Trạm Ðường Chuẩn Hòa thượng sơ tham Chân Tịnh,thường chích đăng trướng trung khán độc. Chân Tịnh ha viết: “Sở vị học giả cầu trị tâm dã. Học tuy đa nhi tâm bất trị, túng học nhi hề ích. Nhi huống bách gia dị học, như sơn chi cao, hải chi thâm, tử nhược vi tận chi, kim khí bản trục mạt, như tiện sử quí, khủng phương đạo
nghiệp. Trực tu đỗ tuyệt chư duyên, đương cầu diệu ngộ, tha nhật quan chi, như suy môn nhập cữu, cố bất nan hỹ”. Trạm Ðường tức thời bình khứ sở tập, chuyên trú thiền quán. Nhất nhật văn nột tử độc Gia Cát Khổng Minh xuất sư biểu, khoát nhiên khai ngộ, ngưng trệ đốn thích, biện tài vô ngại, tại lưu bối trung tiển hữu quá giả.
Dịch nghĩa:
Trạm Ðường Chuẩn Hòa thượng, lúc đầu tham thiền ở Chân Tịnh, thường thắp đèn trong trướng đọc kinh sách. Chân Tịnh liền mắng rằng: “Ðiểm chính của người học là ở chỗ trị tâm. Nếu học dẫu nhiều mà tâm chẳng sửa trị, thì ví có học nhiều cũng chẳng có ích gì. Hơn nữa, lại còn rất nhiều môn học khác của hàng trăm nhà khác nhau, nhiều như núi cao
biển sâu. Vậy ông dù có học hết được tất cả, nhưng đó chỉ là sự việc bỏ gốc theo ngọn, đem cái hèn dùng vào chỗ quí, sợ nó ngăn ngại mất đạo nghiệp. Vậy nên phải chấm dứt mọi duyên, để cầu diệu ngộ. Nếu ở một ngày khác ông xem các môn học ấy, thì dễ dàng cũng như người chỉ việc đẩy chốt cửa mà vào, chẳng gặp chi khó khăn”. Trạm Ðường tức thời dẹp bỏ chỗ mình đang tập, rồi chuyên tu thiền quán. Vào một ngày, ông nghe thấy kẻ nột tử đọc biểu xuất sư của Gia Cát Khổng Minh1 bừng dậy khai ngộ, gỡ hết các chỗ ngưng trệ, có biện tài vô ngại, trong hàng lưu bối ít ai hay vượt được ông.
- Biểu xuất sư: Trạm Ðường khai ngộ nhờ được nghe câu: “Cung trung phủ trung câu vi nhất thể” (trong cung trong phủ đều là một thể), trong bài xuất sư biểu của Gia Cát Lượng.