1. Đặt vấn đề
Cho đến nay, ở Nam bộ nói chung và Đông Nam bộ nói riêng vẫn còn lưu truyền một số truyền thuyết về Tổ Bưng Đỉa (Tổ Đỉa). Các truyền thuyết này không chỉ lan rộng trong phạm vi cộng đồng Phật giáo mà còn được dân gian nơi đây nhắc đến khá nhiều. Do vậy, việc tìm hiểu một số truyền thuyết về nhân vật này rất có ý nghĩa, góp phần vào việc nghiên cứu văn hóa dân gian vùng Đông Nam bộ, nhất là ở Bình Dương. Ngoài ra, nội dung của truyền thuyết rất có giá trị, ý nghĩa trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu văn hóa dân gian ở vùng Đông Nam bộ và giáo dục trong bối cảnh hiện nay.
2. Nội dung của một số truyền thuyết về Tổ Bưng Đỉa
Trước tiên, một câu hỏi đặt ra: Tổ Bưng Đỉa là ai? Tổ Bưng Đỉa, hay còn gọi là Tổ Đỉa, chính là Thiền sư Đạo Trung-Thiện Hiếu. Sách Sơ thảo Phật giáo Bình Dương cho biết: Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu, sinh năm Quí Hợi (1743). Ngài đến vùng Bưng (Cầu Định) vào khoảng năm 1768, được dân làng dựng cho một am nhỏ để tá túc, thiền định. Đến năm 1794 (Giáp Dần), đạo đức của Sư được lan rộng khắp vùng, dân chúng phát tâm xin Tổ cho trùng tu lại chùa để làm nơi thờ phượng được khang trang hơn. Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu có công truyền bá chánh pháp nơi đây. Hiện nay, chưa biết rõ tên tục và nguyên quán của Sư. Chỉ biết Sư là bậc long tượng chốn thiền môn, là vị đã khai sơn và trùng tu nhiều ngôi chùa: Chùa Linh Sơn trên núi Bà Đen (Tây Ninh), chùa Long Hưng (xã Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương), chùa Hội Hưng và chùa Hội Lâm -Bà Tang (huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh)1,… Ngài cũng từng đến hành đạo tại các chùa: Hội Khánh (Thủ Dầu Một), Long Thọ (Thủ Dầu Một), Hội Sơn (Thủ Đức) và Bửu An (Bến Gỗ – Biên Hòa).
Như vậy, thiền sư Đạo Trung -Thiện Hiếu là nhà sư có đạo hạnh, gắn bó với người dân và có công trong việc truyền bá Phật giáo đến vùng đất Đông Nam bộ trong buổi đầu khẩn hoang. Ở Bình Dương, mỗi khi nhắc đến Thiền sư Đạo Trung-Thiện Hiếu thì không thể không nhắc đến ngôi chùa cổ Long Hưng hiện tọa lạc tại xã Tân Định, huyện Bến Cát. Đây là ngôi chùa do Sư thành lập và tu hành, viên tịch tại đây. Căn cứ theo bài kệ truyền thừa của dòng Liễu Quán, phái Lâm Tế cho biết Sư thuộc đời thứ tư của dòng này. Trong Việt Nam Phật giáo sử luận, Nguyễn Lang có nhắc đến chi tiết: Thiền sư Đạo Trung là đệ tử của Thiền sư Đại Cơ, thuộc đời thứ tư của môn phái Liễu Quán. Sư Đại Cơ là đệ tử của ngài Tế Giác và Tế Giác là đệ tử trực tiếp của Tổ Liễu Quán. Nhà sư Đạo Trung, sau 30 năm trụ trì tại Linh Sơn, giao sơn môn này cho đệ tử là Tính Thiên và về khai sơn chùa Long Hưng. Đó là vào năm 17942. Còn theo bài viết Chùa Long Hưng-dấu ấn của Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu trên báo Giác Ngộ cho biết thêm: Sau một thời gian hành đạo ở chùa Long Hưng, Tổ Đạo Trung thâu thần thị tịch vào ngày 20 tháng 12 năm Kỷ Mùi (1800). Nhưng có lẽ Ngài không có đệ tử truyền thừa, nên sau khi viên tịch, vị kế thế trụ trì là Hòa Thượng Tiên Đề – Chơn Phẩm thuộc thế hệ thứ 37 theo dòng Đạo Bổn Nguyên. Qua nhiều thăng trầm của thời gian, hiện chùa này còn lưu lại bảo tháp Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu và một pho tượng của Ngài bằng gỗ mít có niên đại thế kỉ XIX. Ngoài ra, để tưởng niệm ân đức của Ngài, một số chùa ở Bình Dương đã lập long vị để thờ như: Chùa Long Thọ, chùa Hội Khánh. Riêng chùa Thiên Bửu (Bình Nhâm) có lập tháp vọng để thờ Tổ Đạo Trung3. Như vậy, tư liệu văn bản về Tổ Bưng Đỉa hiện còn chưa nhiều nên chưa có thể phác họa được rõ nét chân dung cùng với hành trạng của Sư. Tuy nhiên, trong dân gian ở Bình Dương nói riêng và Đông Nam bộ nói chung thì còn lưu truyền một số truyền thuyết về Tổ. Thông qua đó, thế hệ sau có thể hiểu sâu sắc hơn về cuộc đời cũng như đạo hạnh của vị thiền sư này. Tại sao thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu còn có tên gọi khác là Tổ Bưng Đỉa? Truyền thuyết sau đã giải thích rõ ràng:
