Reng… reng… reng…
Reng… reng… reng…
Reng… reng… reng…
Ba hồi chuông điện thoại vang lên trong ngôi biệt thự nằm sát ngoại ô Sài Gòn. “Tâm, con ra xem ai gọi thế?”, nghe tiếng mẹ, Tâm nhanh nhẹn chạy ù ra phòng khách nhấc máy.
– A lô, mẹ có nhà không con? – Dạ có, dì chờ con một tẹo ạ!
Nói xong, Tâm vội chạy vào nhà bếp, vẻ mặt hớn hở báo cho mẹ hay dì Út gọi. Hiếu đang loay hoay dưới bếp chuẩn bị nấu đồ ăn đón giao thừa, nghe con nói chị liền ra ngay.
– Chị Hai ơi, năm nay chị về ăn cơm với Má ba ngày tết nha. Từ lúc chị về thăm nhà đến nay đã trên dưới 5 năm rồi, chị không về thăm Má với em nữa. Má nhớ chị lắm! Cứ đến tết lại khóc!
Lặng một giây, Hiếu nói:
– Ừm, để năm nay chị nói anh hai Nghĩa về thăm Má! Cô Út ráng chăm Má thay chị, đợi chị về ăn cơm với Má với Út nghen!
Những ngày cuối năm qua thật nhanh, tiết trời dần chuyển sang xuân. Hoa đào miền Bắc và hoa mai miền Nam đua nhau khoe sắc, bắt đầu nhú những mầm xanh nõn; gió xuân chỉ thổi thật khẽ. Thoắt cái đã 30 tết, đời người sẽ trải qua bao nhiêu lần “ngày cuối năm”; có người 10 lần, 50 lần, có người chỉ đôi lần mà thôi. Hiếu miên man trong dòng suy tưởng, chỉ còn một ngày nữa mẹ con Hiếu sẽ được về thăm Ngoại. Tin… tin… tiếng còi xe quen thuộc vang lên, Hiếu biết Nghĩa (chồng) đã về. Vừa về đến, Nghĩa giục:
– Em nhanh lên! Chuẩn bị hành lý về Mẹ ăn tết, Mẹ hối anh từ hôm qua đến giờ này!
Bình thường khi nghe Nghĩa nói xong Hiếu sẽ đáp dạ vâng, em đi ngay! Nhưng lần này lại khác, thấy vợ im lặng cũng không làm gì, Nghĩa hối vợ đi chuẩn bị hành lý cho kịp về. Hiếu dịu dàng nói 5 năm rồi cả nhà đều về Nội ăn tết, năm nay nên về Ngoại sẽ hợp lẽ hơn.
Nghe vợ lý giải, Nghĩa cau mày:
– Mọi năm em vẫn gửi tiền về cho Má với dì Út năm nay cũng như vậy đi. Ở dưới quê có gì vui mà về!
– Em nhớ Má và Út anh à! Hiếu trầm giọng.
Nghĩa gắt:
– Nhớ gì mà nhớ, dưới quê chỉ cần gửi tiền cho Má là được rồi!
Thấy chồng lớn tiếng, Hiếu im lặng. Bé Tâm nãy giờ đứng phía trong nghe thấy Cha Mẹ nói chuyện, bé chạy đến bên Cha phụng phịu nói nhớ Ngoại đòi về thăm. Đang cơn sân, Nghĩa đẩy bé Tâm về phía Hiếu nói:
– Muốn đi thì đi với Mẹ ấy, Cha phải về Nội!
Từ trước đến giờ Ba cưng chiều Tâm lắm, đôi lúc Tâm “được đằng chân lân đằng đầu” lấn lướt nhưng Ba vẫn xuề xòa cho qua; ấy thế nên lần đầu thấy Cha quát mình, bé giương đôi mắt tròn xoe đầy ngạc nhiên pha lẫn sự hờn dỗi nhìn về phía Nghĩa. Thấy tình hình căng thẳng, Hiếu bảo chồng:
– Anh đừng làm đau con, để em đi chuẩn bị hành lý.
Nghĩa nở nụ cười đắc chí. Bầu trời chiều 30 tết vẫn dìu dịu, ngoài đường bước chân những người con tha hương mưu sinh sải bước dài hơn, nhanh hơn đặng kịp bữa cơm chiều cuối năm cùng cha mẹ, anh em, con cái. Dòng suy tưởng đưa Hiếu về với mẹ bên mâm cơm đạm bạc, với dĩa rau ghém luộc, dĩa cá cơm ram mặn với tép đồng… gắp vài đũa đã hết.
Sáng hôm sau, Nghĩa vừa thức giấc, nghe đầu còn nằng nặng muốn ngủ tiếp… nhưng bất chợt, Nghĩa nhìn đồng hồ đã gần 10 giờ sáng. Nghĩa vội thức dậy và đi ra ngoài tìm Hiếu.
