Nhớ những cái Tết cổ truyền trước đây, tầm từ tháng Chạp âm lịch là nhà nhà đã lo ngay ngáy. Kế hoạch ăn Tết được vẽ ra ở mọi gia đình. Dù giàu hay nghèo đều cũng có cái Tết đúng nghĩa, trọn vẹn.
Rồi thì mọi thành viên trong gia đình được phân công. Các bà, mẹ, chị thì tranh thủ sên mứt, đem phơi khô trước sân nhà, cho vào hũ thủy tinh để Tết đến có cái mà đãi khách. Hầu như cuối năm, nhà nào trong xóm cũng phơi mứt Tết trông rất nhộn nhịp. Gia đình khá giả thì làm nhiều loại mứt bí, dừa, gừng, thơm, chùm ruột… Gia đình kinh tế eo hẹp cũng cố gắng có một, hai sề mứt cho có không khí tết. Trẻ con có nhiệm vụ canh chừng chó, gà nhưng thỉnh thoảng chúng lại len lén bóc vài miếng mứt cho vào miệng nhai nhổm nhoảm rồi cười tít mắt.
Quần áo của con cái được mẹ dẫn đến bác thợ may đo chỉ số từ đầu tháng Chạp cho kịp cuối năm con mình có áo mới khoe với bạn bè. Bởi tháng cuối cùng của năm cũ bao giờ cũng là mùa đắt khách đối với các tiệm may mặc. Thợ làm không kịp nghỉ tay, vì quá nhiều vải chất cao như núi. Riêng hoa thì được trồng từ trước tháng 11 cho kịp tết. Nhất là hoa cúc vạn thọ. Thường sau tết, nhà nào cũng mang hoa phơi khô để lấy hạt giống treo giàn khói, rồi canh khoảng hai tháng gần tết là mang đi gieo. Cho nên, xuân về, trước nhà mỗi gia đình đều có vài luống cúc vạn thọ thơm ngào ngạt, đẹp rạng ngời…
Giờ thì khác xưa rồi. Công nghệ số lên ngôi cũng làm thay đổi tư duy ăn Tết. Cảm xúc tết không còn lo lắng, nôn nao, mong chờ nữa. Cứ đợi đến cận tết, chỉ cần lên mạng xã hội, cài app đặt mua hàng là có ngay mọi thứ: nhanh, gọn, đẹp (nhưng ngon thì chưa chắc). Hình ảnh đi chợ tết cổ truyền cũng thưa dần, có chăng chỉ ở người lớn tuổi, yêu hoài cổ. Đành phải chấp nhận thôi. Phải bắt nhịp với đời sống thời đại để không tự đào thải mình. Tuy nhiên, nghĩ về những cái Tết tươi đẹp trong quá khứ mà thấy chạnh lòng…
Nguyễn Thanh Vũ (ĐSHĐ-101)