Có một ông lão, bất cứ việc gì cũng có thể buông xả, một lòng chỉ muốn tận tâm tận lực vung của bố thí. Một người không tranh cãi với người, không cạnh tranh với việc, mới có thể có được một cuộc sống tiêu dao và tự tại như thế ! Khi Đức Phật còn tại thế, vua Ba Tư Nặc tuần du ngoài cửa thành. Vua ngồi trên một con voi trắng cao to, đám người tùy tùng đi theo sau hộ vệ. Trên đường, vua Ba Tư Nặc nhìn thấy từ xa có một ông lão đầu tóc bạc trắng đang đi đến, vua sợ ông lão hãi kinh, liền dặn dò đoàn tùy tùng: “Dừng lại! Dừng lại! Hãy để ông lão có thể từ từ đi qua”.
Khi thấy nghi trượng của vua từ xa, ông lão liền đi chậm lại, xa giá của vua cũng chậm lại và đội ngũ tùy tùng cũng dừng lại, ông mới yên tâm tiếp tục đi về phía trước. Lúc ông đi đến trước mặt những người này. Với giọng nói nhẹ nhàng, nhà vua hỏi: “Này ông lão, nhìn mái tóc bạc trắng của ông, hình như không còn trẻ nữa !”. Ông lão ngẫng mặt lên nhìn vua, mỉm cười một cách ngây thơ, xòe bốn ngón nói với vua: “Tôi mới được bốn tuổi”. Vua hoài nghi: “Ông mới bốn tuổi” ?
Ông lão nói một cách cương quyết: “Đúng ! Tôi mới bốn tuổi. Bởi vì, cuộc sống mà tôi đã trải qua bốn năm trước, là một cuộc sống rất mơ hồ, rối rắm, không biết gì, đó không phải là cuộc sống đích thực. Sau này, rất may mắn được nghe Phật pháp, cho nên tôi đã chịu ân giáo dục của Đức Phật mới có bốn năm. Hiện nay, tôi buông tất cả mọi thứ, một lòng chỉ muốn xả thí, những năm cuối cùng trong cuộc đời của tôi, tôi sẽ cố gắng tận lực trả cho hết. Ngay trong lúc này, tôi cảm thấy việc buông xả là vui vẻ và hạnh phúc biết bao, không so bì, không tính toán với mọi người, trong tâm rất tự tại. Do đấy, biết được trái tim không còn phiền não, thì thân mới nhẹ nhàng, tâm mới bình ổn. Bốn năm nay, tôi đã sống rất tiêu dao tự tại, đây mới là cuộc sống chân chính. Cho nên tôi thực sự muốn làm một đứa trẻ bốn tuổi”.
Vua Ba Tư Nặc nghe xong nói một cách hoan hỉ: “Ông lão à ! Cuộc sống thực sự là cần phải buông xuống, xả bỏ, không tranh cãi với người, không cạnh tranh với việc, đây mới là cuộc sống tiêu dao nhất, ta rất hâm mộ ông, tuy ông nghe Phật pháp chỉ có bốn năm, nhưng cuộc sống của ông đã rất có giá trị”. Để thể hội chân lý Phật pháp, theo đuổi hạnh tích của các bậc Thánh hiền, trước tiên phải học cách cho đi và buông xả. Có một số người thường tự quyết đoán, cho rằng khiêm tốn sẽ làm tổn thương chính mình, hoặc cho rằng sự vật bên cạnh mình đều là thường hằng, là vững chắc, cho nên họ không muốn nhượng bộ. Những kiến giải này giống như mình tự lấy sợi dây thừng rồi tự buộc mình, thật là đau khổ biết bao. Nếu chúng ta không nhanh chóng buông xả tâm phàm phu trước kia, thì làm sao có thể học được hạnh tích của các bậc Thánh hiền? Thật ra, học cho đi, học buông xả, không phải rất khó khăn, đạt được cảnh giới thân nhẹ tâm an, cũng rất dễ dàng. Chỉ vì chúng ta buông chấp ngã không được, nên mới khổ sở như vậy. Hãy buông xuống đi, thì Phật pháp sẽ ở ngay trước mắt.