Sự tích Tổ Bưng Đỉa
“Tương truyền rằng, Thiền sư Đạo Trung-Thiện Hiếu là vị cao tăng thuộc thế hệ thứ 38 của thiền phái Lâm Tế. Ngài từ chùa Hội Sơn ở Thủ Đức đi hoằng hóa đạo pháp ở nhiều nơi. Ngài có công khai lập chùa Linh Sơn ở núi Điện Bà Tây Ninh. Lúc này, Bà thường hiện ra thành các cô gái đẹp trêu chọc, quyến rũ nhiều vị thiền sư đến đây tu hành. Khi Tổ đến đây, như thường lệ, Bà hiện ra trêu chọc nhưng được Tổ cảm hóa, nguyện qui y theo Phật pháp và sẽ không quấy phá các bậc tu hành nữa. Từ chùa Linh Sơn, Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu lần bước về vùng Thới Hòa-Bến Cát. Thấy cảnh thanh tịnh, đồng ruộng thoáng mát nên Ngài đã dừng chân tới nghĩ ở dưới gốc cây trâm ven bưng. Vùng này tuy đất đai phì nhiêu nhưng rất nhiều đỉa khiến người dân không thể trồng trọt gì được, đồng ruộng bỏ hoang.
Thấy có một vị thiền sư vân du đến, dân làng mến mộ lập am tranh cho Sư tá túc và cầu mong nhà sư chú nguyện đem đến sự bình an cho cuộc sống. Vì thấy đỉa quá nhiều khiến cho cuộc sống người dân khốn đốn, Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu bèn phát nguyện: “Nếu các loài đỉa đói do nghiệp chướng chưa được vãng sanh thì bây giờ sớm giác ngộ vãng sanh và nếu cần, ta nguyện hiến xác thân này cho loài đỉa ở đây và chỉ mong cho dân chúng được bình yên cày cấy”. Nói rồi, Sư bèn trầm mình xuống bưng. Khi Ngài ngồi dưới bưng chú nguyện thì có rất nhiều đỉa vây quanh. Bỗng nhiên, có con đỉa thật to màu trắng bò thẳng lên đầu, nhưng Sư vẫn an nhiên thiền định. Lát sau, con đỉa này và tất cả các đỉa khác ngã lăn ra chết. Từ đây, vùng này không còn các loài đỉa. Dân chúng dễ dàng cày cấy, trồng trọt hơn trước, đời sống được sung túc. Vì vậy, người dân còn gọi Tổ Đạo Trung- Thiện Hiếu là Tổ Bưng Đỉa”4.
Truyền thuyết này không chỉ đã giải thích danh xưng Tổ Bưng Đỉa mà còn cho biết khá nhiều vấn đề về đạo hạnh, nhân cách của Sư Đạo Trung-Thiện Hiếu cũng như quá trình phát triển Phật giáo ở Đông Nam bộ ngày trước. Thuở xưa, vùng đất Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng là nơi hoang vu, khắc nghiệt, thú dữ hoành hành, bệnh tật tràn lan. Do vậy, Phật giáo muốn gắn bó với lưu dân khẩn hoang thì bắt buộc phải nhập thế hành đạo, cùng chia sẻ những khó khăn, hoạn nạn với họ. Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu đã thấy được điều đó, nên Sư mới phát nguyện sẵn sàng xả thân phụng sự chúng sanh. Điều này đã góp phần cho thấy mối quan hệ sâu sắc, bền chặt giữa Phật giáo với người dân ở đây ngay từ buổi ban đầu khẩn hoang lập ấp.
Ngoài ra, sự tích này còn cho thấy tấm lòng ngưỡng mộ, cảm mến ân đức của dân làng Tân Định, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương đối với nhà sư có tấm lòng từ bi, can đảm, không màng đến thân mình để hiến cho loài đỉa đói, chỉ mong sao cho người dân đi bớt khổ cực. Theo quan niệm của đạo Phật, hành động của Sư là noi theo gương Phật, Bồ-tát mà phát đại nguyện vì lợi ích chúng sinh. Đó là Bồ-tát hạnh. Ai muốn có hạnh Bồ-tát thì phải thực hiện bố thí ba la mật. Trong kinh Đại Bồ Tát tạng ghi: “Vì chứng đắc vô thượng Bồ đề, Bồ tát thực hành bố thí Ba-la-mật, nên được mười điều lợi ích đáng khen ngợi”5. Đặc biệt, trong mười điều lợi ích đó thì có: “Nhờ bố thí máu thịt, Bồ-tát được đầy đủ tất cả thân mạng bền vững, bảo hộ, nuôi dưỡng thiện căn chân thật cho tất cả chúng sinh”6.Cho nên, việc làm của Ngài có ý nghĩa gieo duyên, tạo niềm tin, lòng hướng thiện và sự mầu nhiệm của đạo Phật vào lòng người dân.
