Năm 2014, Hội nghị Ni giới Phật giáo Quốc tế lần thứ hai được tổ chức tại Paro, Bhutan. Trong hội nghị, cuộc đối thoại sôi nổi đã dẫn đến các lễ xuất gia sa di giới đầu tiên (Skt: sramanerika) cho Ni chúng Phật giáo ở Bhutan, với một buổi lễ được tổ chức chỉ vài tuần sau đó. Lễ xuất gia bao gồm 144 vị Ni đến từ bảy Ni viện trong cả nước. Tâm nguyện thọ giới xuất gia trọn vẹn cho Ni chúng (Skt: bhikṣuṇī) đã nảy mầm tại hội nghị và được các chư Ni nuôi dưỡng từ đó và để phục vụ cho các chư Ni.
Trong quá khứ, hầu hết Ni chúng đều biết rất ít về việc thọ giới Tỳ-kheo-ni bhikṣuṇī (được gọi là gelongma dompa) vì việc này chưa bao giờ là một phần của các cuộc bàn luận. Các thế hệ trước biết rất ít về thọ giới Tỳ-kheo-ni và thậm chí còn ít nói về chủ đề này hơn. Các cuộc trò chuyện lẻ tẻ về chủ đề này thường là những cuộc trao đổi hạn chế, chẳng hạn dòng truyền thừa bhikṣuṇī đã không đi từ Ấn Độ đến Tây Tạng như thế nào và do đó chưa bao giờ được thành lập ở Bhutan. Những kế hoạch thú vị để phục hồi dòng truyền thừa bhikṣuṇī hầu như không thể tưởng tượng được.
Tục ngữ có câu: “Không phải cơn bão nào cũng đến để phá vỡ cuộc sống của bạn; một số cơn bão đến để dọn đường cho bạn.” Trong thời gian gần đây, cơn bão dữ dội mà chúng ta gọi là đại dịch COVID-19 đã mang đến những bài học sâu sắc về sự vô thường. Mọi người trên khắp thế giới đã phải chịu đựng rất nhiều về nhiều mặt – thiếu lương thực và thuốc men, mất quyền tự do và các thành viên trong gia đình – và không quốc gia nào không bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng cũng đã mang đến cho nhân loại cơ hội để hành động khôn ngoan hơn, suy nghĩ vượt trội và vượt ra khỏi vùng an toàn của chúng ta. Những người không bao giờ có cơ hội cho đi đã cho đi; những người bị bỏ mặc giờ đã nhận được hỗ trợ từ bạn bè, gia đình, người lạ và Chính phủ của họ. Trong trường hợp của Bhutan, cộng đồng tôn giáo đã siêng năng cống hiến cho xã hội bằng hiện vật và cầu nguyện cho nhân loại và tất cả chúng sinh có thể thoát khỏi đau khổ. Chúng ta thật may mắn khi Đức vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và Chính phủ hoàng gia tận tâm bảo vệ người dân Bhutan, giống như cha mẹ bảo vệ đứa con duy nhất. Với mối quan tâm sâu sắc đến triển vọng của phụ nữ và trẻ em gái trong các Ni viện của Bhutan, Nhà vua, Thánh Đức Je Khenpo Tulku Jigme Chhoeda thứ 70 và Hoàng Thái hậu Ashi Tshering Yangdoen Wangchuck đã cống hiến hết mình cho việc thúc đẩy giáo dục cho Ni chúng và nâng cao địa vị của họ trong xã hội hiện đại.
Với suy nghĩ này, Nhà vua đã thực hiện một lời khẩn cầu hoàng gia vào ngày 6 tháng 4 năm 2021, thỉnh cầu Đức Je Khenpo, Trưởng lão của dòng Drugpa Kagyu (trường phái Phật giáo lớn nhất của Bhutan), truyền thọ giới Tỳ-kheo-ni đầy đủ cho các Ni sư tận tụy đã thọ giới Sa di ni sramanerika. Sự phát triển quan trọng này diễn ra tại ngôi chùa xinh đẹp của chính Ngài Je Khenpo, còn có sự tham gia của Nữ hoàng Jetsun Pema Wangchuck, Thái hậu Ashi Tshering Yangdoen Wangchuck, Hoàng thân Gyaltshab Jigme Dorji Wangchuck (đại diện của Nhà vua ở Đông Bhutan), và vợ của ông là Ashi Yutsho Lhamo. Sự sắp xếp chưa từng có này đã được tổ chức vào ngày 25 theo lịch âm của người Bhutan, thường được gọi là Ngày Dakini, chính là ngày tôn vinh các vị nữ giác ngộ. Cuối cùng, những người phụ nữ đáng kính đã thọ giới sramanerika được khuyến khích rằng họ sẽ được trao quyền nhiều hơn để mang lại lợi ích cho xã hội nhiều hơn nữa.
