Ngày mới vào đạo, tôi thường được đọc nhiều về lời Đức Phật dạy ở các kinh. Nhưng bây giờ thì quên không biết kinh nào, mà Phật dạy “nuốt núi Tu Di”. Tôi lấy làm lạ, nhưng không dám hỏi ai, sợ mình lòi cái dốt ra. Câu ấy cứ lởn vởn trong tâm, nuốt núi Tu Di, sao lại nuốt núi Tu Di và nuốt chi rứa? Suốt mấy mươi năm như vậy, cho đến một năm, cái năm lụt lớn năm 1969, hai chị em tôi về làm công tác xã hội, đặt văn phòng tại chùa Diệu Đế (hiện nay hai dãy phòng ốc hai bên chùa Diệu Đế. Lúc ấy một bên là văn phòng Đặc ủy xã hội, một bên là Trường mẫu giáo Lâm Tỳ Ni do tôi làm giám đốc).
Trận lụt năm 1969 lớn nhất, Giáo hội đề cử tôi làm Đặc ủy xã hội, Ni sư Cát Tường làm trưởng ban cứu trợ. Ngày nào các Ni cô cũng đi cứu lụt, các em gia đình áo nâu, áo mực và các Ni cô cứ ban ngày đi phân phát thực phẩm… tối về thì nhóm họp toàn diện để lấy ưu khuyết điểm của một ngày vừa qua, và tìm kế hoạch cho ngày mai. Cứ như thường lệ, hai chị em (tôi và Ni sư Trưởng ban cứu trợ) làm chủ tọa mỗi buổi họp. Hôm ấy niệm Phật xong, vừa ngồi thì tôi đưa ra một lá đơn: “Hôm qua quận Hương Điền có đưa cái đơn lên yêu cầu ngày mai về cứu trợ, tại đó thiệt hại quá nhiều, tôi đã chấp đơn, vậy yêu cầu anh em và các cô nghiên cứu để giúp đỡ kịp thời.”
Ngay khi ấy, pháp muội tôi cũng đưa ra một tờ đơn: “Đây em cũng vừa nhận một lá đơn của quận Quảng Điền yêu cầu cứu trợ gấp kẻo sợ có người chết vì đói lạnh, vậy yêu cầu anh em cho đi Quảng Điền trước.”
Tôi nói:
– Tôi đã hẹn với Hương Điền là ngày mai thế nào đoàn ta cũng về mà.
Pháp muội tôi nói:
– Em cũng hẹn với các bác ngày mai. Thôi thì cho đi Quảng Điền của em cái đã.
Nói qua nói lại vài ba lần tôi nổi khùng:
– Tôi lấy cái quyền Đặc ủy chỉ định anh em phải đi Hương Điền, vì tôi lỡ hẹn họ.
Pháp muội tôi đập bàn cái rầm:
– Em khóa kho, mấy anh em không được rớ vào cái kho của tôi nghe chưa.
Thế là tự ái nổi lên, tôi cũng đập bàn cái rầm (gần gãy bàn), tôi hét lên:
– Tôi kêu thợ rèn phá kho liền chừ (bao nhiêu mền chiếu, cơm gạo, áo xống để trong kho và Ni sư cất chìa khóa). Hét xong tôi hầm hầm đứng dậy, cả chúng xớn rớn (họ nghĩ chắc Sư bà đi kêu thợ rèn, dám phá kho lắm).
Tôi qua Lâm Tỳ Ni (nơi tôi đang làm Giám đốc và chỗ ở của Ni chúng), mới đến dưới gốc cây nhãn trước sân chùa, tôi bỗng trở vào phòng nhóm. Anh em còn ngồi đủ, anh chị em lo lắng: chắc Sư bà đưa thợ rèn vào, sẽ có cuộc chiến vĩ đại. Bước vào tôi đi thẳng đến chỗ Ni sư ngồi và giơ tay, anh em nghĩ bụng và chuẩn bị can thiệp, chắc cụ đến lôi kéo gì đây, nhưng tôi để nhẹ tay vào vai Ni sư và ôn tồn:
– Tôi xin lỗi Ni sư, tôi bị cái “ngã chấp” to quá nên đã làm phiền Ni sư và anh chị em, thôi tôi yêu cầu anh em nghiên cứu cái đơn của Ni sư và mai anh em đi Quảng Điền trước đi.