Sơ lược về Pháp sư Chứng Nghiêm
Pháp sư Thích Chứng Nghiêm sinh năm 1937, thế danh Vương Cẩm Vân, pháp danh Chứng Nghiêm, tự Tuệ Chương, người trấn Thanh Thủy, huyện Đài Trung, Đài Loan. Pháp sư Chứng Nghiêm ra đời vào cuối thời kỳ Nhật Bản cai trị Đài Loan (1895 – 1945). Thuở nhỏ, sư làm trưởng nữ của người chú, gọi chú thiếm là cha mẹ, sau đó theo cha mẹ nuôi chuyển về Phong Nguyên, huyện Đài Trung. Thân phụ sư kinh doanh kịch viện, ông thường qua lại các huyện thành như Đài Trung, Phong Nguyên, Thanh Thủy, Đàm Tử… lúc nào sư cũng luôn theo bên cạnh để hỗ trợ, chia sẻ công việc cho gia đình. Sư rất hiếu kính, và phụng dưỡng cha mẹ rất chu đáo, người dân địa phương gọi sư là “hiếu nữ”.
Sau khi tiếp xúc Phật pháp, sư rất có hứng thú tìm hiểu về tôn giáo. Sư cũng từng đọc qua “Tân Ước Thánh Kinh”, “Cựu Ước Thánh Kinh” và cũng chuyên nghiên cứu “Tứ Thư”. Sư thể hội đạo đức luân lý của truyền thống Trung Quốc từ trong Tứ Thư, chính là phép tắc cần phải tuân theo để duy trì sự ổn định xã hội. Nếu tất cả mọi người an phận giữ mình, thì xã hội chắc chắn sẽ được hài hòa hạnh phúc.
Cũng trong thời gian này, có một tín đồ bán phế liệu đến hỏi sư có cần mua quyển “Kinh Pháp Hoa” cũ rách từ trong phế liệu không? Sư vừa nghe tên kinh Pháp Hoa, trong tâm liền khởi lên niềm vui, liền bỏ ra hàng trăm tệ thỉnh về nhà. Quyển kinh này đến nay vẫn còn tôn trí trong Tinh xá Tĩnh Tư.
Trước khi xuất gia
Vào năm 1960, phụ thân bị xuất huyết não và qua đời, sư đau thương vô hạn, bắt đầu suy nghĩ về đạo lý của cuộc sống. Sau để làm Phật sự cho phụ thân, sư đến chùa Phong Nguyên, được Pháp sư Diệu Quảng tặng quyển “Giải Kết Khoa Nghi”, đến chùa Từ Vân bái lạy “Lương Hoàng Bảo Sám”, sư thể hội được nghiệp lực quả báo nhân duyên trong kinh, và đạo lý vô thường của đời sống con người. Từ đó về sau, sư thường xuyên tìm đến các tự viện, chí nguyện xuất gia cũng bắt đầu nảy mầm trong tư tưởng.
Sư được sư phụ chùa Từ Vân hướng dẫn đến viện Tĩnh Tu ở khu vực Tịch Chỉ, huyện Đài Bắc, chuẩn bị xuất gia, nhưng ba ngày sau, bị thân mẫu tìm bắt đem về. Chúng xuất gia tại chùa Từ Vân chuyên hành trì gia phong Bách Trượng, đó là một việc hoàn toàn đảo ngược tập tục tụng kinh bái sám của Phật giáo Đài Loan vào thời đó, nhưng sự kiên trì về quan niệm xuất gia của họ rất có ảnh hưởng. Sau đó, sư theo Pháp sư Tu Đạo chùa Từ Vân tái độ xuất gia, từ Đài Trung lần lượt đến Cao Hùng, rồi chuyển về Lộc Dã, Đài Đông.