Tin tức dường như quá tốt để trở thành sự thật và nhiều người trong chúng tôi cảm thấy như thể chúng tôi được đưa trở lại thời của Vua Trisong Detsen, vị Pháp vương vĩ đại của Tây Tạng, người đã thỉnh cầu Bồ tát Khenchen (Śāntarakṣita) tiến hành lễ truyền giới đầu tiên cho bảy vị Sư tăng Tây Tạng đang truyền bá Phật giáo ở đó. Bầu không khí không thể sâu lắng hơn, trong bối cảnh là những bức tượng của ba vị sáng lập Phật giáo Himalaya (Khen lop chö sum) gồm có Pháp vương Trisong Detsen, Pandita Śāntarakṣita, và Guru Padmasambhava (thường được gọi là “Guru Rinpoche”), người đã giới thiệu Phật giáo ở Bhutan.
Cuối cùng, sự kiện khó quên của lễ thọ giới bhikṣuṇī hiện đại đầu tiên đã diễn ra vào năm 2022. Thật tốt lành, buổi lễ được cử hành vào ngày 21 tháng 6, một ngày không chỉ là ngày của Ni giới Bhutan mà còn là ngày sinh nhật của Thái hậu, người bảo trợ hoàng gia cho Quỹ Ni chúng Bhutan. Địa điểm của buổi lễ cũng tốt lành không kém khi được tiến hành tại chùa Ramo Thangkha dưới chân Tu viện Taktsang Palphug (hay Tiger’s Nest) nổi tiếng, được xây dựng xung quanh hang động thiền định của Guru Rinpoche. Điều quan trọng hơn nữa, người dân Bhutan tin rằng chùa Ramo Thangkha – nơi thực hiện nghi lễ được Gelongma Palmo thành lập vào thế kỷ thứ X và XI. Là một bhikṣuṇī nổi tiếng đã chịu đựng gian khổ vô cùng, Gelongma Palmo sinh ra là một công chúa Kashmiri, bà đã rời bỏ nhà cửa và đặc quyền của hoàng gia để trở thành một Ni cô. Ngày lịch sử này sẽ mãi mãi được đánh dấu như một thời khắc quyết định không chỉ đối với Bhutan, Ni chúng và Tổ chức Ni giới Bhutan, mà còn đối với toàn bộ lịch sử Phật giáo.
Vào ngày hôm đó, Đức Pháp vương Je Khenpo đã truyền giới Tỳ-kheo-ni cho 144 vị Ni. Các Ni đến từ 13 Ni viện và có một số nữ tu đã độc lập dành toàn bộ cuộc đời mình để nhập thất. Trong cả nhóm có 20 vị Ni đến từ Ladakh và Tashi Jong, Himachal, Ấn Độ.
Vào ngày lễ truyền giới, Thánh Đức Je Khenpo đã chia sẻ thông điệp sau:
Tôi xin trình bày sơ lược về lễ thọ giới Tỳ-kheo-ni cho Đại hội tại đây. Hơn một trăm bốn mươi phụ nữ là hiện thân của trí tuệ hôm nay đã thọ giới Tỳ-kheo-ni. Đó là một thời khắc lịch sử và là một bước tiến bộ mà chúng ta đã thực hiện để bắt nhịp với thời thế đang thay đổi. Đây cũng là một cách để hoàn thành tâm nguyện cao quý của Đức vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck và Hoàng Thái hậu Gyalyum Tshering Yangdoen Wangchuck.
Hơn 2.500 năm trước, mặc dù cộng đồng Tỳ-kheo-ni phát triển mạnh ở Ấn Độ, nhưng lại không tiếp tục lan sang Tây Tạng khi Phật pháp truyền bá ở đó. Vì vậy, người ta đã tuyên bố rộng rãi rằng sự truyền giới bhikṣuṇī không tồn tại ở Tây Tạng. Do đó, một số người giữ quan điểm này cho rằng phụ nữ không thể, vì thế, có cơ hội trở thành bhikṣuṇī – như thể lửa đã tắt, nước đã cạn. Quan điểm như vậy, tôi cho là không đúng.
