Đạo Phật Khất sĩ hiện hữu ở Việt Nam đã trên dưới 80 năm. Suốt khoảng thời gian ấy, Đức Tổ sư Minh Đăng Quang và Tăng chúng của Ngài đã trải qua bao thăng trầm biến chuyển, nhưng chí nguyện “Nối truyền Thích-ca Chánh pháp” và tinh thần phụng sự Đạo pháp – Dân tộc vẫn mãi kiên định. Bằng đường lối “‚Tam y nhất bát”, với nếp sống giải thoát thanh bần, cùng sự kế thừa và phát huy những giá trị tinh túy của hai hệ thống Nam truyền và Bắc truyền Phật giáo, đạo Phật Khất sĩ đã có bước chuyển mình và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội, đồng thời góp phần không nhỏ trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình. Điển hình là Ni trưởng Dõng Liên – vị Ni lưu Thích tử, đã có nhiều cống hiến cho đạo và đời, xứng danh là tấm gương tiêu biểu làm rạng ngời Phật giáo Việt Nam cũng như Khất sĩ Việt Nam.
1. Cuộc đời và công hạnh của Ni trƣởng Dõng Liên
Ni trưởng Dõng Liên thuộc Hệ phái Khất sĩ Việt Nam, là đệ tử của Ni trưởng Thanh Liên và Ni trưởng Tạng Liên, thế danh Đàm Thị Sa, sinh năm 1931 (Tân Mùi) tại huyện Long Đức, thị xã Trà Vinh, tỉnh Cửu Long. Vốn xuất thân trong gia đình Nho học, nhưng Ni trưởng rất có lòng kính tin Tam bảo, mến mộ Phật pháp nhờ sống trong tình thương bao dung và giáo dục kỷ cương của song thân là cụ ông Đàm Văn Tần và cụ bà Trần Thị Dậu.
Sớm nhận thức sự uyên thâm của Phật pháp, giác ngộ cảnh trần là huyễn mộng nên Ni trưởng quyết chí tầm sư học đạo. Duyên lành nhiều kiếp hội đủ, đúng thời lộc trổ hoa khai, Ni trưởng quyết từ biệt song thân, phát nguyện xuất gia theo Chánh pháp Phật Đà vào năm Giáp Ngọ (1954), khi vừa tròn 23 tuổi. Đầu tiên, Ni trưởng cầu thọ giáo pháp với Ni trưởng Tạng Liên, sau đó Y chỉ với Ni trưởng Thanh Liên. Với ý thức trách nhiệm của người xuất gia và hiểu biết nhiều điều lợi ích của sự xuất gia tu học, tâm Bồ-đề của Người ngày một tăng trưởng.
Sau một năm tập sự, tinh tấn trau dồi phẩm hạnh và hoàn thiện tự thân đúng theo khuôn phép của vị nữ xuất gia trẻ tuổi, Người được Ni trưởng Tạng Liên truyền giao Giới pháp Sa-di-ni. Năm Mậu Tuất (1958), Bổn sư biết người học trò này có thể là vị truyền thừa mạng mạch Phật pháp nên đã cho đăng đàn thọ Đại giới. Kể từ đây, Ni trưởng đã được đầy đủ giới pháp – chính thức dự vào hàng Ni lưu Thích tử, như chim bằng chắp cánh bay lượn muôn phương, tùy duyên hóa độ. Với trọng trách truyền thừa Chánh pháp Như Lai đem đạo vào đời, nỗ lực phục vụ chúng sanh, triển khai tuệ giác, đoạn diệt sanh y, Ni trưởng nỗ lực cần tu, trau dồi giới đức, ngõ hầu hăng say phục vụ theo hoài bão của cố Ni trưởng Huỳnh Liên:
Nguyện xin hiến trọn đời mình,
Cho nguồn đạo pháp, cho tình quê hương1.
