Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn Giáo phẩm Hòa thượng Hội Đồng Chứng minh;
Kính bạch chư tôn đức Hội đồng Trị sự GHPGVN;
Kính bạch chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN Tp. Hồ Chí Minh, chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN quận Gò Vấp và các quận, huyện;
Kính bạch chư tôn đức Giáo phẩm Hệ phái Khất sĩ;
Kính bạch chư tôn Hòa thượng,Thượng tọa, Đại đức Tăng;
Kính bạch Quý Ni trưởng, Ni sư, chư tôn đức Ni;
Kính thưa chư vị khách quý cùng toàn thể Quý Phật tử,
Từ ngày Ni trưởng Thích nữ Huỳnh Liên – Đệ nhất Trưởng Ni giới Hệ phái Khất sĩ Việt Nam tọa bửu liên đài cao đăng Phật quốc, đến nay đã tròn 30 năm. Tuy rằng, một phần ba thế kỷ đã trôi qua, với bao sự đổi thay và phát triển của đất nước cũng như Giáo hội và Hệ phái, nhưng hình ảnh tôn quý và công hạnh tuyệt vời của Ni trưởng luôn hiện hữu trong lòng Ni giới chúng con.
Hôm nay, nhân lễ kỷ niệm lần thứ 30 ngày Ni trưởng viên tịch, chúng con xin được phép bày tỏ lòng tri ân sâu xa đối với bậc Thầy hiền khả kính.
Kính bạch chư tôn đức,
Kính thưa chư vị khách quý,
Ni trưởng Huỳnh Liên, thế danh Nguyễn Thị Trừ, sinh năm 1923 tại làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Vận; thân mẫu là cụ Bà Lê Thị Thảo, pháp danh Thiện Liên, xuất gia, thọ giới Tỳ kheo Ni.
Sinh trưởng trong một gia đình thâm nho, đạo đức và tin Phật, Ni trưởng đã được nuôi dưỡng tinh thần bằng chất liệu từ bi, sớm nhận thức cõi đời giả tạm, thế sự phù vân, chỉ có đạo giải thoát là cứu cánh, cho nên vào ngày mùng 1 tháng 4 năm 1947, duyên lành hội đủ, khi Đức Tổ sư Minh Đăng Quang – Tổ khai sáng Hệ phái Khất sĩ Việt Nam hành đạo đến làng Phú Mỹ, tỉnh Mỹ Tho, sau khi thính pháp, Ni trưởng bước ra quỳ xin Đức Thầy cho xuất gia. Đức Tổ sư hỏi: Tín nữ xuất gia với hạnh nguyện gì? Ni trưởng thưa: Bạch Đức Thầy, con xuất gia với hạnh nguyện “Làm chiếc thuyền chở chuyên phái nữ”. Đức Tổ Sư khen: “Đó là hạnh nguyện của Bồ tát, chỉ có Bồ tát mới có hạnh nguyện xuất gia rộng lớn như thế”. Rồi Đức Tổ Sư dạy: Tín nữ nên tìm thêm 3 vị nữa cùng đi thì Thầy mới nhận. Hôm sau, Ni trưởng cùng ba bạn đồng hành được Đức Tổ sư chứng minh cho xuất gia tại Linh Bửu tự với pháp danh Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên, Bửu Liên. Cả bốn Ni trưởng đều được Tổ sư truyền thọ giới pháp Y Bát Khất sĩ, làm Tỳ kheo Ni. Ni trưởng được Tổ sư thọ ký làm Trưởng tử Ni để hướng dẫn Ni chúng tu học và hành đạo.
Năm 1954, Tổ Sư vắng bóng, Ni trưởng kế tục sự nghiệp Tổ Thầy, cùng Tăng đoàn hoàn thành sứ mạng truyền bá Đạo Phật Khất sĩ Việt Nam.
