Nếu có người chuyên tâm niệm Phật, lập nguyện vãng sanh, thời do nơi nguyện lực của người này cùng nguyện lực của Phật, tự nhiên khế hợp, hiện tại vị lai nhất định thấy Phật. Đây thời gọi là thấy sắc thân Phật. Khi sanh về đến Tây phương, mãi mãi không còn thối chuyển nữa, từ đây tinh tấn tu hành, thẳng đến thành Phật. Cho nên nói rằng: Báo thân, Ứng thân, đều dùng Pháp thân làm thể. Như ảnh trong gương, như trăng đáy nước. Chúng ta cần phải hiểu rõ như vậy thời lý sự mới vô ngại, gốc ngọn đồng một thể.
Dùng công đức này hồi hướng về Tây phương, tương lai được ngồi trên đài sen, rất là cao siêu thù thắng. Chẳng mượn phương tiện tự được tâm khai.
Đây cũng có hiện tại và tương lai chẳng đồng. Nghĩa là chúng ta chuyên tâm niệm Phật, không mượn Pháp môn nào khác, như các thứ phương tiện tham thiền, nghiên cứu giáo lý… , chỉ tu một Pháp môn Niệm Phật này thôi, trong tâm mỗi niệm, mỗi niệm chí thành, chấp trì danh hiệu Phật A Di Đà. Như nước vào trong nước, mênh mông thông đạt, do đây liền thời thâm nhập vào biển viên mãn Di Đà, an trụ trong Thật Tướng Chánh Định Như Lai, trượng thừa Phật lực hàm dưỡng, hay khiến cho vô lượng kiếp về sau, nghiệp chướng trần lao dần dần được tiêu dung đến cùng cực, bổn tánh giác ngộ thoạt nhiên khai mở, sự lý trong ngoài đều được tỏ ngộ, hoàn toàn ở trong biển quả chơn thật viên dung sung mãn khắp pháp giới, cho nên, nói rằng: “Chẳng mượn phương tiện tự được tâm khai”. Chỗ này mới gọi là hiện tại tâm được khai mở vậy. Như Ngài Vĩnh Minh Đại Sư có dạy rằng: “Không thiền có Tịnh độ, vạn người tu vạn người đến, chỉ được thấy Di Đà lo gì không khai ngộ”. Cho nên, nói rằng: Phàm người sanh đến Tây phương, đến rồi hoa nở liền thấy Phật, khi nghe Phật thuyết Pháp, liền được liễu ngộ Vô Sanh, thấy rõ thật tướng tâm địa, thoạt tiên đốn khai, hiểu rõ mười phương cõi, có tất cả Y báo, Chánh báo, Sắc pháp, Tâm pháp, hoặc sắc, hoặc không, hoặc nhiễm, hoặc tịnh, thảy đều viên dung một thể, nhứt niệm hiện tiền, Bồ đề chơn thật, không thiếu, không dư. Đây là vị lai tâm được khai mở vậy. Xem đây có thể biết Pháp môn Niệm Phật, hạ thủ công phu rất dễ mà kết quả thành tựu rất là cao tột, mọi người đều có thể tu tập được. “Tam Thân (Pháp thân, Ứng thân, Hóa thân) rộng nhiếp, lợi độn toàn thâu”. Chính là phương pháp Liễu Sanh Thoát Tử, nhập Thánh siêu Phàm, là phương tiện thứ nhứt trong các phương tiện, mau lẹ hơn hết trong các sự mau lẹ. Trọn không có pháp nào có thể hơn Pháp môn Niệm Phật. Lại phải tin cho chắc Pháp môn Niệm Phật thật là một pháp Thiền vô thượng thậm thâm vi diệu. Vì sao vậy? Sau khi đã sanh về đến Tây phương Tịnh độ rồi, đâu thể không được khai ngộ? Khi đã được khai ngộ rồi thì sẽ thành Phật. Đã thành Phật rồi thì còn có pháp nào tối thắng hơn quả Phật ư?
“Như thân người có mùi hương, mùi hương thơm này gọi là Hương Quang Trang Nghiêm.”