Kể từ ngày xuất gia nhập đạo, Ni trưởng nguyện nối gót Thầy tổ tu tập, hầu cận và học hỏi giáo lý Phật Đà, từng bước trau dồi giới đức, tăng trưởng đạo tâm, vuông tròn phẩm hạnh để làm hành trang hoằng dương Chánh pháp, phụng sự Đạo pháp và Dân tộc.
2. Ni trưởng Dõng Liên: Tinh thần phụng sự Phật pháp – đưa đạo vào đời
Vạn vật trong vũ trụ đều do duyên sinh duyên hợp, phụ thuộc và tương trợ lẫn nhau để sanh tồn. Cũng vậy, tất cả các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với xã hội, giữa thiên nhiên với thiên nhiên, … cũng phải phụ thuộc và tương trợ lẫn nhau. Do đó, trong quá trình hoằng pháp lợi sanh, Đức Phật không ngừng khuyến tấn đệ tử, rằng trong lúc nỗ lực tịnh hóa thân tâm và đem việc tu tập để hoàn thiện bản thân, đồng thời cũng nên hòa nhập với xã hội, khiến cho những hữu tình khác đồng giác ngộ như mình. Đây chính là quan niệm “tự lợi lợi tha, tự giác giác tha” mà Phật giáo đã đề cập trong Kinh Tạp A-hàm: “Cái này có, nên cái kia có; cái này sanh, nên cái kia sanh; cái này không, nên cái kia không; cái này diệt, nên cái kia diệt”2.
Đức Phật từng dạy rằng, tất cả các đại dương đều có một vị mặn như nhau, và tất cả các giáo lý của Ngài cũng chỉ có một vị duy nhất, đó là vị giải thoát. Mục đích cứu cánh của đạo Phật là sự giải thoát. Thế nên, là một tín đồ Phật giáo, làm sao có thể áp dụng giáo pháp của Đức Phật vào đời để cuộc sống ngày càng an vui, hạnh phúc là điều thiết thực nhất. Nương theo lời dạy của Đức Phật, Ni trưởng Dõng Liên với tinh thần phụng sự đạo pháp, ngoài việc chú trọng tinh thần xuất thế giải thoát cá nhân, thông qua việc nghiêm trì Giới Luật và tu hành thực tiễn của tự thân, còn lấy tinh thần nhập thế và lý tưởng giải thoát cho tha nhân làm hoài bão. Một đời tu học và hành đạo, Ni trưởng đã không ngừng thích ứng với sự tiến bộ của thời đại và phát triển tư tưởng của nhân loại, dùng đại bi tâm phổ độ chúng sanh, tận lực đem đạo vào đời để giải thoát cho nhân loại.
Ni trưởng cho rằng, là người tu h|nh theo đạo Phật, không nên chỉ mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mà phải đặt tha nhân lên hàng đầu để tùy thuận giáo hóa. Phải lấy phương năng nhập thế để thành tựu công đức xuất thế, lấy hạnh nguyện quảng độ để giáo hóa chúng sanh và trang nghiêm thế giới thì mới đạt được sự thành tựu viên mãn. Vả lại, đã là nhà sư Khất sĩ, thì phải dứt lòng tư kỷ ngã ái, đem giác ngộ cá nhân kết hợp với giác ngộ tha nhân, đem giáo pháp của Đức Phật truyền bá khắp nhân gian mà không phân biệt chủng tộc, màu da, pháp phái. Thế nên, năm 1958, theo gót Ni trưởng Huỳnh Liên3 và đoàn du tăng Khất sĩ, Ni trưởng Dõng Liên đã hội đủ phước duyên lên thuyền Giáo hội Ni giới vân du khắp các tỉnh thành, quận huyện Nam – Trung đất Việt, xiển dương giáo lý Phật Đà, thiết lập đạo tràng để ánh sáng Phật pháp được rạng chiếu khắp nơi.