Khi tôi giữ danh hiệu Je Khenpo, tôi chịu trách nhiệm bảo tồn và phát huy truyền thống giáo lý và thực hành những lời dạy quý báu của Đức Phật ở Bhutan. Đức Pháp vương Jigme Khesar Namgyel Wangchuck, vì sự quan tâm cao cả của Ngài đối với những người phụ nữ đã bước vào con đường của Giáo pháp nhưng không có cơ hội thọ giới trọn vẹn. Mặc dù có rất nhiều tu viện dành cho nữ giới ở Bhutan đã giao phó cho tôi phục hồi việc thọ giới bhikṣuṇī.
Tôi đã chọn tiến hành lễ thọ giới bhikṣuṇī thông qua Tăng đoàn bhikṣu (Tỳ kheo) của dòng truyền thừa Nhất Thiết Hữu Căn Bổn (Mulasarvastivada). Miễn là nó được hỗ trợ bởi kinh điển Vinaya của Đức Phật và nghi lễ được tiến hành theo đúng mục đích, thì không cần phải có bất kỳ sự chấp thuận nào nữa. Đây không phải là lúc để tham gia vào các cuộc tranh luận – phủ nhận điều này trong khi khẳng định điều khác – nhưng đây là lúc để nhận ra các ưu tiên thích hợp về mục đích và lợi ích và đưa chúng vào hành động; không có lý do gì cho bất kỳ sự sợ hãi hay xúc phạm nào. Các hoạt động giác ngộ của Đức Phật được giảng dạy vì lợi ích cơ bản của tất cả chúng sinh.
Vì vậy, mỗi người trong các bạn đã thọ giới Tỳ-kheo-ni không cần phải nghi ngờ gì về việc mình đã đắc giới. Cũng phải biết rằng đây không phải là việc tạo ra một thực hành nghi lễ mới mâu thuẫn với Phật pháp bằng cách sử dụng quyền lực của Nhà vua hay người đứng đầu tinh thần của Bhutan.
Những ngày này, bất cứ khi nào tôi nhìn vào hình ảnh của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, mỗi hình ảnh dường như đang mỉm cười rạng rỡ với tôi, điều mà tôi nghĩ là một dấu hiệu sớm cho thấy những gì tôi đang làm là không sai. Nếu những hình ảnh này có thể nói được, tôi tin chắc rằng hình ảnh đó sẽ tuyên bố: “Điều này thật xuất sắc!”
Một trong những tân bhikṣuṇī nói với chúng tôi: “Ở đây trong khu rừng nguyên sơ này, trong những chiếc lều được dựng lên đẹp đẽ và lắng nghe những lời dạy của Đức Phật thật là điều không thể diễn tả được. Trải nghiệm này không giống với bất cứ điều gì tôi đã trải qua trong suốt cuộc đời mình. Thay mặt cho tất cả chư Ni đã tham gia lễ truyền giới này, tôi muốn cảm ơn Đức vua và Đức Je Khenpo đã đồng ý truyền giới cho chúng tôi. Chúng tôi rất biết ơn Hoàng Thái hậu vì sự hỗ trợ không mệt mỏi của bà đối với các chư Ni. Bà ấy thực sự là một Pháp Nữ vương đối với chúng tôi.”
Một số chư Ni thọ giới ngày hôm đó đã hoàn thành nghiên cứu sau đại học nâng cao và là những học giả tôn giáo nổi tiếng với bằng cấp khenmo và lopenma. Giờ đây, khi đã được công nhận là bhikṣuṇī, nền tảng học vấn của họ sẽ càng được công nhận có ý nghĩa hơn và đóng góp nhiều hơn với tư cách là giáo viên. Ngoài ra, quá trình tu tập của họ sẽ trưởng thành và có thể được coi là hoàn thiện khi nghiên cứu các quy tắc đã được thiết lập về giới mà Đức Phật đặt ra (Luật tạng), tôn trọng giới luật và tuân theo những lời dạy của Đức Phật một cách phù hợp. Do đó, thật vô cùng hài lòng khi biết rằng những chư Ni này giờ đây sẽ có thể bắt tay vào dòng nghiên cứu cổ điển mà các chư Tăng đã thọ giới hoàn toàn nhận được.