Với cương vị Trưởng Ni giới, bằng hạnh nguyện làm chiếc thuyền từ chở chuyên phái nữ, qua sứ mạng nối truyền Thích Ca Chánh pháp, trong suốt 41 năm thực hành hạnh nguyện độ sanh (1947-1987), Ni trưởng đã cùng Quý Trưởng lão Ni trải bước hóa duyên hành đạo khắp hai miền Nam Trung, nỗ lực đưa Giáo hội Ni giới Khất sĩ phát triển song song với Giáo hội Tăng già Khất sĩ, truyền thừa Phật pháp rộng sâu trong quần chúng nhân dân trên khắp mọi miền đất nước. Nhờ bi nguyện độ sanh, đức độ từ hòa, sức tinh tấn kiên trì, Ni trưởng đã hội nhập vào lòng người, thành lập trên trăm ngôi Tịnh xá, tiếp độ hàng trăm Ni chúng và tín đồ Phật tử tu học theo chánh pháp, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, giúp người nghèo khó. Từ đó, Ni trưởng đã un đúc cho những cánh hoa tâm linh đẹp nhất nở rộ từ Tổ đình Ngọc Phương tỏa đến các tỉnh, thành trong cả nước để phụng sự nhơn sanh và xã hội.
Bên cạnh sự xả thân cầu đạo, tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức, Ni trưởng đã hướng đến mục tiêu thiết thực là tìm cầu sự an lạc lợi ích cho mọi người, đặc biệt cho quê hương đất nước trong giai đoạn chiến tranh. Với tinh thần vì dân vì nước, vì độc lập tự do, hòa bình hạnh phúc, Ni trưởng đã thể hiện trọn vẹn tinh thần kính Phật, phụng đạo, yêu nước, tích cực hưởng ứng các phong trào đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất tổ quốc.
Trong tinh thần đoàn kết hòa hợp, năm 1981, Ni trưởng đã cùng chư Tôn đức lãnh đạo các tổ chức Giáo hội, Hệ phái xây dựng thành công ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại, đoàn kết thực sự trong lòng dân tộc. Ni trưởng là vị Ni đầu tiên được suy cử vào Ban Thường trực Hội Đồng Trị Sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ I (1981-1987) với chức vụ Ủy viên Kiểm Soát.
Đối với xã hội, Ni trưởng đã tham gia nhiều mặt công tác, lần lượt đảm nhiệm các nhiệm vụ như:
– Đại biểu Quốc hội khóa 6 (1976-1981).
– Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1976-1987).
– Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Hội Liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam.
– Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tp. Hồ Chí Minh.
Trong sự nghiệp sáng tác văn chương, Ni trưởng còn để lại cho đời, cho đạo những áng thơ văn đủ thể loại, từ văn vần cho đến văn xuôi, với nội dung phong phú, đậm đà bản sắc quê hương, dân tộc và Đạo pháp. Đó chính là cách Ni trưởng đem đạo vào đời, bằng trái tim và tâm hồn của người con Phật, như Giáo sư Hoàng Như Mai đã viết: “Nói về thơ của Ni trưởng Huỳnh Liên, đây là những áng thơ trữ tình đặc sắc: Tình với người, với cảnh, với Thầy, với đệ tử, với đất nước quê hương, với bạn bè, người thân… Nếu thâu tóm lại, thì chỉ bốn chữ Từ, bi, hỷ, xả, nhưng nếu phân tích thì phong phú lạ thường, giống như một giọt sương trên chiếc lá, chỉ một giọt sương thôi nhưng khi ánh dương quang chiếu vào thì lung linh muôn vàn màu sắc…”[1] Ni trưởng Huỳnh Liên đã viên tịch, nhưng tư tưởng, tình cảm, hành động, tất cả con người của Ni trưởng vẫn còn lại trong những vần thơ cao đẹp.
Có thể nói, trong suốt cuộc đời hành đạo, Ni trưởng đã nỗ lực truyền bá Chánh pháp và đã để lại cho đời, cho đạo một tấm gương bất khuất, kiên trung, khí tiết của bậc Nữ lưu xưa nay hiếm có, là một bài học quý giá cho thế hệ kế thừa noi theo học tập. Mỗi bước đi của Ni trưởng là hình ảnh giải thoát vô ngại, mỗi lời nói là khí giới khai tâm, là hiện thân của tinh thần Đạo – Tục viên thông, đem lại an lạc, hạnh phúc cho mọi người trong kiếp đời hữu hạn. Đạo nghiệp của Ni trưởng là sự kết tinh của Giới đức, Tâm đức, Trí đức và Tuệ đức.
