Ni giới thủ đô với sự nghiệp hoằng dương Phật pháp, hộ quốc an dân từ lịch sử đến hiện tại

1. M đu

Phật giáo được hình thành và trở nên hưng thịnh ở Luy Lâu từ thế kỷ II-III. Ánh đạo vàng sau đó đã nhanh chóng được truyền sang các vùng đất khác, cuốn hút đông đảo thiện nam tín nữ tin theo. Tại Thăng Long – Hà Nội, Phật giáo đã trở thành một tôn giáo quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội của quần chúng nhân dân. Câu ca “Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt” đã cho thấy sự lan tỏa và thẩm thấu sâu rộng của Phật giáo vào đời sống thực tế của nhân dân từ xa xưa. Điều này có được là nhờ phần lớn vào công lao hoằng pháp của Tăng Ni Phật giáo Việt Nam. Trong công cuộc hoằng dương Phật pháp, phả độ chúng sinh, đưa Phật giáo trở thành một thành phần không thể tách rời của dân tộc Việt Nam, có sự đóng góp to lớn của Ni giới Việt Nam nói chung và Ni giới Thủ đô nói riêng.

2. Ni dung

2.1. Ni gii Hà Ni trong công cuc hong dương Pht pháp

Cách đây hơn 2.500 năm, đáp lòng thành tâm khẩn cầu của Di mẫu Ma-ha Ba-xà ba-đề và 500 vị nữ trong hoàng tộc, ơn nhờ Ngài A Nan Thưa Thỉnh, mà Đức Phật đã cho phép người nữ xuất gia, hội chúng Tỳ kheo Ni ra đời từ đấy. Hệ thống Tăng đoàn của Phật giáo có đầy đủ tứ chúng từ đây. Chính Đức Phật đã dạy rằng, người nữ xuất gia, giác ngộ tu theo giáo lý Phật Đà, hoàn toàn có thể được giải thoát và chứng đắc quả vị. Khi trả lời Ananda, Đức Phật quả quyết, phụ nữ nếu xuất gia hoàn toàn có thể đạt được sự giải thoát. Đức Phật dạy: “Này Ananda, sau khi xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình trong pháp và luật do Thế Tôn thuyết giảng, có thể chứng được Dự Lưu quả, Nhất Lai quả, Bất Lai quả hay A La Hán quả”1.

Ni giới được hình thành, trở thành một thành viên trong ngôi nhà chung của Tăng đoàn Phật giáo, góp phần quan trọng vào việc đưa Phật pháp đến với muôn dân. Điều này cũng được thể hiện rõ trong cộng đồng Phật giáo ở Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Có thể nói, Ni giới Thủ đô được hình thành và phát triển cùng với Phật giáo Thủ đô. Trong suốt chiều dài lịch sử, Ni giới Thủ đô đã góp phần tích cực vào công cuộc hoằng dương chính pháp, “đưa Phật pháp đến thuở hưng long” như ngày nay. Theo các tài liệu nghiên cứu, các chư Ni Phật giáo ở vùng đất xưa mà nay là Hà Nội đã xuất hiện từ thời Hai Bà Trưng. Điển hình như công chúa Phương Dung, người tham gia khởi nghĩa cùng Hai Bà Trưng, và sau đó tu theo đạo Phật. Ngày nay chùa thờ Sư Bà Phương Dung ở thôn Yên Phú, Thanh Trì, Hà Nội. Sư Bà Phương Dung và các chư Ni Hà Nội thuở ban đầu sống và tu tập trên tinh thần hòa quang đồng trần, độ dân cứu nước khi cần và ẩn tu trong thời bình.