Tam tạng kinh điển, giáo lý của Đức Phật (được gọi là Lung denod sum ở Bhutan), bao gồm:
1. Vinaya Pitaka (Luật tạng)
2. Sutta Pitaka (Kinh tạng)
3. Abhidhamma Pitaka (Vi diệu pháp tạng)
Triśikṣā, tam học (Lam lbapa sum), bao gồm:
1. Śīlaśikṣa (Giới học)
2. Samādhiśikṣa (Định học)
3. Prajñāśikṣa (Huệ học)
Trong khi các tông phái Đại thừa khác nhau có thể không yêu cầu tất cả các Tăng Ni phải rèn luyện toàn bộ Tam tạng và Tam học, nhưng nhờ vào giới nguyện Đại thừa của họ, tất cả các Tăng Ni phải rất coi trọng. Việc thọ giới trọn vẹn đặc biệt quan trọng đối với giới luật, vì có một sự khác biệt đáng kể giữa việc tuân thủ giới luật khi xuất gia và tuân theo chúng khi chưa xuất gia. Ví dụ, nếu tôi đã phát nguyện không ăn thịt trong một năm, là một người xuất gia, tôi sẽ tuân thủ nghiêm ngặt để không vi phạm lời thề của mình. Nhưng nếu tôi chỉ quyết định một mình mà không tuyên thệ long trọng, tôi có nhiều khả năng sẽ chùn bước. Do đó, về mặt đạt được công đức, có một sự khác biệt đáng kể giữa việc thực hành có và không thọ giới đầy đủ. Tương tự như vậy, có một sự khác biệt rất lớn giữa việc thực hành Phật pháp thông qua nghiên cứu và hiểu biết, và thực hành bằng cách siêng năng tuân thủ giới luật trong cuộc sống hàng ngày. Tổ chức Ni chúng Quốc tế Bhutan thực sự tin rằng để các chư Ni của chúng ta có thể mang lại lợi ích tối đa cho xã hội, họ cần được giáo dục tốt để tiếp cận với tất cả các giáo lý có sẵn, để trở thành người nắm giữ tất cả các giáo lý.
Đức Phật đã tuyên bố rất rõ ràng trong những câu kệ sau:
བཅོམ་ལྡན་འདས་ཀྱིས་མདོ་ལས། (Trích dẫn lời của chính Đức Phật):
ངག་གང་འདུལ་བ་ལ་སྣང་ མདོ་སྡེ་ལ་འཇུག་
མངོན་པའྱི་ཆོས་ཉྱིད་དང་མྱི་འགལ་ན་ཆོས་སམ་
སངས་རྒྱས་ཀྱི་བཀའ་ཡྱིན་པར་བཟུང་དགོས།
(Lời nói xuất hiện trong Luật tạng và áp dụng cho các kinh điển, và không mâu thuẫn với thực tại của Vi Diệu Pháp, phải được lấy làm lời nói của Đức Phật).
ཆོས་གང་འདུལ་བ་ལ་མྱི་སྣང་།
མདོ་སྡེ་ལ་མྱི་འཇུག་
མངོན་པའྱི་ཆོས་ཉྱིད་དང་འགལ་ན་
ཆོས་ཡྱིན་པར་བཟུང་བར་མྱི་བྱའོ།།
(Lời nói không xuất hiện trong Luật tạng, và không áp dụng cho các kinh điển, nhưng mâu thuẫn với thực tại của Vi Diệu Pháp, không được lấy làm Phật pháp).
ཅྱི་སྡེ་ཡང་མདོ་སྡེ་ལ་འཇུག་པ་དང་འདུལ་བ་ལ་སྣང་བ་དང་མངོན་པ་དང་མྱི་འགལ་བ་ནྱི་སངས་རྒྱས་ཀྱི་ཚིག་ཡྱིན་ལ་གཞན་དུ་ནྱི་བདུད་ཀྱི་ཚིག་ཡྱིན་ནོ།།
(Cũng vậy, lời nói nào không áp dụng vào Kinh điển, xuất hiện trong Luật tạng và không mâu thuẫn với thực tế của A-tỳ-đàm thì không được coi là lời Phật mà là lời của ma quỷ).