Để ghi nhận những cống hiến to lớn của Ni trưởng đối với Đạo pháp và Dân tộc, Nhà nước và Giáo hội đã trao tặng thưởng:
– Huân chương Độc Lập hạng Nhì
– Huân chương Kháng Chiến Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất
– Huân chương Quyết Thắng hạng Nhất
– Bằng khen do UBTWMTTQVN tặng
– Bằng khen 10 năm của UBND TPHCM
– Bằng khen do BCH Đoàn TNCSHCM tặng
– Giấy khen do UBMTTQVN TPHCM tặng
– Huy hiệu Thành phố Hồ Chí Minh
– Bằng khen mười năm của Ủy ban Nhân dân về công đóng góp cho sự nghiệp giải phóng đất nước và thành phố thân yêu.
– Bằng tuyên dương Công đức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
– Và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thế rồi, khi hạnh nguyện tròn xong, ta bà mãn nguyện, Ni trưởng xả báo thân, thu thần viên tịch vào lúc 16 giờ 20 phút ngày 19 tháng 3 năm Đinh Mão (1987) trong niềm kính tiếc khôn nguôi của tất cả những ai được một lần hội kiến cùng Người.
Kính bạch Giác linh Ni trưởng,
Thuở sinh tiền Ni trưởng đặc biệt quan tâm khuyến khích môn đồ học tập Phật pháp, học tập văn hóa nâng cao trình độ. Ngày nay, Ni giới Hệ phái Khất sĩ tương đối phát triển, hiện diện khắp mọi nơi, có được chỗ đứng vững chắc trong lòng Giáo hội và xã hội, nhiều trăm Ni chúng tốt nghiệp Cử nhân, Trung cấp và Cao đẳng Phật học, các khóa đào tạo Giảng sư; có 2 Hậu Tiến sĩ, hơn 50 vị đã và đang học Tiến sĩ, Thạc sĩ; 01 vị Bác sĩ Y khoa và nhiều vị đã tốt nghiệp các khóa Lương y và các chuyên ngành khác. Nhiều chư Ni đang tham gia công tác tại các Ban, Viện Trung ương Giáo hội, Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành, quận, huyện, tham gia giảng dạy tại Học viện Phật giáo và các Lớp Trung cấp, sơ cấp tại một số đơn vị tỉnh, thành; và có rất nhiều chư Ni hiện đang theo học các Trường Phật học trong và ngoài nước; tại Tổ đình Ngọc Phương và các Tịnh xá đã tổ chức 27 khóa tu truyền thống Giới – Định – Tuệ cho chư Ni; tổ chức các lớp học giáo lý, các khóa tu tập Bát Quan trai hoặc khóa tu Niệm Phật cho Phật tử…
Chư Ni không những duy trì, xiển dương giáo lý Phật đà, giữ gìn truyền thống tốt đẹp với những nét đặc thù biệt truyền của Hệ phái; bên cạnh đó, chư Ni Hệ phái Khất sĩ còn hòa nhập vào những hoạt động của cộng đồng xã hội, như tham gia vào Quốc Hội, Hội Đồng Nhân Dân các cấp, UBMTTQVN từ trung ương đến địa phương, Hội LHPN Tỉnh, thành, huyện, thị… Đó chính là cách mà chúng con, Ni giới Khất sĩ – thế hệ kế thừa hôm nay đáp đền ơn giáo dưỡng của Người trong muôn một. Ngưỡng nguyện Giác linh Ni trưởng thùy từ chứng giám.
Kính bạch chư tôn đức, Kính thưa liệt quý vị,
Thế là 30 năm đã đi qua, kể từ ngày Ni giới Khất sĩ chúng con vĩnh viễn mất đi một bậc Thầy tôn kính, thì cũng ngần ấy thời gian, đệ tử chúng con quyết một lòng đoàn kết, hòa hợp, tiếp tục thực hiện hoài bão dựng xây đạo tràng, phục vụ Giáo hội, hướng dẫn Ni chúng và Phật tử tu tập, thực hiện các công tác từ thiện, tham gia các phong trào xã hội mà Ni trưởng đã một đời tâm niệm:
Nguyện xin hiến trọn đời mình,
Cho nguồn Đạo pháp, cho tình Quê hương.
Kính nguyện chư Tôn đức pháp thể khinh an, Phật sự viên thành.
Kính chúc quý quan khách dồi dào sức khỏe, thành tựu mọi công tác, vạn sự cát tường như ý.
[1] Ni giới HPKS, Thơ Ni trưởng Huỳnh Liên, “Đọc Thơ của Ni trưởng Huỳnh Liên ” của Giáo Sư Hoàng Như Mai. NXBTPHCM, 1995, tr.33.