Theo dòng thời gian, Ni đoàn Phật giáo ở Hà Nội dần lớn mạnh và đã xác lập được chỗ đứng vững chắc của mình trong cộng đồng Phật giáo, tham gia tích cực vào phát triển Giáo hội trên các phương diện khác nhau. Thời Lý, có Ni sư Diệu Nhân (1041-1113). Người xuất gia tu học với Thiền sư Chân Không của dòng Thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Về sau người được bổ nhiệm làm trụ trì Ni viện Hương Hải, nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Hằng ngày, Ni sư giữ giới luật và hành thiền, trở thành bậc mẫu mực trong Ni chúng thời ấy. Hữu xạ tự nhiên hương, nhiều người đã đến cầu học Phật pháp từ Ni sư và được Ni sư dạy cho cách tu tập Đại thừa, tu tâm dưỡng tính, gạt bỏ sắc dục, thoát khỏi mê lầm để đạt được chính quả, thể hiện thâm thúy triết lý của pháp quán Không. Những tấm gương tu học, hoằng dương chính pháp của Ni giới Thăng Long – Hà Nội như thế cứ được trao truyền, tiếp nối, trở thành truyền thống quý báu, vun đắp cho các thế hệ Ni giới Thủ đô. Vị thế của Ni giới Thủ đô ngày càng được tinh tiến, trở thành một trong những trụ cột, tiếp dẫn và đưa lời dạy của Đức Phật tới khắp các vùng miền từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi xa xôi và thấm đẫm vào nhiều tầng lớp nhân dân, từ bình dân cho tới vương công quý tộc. Điển hình như thời Nguyễn có Ni trưởng Thích Đàm Soạn, trụ trì chùa Thanh Nhàn, Đức Viên, quận Hai Bà Trưng ngày nay. Đây là vị Ni đầu tiên được mời vào cung đình Huế mỗi năm 3 tháng để thuyết giảng Phật pháp cho hoàng hậu, phi tần của triều Nguyễn.

Các chư Ni dần dần được bổ nhiệm làm trụ trì và nhiều tổ đình Ni, sơn môn Ni được hình thành. Năm 1934, Hội Phật giáo Bắc Kỳ được thành lập, Ni giới Hà Nội tích cực tham gia vào chấn hưng Phật giáo. Năm 1949, các Ni trưởng Thích Đàm Soạn, Thích Đàm Dung được mời làm giám học và quản chúng Ni viện Vân Hồ. Các hoạt động của Ni giới Bắc Việt được duy trì đều đặn cho đến khi thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội, người dân phải đi sơ tán.

Nhiều bậc danh Ni tiền bối của Thủ đô khác nữa đã tham gia tích cực vào công tác hoằng dương Phật pháp, xây dựng và phát triển Giáo hội. Điển hình như: cố Ni trưởng Đàm Thu xuất gia tu học tại chùa Hai Bà Trưng, Ni trưởng từng làm Thập sư Ni truyền giới, giảng dạy tại các trường hạ và tổ chức các khóa hạ an cư cho chư Ni tại chùa Hai Bà Trưng; Cố Ni trưởng Thích Đàm Tín ở Tổ đình Tam Huyền, từng đi nhiều nơi khai mở những vùng đất hoang thành già lam thắng địa, làm Hòa thượng Đàn đầu của các giới đàn Ni.

Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập và đổi mới, Ni giới Thủ đô cũng tích cực thay đổi chính mình để đưa Phật pháp đến với nhân dân. Bên cạnh việc thuyết giảng Phật pháp cho nhân dân Phật tử tại mỗi cơ sở tự viện, các chư Ni còn tích cực tham gia công tác thuyết giảng tại các trường Phật học, đạo tràng, các lớp giáo lý ở các chùa và trong những ngày lễ trọng đại của Phật giáo. Trong thời đại mới, theo xu hướng hiện đại hóa, các hình thức hoằng pháp được các chư Ni thực hiện cũng ngày càng đa dạng, để làm sao đạt được hiệu quả cao trong xiển dương Phật pháp. Các tự viện Ni đã mở nhiều khóa tu dành cho Phật tử và thanh thiếu niên về chùa tham gia tu học như các khóa tu mùa hè, một ngày an lạc, bát quan trai giới, tổ chức hội trại… Nhiều chùa Ni đã biết áp dụng công nghệ và biến công nghệ trở thành một phương tiện hoằng pháp hiệu quả. Qua môi trường internet, các chư Ni có thể phổ biến Phật pháp bằng các thư viện kinh sách trực tuyến, truyền tải các thông tin Phật học, hướng dẫn Phật tử tu học trên trực tuyến, đăng tải các thông báo nhanh, rộng và kịp thời về các khóa tu.

Nhiều hội Phật tử ở các chùa, nhất là giới trẻ đã thành lập các trang mạng xã hội, các website của chùa để cùng nhau chia sẻ Phật pháp. Sự tương tác trong quá trình hoằng pháp qua môi trường mạng cũng được tăng cường. Các Phật tử có thể bày tỏ cảm xúc của mình về các bài giảng của giảng sư, giúp cho các chư Ni hiểu được hơn về đối tượng hoằng pháp và nâng cao hơn chất lượng thuyết giảng, điều chỉnh cho phù hợp hơn với từng giai tầng và lứa tuổi người nghe, hầu hết các chùa Ni ở Hà Nội hiện nay đều được trang bị các phương tiện, công cụ hiện đại hỗ trợ đắc lực cho công tác hoằng pháp. Ví dụ như loa, đài, micrô, máy tính để bàn và laptop nối mạng internet, máy tính bảng, điện thoại làm phương tiện liên lạc kết nối, màn hình và máy trình chiếu,… Những phương tiện đó giúp cho quá trình truyền giảng được nhanh và thu hút đông đảo giới trẻ. Tất nhiên để sử dụng hiệu quả các phương tiện này, các chư Ni tại các tự viện trên địa bàn Thành phố Hà Nội trong những năm qua cũng không ngừng đổi mới tư duy, học tập, nâng cao trình độ tin học, để hiện đại hóa hơn cách thức hoằng pháp cho phù hợp với thời đại mới. Điều đó cho thấy tinh thần “Tùy duyên bất biến – Bất biến tùy duyên”, linh hoạt, mềm dẻo trong việc truyền giảng giáo lý của Đức Phật, nhưng vẫn không mất đi ý nghĩa của giáo pháp.

Sự linh hoạt trong hoằng pháp không chỉ thể hiện qua việc đa dạng hóa hình thức, phương tiện hoằng pháp mà còn được các chư Ni thể hiện ngay trong sự uyển chuyển của nội dung hoằng pháp. Nhiều chư Ni ngoài kiến thức thâm sâu về Phật học đã tích cực tham gia các lớp, trường thế học. Nhờ vậy, sự am hiểu về lĩnh vực xã hội, con người, hiện tình đất nước và thế giới nói chung cũng được nâng cao. Từ những kiến thức am hiểu đạo và đời đã giúp cho việc hoằng pháp của các chư Ni được mềm dẻo hơn, các nội dung giáo lý được lồng ghép vào với các ví dụ đời thực làm cho các bài thuyết giảng trở nên sinh động, dễ hiểu, dễ vận dụng hơn. Tất cả cho thấy, tinh thần nhập thế, “khế lí khế cơ” trong công tác hoằng pháp đã được các chư Ni vận dụng khá nhuần nhuyễn và đang đem lại những hiệu quả thiết thực cho sự nghiệp hoằng pháp trong bối cảnh mới hiện nay. Hoằng pháp thậm chí đã dần dần trở thành hoạt động không chỉ của riêng các vị sư Thầy mà đã được mở rộng hơn tới các đệ tử, các Phật tử thuần thành, những người đứng đầu đạo tràng…Từ đó hình thành nên một mạng lưới chia sẻ giáo lý Phật giáo được hiệu quả hơn, góp phần chuyển hóa thân tâm của Phật tử, tích cực đưa chúng sinh từ bờ mê đến bến giác.

2.2. Ni gii Hà Ni vi s nghip hộ quốc an dân theo dòng lịch sử

Không chỉ là những đóa hoa diệu ngộ của Phật giáo, các bậc chư Ni Việt Nam nói chung và Ni giới Thủ đô nói riêng đã luôn phát huy tinh thần đồng hành với dân tộc, làm tốt vai trò “hộ quốc an dân”. Ni giới Hà Nội đã gắn bó với người dân từ rất sớm và cho đến nay trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Ni giới Thủ đô vẫn có một vai trò quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đem lại cuộc sống an lạc cho nhân dân. Ngay từ đầu Công nguyên, công chúa Phương Dung đã cùng với Hai Bà Trưng, dựng cờ khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm. Sau khi đấu tranh giành độc lập cho đất nước, bà đã nương vào chốn Thiền môn tu tập, sống đời sống phạm hạnh thanh cao.

Giai đoạn Lý – Trần cũng là giai đoạn Phật giáo có những đóng góp to lớn cho quá trình xây dựng đất nước. Sau cả ngàn năm Bắc thuộc, đây là giai đoạn lịch sử phát triển trong xu thế độc lập dân tộc, vừa xác lập nền móng vừa tạo lập những sắc thái riêng, với sự trợ duyên tích cực từ Phật giáo. Các thiền sư đồng thời là quốc sư, mưu sĩ, cố vấn, nhiều vương công quý tộc đồng thời là đệ tử, chúng tăng. Trong bầu không khí chung của đất nước, Ni giới nói chung và Ni giới Thăng Long – Hà Nội nói riêng đã góp phần quan trọng trong việc diệt gian trừ ác, bình loạn, an dân.

Ni giới Phật giáo Thủ đô còn tích cực tham gia vào lao động sản xuất, chăm lo đời sống cho bản thân và nhân dân. Trong lịch sử, đã từng có các vị công chúa rời bỏ chốn cung đình để tu theo Phật giáo, giúp người dân an cư lạc nghiệp, có được cuộc sống ấm no. Như công chúa Từ Hoa đã bỏ cung vua đến làng Nghi Tàm, lập ấp dạy dân trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải, sau đó vua lập cung Từ Hoa cho công chúa tu hành. Thời Trần có công chúa Túc Trinh, đã bỏ cung vua đến lập làng, ấp cùng nhân dân ở tại thôn Yên Nội, phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm. Phật giáo nói chung và Ni giới Phật giáo Thủ đô nói riêng đã góp phần xây dựng nền hòa bình, đem lại cuộc sống an lạc cho muôn dân, thấm nhuần tinh thần từ bi, tâm thiện của Phật giáo.

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, đất nước lâm vào cảnh ngoại xâm, xã hội nhiễu nhương, Phật giáo có phần suy vi. Các Ni trưởng, Ni sư đã tích cực cùng với chính quyền, nhân dân Thủ đô tham gia đấu tranh chống quân xâm lược của ngoại bang, dâng hiến chùa chiền cho cách mạng làm căn cứ địa và tích cực tham gia vào công cuộc chấn hưng Phật giáo trên các phương diện. Năm 1945, Ni giới Bắc Việt được thành lập, các chốn già lam, tổ đình Ni như Vân Hồ, Phùng Khoang, Kẻ Đại Cát, Hai Bà Trưng, Tam Huyền, đều là những chốn tu học, an cư kết hạ và lao động sản xuất của chư Ni Hà Nội. Không ít vị Ni đã sẵn sàng tham gia kháng chiến, xả thân vì độc lập của dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, Ni giới và Phật giáo Hà Nội, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa trong từng địa bàn dân cư. Bên cạnh đó, Ni giới Phật giáo Hà Nội còn góp phần tham gia vào các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Chữ thập đỏ, ứng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp và nhiều đoàn thể xã hội khác. Nhiều tấm gương người tốt, việc tốt của Ni giới, đã được Nhà nước tặng thưởng huân chương cao quý, bằng khen, giấy khen các cấp.

Tiếp nối truyền thống nhập thế của Phật giáo trong lịch sử, Ni giới Hà Nội đang đẩy mạnh hơn nữa hoạt động an sinh xã hội, chia sẻ và giúp đỡ những mảnh đời khó khăn, góp phần vào việc giúp họ vươn lên trong cuộc sống. Những nghĩa cử thể hiện tinh thần từ bi, bác ái của các chư Ni Thủ đô đã góp phần vun trồng và bồi đắp truyền thống đạo đức của dân tộc. Những việc làm như vậy đã tạo lên sức mạnh cộng đồng và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong Phật giáo Việt Nam về tinh thần Từ Bi: “Dù xây chín bậc phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”.

