Từ cuối tháng bảy, đã thấy người ta bày biện các gian hàng bán bánh Trung thu của nhiều thương hiệu nổi tiếng. Đèn lồng cũng được treo đong đưa khắp các cửa hiệu bán đồ chơi trẻ em. Càng đến gần Tết Trung thu, không khí càng nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Trăng rằm Tháng tám dường như cũng đẹp hơn, lung linh hơn.
Tôi đi trên đường phố lô xô nhà cao cửa rộng, đi giữa mùa Trung thu rợp ánh đèn lồng, chợt nhớ lại những mùa trăng cũ hồi còn ở quê nhà.
Thuở thiếu thời, quê tôi mừng đón Trung thu vô cùng đơn giản. Không có những chiếc bánh thơm ngon, không có những chiếc lồng đèn khác biệt. Người lớn chẻ những thanh nan tre đan thành hình ngôi sao năm cánh, dán giấy ngũ sắc thô sơ để tặng cho con cháu. Và hình như chỉ có trẻ con mới cầm lồng đèn đi chơi thành đoàn, thành nhóm. Không có cảnh người lớn thưởng bánh, ngắm trăng, mà chỉ có những ông cụ ngồi uống trà nhìn ra ngoài đường xem con nít rước đèn đêm rằm Tháng tám. Đêm thôn quê, trăng tròn vành vạnh tỏa sáng khắp thôn làng. Từ mái đình, cây đa, lũy tre, đến ngôi nhà lá dột nát đều được trăng soi một ánh sáng bàng bạc diệu kỳ. Ánh lửa từ những chiếc lồng đèn thủ công phả vào trong tiếng ca hồn nhiên vui cười của đám trẻ con đã làm cho không khí làng quê trở nên náo nhiệt, rực rỡ:
“Tết Trung thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm… ”.
Khi đã có gia đình, tôi thay người xưa chẻ nan tre làm lồng đèn cho các con. Dù có màu mè sáng tạo khung vàng, khung đỏ, nhưng cũng vẫn giấy ngũ sắc, hình ảnh ngôi sao năm cánh tươi. Bánh Trung thu mua cho các con chỉ đơn thuần là bánh ngọt rẻ tiền thường thấy. Họa may lắm mới có tiền mua một hộp bánh nướng thơm lừng về tặng cho vợ con. Những lúc ấy, nhìn lũ trẻ hò hét vui mừng làm vợ chồng tôi rơi nước mắt. Dần dần, Trung thu không còn là Tết dành riêng cho trẻ con nữa. Người lớn mượn cái Tết Trung thu của thiếu nhi để tìm kiếm danh lợi cho bản thân mình. Trẻ con trở thành nhân vật thứ yếu. Bánh Trung thu đủ loại hình tung ra thị trường, từ cao cấp cho đến bình dân. Thậm chí, những chiếc bánh không rõ nguồn gốc “rẻ như cho” cũng xuất hiện tràn lan khắp mọi ngõ ngách. Lồng đèn điện tử đủ kiểu bày bán khắp nơi trên phố trông rất mê ly nhưng vô hồn, nhạt nhẽo. Tôi lại cặm cụi chẻ tre làm lồng đèn cho các con. Không phải vì không đủ khả năng mua sắm, mà vì yêu hoài cổ, vì muốn con cái không quên cội quên nguồn. Bỏ qua kiểu dáng ngôi sao năm cánh, tôi cải tiến lồng đèn thành bươm bướm, cá chép, con ong… Dù trông rất thô, phải sửa đi sửa lại nhiều lần nhưng các con tôi thích thú. Chúng cho rằng lồng đèn thủ công nhìn giá trị hơn những lồng đèn điện tử ở chỗ công sức cha mẹ đã làm nên. Những lồng đèn ấy sau ngày trăng tàn, bọn trẻ đem treo vào một góc nhà rất nâng niu, trân trọng: “Con sẽ giữ kỷ vật này đến già.”
Sau này gia đình tôi dọn vào thành phố để bọn trẻ tiện việc đi học. Các con giờ đã lớn, không còn tha thiết với Tết Trung thu. Những chiếc lồng đèn thủ công ở góc nhà cũ chẳng đứa nào còn nhớ tới. Ở thành phố, năm nào gia đình tôi cũng được ăn bánh Trung thu. Những chiếc bánh dẻo, bánh nướng đắt tiền, nhiều vị thơm ngon nhưng cảm giác thấy hụt hẫng một điều gì đó. Bất chợt nhớ lại những mùa Trung thu cũ quê nhà. Nơi tuổi thơ có bao nhiêu ký ức tươi đẹp, êm đềm làm lòng tôi khắc khoải, bồi hồi…
Trần Thái Học