Truyền thuyết cũng cho thấy, sự xuất hiện một thiền sư từ phương xa đến là một vinh dự lớn của dân làng, thông qua việc dựng am tranh cho Sư làm nơi tu hành và tin rằng Ngài sẽ mang đến sự an lành cho họ. Trong bối cảnh khẩn hoang còn nhiều thách thức và trở ngại, nhu cầu tâm linh của lưu dân là rất lớn, đặc biệt rất cần sự hiện diện của các nhà sư. Tương tự, Trần Hồng Liên cho biết: “Trong bối cảnh xã hội của buổi đầu đi khai hoang, nhà ở còn tạm bợ, cuộc sống lại đầy bất trắc, khí hậu phong thổ chưa phù hợp, bệnh tật và cái chết luôn đe dọa cư dân… Được nghe thuyết giảng về một ít giáo lý nhà Phật, được nghe tiếng kinh đọc tụng, họ cảm thấy ấm áp và an tâm hơn”7. Ngoài hình ảnh nhà sư Đạo Trung-Thiện Hiếu ở Bình Dương, ở vùng đất Nam bộ, trong buổi đầu khẩn hoang với bao trắc trở, còn nhiều tấm gương của các nhà sư sẵn sàng xả thân cứu dân như: Tăng Ân và Trí Năng (Gia Định), Viên Ngộ (Cần Giuộc, Long An), Long Thiền (Châu Thành, Bến Tre),… Như vậy, thông qua hành động của các thiền sư này, chúng ta thấy Phật giáo đã nhập thế “hết mình” với tinh thần đồng cam cộng khổ, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống ở vùng đồng bằng Nam bộ khi xưa. Đồng thời, đây là nguyên nhân quan trọng góp phần giải thích tại sao đạo Phật lại bén rễ sâu và có ảnh hưởng lớn đến văn hóa, xã hội của người dân ở đây. Không dừng lại ở đó, Sự tích Tổ Bưng Đỉa còn phản ánh mối quan hệ giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian. Ở Việt Nam, do văn hóa mang tính dung hợp, Phật giáo và các hình thức tín ngưỡng dân gian thâm nhập qua lại, nhưng Phật giáo luôn ở vị trí cao hơn tín ngưỡng dân gian và Đạo giáo. Câu chuyện Phật Bà Quan Âm hòa giải cuộc chiến ở Sòng Sơn giữa các đạo sĩ của phái Nội đạo và Mẫu Liễu Hạnh, rồi sau đó còn qui y cho Mẫu Liễu đã thể hiện điều đó. Việc Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu đã cảm hóa và qui y Linh Sơn Thánh Mẫu cũng có ý nghĩa như trên. Ngoài ra, thông qua truyện này cho biết con đường truyền đạo của sư đi từ vùng Thủ Đức lên Tây Ninh rồi xuống Bình Dương. Điều này góp phần cho việc hình dung con đường truyền bá Phật giáo ở vùng Đông Nam bộ trước đây và con đường đó không mấy dễ dàng đối với các vị thiền sư khi trước.Cho đến nay, dân gian còn nhắc đến Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu là bậc chân tu, có đạo hạnh cao thâm, viên thành đạo quả. Điều này đã góp phần củng cố niềm tin của người dân đối với Phật giáo. Truyền thuyết Xá lợi của Tổ Đạo Trung-Thiện Hiếu đã cho biết điều đó.
(Còn tiếp)
Th.S. Dương Hoàng Lộc (ĐSHĐ-015)
- Thích Huệ Thông, Sơ Thảo Phật giáo Bình Dương, NXB Mũi Cà Mau và Tỉnh hội Phật giáo Bình Dương, 2000, tr. 85-86.
- Dẫn theo: http: //langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/thien-tap/viet-nam-phat-giao-su-luan/chuong-22-thien-phai-lam-te-va-phat-giao-dang-trong.
- Nguồn: https: //giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=5BC41
- Câu chuyện này do Thượng tọa Thích Huệ Thông-Trụ trì chùa Hội Khánh, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương kể lại.
- Thích Nguyên Chơn (chủ biên), Thiện ác nghiệp báo chư kinh yếu tập (tập 1), TP.HCM, NXB Phương Đông, 2009, trang 668.
- Thích Nguyên Chơn (chủ biên), Thiện ác nghiệp báo chư kinh yếu tập (tập 1), TP.HCM, NXB Phương Đông, 2009, trang 668
- Trần Hồng Liên, Góp phần tìm hiểu Phật giáo ở Nam bộ, Hà Nội, NXB. Khoa học Xã hội, 2004, trang 15.