Đây là một ví dụ rất là vi diệu, rất là sáng tỏ dễ hiểu, có thể hay khiến cho người từ cạn vào sâu, cho đến đạt tới chỗ rốt ráo. Bởi vì sao? Ví dụ như chúng ta không nhứt tâm niệm Phật, tức niệm chúng sanh, chẳng niệm Tịnh độ, nhứt định niệm Ta Bà. Niệm niệm chẳng bỏ, tâm tâm chẳng quên, gắn bó như keo sơn, khó thoát khó lìa, cho đến trọn đời, không giờ nào bỏ quên, thường bị trần lao ngũ trược cõi Ta bà che lấp, như ở chỗ tối tăm nhơ bẩn, chẳng hiểu chẳng biết, thì làm sao có được hương thơm sáng suốt? Nay, mỗi niệm mỗi niệm tâm rất chí thành, nhớ Phật niệm Phật. Đây chính do nơi tâm mình, nhập vào quả giác của Phật. Lâu ngày thâm nhiễm, từ từ vào sâu. Như người vào trong nhà có hương thơm và ánh sáng, mà từ từ được thấy rõ, từ từ được giác ngộ thanh tịnh, hay đoạn trừ hết những Hoặc nghiệp trần lao, thân chứng thật tướng Đạo quả Giác ngộ của Như Lai, được Đức Như Lai bảo bọc nuôi dưỡng, công đức trí huệ được trang nghiêm sáng chói, cũng thấy rõ được Hoặc nghiệp trần lao dần dần giảm bớt. Trí huệ sáng suốt từ từ thông đạt đến chỗ rực rỡ viên mãn. Cho nên nói rằng: như người ướp hương, trong thân có mùi hương thơm, mùi hương thơm này tên là Hương Quang Trang Nghiêm. Lại nữa, hương cũng ví dụ cho tánh đức, quang ví dụ cho trí đức, nghiêm ví dụ cho tu đức. Do tu đức mới hiểu rõ tánh đức của mình. Do hiểu rõ tánh đức của mình, mới biết được tánh đức của Phật xưa nay tự nhiên đồng một thể, không một mảy may ngăn cách. Nếu có ngăn cách, chỉ vì nghiệp thức vậy. Nay muốn tiêu trừ nghiệp thức trần lao nhiều kiếp, hoàn toàn chứng được tự tánh trí huệ sáng suốt, tức nhiên tâm niệm phải chí thành, trì danh hiệu Phật. Do nơi tâm của mình, nhập vào quả giác của Phật. Như nước hòa với nước. Huân tu lâu ngày tự nhiên từ từ thông đạt được bản tâm sáng suốt, thể tánh viên minh rực rỡ của mình. Quả giác Như Lai, tức là bản tánh giác ngộ của mình. Tự mình vốn sẵn có bản tánh giác ngộ, đây tức là quả giác Như Lai. Muốn nhập quả giác Như Lai thì tự mình nên giác ngộ bổn tánh sáng suốt của mình. Chẳng lìa tự tánh giác ngộ của mình mà riêng có Quả giác Như Lai, cùng chẳng lìa quả giác của Phật mà riêng có tự tánh giác ngộ của mình. Vì bản tánh sáng suốt của mình là nguyên nhân thống nhiếp tất cả trong biển quả. Hiểu được nguyên nhân này rồi thì mỗi câu niệm Phật hiển bày được tự tánh viên thông, thấu triệt được cội nguồn nhơn quả, mỗi niệm, mỗi niệm an trụ ở nơi quả giác trang nghiêm của Như Lai. Chỗ này gọi là dùng sự trang nghiêm của Phật mà tự trang nghiêm cho mình, dùng chỗ an trụ của Phật mà tự an trụ cho mình. Đây chính là nhờ oai lực thâm sâu của Phật mà được vậy. Chúng ta cần phải nỗ lực huân tu, công đức không mất. Gần thì hiện tại được đốn ngộ, xa thì về Tây phương ắt được khai ngộ. Tuy phẩm vị có cao thấp khác nhau, nhưng cùng thấy Phật chậm mau không khác. Khi đạt đến quả vị thành Phật rồi, tức đều bình đẳng không có sai biệt, đồng chứng Vô Thượng Bồ Đề. Từ đây trở lên, phần hiển bày lý nghĩa Viên Thông lược giải đã xong.
TKN. Như An (ĐSHĐ-138)