Trước ngày đất nước giải phóng, với hạnh giải thoát để dứt trừ bản ngã, không chấp cảnh chấp người, Ni trưởng được Giáo hội Ni giới Hệ phái Khất sĩ bổ xứ hành đạo luân chuyển các miền Tịnh xá với thời gian ba tháng hoặc sáu tháng một lần, nhằm tạo điều kiện hành đạo rộng khắp. Sau thời gian du hóa, Ni trưởng lần lượt trụ trì Tịnh xá Ngọc Cảnh – Đà Lạt, Tịnh xá Ngọc Thành – Long Thành, Tịnh xá Ngọc Trước – Bến Tre, Tịnh xá Ngọc Khánh – Long Khánh, Tịnh xá Ngọc Thuận – Vĩnh Long, Tịnh xá Ngọc Khánh – Sóc Trăng.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, giang sơn nối liền một dải, cũng từ đây, Ni trưởng đã dừng chân tại Tịnh xá Ngọc Viên – Cần Thơ (năm Đinh Tỵ – 1977) để hoằng pháp lợi sanh, theo bước chân Tổ Thầy tùy hành Phật sự tại nhân gian, giữ nếp du Tăng Khất sĩ thanh bần và trở thành bậc Tôn sư khả kính của tứ chúng. Ngài nguyện rằng:
Đời Khất Sĩ bước lữ hành không nghỉ,
Gót Tổ Thầy chưa nối, nghỉ sao đành,
Vì trên thân ta khoác mảnh y vàng,
Đèn chơn lý, ta quyết chong tỏ rạng4.
Cuộc đời Ni trưởng luôn dấn thân vì Đạo pháp, vì sự nghiệp đem đạo vào đời để giác ngộ cho nhân sanh. Tại Tịnh xá Ngọc Viên – Cần Thơ, nơi lưu dấu một thời hành đạo, cảm hóa bá tánh cư gia quanh vùng, Ni trưởng đã vì tiền đồ Phật pháp, kề vai sát cánh cùng chư Tôn đức trong Giáo hội, gánh vác nhiều công tác Phật sự, như:
– Phó Ban Đại diện Phật giáo Cần Thơ.
– Ủy viên Thủ quỹ Ban Trị sự Phật giáo – Hậu Giang.
– Ủy viên Kiểm soát Trường Cơ bản Phật học – Hậu Giang.
Tiếp nối Tổ Thầy, với khoảng thời gian gần 40 năm hoằng pháp lợi sanh, Ni trưởng đã thừa hành Phật sự tại địa phương rất cần mẫn, phát triển ngôi Tam bảo Tịnh xá Ngọc Viên trở nên khang trang hưng thạnh. Bằng đạo hạnh và đức độ cảm hóa của mình, Ni trưởng đã tiếp độ nhiều chúng đệ tử xuất gia, quy y Tam bảo cho hàng ngàn cư sĩ tại gia, dìu dắt chúng sinh tiếp độ Ni chúng, tín đồ trung kiên quy hướng bên Người hằng theo Chánh pháp. Quan trọng hơn, Ni trưởng đã chứng minh kiến lập và trùng tu nhiều đạo tràng Tịnh xá: Ngọc Cảnh – Đà Lạt, Ngọc Thành – Long Thành, Ngọc Trước – Bến Tre,… Suốt lộ trình hành đạo độ sanh, trải qua bao thế cuộc thăng trầm, Ni trưởng vẫn một dạ sắt son, phụ lực Tổ Thầy xương minh Phật pháp, quyết giữ gìn ngôi nhà Phật pháp mãi trường tồn ở thế gian. Đặc biệt, khi đất nước thống nhất, tinh thần yêu đạo và viên dung khế lý, khế cơ chưa bao giờ dừng nghỉ. Ni trưởng đã nối chí nguyện của cố Ni trưởng Huỳnh Liên, với chủ trương:
Tu có học mới rạng ngời Chánh pháp,
Học có tu mới lợi Đạo, ích đời5.
