) Tưởng niệm Ni trưởng Thích Nữ Huyền Huệ (1924 – 2015), Tài liệu lưu hành nội bộ, tr.10.
- Hải Ấn Ni tự (1973) Lược sử Hòa thượng Ni thượng Hồng hạ Thọ, tự Diệu Tịnh. Lưu hành nội bộ, tr.35.