Giác Minh Diệu Hạnh Bồ tát khai thị pháp ngữ Niệm Phật về Thượng phẩm.
Này Thiện nam tử! Tâm vốn không suy nghĩ, suy nghĩ tức là chạy theo vọng tưởng, vọng tưởng tức là hư dối, sẽ bị trôi lăn trong đường sanh tử. Người nên biết, ngày nay niệm một câu A Di Đà Phật, thì vọng tưởng chẳng sanh khởi được; cũng chẳng theo câu niệm Phật mà có vọng niệm, chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, cũng chẳng có tướng mạo, tức là dứt được tất cả các vọng tưởng. Thân của chư Phật Như Lai rất chơn thật thanh tịnh vi diệu. Chẳng phải một, chẳng phải hai, cũng chẳng thể phân biệt được. Người có tâm niệm Phật được như thể ấy, thì các trần lao phiền não không còn tiếp tục trói buộc, đây gọi là Nhứt Tâm Niệm Phật, khi đã được Nhứt Tâm rồi, mới đặng gọi là chuyên trì danh hiệu Phật, cũng gọi là niệm Phật được Nhứt Tâm Bất Loạn, Tịnh Nghiệp được thành công, sẽ thẳng đến quả vị Thượng phẩm.
Đức Phật Thích Ca đã dạy rõ ràng như thế. Xét ra bài pháp ngữ này cốt để mở bày phương pháp niệm Phật rất quan trọng. Do cớ sao? Như người Niệm Phật gọi là xa lìa trần cấu Niệm Phật, thanh tịnh Niệm Phật, thông đạt Niệm Phật, sáng suốt Niệm Phật, thật tướng Niệm Phật, viên dung Niệm Phật, không phân biệt Niệm Phật, bất tư nghì Niệm Phật, đệ nhứt nghĩa đế Niệm Phật. Đây nói rằng chẳng cần phải niệm một câu Hồng Danh Đức Phật khác, như vậy có mau khế hợp với Pháp Thân thanh tịnh của Đức Phật Di Đà chăng? Sao người đời nói rằng Pháp môn Niệm Phật chỉ chuyên tiếp độ những người ngu-phu-ngu-phụ, thật là chẳng hiểu biết gì về giáo lý hết. Như Pháp Môn Niệm Phật đây, là phương pháp thẳng tắt đến Thượng phẩm, chẳng cần phải là bậc người đại triệt đại ngộ mới có thể gánh vác thừa sự đảm đang, cho nên, mới có phân biệt sự lý cạn sâu vậy. Do đây, Bồ tát nói rằng: Thành tựu được công đức tịnh nghiệp là thẳng đến Thượng phẩm. Xét nơi văn này đâu có thể gọi là ngu-phu-ngu-phụ vậy. Đã phân biệt rằng có sự lý cạn sâu, chính đây là tùy theo căn cơ chúng sanh trạch pháp, tùy theo ý thích tu hành. Tuy có phẩm vị cao thấp khác nhau, nhưng đến khi chứng quả vị rốt ráo rồi chỉ có một. Đây gọi là Pháp môn Tịnh độ, xứng hợp trùm khắp cả ba căn (thượng căn, trung căn, hạ căn) trí ngu đều thông đạt, rộng nhiếp khắp quần sanh, không Pháp môn nào hơn Pháp môn Niệm Phật này vậy.
TKN. Như An (ĐSHĐ-141)