– Em ơi, muộn rồi. Mình đi về Nội thôi!
Một lần, hai lần rồi ba lần, Nghĩa gọi mà không thấy ai trả lời. Nghĩa lục tung mọi ngõ ngách trong nhà cũng không tìm thấy hai mẹ con Hiếu đâu. Không khí lạnh lẽo, cô đơn như muốn nuốt chửng ngôi biệt thự xa hoa, tráng lệ. Nghĩa chộp lấy điện thoại gọi cho Hiếu nhưng đầu dây bên kia đã tắt. Nghĩa trở vào phòng và thấy trên bàn trang điểm của Hiếu một lá thư Hiếu viết cho Nghĩa:
Anh Nghĩa, cảm ơn thời gian qua anh đã hết lòng chăm sóc Mẹ con em và mỗi năm đều gửi tiền về quê biếu cho Ngoại bé. Em cho đây là tấm lòng hiếu thuận anh nghĩ đến Má em, nhưng lúc này suy nghĩ đó không còn đúng nữa. Má dẫu quê mùa, vẫn là người cho vợ anh nên vóc nên hình. Năm năm qua, Má khuyên em nên theo anh về ăn tết bên Nội làm trọn đạo dâu con.
Năm nay, tuổi xế chiều chân chạm dần về bên kia đồi dốc của đời người, lưng còng hơn, giọng khàn đục khó nghe, Má đã già yếu rồi anh biết không. Thương nhớ con cháu nên Má muốn em về thăm, ăn với Má bữa cơm gia đình, phận con đạo hiếu báo đáp công dưỡng dục cao như núi Thái Sơn như nước trong nguồn đâu thể không thuận ý mẹ già. Em tha thiết mong cả nhà cùng đi, anh thật ích kỷ lại còn mạnh tay hất con gái mình ra. Lần này em không cùng anh về Nội để đưa bé về quê ăn Tết với Ngoại cho bé biết cội nguồn, tiếp xúc với đồng ruộng, con trâu, luống khoai; cuộc sống thôn quê thanh đạm, đơn sơ chẳng xa hoa như Sài Gòn, nhưng tình người thấm đẫm, chào anh!
Lá thư làm Nghĩa tỉnh hẳn, đôi tay run lên, nước mắt rơi nhòe trang giấy, cảm giác hối hận xen lẫn xấu hổ tràn ngập thân tâm. Nghĩa đứng phắt dậy, anh hiểu mình nên làm gì để chu toàn phận làm con, nghĩa vụ người chồng. Dẫn xe ra cổng khóa cửa cẩn thận, anh đưa tay lái về hướng miền Tây, không quên chở theo gói quà cúng bàn thờ Tổ tiên nhà mẹ vợ và gấu bông to cho con gái ôm cho dễ ngủ.
Hai tiếng sau, Nghĩa đã có mặt tại Tiền Giang quê nhà của Hiếu; chậm rãi, thận trọng bước vào ngôi nhà tường cấp bốn đã nhiều năm chưa xây sửa lại. Ngôi nhà nhỏ nhưng ấm áp lạ thường. Trên bàn thờ là di ảnh của ba Hiếu. Phía trên thờ Bồ tát Quan Âm với nụ cười từ bi và đôi mắt dịu hiền như đôi mắt người Mẹ. Bất giác, Nghĩa chắp hai tay vái lạy đức Quan Âm với tâm đầy cung kính, miệng thì lâm râm thầm khấn nguyện cho Mẹ con Hiếu quay về với anh. Chợt:
– Ba bé Tâm đó hả? Vào ăn cơm với Má con ơi!
Tiếng gọi đầy yêu thương của Má cắt ngang dòng suy tưởng, anh đi như robot xuống nhà bếp; Ngoan ngoãn ngồi xuống bên cạnh vợ và con. Bé Tâm nhảy bổ vào lòng cha reo lên, vì cha chịu về ăn tết với Ngoại, dì Út, Mẹ và nó. Quay sang Mẹ và Hiếu, Nghĩa nói:
– Con xin lỗi đã làm Má buồn. Anh xin lỗi vì làm con đau, không đưa em và con về Ngoại. Xin má tha lỗi cho con và con xin hứa từ hôm nay con sẽ sống tốt hơn.
Gia đình năm người quây quần bên mâm cơm Tết, không ai bảo ai tất cả đều phá lên cười, một nụ cười ngập tràn hạnh phúc. Ngoài sân cội Mai già bung cánh khoe sắc vàng óng, mấy tấm thiệp tết chao qua chao lại trong gió xuân dìu dịu.
Giác Thanh (ĐSHĐ-126)