Quả thật, chính sự được học được tu là mục tiêu tối hậu của những con người hướng đến giải thoát khổ đau. Không phải ngẫu nhiên Ni trưởng đảm nhiệm trọng trách Kiểm soát Trường Cơ bản Phật học – Hậu Giang, ủng hộ việc đào tạo Tăng tài Trường Cơ bản Phật học và xúc tiến chư Ni đi phổ cập kiến thức văn hóa, tất cả là vì lý tưởng cao đẹp của người xuất gia học Phật, lấy trí tuệ làm sự nghiệp lợi sanh.
3. Ni trưởng Dõng Liên: Tinh thần cống hiến cho dân tộc
Từ xưa đến nay, Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Tiếp nối Chánh pháp Thích-ca là khát vọng của một Ni lưu Thích tử. Chính vì vậy, chí nguyện dấn thân phụng sự xã hội của Ni trưởng ngày càng chín muồi. Người linh hoạt vận dụng tinh thần yêu nước đi đôi với việc phụng đạo pháp một cách thiện xảo, tất cả cũng vì hạnh phúc cho số đông, vì lợi ích và an lạc cho nhân loại như Đức Phật từng dạy.
Ngoài việc bản thân tự mình khai mở tuệ giác, Ni trưởng còn linh hoạt chuyển hóa nguồn tuệ giác thành chất liệu từ bi, đóng góp tịnh tài tịnh vật vào quỹ Từ thiện xã hội của Phật giáo Cần Thơ cũng như Hội Chữ thập đỏ của quận nhà để cứu trợ đồng bào bị lũ lụt thiên tai và nuôi trẻ mồ côi. Mỗi tháng, vào ngày mùng một và ngày rằm, Ni trưởng đều nấu cơm chay, phát miễn phí cho người nghèo và sinh viên ở địa phương. Ngoài công tác từ thiện xã hội, Ni trưởng còn tham gia các hoạt động như: Ủy viên Mặt trận Tổ quốc thành phố Cần Thơ, Ủy viên Mặt trận Tổ quốc phường Cái Khế. Vì sự hưng thịnh của đất nước và góp phần làm giàu đẹp quê hương, Ni trưởng còn kề vai sát cánh cùng các cấp chính quyền và Ban Tôn giáo tỉnh để hoàn thành mọi công tác nhằm thực hiện phương châm”Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”.
Ni trưởng Dõng Liên là người có chí xuất trần thoát tục, nhưng bản thân cũng là một thành viên của xã hội, nên Người chưa bao giờ tạo ra sự cách biệt với xã hội hiện thực. Có lý tưởng viễn ly thế gian, nhưng không có nghĩa là Ni trưởng muốn rời khỏi cuộc sống thế gian; trái lại, Người luôn kiên định tinh thần nhập thế, tùy thuận và siêu việt. Vì rằng, việc cống hiến cho quốc gia, đối với Phật giáo cũng là báo đáp một trong tứ trọng ân6
4. Ni trưởng Dõng Liên: Giá trị kế thừa
Kế tục sự nghiệp hoằng truyền Chánh pháp của Tổ Thầy, chư Tôn giáo phẩm thuộc Ni giới Hệ phái Khất sĩ đã không quản gian lao, không từ khó nhọc, nỗ lực tinh tấn tu tập và dấn thân hành đạo. Trong đó, không thể không kể đến tinh thần phụng sự của cố Ni trưởng Dõng Liên, vị Giáo phẩm Ni đã được cố Ni trưởng Huỳnh Liên ủy thác lãnh đạo và hướng dẫn dìu dắt chúng sanh.
Trong quá trình tu tập và hành đạo, Ni trưởng đã cống hiến hết tâm lực, trí lực cho Đạo pháp và Dân tộc. Những gì Ni trưởng đã tạo dựng luôn được thế hệ Ni giới kế thừa và phát triển, tiếp tục sứ mệnh tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức. Dù phải trải qua bao gian nan, thử thách trong buổi đầu nối gót Tổ Thầy du phương hành đạo, nhưng chí nguyện phụng sự cao cả của Ni trưởng vẫn luôn kiên định. Người là một bậc Ni lưu mô phạm; một nhà lãnh đạo thông thái, nhân hậu và đầy lòng bao dung. Dù ở vai trò, lĩnh vực nào, Ni trưởng cũng luôn nhiệt tâm phụng sự và cống hiến. Tâm nguyện và hạnh nguyện này quả thật mang tầm vóc rất lớn, do đó sức ảnh hưởng của Ni trưởng đã lan tỏa đến các tầng lớp trí thức trong xã hội đương thời. Người là tấm gương sáng cho hàng hậu học, cho những ai hữu duyên được thân cận diện kiến noi theo tu tập.