Chính lời của Đức Phật đã nhấn mạnh tầm quan trọng tối đa của việc cho phép các chư Ni tiếp cận với những nguồn tài nguyên này, để họ cũng có thể hoàn toàn an trụ, giác ngộ và truyền bá Giáo pháp. Điều này chỉ có thể thực hiện được bằng cách thọ giới bhikṣuṇī và nghiên cứu Luật tạng cũng như các kinh văn liên quan khác mà thông thường không có trong chương trình giảng dạy của họ.
Điều vô cùng quan trọng, như tất cả chúng ta nên ghi nhớ, người ta dạy rằng kiên trì phục tâm mình một cách khéo léo là tinh hoa của Giáo pháp và Luật tạng. Nguyện cho vinh quang của điềm lành tỏa sáng và làm đẹp thế giới, vì bằng mọi cách, giờ đây chúng ta có thể thực sự gọi Bhutan là “vùng đất trung tâm” bao gồm đầy đủ Tăng đoàn tứ chúng, hoàn chỉnh với các Tỳ-kheo-ni bên cạnh các Tỳ kheo, cư sĩ (upāsakas) và nữ cư sĩ (upāsikā).
Điều quan trọng cần biết là các nhà lãnh đạo từ nhiều phái khác nhau, bao gồm cả Đức Đạt Lai Lạt Ma, đã chính thức ủng hộ việc xuất gia cho bhikṣuṇī trong nhiều năm. Ngoài ra, Đức Pháp vương Je Khenpo và ủy ban của ông, những người đã nghiên cứu kỹ lưỡng lĩnh vực này, đã xuất bản một tài liệu sẽ mang lại lợi ích cho bất kỳ ai mong muốn biết thêm về truyền giới đầy đủ, đồng thời giải thích nguồn gốc và những lợi ích mà nó mang lại.
Trong quá trình chuẩn bị cho sự kiện lịch sử này, Tổ chức Ni giới Bhutan đã tham khảo ý kiến và tìm kiếm sự hỗ trợ của tất cả các vị thầy cao cấp và những người sáng lập các Ni viện lớn ở Bhutan. Đổi lại, chúng tôi đã nhận được vô số sự hỗ trợ vô điều kiện và lòng biết ơn đối với Đức Je Khenpo, Nhà vua và Hoàng Thái hậu vì sự lãnh đạo từ bi của họ trong việc hỗ trợ những người phụ nữ đã cống hiến cuộc đời mình cho Giáo pháp.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, thay mặt cho các Ni sư của Bhutan, tôi muốn nhân cơ hội này cảm ơn các nhà tài trợ và bạn bè của Tổ chức Ni giới Bhutan vì sự hỗ trợ tận tình của họ từ những ngày đầu thành lập. Dự án đầy ý nghĩa này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ của Cơ quan Tu viện Trung ương (Zhung Dratshang), bao gồm cả Chủ tịch Paro Dratshang. Chúng tôi cũng cảm ơn chính quyền địa phương Paro, Tổ chức Nhà vệ sinh Bhutan đã cung cấp một môi trường lành mạnh và tất cả những người đã dựng những chiếc lều xinh đẹp cho chư Ni. Cầu mong công đức mang lại được chia sẻ cho tất cả chúng sinh và cầu mong tất cả chúng sinh được hưởng lợi từ những lời dạy của Đức Phật mãi mãi.
Chúng tôi kính chúc Đức Pháp vương, Đức Je Khenpo, và Hoàng Thái hậu thật nhiều sức khỏe và có cuộc sống trường thọ và hạnh phúc.
Tashi Zangmo (Việt dịch – Như Nguyệt) (ĐSHĐ-117)
Chú thích
Vargas-O’Bryan, Ivette M. “The Life of dGe slong ma dPal mo: The Experiences of a Leper, Founder of a Fasting Ritual and Transmitter of Buddhist Teachings on Suffering and Renunciation in Tibetan Religious History.” Journal of the International Association of Buddhist Studies 24:2 (2001): 157-185.
Liang, Jue and Taylor, Andrew S. “Tilling the Fields of Merit: The Institutionalization of Feminine Enlightenment in Tibet’s First Khenmo Program.” Journal of Buddhist Ethics 27 (2020): 231-262.