Một sự ngạc nhiên lý thú, bất giác anh em vỗ tay hoan hô nhiệt liệt, vừa dứt tiếng vỗ tay thì pháp muội tôi cũng đứng dậy hướng về tôi chắp tay:
– A Di Đà Phật! Em cũng xin sám hối Sư bà, cái ngã của Sư bà đã hạ xuống rồi thì cái ngã của em còn để làm chi. Thôi ngày mai, anh em nên đi Hương Điền theo chỉ thị của Sư bà cho đúng cái gọi là “thượng hạ tôn ty”.
“Hít vào rồi lại thở ra
Càn khôn vũ trụ hóa ra hư trần
Rót vào nuôi dưỡng huyễn thân
Tu Di sụp đổ, TOÀN CHÂN hiển bày.”
Thật đúng như vậy, thở ra mà không hít vào là chúng ta đã chuyển qua đời khác. Suốt ngày chúng ta phải mượn: “Đất, nước, gió, lửa” để nuôi dưỡng cái Huyễn Thân, mượn Huyễn Thân để làm thuyền bè qua sông sinh tử. Nhưng vì vô minh che lấp nên ta bảo thủ bản ngã, từ đó đao binh mới xảy ra. “Lân Hư trần” là những hạt bụi được vỡ ra từ Càn Khôn vũ trụ, khi đủ duyên những hạt bụi ấy gom lại thành một quả địa cầu to lớn, trong đó có cả núi Tu Di. Khi mình chấp chặt thì bản ngã hình thành, lúc đó núi Tu Di hiện ra sừng sững, làm ngăn cách mọi người, không ai nhìn thấy ai, dù mọi người ở ngay trước mặt mình. Khi núi Tu Di sụp đổ, thì CHÂN TÂM, PHẬT TÁNH hiển lộ, lúc đó tâm hồn ta rộng mở, không còn ranh giới phân chia, ngăn cách. Như trường hợp của tôi và Ni sư Cát Tường1.
Lạy Phật! Tất cả hội trường hét lên trong tiếng vỗ tay hoan hô nhiệt liệt.
Tôi đưa 5 lon đậu đen xanh lòng và 2 ký đường nấu chè để ăn mừng cuộc đình chiến. Mấy em chia nhau người nấu chè, người soạn mùng mền, áo xống, cơm gạo… Vừa xong thì chè chín. Chè dọn hai hàng ngay ngắn, hai đứa tôi lại làm chủ tọa. Trước khi ăn và đợi chè nguội, tôi giải thích sự việc cho đoàn nghe là: “Lúc tôi bỏ đi ra đến giữa sân chùa Diệu Đế, bỗng nhiên tôi nhớ lại câu: “Nuốt núi Tu Di”. Tôi nghĩ ra: A! Núi Tu Di đây rồi, tại sao Phật dạy phải nuốt núi Tu Di và nuốt làm chi vậy? Cái câu mà 40 năm thỉnh thoảng lại lởn vởn trong tư tưởng của tôi thì bây giờ chợt hiện rõ. Đây chính là núi Tu Di, cái núi chấp ngã còn cao hơn cả núi Tu Di, nếu mình không hạ nổi cái ngã xuống, không nuốt cái núi Tu Di đi thì công việc sẽ đổ vỡ nặng nề, đồng bào đang chờ mình cứu khổ kia mà… ”
Chè vừa nguội khi dứt câu chuyện, anh em vỗ tay hoan hô, la ó. Mỗi người một tô chè, vừa húp, vừa nhai, vừa đồng thanh: “Nuốt núi Tu Di, húp núi Tu Di, anh nuốt, tôi nuốt, chúng ta cùng nuốt… ”. Họ ồn quá, thật là ồn. Pháp muội tôi ra lệnh: “Này anh em, xì dầu Sư bà vừa vừa nghe, la vừa vừa nghe, còn cái núi Thiết Vi nữa đó, tối mai tha hồ bàn luận…
Yêu nhân loại, tình yêu thương rộng mở
Bao sanh linh thống khổ, cảnh lầm than
Nước tràn về, phăng cuốn cả xóm làng
Đau xót quá! Cảnh màn trời chiếu đất.
Sư bà Thích Nữ Thể Quán (ĐSHĐ-016)
- Tôi và Ni sư Cát Tường – 1968 mấy chị em tôi về ẩn tại Chùa Diệu Đế, rồi Giáo hội giao làm Đặc ủy xã hội.