Ngoài việc làm tốt sứ mạng truyền thừa chí nguyện của Tổ Thầy, Ni trưởng còn dấn thân cống hiến cho sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, xây dựng ngôi nhà chung Phật giáo ngày càng bền vững. Tất cả đều nhờ vào đức hy sinh quên mình cho sự nghiệp tiếp Tăng độ chúng. Với đạo tâm kiên cố, ý chí vững bền, Người đã khêu sáng ngọn đèn chơn lý bằng tất cả tâm lực, trí lực và nguyện lực.
Nhìn lại chặng đường cống hiến cho Đạo pháp và phụng sự cho nhân sanh của Ni trưởng Dõng Liên, mới thấy trong suốt cuộc đời xuất gia tu học và hành đạo, Người luôn xả kỷ vị tha, thể hiện bằng những hành động thiết thực để độ đời giúp người.
Kết luận
Ni trưởng Dõng Liên là người đã dành trọn cuộc đời để phụng sự Đạo pháp và dân tộc. Người là tấm gương chuẩn mực, là tài sản vô giá cho các thế hệ Ni giới Phật giáo kế thừa noi theo; là bậc Ni lưu bằng cả Giới đức, Tâm đức và Tuệ đức đóng góp cho quá trình phát triển Hệ phái Khất sĩ nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Đây chính là sự kế thừa từ nguồn mạch tâm linh của Đức Phật, chư Tổ và các bậc thầy khả kính, đã được tiếp tục truyền trao đến thế hệ mai sau. Nhân Lễ tưởng niệm Đức Thánh Tổ Ni Đại Ái Đạo, thiết nghĩ, là một Ni lưu Thích tử, ngoài việc tưởng nhớ và cung kính thì không gì thiết thực hơn bằng sự nỗ lực tu tập, noi theo gương hạnh xả ly và chí nguyện phụng sự cao cả mà chư vị tiền bối đã dày công cống hiến cho đạo pháp và phụng sự nhân sanh khi sanh tiền. Đây cũng chính là tài sản tinh thần vô cùng quý giá mà Ni trưởng Dõng Liên đã lưu lại cho Ni giới đến ngày hôm nay, đồng thời làm rạng danh cho con gái dòng họ Thích và cho cả ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.
NS. TS. Thích nữ Thuận Liên
- Ni trưởng Huỳnh Liên (2011), Đóa sen thiêng, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại Chánh tạng, Kinh Tạp A-hàm, tập 2, số 99, quyển 10, tr.67.
- Ni trưởng Đệ nhất trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ.
- Sđd.
- Ni giới Hệ phái Khất sĩ (1994), Kỷ yếu Ni trưởng Huỳnh Liên, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh, tr.13
- Tứ trọng ân của Phật giáo gồm: ân cha mẹ, ân sư trưởng, ân quốc gia và ân đàn-việt
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đại Chánh tạng, Kinh Tạp A-hàm, tập 2, số 99, quyển 10, tr.67.
2. Ni trưởng Huỳnh Liên (2011), Đóa sen thiêng, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
3. Ni giới Hệ phái Khất sĩ (1994), Kỷ yếu Ni trưởng Huỳnh Liên, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hồ Chí Minh.
4. HT. TS. Thích Trí Quảng, HT. TS. Thích Giác Toàn, TS. Nguyễn Quốc Tuấn (Đồng chủ biên, 2016), Hệ phái Khất sĩ: Quá trình hình thành, phát triển và hội nhập, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội.