(1912-1999)
I. Thân thế
Ni trưởng thế danh là Huỳnh Thị Mai, (sau khi xuất gia làm con nuôi Hòa thượng Bổn sư đổi tên là Lê Thị Mai), húy thượng Nhật hạ Từ, Pháp hiệu Như Từ. Ni trưởng sinh năm Nhâm Tý (1912) tại xã Long Sơn, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Thân sinh là cụ ông Huỳnh Văn Khá và cụ bà Phạm Thị Kiển. Gia đình có mười anh chị em, Ni trưởng là người con thứ tám. Gia đình thuộc tầng lớp trung nông, ảnh hưởng Nho giáo, song thân là hàng Phật tử thuần thành.
Năm Ni trưởng được bốn tuổi thì thân mẫu lâm bệnh qua đời để lại cho thân phụ bảy người con, cảnh gà trống nuôi con thật là vất vả. Suốt tám năm cảnh nhà đơn chiếc, quạnh hiu nên phụ thân tục huyền, năm ấy Ni trưởng được 12 tuổi.
Cũng từ đây, Ni trưởng sống trong tình thương của mẹ kế, sau đó người chị thứ hai lập gia đình và đem Ni trưởng về nuôi. Ba năm sau bất hạnh ập đến, người chị thứ hai lâm bệnh cũng qua đời, Ni trưởng trở lại sống với gia đình (lúc này Ni trưởng 15 tuổi).
II Thời kỳ xuất gia tu học
Sau khi chứng kiến ly biệt trong gia đình, nhận thấy thân người là giả tạm, thế cuộc vô thường, huyễn hóa như giấc mộng chiêm bao. Nên ngày Rằm tháng Giêng năm Mậu Thìn (1928), Ni trưởng đến đảnh lễ xin Hòa thượng Thiện Ngôn – trụ trì chùa Vinh Sơn và được Hòa thượng cho thế phát xuất gia thuộc dòng Thiền Lâm Tế Gia Phổ đời thứ 41.
Theo hầu Bổn sư đến năm 1935 chiến tranh bùng nổ, Ni trưởng cùng Bổn sư và chư huynh đệ lánh nạn xuống Cồn Cù. Hai năm sau Ni trưởng được Bổn sư cho thọ giới Sa-di-ni ở trường Hạ (Thị Ròn), năm ấy Ni trưởng tròn 25 tuổi (1937). Chiến tranh loạn lạc, cuộc sống thiếu thốn nhưng đạo tâm của Ni trưởng rất vững bền, tinh tấn tu hành, kiên trì giới luật.
Đến năm 30 tuổi (1942), Ni trưởng được Bổn sư cho đăng đàn thọ Cụ túc giới tại chùa Kim Huê, tỉnh Sa Đéc.
Sống trong cảnh cơ cực vì chiến tranh thì duyên may được Sư cô Diệu Kim chùa Phước Thành, Trà Cuông, thỉnh thầy trò về chùa để sống tu học, được hơn một năm thì sức khỏe Bổn sư yếu dần.
Năm 38 tuổi (1950), Ni trưởng đưa Bổn sư về Trà Vinh, lúc này có Phật tử Trương Thị Đồ hiến cúng một vuông đất lập một thảo am bằng lá để Hòa thượng Bổn sư dưỡng bệnh.
Sau đó một thời gian, thập phương thiện tín kẻ của người công đã cộng tác với Ni trưởng biến thảo am thành ngôi chùa tường gạch, mái ngói. Sau bảy tháng thi công, ngôi chùa hoàn thành cũng là lúc Bổn sư viên tịch vào ngày 21 tháng 11 năm Giáp Ngọ (1954).
Năm ấy Ni trưởng 42 tuổi, còn sư đệ Thích Thiện Căn gần 20 tuổi, sống bơ vơ không thầy dạy bảo. Ni trưởng đã đưa sư đệ đến tu học tại chùa Phước Hòa và Long Sơn ở tỉnh Trà Vinh, còn lại một mình lo nhang khói cho Tam Bảo và phụng thờ Bổn sư. Nhờ Phật lực gia hộ, nhờ Giác linh Bổn sư phò trì chẳng bao lâu Ni sư Như Huệ đến xin cấm túc An cư. Trong thời gian sống chung tu học, mới biết Ni sư Như Huệ là đệ tử của Bổn sư nên huynh đệ càng thắm tình đạo vị, chung lo Phật sự. (Ni trưởng – Viện chủ chùa Phổ Quang huyện Tiểu Cần cũng là huynh đệ đồng môn).
III. Thời kỳ hành đạo
Từ ngày Bổn sư viên tịch, Ni trưởng chăm lo trùng tu chùa Phổ Minh cho thêm phần trang nghiêm. Mặc dù ngôi Tam Bảo Phổ Minh không nguy nga tráng lệ nhưng công sức Ni trưởng và Ni sư phó trụ trì đã đổ ra rất nhiều.
Suốt thời gian hành đạo 70 năm (1928 – 1998), Ni trưởng đã cống hiến đời mình cho Phật pháp, tiếp dẫn hậu lai. Đệ tử xuất gia khoảng hai mươi vị, đã có nhiều vị làm trụ trì và cộng tác gắn bó với Giáo hội, sống trong cộng đồng Tăng lữ, còn đệ tử tại gia thì rất đông, hàng tháng Ni trưởng có tổ chức thọ Bát Quan Trai và khai Kinh Pháp Hoa, Dược Sư hướng dẫn Phật tử tu học nhằm giúp Phật tử hiểu thêm về giáo lý Phật Đà. Ngoài ra, Ni trưởng còn lo nhiều Phật sự khác mà không quản ngại gian lao.
Khoảng hai mươi năm cuối đời, Ni trưởng được Giáo hội cử làm Hòa thượng Ni cho các Giới đàn mở tại Liên Quang Thiền Viện và làm trong ban Cố vấn Phật giáo tỉnh Trà Vinh.
IV. Thời kỳ viên tịch
Từ nhỏ đến lớn, mặc dầu với thân hình mảnh mai yếu đuối, song Ni trưởng ít bệnh nhưng sanh già bệnh chết không hẹn cùng người, sớm còn tối mất trong một sát-na đã qua đời khác. Vạn pháp đều nằm trong quy luật ấy nên từ năm 1996 sức khỏe Ni trưởng có phần giảm sút.
Thế rồi ngày qua tháng lại sức khỏe của Ni trưởng ngày càng yếu đi; sau một cơn bệnh nhẹ, Ni trưởng đã thâu thần viên tịch trở về thế giới Niết-bàn vào ngày 11 tháng 3 năm Bính Dần. Trụ thế 87 năm, trải qua 57 mùa An cư.
Ni trưởng đã vĩnh viễn ra đi trong sự kính tiếc của môn đồ pháp quyến. Giờ đây Ni trưởng không còn, nhưng công hạnh và sự nghiệp lợi sanh vẫn còn sống mãi trong lòng người đệ tử và hàng Phật tử gần xa.
Thế mới hay:
Cõi trần gian ảo mộng,
Sanh tử việc xưa nay,
Đến đi không vướng bận,
Thong dong thể đại đồng.
Nhưng than ôi !
Đèn thiền mờ Thiếu Thất,
Bát-nhã cuối chân mây,
Ca-lăng âm bặc tiếng,
Hương giới chẳng xông bay !