Mùa đông về, đồng nghĩa với gió lạnh và bão lũ cũng lần lượt kéo về… Miền Trung, quê hương nghèo khó là trung tâm của nhiều cơn bão lớn và những cơn lũ dâng trào. Ôi! Những ngày tháng qua… hãi hùng, khiếp sợ với những trận bão đổ đến và những cơn lũ cuồn cuộn tuông trào… Những trận thiên tai họa thủy ấy qua đi, cái còn lại chỉ là đổ nát, hoang tàn, và không lâu sau đó, nhiều đoàn cứu trợ đã đến…
Chiều nay, 13 giờ, Đoàn cứu trợ của Ban Từ thiện Xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cũng lên đường đi Quảng Ngãi, Bình Định và Quảng Nam. Gió se lạnh, xe chuyển bánh. Vì hay bị choáng khi đi xe nên tôi được ngồi dãy ghế thứ hai gần một vị Ni trưởng. Sau nhiều ngày liên tục đi từ thiện, quý Ni sư, Sư cô đã thấm mệt, duy bác tài xế vẫn chăm chú lái xe, còn Ni trưởng và tôi thì thầm nói chuyện. Sư kể cho tôi nghe về những lần đi cứu trợ…
Mấy mươi năm với công việc thầm lặng Sư đi khắp nơi, từ đồi núi xa xôi hiểm trở đến đầm phá biển mặn ngút ngàn, đem chút quà đến với mọi người. Tôi im lặng nghe Sư kể, mặc dù điều này tôi đã được biết về Sư rất lâu, nhưng càng nghe tôi càng xúc động vì tấm lòng tràn đầy yêu thương và trái tim nhân hậu của Sư.
Xe vượt qua đèo Phước Tượng, Phú Gia, tôi được nghe Sư đọc thơ của Huy Cận, Thanh Tịnh và những bài Sư sáng tác… Thơ của Sư thật đời thường, thật gần gũi… Tôi đã từng dạy học 36 năm, đứng trên bục giảng với bảng đen phấn trắng, nhưng hôm nay tôi thấy mình như bé lại không khác gì một học trò ngoan, lớp học của tôi là chuyến xe lăn bánh trên những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu. Lúc này đây, Sư là thầy tôi. Tuy không bục giảng, không bảng đen phấn trắng, nhưng Thầy đã cho tôi nhiều bài học bổ ích:
– Về tình người qua những cử chỉ, hành động trao quà;
– Về tấm lòng qua những lời nói yêu thương với những cụ già, người bệnh tật;
– Về lòng nhân ái với những công nhân làm đá dọc đường;
– Về tâm hồn lạc quan khi thấy những cánh cò trắng đang chập chờn trên những cánh đồng sau cơn lũ;
– Về sự yêu thương khi thấy đàn chó bị nhốt trong cũi chở đi bán dọc đường;
– Về sự chịu thương chịu khó khi lê kéo những thùng hàng cứu trợ;
– Về sự nhẫn nại khi qua những đoạn đường bùn lầy, nước đọng;
– Về sự chia sẻ cùng với những đồng đạo, chùa nghèo…
Cứ sau mỗi lần trao quà, Thầy tôi luôn đọc thơ cho những bạn nghèo nghe. Họ im lặng, móm mém mỉm cười rồi vỗ tay sung sướng, đôi mắt đục mờ như sáng lên một tia hy vọng cho ngày mai. Mỗi lần xe lăn bánh qua địa điểm khác tôi lại được nghe Thầy ngâm thơ, Thầy hát những bài hát trong sinh hoạt Gia đình Phật tử.
Bắt đầu giờ học, Thầy tôi không giới thiệu bài, không củng cố, liên hệ thực tế và dặn dò tiết học kế tiếp như tôi thường làm, mà những bài học Thầy dạy thật phong phú, đa dạng và lúc nào cũng hấp dẫn, mới lạ đối với tôi, đồ dùng dạy học là hình ảnh của Thầy thật lung linh sống động. Thầy cảm nhận từng hơi thở ra, thở vào, từ thực trạng cuộc đời… Thầy như hiện thân của mẹ hiền đến với đời để “ban vui cứu khổ”. Tôi thầm cảm phục vô cùng bởi tất bật với bao nhiêu là việc nhưng Thầy vẫn lạc quan, vẫn sáng tác, vẫn hát, vẫn dung dị giữa đời thường.
Thời gian trôi qua thật nhanh !… Xe đã về lại đèo Phú Gia, Phước Tượng… Sau 4 ngày 3 đêm Đoàn Từ thiện đã về Huế lúc 8 giờ tối. Những hình ảnh đẹp, những bài học quý báu tôi có được từ chuyến đi, từ vị Thầy của mình suốt mấy ngày qua, một lần nữa lại hiện về như nhắc nhủ tôi phải ghi nhớ, phải thuộc lòng cho đến hết cuộc đời giả tạm này.
Tâm Ngọc (ĐSHĐ-008)