Theo truyền thống và chủ trương của đức đệ tứ pháp chủ Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, khi vừa đảm nhiệm vai trò Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, bắt đầu từ năm 2013, vào mỗi đầu xuân mới, Ban Thường trực Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, đều liên tục tổ chức Pháp hội Dược Sư “Tiêu tai diên thọ, kỳ quốc thới dân an, nguyện phong điều vũ thuận”. Theo tinh thần chánh tín của Phật tử, phù hợp với tín ngưỡng của số đông, các pháp hội diễn ra tại trụ sở Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM và các tự viện do Ban Trị sự quản lý.
kế thừa truyền thống tốt đẹp này, sau một tuần kiến đàn và trì tụng Kinh Dược Sư, nhằm tạo nhân duyên thù thắng cho quý Phật tử cúng dường đến chư Tôn Thiền đức trụ trì các tự viện trong tỉnh Tiền Giang; sáng ngày 08/3/2024 (28 tháng giêng năm Giáp Thìn), Thường trực Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức Hoàn đàn Dược Sư và Pháp hội Cổ Phật Khất Thực gieo duyên tại khuôn viên chùa Vĩnh Tràng, ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang.
Sau lời cảm niệm tri ân của TT. Thích Quảng Lộc – UV HĐTS, Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang thay mặt Ban Tổ chức gởi lời tri ân đến chư Tôn đức đã dành thời gian về Pháp hội tụng kinh trong suốt một tuần qua. Thượng tọa cũng thay mặt Ban Thường trực BTS tác bạch cúng dường tại buổi lễ này.
Được biết đây là lần thứ hai Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Tiền Giang tổ chức Pháp hội Dược Sư cầu nguyện nhân dịp đầu năm mới. Pháp hội thành tâm cầu nguyện mưa hòa gió thuận, vườn ruộng được mùa, kinh doanh phát triển. Cầu quốc gia hưng thịnh, đồng bào và thập phương Phật tử đều cơm no áo ấm, an vui hạnh phúc.
Đặc biệt, nhằm để ôn lại truyền thống khất thực duy trì huệ mạng của Tăng đoàn thời Đức Phật, trong dịp này, Ban Trị sự tổ chức kinh hành khất thực trong khuôn viên chùa Vĩnh Tràng. Pháp hội Cổ Phật khất thực này gồm 500 chư Tăng Ni tham gia và hơn 1.000 Phật tử tham dự gieo duyên cúng dường.
Khất thực từ lâu được xem là một truyền thống tốt đẹp, là pháp hành cao quý của mười phương chư Phật và của chư vị Tăng Ni. Đây vốn là hoạt động xin thực phẩm để nuôi thân, nhằm tập trung hoàn toàn thời gian cho việc tu tập; cũng là để rèn luyện cho người tu hành đức nhẫn nại. Thông qua pháp khất thực, nhà tu hành gieo duyên giáo hóa chúng sinh.
Người khất sĩ, trên cầu xin giáo pháp chư Phật để tu học, dưới thông qua việc khất thực để giáo hóa mọi người “xin vật chất cho lại tinh thần”. Qua đây người hành hạnh khất thực tạo cơ hội để người cho mài mòn bớt lòng bỏn xẻn, tính ích kỷ và cũng tự cho mình một cơ hội để mài mòn tự ngã “cái ta” của mình.
Hình ảnh những bước chân thanh thản, nụ cười an lạc của đoàn chư Tăng, Ni đi khất thực đã thật sự mang lại cho Phật tử niềm cảm xúc rất hạnh phúc, như cơn gió xuân xua tan mọi phiền muộn trong những ngày cuối cùng của tháng đầu mùa xuân Di lạc.
“Bình bát cơm ngàn nhà
Thân chơi muôn dặm xa
Mắt xanh xem người thế
Mây trắng hỏi đường qua.”
Vân Phàm (ĐSHĐ-127)