Các hoạt động thiện nguyện được Ni giới Hà Nội thể hiện cụ thể qua những việc như ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ quỹ biển đảo, chữ thập đỏ v.v. do các cấp phát động. Ngoài ra còn nuôi dưỡng trẻ mồ côi, khuyết tật, người già neo đơn, tổ chức các bếp ăn từ thiện… cùng các hoạt động thiện nguyện đến mọi miền của Tổ quốc, tặng học bổng cho học sinh nghèo, xây nhà tình thương, xây cầu, khoan giếng, phát xe lăn, xe đạp, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo, cùng chung tay giúp đỡ nhân dân vượt qua dịch bệnh. Chỉ tính riêng năm 2020, Phân Ban Ni giới Hà Nội ủng hộ vật tư cho phòng chống dịch bệnh Covid-19, ủng hộ cho những người làm nhiệm vụ tại các chốt chống dịch của các quận, huyện của Thành phố hàng trăm tấn gạo, tài chính và các vật phẩm khác. Các chư Ni còn luôn tích cực tham gia an sinh xã hội như: Ni Sư chùa Đông Cựu mở lớp học tình thương cho các cháu nghèo tại chùa. Một số chùa đã thường xuyên vận động Phật tử tổ chức nấu cháo, nấu cơm hằng tuần vào thứ Bảy, Chủ nhật cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Huyết học Trung ương, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện K Đông Triều, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Thanh Oai và nhiều cơ sở y tế khác như chùa Thanh Nhàn, chùa Phú Đa, chùa Cao Trung, chùa Tĩnh Lâu, chùa Bát Mẫu, chùa Tăng Phúc, chùa Ngòi, chùa Hoàng Trung, mỗi chùa từ 300 đến 500 suất mỗi tuần.

Trong mùa lễ Phật đản, Tết Nguyên Đán, Vu Lan hầu hết các chùa Ni ở các quận, huyện, thị của Thủ đô đều tặng quà từ thiện cho người tàn tật, các cháu mồ côi, các cụ già neo đơn, các hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó. Tổng số tiền làm từ thiện mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng.

Hiện nay, các ngôi chùa ở Hà Nội do chư Ni quản lý, thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, mà còn là nơi hoạt động tín ngưỡng tôn giáo, tu học, thờ cúng ông bà tổ tiên, còn là nơi hội tụ và lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng, cưu mang nhiều người cơ nhỡ, trẻ mồ côi và người già neo đơn. Các tự viện Ni đã trở thành một trong những không gian sinh hoạt Phật giáo, đào tạo Phật học, văn hóa, rèn luyện đạo đức, giáo dục nhân cách, trao truyền kỹ năng sống, là nơi thuyết giảng Phật pháp và tuyên truyền pháp luật của Nhà nước, góp phần nâng cao dân trí, cải thiện dân sinh, góp phần tích cực vào xây dựng một xã hội an bình.

Không những đồng hành cùng dân tộc, góp phần tích cực vào các hoạt động từ thiện – xã hội, Ni giới Thủ đô đã và đang tích cực vào công tác giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Những ngôi chùa của Phật giáo Hà Nội nói chung và của Ni giới Hà Nội nói riêng đã trở nên quen thuộc, trở thành một phần không thể thiếu với cộng đồng dân cư ở Hà Nội. Hiện nay, các ngôi chùa vẫn thể hiện vai trò tích cực của mình trong việc đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, văn hóa tinh thần của nhân dân. Có nhiều ngôi chùa hay quần thể di tích Phật giáo Hà Nội đã trở thành những trung tâm văn hóa vùng, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tham quan vãng cảnh của nhân dân cả nước và du khách nước ngoài như: di tích Chùa Trăm Gian, chùa Mía, chùa Kim Liên, chùa Tây Phương và nhiều ngôi cổ tự khác.