Thời gian sống ở Hoa Liên, Đài Đông trải qua mấy lượt thăng trầm, vô cùng khổ sở. Sư lại chuyển đến các đền miếu, tự viện: Miếu Vương Mẫu Lộc Dã, chùa Thanh Giác Tri Bổn, chùa Ngọc Tuyền – Ngọc Lý, chùa Đông Tịnh – Hoa Liên, Phật giáo Liên Xã – Đài Đông. Sau này, được cư sĩ Hứa Thông Mẫn hướng dẫn, sư và Hứa Thông Mẫn đi hoằng pháp tại chùa Phổ Minh Hoa Liên, và trú ngụ tại nhà họ Hứa. Năm 1962, sau khi Pháp sư Tu Đạo trở về Phong Nguyên, sư còn lại một mình, tự cạo tóc, hiện tướng Sa-di ni, Hứa Thông Mẫn đặt cho sư pháp danh là “Tu Tham”.
Bái sư
Năm 1963, chùa Lâm Tế, Đài Bắc khai đàn truyền giới, Sư chuẩn bị lên Đài Bắc thọ giới. Một Sa-di- ni, tự mình cạo tóc lại đến từ Hoa Liên, chưa từng bái sư, nên không có cách gì để ghi danh thọ giới. Sư đến giảng đường Tuệ Nhật, mua quyển “Thái Hư Đại Sư Toàn Tập”, dự định rời khỏi nơi này, đột nhiên trời mưa to, đang trú mưa thì gặp Trưởng lão Ấn Thuận và xin được bái Trưởng lão làm sư phụ. Do thời gian khai đàn truyền giới quá cấp bách, Trưởng lão Ấn Thuận chỉ khai thị một cách đơn giản: “Con muốn bái ta làm Thầy ư! Nhân duyên thầy trò chúng ta rất đặc biệt, ta nghĩ rằng thời gian quá muộn, nhưng đã xuất gia rồi, con phải nên mỗi giờ mỗi khắc vì Phật giáo, vì chúng sinh con nhé !” và Trưởng lão Ấn Thuận đặt cho sư pháp danh là “Chứng Nghiêm” tự “Tuệ Chương” Sau lễ quy y, sư vội đến chùa Lâm Tế ghi tên chính thức thọ Tỳ-kheo ni giới.
Sau khi thọ giới sư trở về Hoa Liên, chuyên trì tụng, sao chép kinh Pháp Hoa tại điện Địa Tạng chùa Phổ Minh, sau đó chuyển đến chùa Từ Thiện – Hoa Liên, chùa Hải Hội – Cơ Long, mãi đến mùa thu năm 1964, mới cùng với các môn đệ trở về điện Địa Tạng an cư tu hành. Giữ vững lập trường: “Một, không chạy theo kinh sám. Hai, không tổ chức Pháp hội. Ba, không hóa duyên”, sinh sống bằng nghề đan áo len bằng tay, may túi đựng thức ăn, may giày dép trẻ em….
Năm 1967, sư đến thăm một tín đồ đang phẫu thuật ở bệnh viện tư nhân Phong Lâm, nhìn thấy một vũng máu trên sàn nhà, nghe mọi người bàn nói về một phụ nữ thổ dân sẩy thai, vì thiếu tám nghìn nhân dân tệ, nên không cách nào để phẫu thuật, đành phải mang phụ nữ này về bộ lạc. Sau đó, sư lại gặp ba nữ tu Công giáo đi truyền đạo tại chùa Phổ Minh, khi thảo luận về giáo lý, họ nói Phật giáo thiếu sự quan tâm xã hội, sư vô cùng chấn động. Cũng trong năm này, sư theo sự chỉ thị của Trưởng lão Ấn Thuận đến Diệu Vân Lan Nhã ở Gia Nghĩa, được tín đồ thỉnh lưu lại, sư quyết nghị triển khai công tác cứu tế xã hội tại Hoa Liên.
(Còn tiếp)
Pháp sư Chứng Nghiêm giảng trong hội Từ Tế
Thanh Như (dịch) (ĐSHĐ-005)
Ni sinh Diệu Lâm diễn đọc