Hơn 40 năm từ ngày thành lập Học viện, chiều ngày 30/10/2023, Luận án Tiến sĩ cấp Học viện đầu tiên được tổ chức tại Cơ sở 1 (Thiền viện Vạn Hạnh – Q. Phú Nhuận, TP. HCM) cho nghiên cứu sinh Thích Định Phúc (thế danh Nguyễn Hoàng Phúc – khóa I, 2019). Kể từ khi Học viện được thí điểm đào tạo tiến sĩ Phật học, đây là Nghiên cứu sinh (NCS) đầu tiên hoàn thành luận án với đề tài “Nghiên cứu Y ca-sa trong Phật giáo Theravada” do HT. TS. Thích Bửu Chánh và TT. TS. Thích Nhật Từ đồng hướng dẫn.
Hội đồng bảo vệ Luận án do HT. TS. Thích Thiện Tâm – Phó Chủ tịch HĐTS làm Chủ tịch; Uỷ viên nhận xét có HT. TS. Pháp Tông, HT. TS. Danh Lung, TT. TS. Thích Viên Trí, TT. TS Thích Chơn Minh; TT. TS. Thích Giác Hoàng; NS. TS Thích Nữ Liễu Pháp – Uỷ viên Thư ký. Từ góc nhìn liên ngành Phật học và Sử học, sự chấm chéo giữa các khoa và các hệ phái Phật giáo, nhất là sự xuất hiện của những bậc Thầy lớn trong Phật giáo Theravada đã tạo nên một sức hút lớn khi cùng ngồi lại, chia sẻ với nhau những góc nhìn khoa học rất mới mẻ và cũng rất truyền thống.
Mở đầu buổi bảo vệ, Phòng Sau Đại học (TT.TS. Thích Đồng Văn) và Thư ký Hội đồng (Ni sư TS. Thích Nữ Liễu Pháp) đã báo cáo kết quả nghiên cứu cũng như lý lịch trích ngang của nghiên cứu sinh. Kế đó, Luận án được trình bày tóm lược trong 30 phút với 3 chương: Tổng quan về Y Ca Sa trong Phật giáo Theravada; Quy định cách sử dụng y trong Luật tạng; Kích thước và màu sắc y trong Phật giáo Therevada. Thông qua kết quả trình bày, Luận văn đã cho thấy những đóng góp mới của Nghiên cứu sinh trong việc làm nên một nghiên cứu đầu tiên về Y ca sa, pháp phục của Phật giáo Theravada; Khẳng định giá trị, ý nghĩa của tấm y đối với đời sống xuất gia; Hệ thống những điều học và quy định liên quan đến y bằng những giải thích mới, dễ hiểu.
Sau phần trình bày Luận văn, chư Tôn đức trong Hội đồng khoa học lần lượt đánh giá, nhận xét và đặt câu hỏi để Nghiên cứu sinh có thể điều chỉnh, bổ sung, mở rộng hơn hướng tiếp cận cho đề tài. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đánh giá cao nỗ lực của NCS Thích Định Phúc trong việc so sánh, đối chiếu nhiều nguồn tư liệu Kinh điển, Luật học của các bộ phái Phật giáo để làm sáng tỏ những nét tương đồng, dị biệt giữa truyền thống văn hóa trong việc truyền thừa và phát triển y Kathina. Với những câu hỏi được đặt ra từ Hội đồng, Nghiên cứu sinh lần lượt giải trình và cũng nhận được sự bảo vệ từ giáo sư hướng dẫn (TT. Thích Nhật Từ).
Sau lời tri ân đến từ nhị vị thân giáo sư, HT.TS. Thích Thiện Tâm đã đúc kết ý kiến chung và tiến tới cuộc họp kín nhằm hội ý, trao đổi và công bố kết quả cho công trình nghiên cứu. Thay lời Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng, TT. Thích Viên Trí công bố NCS Thích Định Phúc đã đạt được học vị Tiến sĩ với kết quả xếp vào loại khá. Tuy nhiên, NCS vẫn phải tiếp tục bổ sung, hoàn thiện luận án theo sự góp ý của Hội đồng và gởi về Học viện lưu trữ.
Sự thành công này không chỉ cho thấy nỗ lực của Nghiên cứu sinh mà còn góp phần đáp ứng được mục tiêu thí điểm đầu tiên của Học viện. Đặc biệt, đánh dấu một bước tiến mới, khởi sắc mới trong ngành giáo dục – đào tạo, nghiên cứu học thuật của Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh trong suốt 40 năm qua (kể từ ngày thành lập Học viện đến nay). Tất nhiên, Luận án còn mang lại ý nghĩa, giá trị quý giá cho lĩnh vực văn hóa Phật giáo; qua việc chỉ rõ sự đa dạng của y phục trong quá trình truyền thừa đến các nền văn hóa khác nhau cũng như tính thực tiễn của đề tài trong việc thực hiện các chủ trương pháp phục Tăng Ni do Trung ương Giáo hội chỉ đạo. Trên tinh thần giới luật, Luận án cũng đã góp phần to lớn vào việc gìn giữ giá trị truyền thống, bản sắc cũng như những nét đặc trưng riêng của Tăng đoàn Phật giáo Theravada. Nhìn chung, sự thành công của Luận án không chỉ là tín hiệu tốt dành riêng cho chư Tôn đức lãnh đạo đứng đầu cán cân giáo dục của Học viện mà còn là tín hiệu truyền lửa cho Tăng Ni Việt Nam cùng tiếp tục học tập, nhìn lại những nỗ lực của bản thân trong con đường học Phật và dùi mài kinh sử.
PV. Hoa Đàm
Sc Nhẫn Hoà diễn đọc