Phật giáo hòa vào nền văn hóa của dân tộc Việt Nam như sữa hòa với nước, đến mức ở nhiều điểm khó mà phân biệt được đâu là yếu tố của Phật giáo, đâu là yếu tố của dân tộc. Đặc biệt, ngôi chùa đã trở thành trung tâm văn hóa của cộng đồng. Chùa là nơi tổ chức các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và lưu giữ những giá trị về mặt kiến trúc, nghệ thuật, di tích lịch sử rất đặc sắc của cha ông ta, và cũng là nơi thể hiện đậm chất nhân văn của truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc. Nhiều tập tục thể hiện nét đẹp bản sắc văn hóa dân tộc đã được tích hợp vào không gian thiêng của Phật giáo, và trở thành nét đẹp văn hóa của người Hà Nội. Đi lễ chùa, lễ Phật vào những ngày hội lớn như ngày rằm tháng Giêng, rằm tháng Tư (Phật đản) và rằm tháng Bảy – lễ Vu Lan, trong thực tế đã trở thành một tập tục, một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống của nhiều người dân Thủ đô. Tư tưởng Phật giáo thấm sâu vào cuộc sống, quan niệm và tâm lý của người dân. Các nghi lễ Phật giáo cũng đã dần dần thâm nhập vào các tập tục dân gian, tô đậm và làm sâu sắc thêm ý nghĩa cho những phong tục truyền thống, chuyển tải triết lý đạo Phật vào thực tế đời sống tạo nên một bản sắc văn hóa riêng của người Hà Nội. Cho đến nay những bản sắc văn hóa riêng đó vẫn được Ni giới Thủ đô bảo tồn và phát triển để ngày càng phù hợp với thực tiễn của đất nước.

3. Kết lun

Là thành viên trong ngôi nhà chung của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ni giới Thủ đô có tiến trình hình thành và phát triển lâu đời. Trong suốt chiều dài lịch sử cho tới hiện nay, Ni giới Thủ đô đã và đang đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong công tác hoằng dương chính pháp, góp phần đưa Phật giáo trở thành một phần không thể thiếu của Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Không những thế, Ni giới Thủ đô còn không ngừng nỗ lực tích cực trong quá trình đồng hành cùng dân tộc, thông qua các hoạt động góp phần thực hiện an sinh – xã hội ở Thành phố. Các hoạt động này cũng là cách để các tín đồ, thực hành theo những lời dạy của Đức Phật. Với những thành quả như vậy, Ni giới đã xây đắp được một truyền thống vững chắc để tiếp tục tinh tiến hơn nữa trong công cuộc hộ quốc an dân, góp phần phát triển Thủ đô và đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng.

Ni trưng, TS. Thích Đàm Thành
Trưởng PBNG Thành phố Hà Nội


  1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thích Minh Châu dịch (1996), Kinh Tăng Chi B, Tp III, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr.652.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Trần Thị Vân Anh – Lê Ngọc Hùng, 2000, Phụ nữ, Giới và Phát triển, Nxb. Phụ nữ.

2. Tỳ kheo Ni Như Đức (biên soạn), 2009, Lưc sử Ni gii Bc Tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

3. Lê Tuấn Huy, 2010, Sự du nhập của Phật giáo vào nước ta và ảnh hưởng của nó trong các thế kỷ 10 – 14, trên trang: http://www. daophatngaynay.com/vn.

4. Thích Nữ Huệ Liên, S đóng góp ca Ni giới, mt sứ mệnh có thể thực hiện, trên trang: http://thuvienhoasen.org

5.Nguyễn Lang, 2010, Việt Nam Phật giáo Sử luận I-II-III. Nxb. Văn học, Hà Nội.

