Đầu năm mới, mỗi quốc gia trên thế giới đều có cách tặng quà khá độc đáo và đầy ý nghĩa. Quà tặng nhằm gửi gắm tình cảm thân thương, tấm lòng quý trọng và biết ơn của mình. Ngày tết hãy xem tặng quà năm mới phong phú như thế nào:
• Indonesia: Năm mới, người Indonesia có tục lệ tiết kiệm chi phí các buổi tiệc ăn uống linh đình, họ để dành tiền mua sắm hàng hóa, vật phẩm để tặng những người nghèo, trẻ mồ côi và người không nơi nương tựa.
• Thụy Điển: Đầu năm, người ta tặng nhau những cây nến do chính mình làm. Họ quan niệm rằng: Cây nến là biểu tượng của tình bạn và niềm vui.
• Nga: Năm mới, người Nga có truyền thống tặng bánh mì và muối cho thân hữu và khách quý.
• Hy Lạp: Tại một số vùng khi năm mới đến, trong túi người nào cũng đựng đầy những viên đá. Gặp nhau, họ chúc mừng năm mới rồi tặng nhau những viên đá. Theo tục lệ địa phương, ai nhận được nhiều đá thì người đó sẽ có nhiều may mắn trong năm.
• Scotland: Đầu năm, nhà nào cũng mở rộng cửa để đón khách. Khách đến chơi ai nấy đều mang theo những hòn than. Mỗi khi đến nhà nào, mọi người cũng bỏ một hòn than vào bếp lò nhà đó để bày tỏ nguyện vọng của mình là cầu mong nhà đó được thịnh vượng, đầm ấm.
• Madagascaur: Năm mới, vợ chồng phải tặng cha mẹ đôi bên phao câu gà để tỏ lòng biết ơn, và kính trọng, đồng thời tặng đùi gà cho những người cùng trang lứa để thể hiện tình hữu nghị đầu năm mới.
• Sudan: Ngày tết, người ta tặng quà cho nhau nhưng phải kèm theo một cành hồ đào thì tặng phẩm mới có giá trị. Ở đất nước Hồi giáo này, người ta cho rằng cành hồ đào là biểu tượng của những gì tốt đẹp nhất.
• Tonga: Năm mới, người Tonga thường tặng nhau một củ khoai lang, vì ở đây khoai lang là một nông sản quý.
Diệu Lan (ĐSHĐ- Xuân Giáp Thìn)
Tài liệu tham khảo
1. Phong tục các nước trên thế giới – Ngọc Bách – NXB Văn hóa Thông tin – 2006.
2. Những phong tục lạ thế giới – Lý Khắc Cung – NXB Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh.
3. Almanach văn hóa thế giới – Nhiều tác giả – NXB Văn hóa Thông tin – 2005.