6. Nguyễn Văn Long, Phật giáo Việt Nam 30 năm thành lập và truyền thống Hộ quốc An dân, trên trang: http://btgcp.gov.vn

7. Nữ Hương Nhũ, 2013, Ni giới Việt Nam ngày nay, trên trang: http://quangduc.com

8. HT. Thích Trí Quảng, Vai trò của nữ tu Phật giáo trong thời Bắc thuộc, trên trang: http://www.chuahuenghiem.net/thu-vien

9. HT. Thích Trí Quảng, Vai trò ca Ni giới Vit Nam trong xã hội hiện nay, trên trang: http://giacngo.vn

10. Hội nghị tổng kết công tác Phật sự năm 2014 phân ban Ni giới Trung ương GHPGVN, trên trang: http://giaohoiphatgiao vietnam.vn

SỰ KIỆN NỔI BẬT
VIDEO SỰ KIỆN
Video thumbnail
Hội thảo khoa học “Đóng góp của nữ giới Việt Nam với giao lưu và phát triển Phật giáo Châu Á”
17:32
Video thumbnail
Khóa Tu Trở Về Nhà - Hướng về Vesak 2025 Thiêng Liêng - Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam 21-23/03/2025
12:53
Video thumbnail
Lễ Tưởng Niệm Thánh Tổ Ni và chư Tôn Đức Ni tiền bối hữu công - Ni giới tỉnh Khánh Hòa kính tri ân
14:08
Video thumbnail
"Thấu Hiểu & Yêu Thương Qua Những Câu Chuyện Jātaka - Phóng Sự Đặc Biệt - Đặc San Hoa Đàm"
05:04
Video thumbnail
Hội Nghị Tổng Kết Công Tác Phật Sự Của PBNG TP. Hồ Chí Minh Năm 2024
06:50
Video thumbnail
Tổng kết công tác Phật sự của PBNG TP.HCM năm 2024 - PL.2568
17:11
Video thumbnail
PBNG TW thăm trường Hạ 5 tỉnh Tây Nguyên - PL.2568 - DL.2024
16:46
Video thumbnail
Ni sinh trường Cao Trung Phật học Tiền Giang tụng kinh Pháp Hoa Kính mừng Phật đản - 11/5/2024
03:34
Video thumbnail
HỌP MẶT - MÓN QUÀ CAO QUÝ KÍNH MỪNG ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN
09:32
Video thumbnail
THIỀN HÀNH SAU KHI THỌ THỰC
02:18
Video thumbnail
Ni giới Phật giáo TP.HCM kính mừng Đại lễ Phật đản PL.2568 - DL.2024
09:45
Video thumbnail
Lễ Húy Kỵ lần thứ 25 Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH tại Tổ đình Huê Lâm - Q11, TP.HCM
33:24
Video thumbnail
PBNGTW: Tiểu ban Thông tin Truyền thông | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
03:38
Video thumbnail
PBNGTW: Tổng kết công tác Phật sự năm 2023 | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:51
Video thumbnail
Hội đồng Thập Sư 3 đàn phát thưởng cho các Giới tử - Đại giới đàn Bửu Huệ 2023
03:44
Video thumbnail
Tuần Chiếu tại Giới Đàn Ni Chùa Thanh Tâm
03:02
Video thumbnail
Đại Giới đàn Bửu Huệ tại Giới trường Ni - Chùa Thanh Tâm - 2023
09:53
Video thumbnail
Lễ Huý Kỵ lần thứ 3 cố NT. TN. thượng Như hạ Hải - Chùa Sắc Tứ Tam Bảo, Hà Tiên - 26/9/2023
07:38
Video thumbnail
Lễ Khai đàn Dược sư Thất Châu - Chùa Pháp Hải
17:47
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 17 cố Ni trưởng Thượng Như Hạ Bổn - Viện chủ TĐ Kim Sơn (27/7/2006 - 23/7/2023)
45:08
Video thumbnail
Lễ Húy kỵ cố Hòa thượng Thích Nhật Quang tại Hội Sơn Cổ tự
16:37
Video thumbnail
Tọa đàm “Bình đẳng giới trong Nữ giới Phật giáo - 2023” – Chùa Huê Lâm, TP.HCM
19:56
Video thumbnail
Lễ húy nhật lần thứ 6 cố Sư trưởng Thượng Huyền Hạ Huệ - Hải Ấn Ni Tự, TP.HCM
14:11
Video thumbnail
Lễ Vu Lan và Dâng Y tại chùa Vạn Phước - Bình Tân - TP.HCM
11:04
Video thumbnail
Đại lễ Vu lan báo hiếu tại chùa Pháp Võ - Nhà Bè - TP.HCM
12:37
Video thumbnail
“Rửa Chân Tri Ân Song Thân” - Chùa A Di Đà - Củ Chi - Tp.HCM
19:13
Video thumbnail
PBNG TW thăm, sách tấn Chư hành giả an cư tại các Hạ trường tỉnh miền Đông, 28/7/2023 (11/6/Quý Mão)
20:02
Video thumbnail
PBNG TW hoàn tất chuyến thăm và cúng dường Hạ trường tại Tây Nguyên 2023
18:50
Video thumbnail
PBNG TW thăm 4 tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum
08:16
Video thumbnail
Kính mừng Đại lễ Phật đản - PL.2567 - DL.2023 - BTS Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Tiền Giang
08:05
Video thumbnail
Đại lễ Tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo & Chư Tôn Đức Tiền Bối Hữu Công PGVN | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
10:47
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước 2023: Triển lãm - Dâng hương - Tọa đàm - Thắp nến tưởng niệm
34:37
Video thumbnail
Đại lễ Kiều Đàm Di tại Bình Phước - 22 & 23/04/2023: Công tác chuẩn bị
04:59
Video thumbnail
Lễ Vinh danh cá nhân xuất sắc trong lãnh đạo Phật giáo tỉnh Tiền Giang năm 2023
06:55
Video thumbnail
Lễ công bố văn phòng PBNG & Khai giảng lớp luật dành cho chư Ni - Chùa Bảo An, TP. Cần Thơ
22:46
Video thumbnail
PBNG TW: Tổ chức khóa bồi dưỡng về các pháp Yết-ma, nghi thức giới đàn cho chư Ni
03:35
Video thumbnail
Lễ Hoàn Kinh Dược Sư Thất Châu & An vị tôn tượng Đức thánh tổ Kiều Đàm Di - Chùa Kiều Đàm
06:18
Video thumbnail
Khóa tu báo ân - Lễ Húy kỵ cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
17:23
Video thumbnail
Lễ Húy Nhật lần thứ 24 cố Sư trưởng thượng NHƯ hạ THANH
14:58
Video thumbnail
Chùa Từ Nguyên - Tân Phú: Lễ Khánh Tạ - Hoàn Nguyện - Lễ Húy Kỵ lần thứ 39 cố Ni trưởng khai sơn
08:50
Video thumbnail
Khí Xuân Quý Mão 2023
11:37
Video thumbnail
Hành hương thập tự 10 cảnh Chùa - Xuân Quý Mão 2023
15:24
Video thumbnail
Chùa Liên Trì - Củ Chi: Lễ cúng dường trai tăng - Xuân Quý Mão 2023
21:22
Video thumbnail
Tổ đình Huê Lâm: Mừng xuân Di lặc - PL.2566 DL.2023
09:08
Video thumbnail
PBNG Trung Ương: Báo cáo Tổng kết Công tác Phật sự - Nhiệm kỳ VIII (2017-2022) | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
15:42
Video thumbnail
Chùa Huê Nghiêm: Lễ Khánh Đản A Di Đà Phật với hơn 1000 Tăng Ni Sinh tham dự | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
04:24
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Các Công Trình Chùa Pháp Võ - Huyện Nhà Bè - TP.HCM | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
06:46
Video thumbnail
Lễ Khánh Tạ Chùa Pháp Võ | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
07:42
Video thumbnail
Hội nghị Tổng kết công tác Phật sự Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam nhiệm kỳ VIII | ĐẶC SAN HOA ĐÀM
02:27
CÁC BÀI KHÁC
XEM THÊM
error: Content is protected !!